TÔNG HUẤN VỀ ƠN GỌI NÊN THÁNH TRONG THẾ GIỚI NGÀY NAY
TÔNG HUẤN
GAUDETE ET EXSULTATE
CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ
VỀ ƠN GỌI NÊN THÁNH
TRONG THẾ GIỚI NGÀY NAY
1. “CÁC CON HÃY VUI MỪNG VÀ HÂN HOAN” [là câu] Chúa Giêsu nói với những người bị bách hại hoặc bị xỉ nhục vì Người (Mt 5:12). Chúa đòi hỏi mọi sự nơi chúng ta, và đổi lại Người ban cho chúng ta sự sống thật, là hạnh phúc mà vì nó chúng ta được dựng nên. Người muốn chúng ta thành những vị thánh chứ không phải chỉ hài lòng với một cuộc sống tẻ nhạt và tầm thường. Ơn gọi nên thánh hiện diện nhiều cách khác nhau ngay từ những trang đầu của Thánh Kinh. Chúng ta thấy điều ấy được diễn tả trong lời Chúa phán cùng ông Abraham: “Hãy đi trước mặt Ta, và hãy nên trọn lành” (St 17: 1).
2. Những điều sau đây không phải là một tiểu luận về sự thánh thiện, chứa đựng các định nghĩa và sự phân biệt hữu ích cho sự hiểu biết chủ đề quan trọng này, hoặc một cuộc thảo luận về các phương tiện thánh hoá. Mục tiêu khiêm tốn của tôi là tái đề nghị lời mời gọi nên thánh một cách thực tế cho thời đại của chúng ta, với tất cả những rủi ro, thách đố và cơ hội. Vì Chúa đã chọn mỗi người trong chúng ta “để nên thánh và trọn lành trước mặt Người trong tình yêu” (Eph 1: 4).
Toàn bộ Tông huấn GAUDETE ET EXSULTATE .doc
CHƯƠNG I
ƠN GỌI NÊN THÁNH
CÁC THÁNH ĐANG KHUYẾN KHÍCH VÀ ĐỒNG HÀNH VỚI CHÚNG TA
3. Thư gửi tín hữu Do Thái trình bày một số chứng từ khuyến khích chúng ta “kiên tâm chạy trong cuộc đua trước mặt chúng ta” (12: 1). Thư nhắc đến ông Abraham, bà Sara, ông Môsê, ông Giđeon và những người khác (xem 11: 1-12: 3). Trên hết, thư mời gọi chúng ta nhận ra rằng “một đám mây nhân chứng vĩ đại” (12: 1) thúc đẩy chúng ta không ngừng tiến bước hướng về mục tiêu. Những nhân chứng này có thể bao gồm các bà mẹ, các bà (nội ngoại) của chúng ta hoặc những người thân yêu khác (xem 2 Tim 1: 5). Cuộc sống của họ có thể không phải lúc nào cũng hoàn hảo, nhưng ngay cả giữa những lỗi lầm và thất bại của họ, họ vẫn tiếp tục tiến bước và tỏ ra rất đẹp lòng Chúa.
4. Các thánh giờ đây sống trong sự hiện diện của Thiên Chúa nhưng vẫn duy trì mối dây yêu thương và hiệp thông của các ngài với chúng ta. Sách Khải Huyền chứng minh điều này khi nói về sự cầu bầu của các vị tử vì đạo: “Tôi thấy dưới bàn thờ, các linh hồn của những người đã bị giết vì Lời Chúa và vì chứng từ họ đã làm; họ kêu lớn tiếng rằng, ‘Lạy Chúa Tể chí thánh và chân thật, đến bao giờ Người mới xét xử?’” (6: 9-10). Mỗi người chúng ta có thể nói: “Được bao quanh, dẫn đầu và hướng dẫn bởi những người anh chị em của Thiên Chúa.... Tôi không cần phải vác một mình, thật ra, tôi không bao giờ có thể vác một mình. Tất cả các thánh của Thiên Chúa đều ở đó để bảo vệ tôi, để nâng đỡ tôi và cõng tôi”.
5. Các tiến trình phong chân phước và phong thánh công nhận những dấu chỉ về đức tính anh hùng, việc hy sinh mạng sống của một người trong việc tử vì đạo, và những trường hợp nào đó mà đời sống không ngừng được hiến cho tha nhân, thậm chí cho đến khi chết. Điều này cho thấy việc noi gương Đức Kitô cách điển hình, một điều đáng cho các tín hữu ngưỡng mộ. Chẳng hạn như, chúng ta có thể nghĩ đến Chân Phước Maria Gabriella Sagheddu, người đã hiến đời mình cho việc hiệp nhất của các Kitô hữu.
CÁC VỊ THÁNH “BÊN CẠNH NHÀ” CHÚNG TA
6. Chúng ta không cần chỉ nghĩ đến những vị đã được phong chân phước và phong thánh. Chúa Thánh Thần ban tràn đầy sự thánh thiện giữa dân thánh và trung tín của Thiên Chúa, vì “Thiên Chúa đã vui lòng làm cho những người nam nữ nên thánh và cứu họ, không phải như những cá nhân chẳng có liên hệ gì với nhau, mà như một dân có thể nhìn nhận Ngài trong chân lý và phụng sự Ngài trong sự thánh thiện”. Trong lịch sử cứu độ, Chúa đã cứu một dân. Chúng ta không bao giờ hoàn toàn là chính mình trừ khi chúng ta thuộc về một dân. Đó là lý do tại sao không ai được cứu một mình, như một cá nhân cô lập. Trái lại, Thiên Chúa kéo chúng ta đến với Ngài, trong khi kể đến cả cơ cấu phức tạp của các mối liên hệ giữa các cá nhân trong cộng đồng nhân loại. Thiên Chúa muốn bước vào đời sống và lịch sử của một dân tộc.
7. Tôi thích chiêm ngưỡng sự thánh thiện hiện diện trong sự kiên nhẫn của dân Thiên Chúa: nơi những cha mẹ nuôi nấng con cái họ với tình yêu thương bao la, nơi những người nam nữ làm việc chăm chỉ để nuôi sống gia đình, nơi người bệnh tật, nơi các tu sĩ già cả mà không bao giờ mất nụ cười của họ. Trong sự kiên trì hàng ngày của họ, tôi thấy sự thánh thiện của Hội Thánh đang chiến đấu. Rất thường thì đó là một sự thánh thiện được tìm thấy ở những người hàng xóm cạnh nhà chúng ta, là những người, đang sống giữa chúng ta, phản ảnh sự hiện diện của Thiên Chúa. Chúng ta có thể gọi họ là “giai cấp trung lưu của sự thánh thiện”.
8. Chúng ta hãy được khích lệ bởi những dấu chỉ của sự thánh thiện mà Chúa cho chúng ta thấy qua các phần tử khiêm tốn nhất của dân ấy, là dân “cũng chia sẻ chức năng ngôn sứ của Đức Kitô, khi truyền bá một chứng từ sống động cho Người, đặc biệt là bằng một đời sống đức tin và đức ái”. Chúng ta nên kể đến sự thể là, như Thánh Têrêsa Bênêđicta Thánh Giá đề nghị, lịch sử thực sự được thực hiện bởi rất nhiều người trong họ. Khi chị viết: “Các nhân vật vĩ đại nhất của việc làm ngôn sứ và sự thánh thiện bước ra từ đêm tăm tối nhất. Nhưng phần lớn dòng hình thành của cuộc sống thần bí vẫn còn không thể thấy được. Chắc chắn những bước ngoặt quyết định nhất trong lịch sử thế giới đều được đồng xác định cách thực tế bởi những linh hồn không bao giờ được một sách lịch sử nào đề cập đến. Và chúng ta sẽ chỉ biết về những linh hồn ấy, mà chúng ta vẫn mắc nợ họ vì những bước ngoặt quyết định trong cuộc sống cá nhân của chúng ta vào ngày mà tất cả những gì ẩn dấu đều được tỏ lộ”.
9. Sự thánh thiện là bình diện hấp dẫn nhất của Hội Thánh. Nhưng ngay cả bên ngoài Hội Thánh Công giáo và trong những hoàn cảnh rất khác nhau, Chúa Thánh Thần làm nổi lên “những dấu chỉ của sự hiện diện của Ngài, để giúp cho những người theo Đức Kitô”. Thánh Gioan Phaolô II nhắc nhở chúng ta rằng “chứng nhân cho Đức Kitô phải chịu ngay cả việc đổ máu đã trở thành một gia sản chung của người Công Giáo, Chính Thống, Anh giáo và Tin Lành”. Trong cuộc tưởng niệm đại kết cảm động được tổ chức tại Hý Trường (Colosseum) vào Đại Năm Thánh 2000, ngài đã tuyên bố rằng các vị tử đạo là “một di sản nói lên một cách mạnh mẽ hơn tất cả các nguyên nhân của sự chia rẽ”.
CHÚA MỜI GỌI
10. Tất cả điều này đều quan trọng. Tuy nhiên, với Tông Huấn này, tôi muốn nhấn mạnh cách chủ yếu đến lời mời gọi nên thánh mà Chúa nói với mỗi người trong chúng ta, lời mời gọi mà Người cũng nói, một cách cá nhân, với từng người: “Hãy nên thánh, vì Ta là thánh” (Lev 11:44 , xem 1 Phêrô 1:16). Công đồng Vaticanô II đã nói rõ điều này: “Được củng cố bởi rất nhiều phương tiện cứu rỗi lớn lao như thế, tất cả mọi tín hữu, bất kể ở điều kiện hay bậc sống nào đều được Chúa mời gọi – mỗi người theo cách của riêng mình - đến sự thánh thiện trọn lành như chính Đức Chúa Cha là Đấng trọn lành”.
11. Công Đồng nói, “Mỗi người theo cách riêng của mình”. Chúng ta không nên nản chí trước các mẫu gương thánh thiện có vẻ như không thể đạt được. Có một số chứng từ có thể hữu ích và gợi hứng cho chúng ta, nhưng không phải là để chúng ta sao chép, vì điều ấy thậm chí có thể dẫn chúng ta đi sai con đường riêng mà Chúa có ý dành cho chúng ta. Điều quan trọng là mỗi tín hữu nhận ra con đường riêng của chính mình, là họ nói lên những điều tốt nhất của chính mình, những hồng ân cá nhân nhất mà Thiên Chúa đã đặt trong lòng họ (xem 1Cr 12:7), thay vì vô vọng cố gắng bắt chước một điều gì đó không dành cho họ. Tất cả chúng ta đều được mời gọi làm nhân chứng, nhưng có nhiều cách thực tế để làm nhân chứng. Thật vậy, khi nhà thần bí vĩ đại, Thánh Gioan Thánh Giá, viết Ca Khúc Tâm Linh (Spiritual Canticle) của mình, ngài thích tránh tất cả những quy tắc cứng rắn và chặt chẽ. Ngài giải thích rằng các vần thơ của ngài được sáng tác để có thể hữu ích cho mọi người, mỗi người “theo cách của riêng mình”. Vì sự sống của Thiên Chúa được truyền đạt “cho một số người theo cách này và cho những người khác theo cách khác”.
12. Bằng những hình thức khác nhau này, tôi cũng nhấn mạnh rằng “thiên tài của người phụ nữ” được nhìn thấy trong những phong cách thánh thiện nữ tính, là phương tiện thiết yếu để phản ảnh sự thánh thiện của Thiên Chúa trong thế giới này. Thật vậy, trong những thời mà phụ nữ có khuynh hướng bị lờ đi hoặc không được nhìn đến, Chúa Thánh Thần đã làm nổi bật những vị thánh mà sự hấp dẫn của các ngài đã tạo ra sức mạnh tinh thần mới và những cải cách quan trọng trong Hội Thánh. Chúng ta có thể đề cập đến Thánh Hildegard thành Bingen, Thánh Bridget, Thánh Catarina thành Siena, Thánh Têresa thành Avila và Thánh Têrêsa thành Lisieux. Nhưng tôi cũng nghĩ đến tất cả các phụ nữ vô danh hoặc bị quên lãng, mỗi người theo cách riêng của mình, đã nâng đỡ và biến đổi các gia đình và cộng đồng bằng sức mạnh của chứng từ của họ.
13. Điều này phải kích thích và khuyến khích chúng ta dâng hiến tất cả và ôm lấy kế hoạch đặc biệt mà Thiên Chúa muốn cho mỗi người chúng ta từ muôn thủa: “Trước khi Ta thành hình ngươi trong bụng mẹ, Ta đã biết ngươi” (Gr 1: 5).
CŨNG CHO ANH CHỊ EM
14. Ðể nên thánh không buộc phải là một giám mục, một linh mục hay một tu sĩ. Chúng ta thường bị cám dỗ để nghĩ rằng sự thánh thiện chỉ dành cho những ai có thể rút lui khỏi công việc bình thường để dành nhiều thời gian cầu nguyện. Trường hợp đó không đúng. Tất cả chúng ta đều được mời gọi nên thánh bằng cách sống cuộc đời với tình yêu và bằng cách làm chứng trong mọi công việc mình làm, ở bất cứ nơi nào mình sống. Anh chị em được mời gọi đến đời sống thánh hiến ư? Hãy nên thánh bằng cách sống quyết tâm của mình với niềm vui. Anh chị em đã kết hôn ư? Hãy nên thánh bằng cách yêu thương và chăm sóc cho chồng hay vợ mình, như Đức Kitô chăm sóc cho Hội Thánh. Anh chị em làm việc để kiếm sống ư? Hãy nên thánh bằng cách làm việc với sự liêm chính và kỹ năng trong khi phục vụ anh chị em mình. Anh chị em là cha mẹ hoặc ông bà ư? Hãy nên thánh bằng cách kiên nhẫn dạy dỗ trẻ nhỏ cách theo Chúa Giêsu. Anh chị em ở địa vị thẩm quyền ư? Hãy nên thánh bằng cách làm việc cho công ích và từ bỏ lợi ích cá nhân.
15. Hãy để ân sủng của bí tích Rửa Tội của anh chị em sinh hoa trái trên con đường nên thánh. Hãy để mọi thứ được mở ra cho Thiên Chúa; hướng về Ngài trong mọi tình huống. Đừng lo sợ, vì quyền năng của Chúa Thánh Thần cho phép anh chị em làm điều này, và cuối cùng, sự thánh thiện là hoa trái của Chúa Thánh Thần trong cuộc sống của anh chị em (x. Ga 5: 22-23). Khi anh chị em cảm thấy bị cám dỗ ở lỳ trong sự yếu đuối của mình, thì hãy ngước mắt nhìn lên Đức Kitô chịu đóng đinh và thưa: “Lạy Chúa, con là một kẻ tội lỗi đáng thương, nhưng Chúa có thể làm phép lạ để làm cho con tốt hơn một chút”. Trong Hội Thánh, tuy thánh thiện, nhưng bao gồm những người tội lỗi, anh chị em sẽ tìm thấy mọi điều anh chị em cần để lớn lên theo hướng thánh thiện. Chúa đã ban cho Hội Thánh các món quà Thánh Kinh, các bí tích, các nơi thánh, các cộng đoàn sống động, chứng từ của các thánh và vẻ đẹp đa diện, bắt nguồn từ tình yêu của Thiên Chúa, “như một cô dâu trang điểm với đồ trang sức” (Is 61:10).
16. Sự thánh thiện này mà Chúa mời gọi anh chị em sẽ lớn lên bằng những cử chỉ nho nhỏ. Đây là một thí dụ: một phụ nữ đi mua sắm, chị ấy gặp một người hàng xóm và họ bắt đầu nói chuyện, và việc bép xép bắt đầu. Nhưng chị ấy tự nhủ trong lòng: “Không, tôi sẽ không nói xấu ai cả”. Đây là một bước tiến trong sự thánh thiện. Sau đó, ở nhà, một trong những đứa con của chị muốn nói chuyện với chị về những hy vọng và ước mơ của nó, và mặc dù mệt mỏi, chị ấy ngồi xuống và lắng nghe với sự kiên nhẫn và tình yêu. Đó là một sự hy sinh khác mang lại sự thánh thiện. Sau đó, chị trải qua một vài lo âu, nhưng nhớ lại tình yêu của Đức Trinh Nữ Maria, chị lấy tràng hạt ra và cầu nguyện với đức tin. Một con đường nên thánh khác. Rồi chị ra đường, gặp một người nghèo và dừng lại để nói một lời tử tế với người ấy. Thêm một bước nữa.
17. Đôi khi, cuộc sống đặt ra những thách đố lớn. Qua chúng, Chúa lại một lần nữa mời gọi chúng ta đến một sự hoán cải có thể làm cho ân sủng của Người trở nên rõ ràng hơn trong cuộc sống của mình “ngõ hầu chúng ta có thể chia sẻ sự thánh thiện của Người” (Dt 12:10). Vào những lúc khác, chúng ta chỉ cần tìm một cách hoàn hảo hơn để làm những gì chúng ta đang làm: “Có những sự linh hứng chỉ hướng đến việc hoàn thiện hoá một cách phi thường những điều bình thường chúng ta làm trong cuộc sống”. Khi Hồng y Phanxicô Xavier Nguyễn văn Thuận bị tù, ngài đã không chịu lãng phí thì giờ chờ đợi ngày ngài được trả tự do. Thay vào đó, ngài đã chọn “sống giây phút hiện tại, và làm cho nó đầy tình thương”. Ngài quyết định: “Tôi sẽ nắm lấy những cơ hội hiện diện mỗi ngày; Tôi sẽ hoàn thành các hành động bình thường một cách phi thường”.
18. Bằng cách này, được ân sủng của Thiên Chúa hướng dẫn, chúng ta hình thành bằng nhiều cử chỉ nhỏ bé sự thánh thiện mà Thiên Chúa đã muốn cho chúng ta, không phải như các người nam và người nữ đủ cho chính mình, mà là “những người quản lý tốt của ân sủng đa dạng của Thiên Chúa” (1 Phr 4:10). Các giám mục Tân Tây Lan đúng khi dạy chúng ta rằng chúng ta có khả năng yêu thương với tình yêu vô điều kiện của Chúa, bởi vì Chúa Phục Sinh chia sẻ sự sống mãnh liệt của Người với đời sống mỏng manh của chúng ta: “Tình yêu của Người không có giới hạn và, một khi được ban cho, thì không bao giờ bị lấy lại. Nó không có điều kiện và vẫn trung tín. Để yêu như thế không phải là dễ dàng bởi vì chúng ta thường quá yếu đuối. Nhưng chỉ thử yêu như Đức Kitô yêu thương chúng ta cho thấy rằng Đức Kitô chia sẻ sự sống lại của Người với chúng ta. Bằng cách này, đời sống của chúng ta chứng tỏ quyền của Người đang hoạt động - ngay cả trong sự yếu đuối của con người”.
SỨ VỤ CỦA ANH CHỊ EM TRONG ĐỨC KITÔ
19. Một Kitô hữu không thể nghĩ đến sứ vụ của mình trên thế gian mà không nhìn thấy nó như một con đường để nên thánh, vì “đây là ý muốn của Thiên Chúa, sự thánh hóa của anh em” (1 Th 4:3). Mỗi vị thánh là một sứ vụ, được Chúa Cha dự định để phản ánh và hiện thân, ở một thời điểm cụ thể trong lịch sử, một khía cạnh nào đó của Tin Mừng.
20. Sứ vụ ấy có ý nghĩa trọn vẹn nhất trong Đức Kitô, và chỉ có thể hiểu được qua Người. Ở cốt lõi của nó, sự thánh thiện là việc trải nghiệm, trong sự kết hợp với Đức Kitô, những mầu nhiệm của cuộc đời Người. Nó bao gồm việc kết hợp chúng ta với cái chết và sự phục sinh của Chúa bằng một phương cách độc đáo và cá nhân, liên tục chết và sống lại với Người. Nhưng nó cũng có thể đòi hỏi phải tái tạo trong cuộc sống của mình những khía cạnh khác nhau của cuộc đời trần thế của Chúa Giêsu: cuộc sống ẩn dật, cuộc sống của Người trong cộng đồng, gần gũi với những kẻ bị bỏ rơi, nghèo đói và những cách khác mà Người đã diễn tả tình yêu tự hiến của Người. Sự chiêm niệm về những mầu nhiệm này, như Thánh Ignatiô thành Loyola đã chỉ ra, dẫn chúng ta đến việc nhập thể chúng trong những lựa chọn và thái độ của mình. Bởi vì “mọi sự trong đời sống của Chúa Giêsu là dấu chỉ của mầu nhiệm của Người”, “toàn thể đời sống của Đức Kitô là mặc khải về Chúa Cha”, “toàn thể cuộc đời của Đức Kitô là một mầu nhiệm cứu chuộc”, ‘toàn thể cuộc đời Đức Kitô là một mầu nhiệm về việc đồng quy [về Đức Kitô]”. “Đức Kitô cho phép chúng ta sống trong Người tất cả những gì chính Người đã sống, và Người sống nó trong chúng ta”.
21. Kế hoạch của Chúa Cha là Đức Kitô, và chính chúng ta trong Người. Cuối cùng, chính Đức Kitô là Đấng yêu thương trong chúng ta, vì “sự thánh thiện không là gì khác hơn là đức ái được sống trọn vẹn”. Kết quả là, “thước đo sự thánh thiện của chúng ta xuất phát từ tầm vóc mà Đức Kitô đạt được trong chúng ta, đến mức độ mà, do quyền năng Chúa Thánh Thần, chúng ta dùng Người làm mẫu mực cho cả cuộc đời mình”. Mỗi vị thánh là một sứ điệp mà Chúa Thánh Thần lấy từ sự sung mãn của Chúa Giêsu Kitô và ban cho người dân Người.
22. Để nhận ra lời mà Chúa muốn nói với chúng ta qua một trong các vị thánh của Người, chúng ta không cần phải vướng mắc vào các chi tiết, vì ở đó chúng ta cũng có thể gặp các sai lầm và thất bại. Không phải mọi sự một thánh nhân nói đều hoàn toàn trung thành với Tin Mừng; không phải tất cả những gì ngài làm đều xác thực hay hoàn hảo. Điều chúng ta cần phải chiêm ngắm là toàn thể cuộc đời, toàn thể cuộc hành trình lớn lên trong sự thánh thiện, việc phản chiếu Chúa Giêsu Kitô xuất hiện khi chúng ta hiểu được ý nghĩa tổng thể của các ngài như một con người.
23. Đây là một lời triệu tập mãnh liệt cho tất cả chúng ta. Anh chị em cũng cần phải nhìn toàn thể cuộc đời của mình như một sứ vụ. Hãy cố gắng làm thế qua việc lắng nghe Thiên Chúa trong cầu nguyện và nhận ra các dấu chỉ mà Ngài ban cho anh chị em. Hãy luôn cầu xin Chúa Thánh Thần điều mà Chúa Giêsu mong đợi ở anh chị em từng giây phút của cuộc đời anh chị em và trong mỗi quyết định của anh chị em, để phân biệt vị trí của nó trong sứ vụ mà anh chị em đã nhận được. Hãy để cho Chúa Thánh Thần rèn đúc trong anh chị em mầu nhiệm cá nhân có thể phản chiếu Chúa Giêsu Kitô trong thế giới ngày nay.
24. Chớ gì anh chị em nhận ra lời ấy là gì, sứ điệp của Chúa Giêsu mà Thiên Chúa muốn nói với thế giới bằng đời sống của anh chị em. Hãy để cho mình được biến đổi. Hãy để cho mình được Chúa Thánh Thần đổi mới, ngõ hầu điều này có thể xảy ra, nếu không thì anh chị em thất bại trong sứ vụ cao quý của mình. Chúa sẽ mang nó đến hoàn thành bất chấp các lỗi lầm và sơ xuất của anh chị em, với điều kiện là anh chị em không từ bỏ con đường yêu thương mà vẫn luôn mở lòng ra cho ân sủng siêu nhiên của Người, là điều thanh lọc và soi sáng.
HOẠT ĐỘNG THÁNH HOÁ
25. Cũng như anh chị em không thể hiểu được Đức Kitô ở ngoài vương quốc mà Người đến để mang lại, vì vậy sứ vụ cá nhân của anh chị em cũng không thể tách ra khỏi việc xây dựng vương quốc ấy: “Tiên vàn hãy tìm Nước Thiên Chúa và sự công chính của Ngài” (Mt 6:33). Sự đồng hoá của anh chị em với Đức Kitô và ý muốn của Người liên quan đến cam kết cùng Người xây dựng một vương quốc tình yêu, công lý và hòa bình phổ quát. Chính Đức Kitô muốn cảm nghiệm điều này với anh chị em, trong tất cả các nỗ lực và hy sinh mà vương quốc này đòi hỏi, nhưng cũng trong tất cả niềm vui và sự phong phú mà vương quốc này mang đến. Anh chị em không thể lớn lên trong sự thánh thiện mà không tự mình dấn thân, bằng cả thân xác lẫn linh hồn, để cố gắng hết sức cho nỗ lực này.
26. Thật không lành mạnh khi yêu sự thinh lặng trong lúc chạy trốn việc tương tác với người khác, muốn được bình an và yên tĩnh trong khi tránh hoạt động, tìm cầu nguyện trong khi thờ ơ với việc phục vụ. Tất cả mọi sự đều có thể được chấp nhận và hòa nhập vào cuộc sống của chúng ta trong thế giới này, và trở nên một phần của con đường nên thánh của chúng ta. Chúng ta được mời gọi để làm người chiêm niệm ngay cả trong hành động và lớn lên trong sự thánh thiện bằng cách thi hành sứ vụ riêng của mình một cách có trách nhiệm và đại lượng.
27. Chúa Thánh Thần có thúc giục chúng ta thi hành một sứ vụ và sau đó yêu cầu chúng ta từ bỏ nó, hoặc không hoàn toàn tham gia vào nó, để bảo vệ sự bình an nội tâm của mình không? Tuy nhiên, đã có những lúc chúng ta bị cám dỗ để hạ thấp sự tham gia hoặc cam kết mục vụ trong thế gian vào vị thế thứ yếu, như thể chúng là “những trò tiêu khiển” dọc theo con đường lớn lên trong sự thánh thiện và sự bình an nội tâm. Chúng ta có thể quên rằng “cuộc sống không có một sứ vụ, mà là một sứ vụ”.
28. Không cần phải nói, bất cứ điều gì được thực hiện từ sự lo âu, tự hào hoặc nhu cầu gây ấn tượng với những người khác sẽ không dẫn đến sự thánh thiện. Chúng ta được thách đố để chứng tỏ sự cam kết của mình bằng một cách mà mọi sự chúng ta làm có ý nghĩa theo Tin Mừng và đồng hoá mình nhiều hơn với Chúa Giêsu Kitô. Thí dụ, chúng ta thường nói về linh đạo của giáo lý viên, linh đạo của linh mục triều, linh đạo của công việc. Cũng vì lý do đó, trong Evangelii Gaudium tôi đã kết luận bằng cách nói về một linh đạo của sứ vụ, trong Laudato Si' về một linh đạo môi sinh, và trong Amoris Laetitia về một linh đạo của đời sống gia đình.
29. Điều này không có nghĩa là bỏ qua sự cần thiết của những giây phú yên tĩnh, cô tịch và im lặng trước Thiên Chúa. Ngược lại. Sự hiện diện liên tục của các vật dụng mới, sự kích động của việc du lịch và hàng loạt các hàng hoá tiêu thụ đôi khi không để cho tiếng nói của Thiên Chúa được lắng nghe. Chúng ta bị tràn ngập bởi những lời nói, bởi những thú vui phiến diện và bởi một tiếng ồn ào càng ngày càng gia tăng, không được đổ đầy bằng niềm vui, mà bằng sự bất mãn của những người mà cuộc sống đã mất đi ý nghĩa. Làm thế nào chúng ta không thể nhận ra nhu cầu phải chặn cuộc đua này lại và và phục hồi không gian cá nhân cần thiết để thực hiện một cuộc đối thoại chân thành với Thiên Chúa? Tìm được không gian ấy có thể là điều đau đớn nhưng nó luôn luôn hiệu quả. Sớm hay muộn, chúng ta cũng phải đối diện với chính con người thật của mình và để cho Chúa đi vào. Điều này có thể không xảy ra trừ khi “chúng ta thấy mình đang nhìn chằm chằm vào vực thẳm của một cám dỗ đáng sợ, hoặc có cảm giác chóng mặt khi đứng bên bờ vực thẳm của tuyệt vọng, hoặc tìm thấy mình hoàn toàn cô đơn và bị bỏ rơi”. Trong những hoàn cảnh như vậy, chúng ta tìm thấy động lực sâu xa nhất để sống trọn vẹn cam kết của mình với công việc của mình.
30. Cùng những trò tiêu khiển nhan nhản khắp nơi trên thế giới ngày nay cũng làm cho chúng ta có khuynh hướng tuyệt đối hóa thời gian rảnh rỗi của mình, để chúng ta có thể hoàn toàn đắm mình vào các công cụ cung cấp cho chúng ta việc giải trí hoặc những thú vui chóng qua. Hậu quả là, chúng ta đến độ không bằng lòng với sứ vụ của mình, cam kết của chúng ta trở nên lỏng lẻo, và tinh quảng đại và sẵn sàng phục vụ của chúng ta bắt đầu giảm sút. Điều này làm mờ đi cảm nghiệm tâm linh của chúng ta. Liệu có nhiệt tình tâm linh nào có thể nên vững chắc khi ở bên cạnh sự suy nhược trong việc Phúc Âm hoá hay phục vụ người khác không?
31. Chúng ta cần một tinh thần thánh thiện có khả năng lấp đầy cả sự cô độc và việc phục vụ của chúng ta, cuộc sống cá nhân của chúng ta và những nỗ lực Phúc Âm hoá của chúng ta, để mỗi giây phút có thể là một biểu hiện của tình yêu tự hiến trong mắt Chúa. Bằng cách này, mỗi phút của cuộc đời chúng ta có thể là một bước đi dọc theo con đường lớn lên trong sự thánh thiện.
SỐNG ĐỘNG HƠN, NHÂN BẢN HƠN
32. Đừng sợ sự thánh thiện. Nó sẽ không lấy đi một năng lượng, sức sống hay niềm vui nào của anh chị em. Trái lại, anh chị em sẽ trở thành điều mà Chúa Cha đã nghĩ đến khi tạo thành anh chị em, và anh chị em sẽ trung thành với chính con người sâu thẳm nhất của mình. Sự lệ thuộc vào Thiên Chúa giải thoát chúng ta khỏi mọi hình thức nô lệ và dẫn chúng ta đến việc nhận ra phẩm giá cao quý của mình. Chúng ta thấy điều này ở Thánh Giôsêphine Bakhita: “Bị bắt cóc và bị bán làm nô lệ khi mới lên bảy, chị đã chịu đựng rất nhiều trong tay của các chủ nhân độc ác. Nhưng chị đã hiểu được chân lý sâu sắc rằng Thiên Chúa, không phải con người, là Chủ Nhân thật của mọi con người, của mọi sự sống con người. Kinh nghiệm này đã trở thành một nguồn khôn ngoan tuyệt vời cho người con gái khiêm tốn của châu Phi”.
33. Theo mức độ mà mỗi Kitô hữu lớn lên trong sự thánh thiện, họ sẽ mang lại hoa trái lớn hơn cho thế giới của chúng ta. Các giám mục của Tây Phi đã nhận thấy rằng “chúng tôi đang được mời gọi trong tinh thần Tân Phúc Âm hóa để được Phúc Âm hóa và Phúc Âm hóa qua việc giúp đỡ tất cả các anh chị em, những người đã được Rửa Tội, gánh lấy vai trò của mình như là muối đất và ánh sáng thế gian bất ở cứ nơi nào anh chị em sống”.
34. Đừng sợ nhìn lên cao hơn, để cho phép mình được Thiên Chúa yêu thương và giải phóng. Đừng sợ để cho mình được Chúa Thánh Thần hướng dẫn. Sự thánh thiện không làm cho anh chị em trở nên ít nhân bản hơn, vì nó là một cuộc gặo gỡ giữa sự yếu đuối của anh chị em và quyền năng của ân sủng của Thiên Chúa. Vì theo lời của León Bloy, khi tất cả được nói và làm, “bi kịch lớn duy nhất trong cuộc đời là không trở thành một thánh nhân”.
Phaolô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ
TÔNG HUẤN
GAUDETE ET EXSULTATE
CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ
VỀ ƠN GỌI NÊN THÁNH
TRONG THẾ GIỚI NGÀY NAY
CHƯƠNG II
HAI KẺ THÙ XẢO QUYỆT CỦA SỰ THÁNH THIỆN
35. Tôi muốn đề cập đến hai hình thức thánh thiện giả dối có thể dẫn chúng ta đi lạc đường: thuyết ngộ đạo và thuyết Pêlagiô [dựa vào sức riêng của mình]. Chúng là hai lạc giáo từ thời Kitô giáo sơ khai, nhưng vẫn tiếp tục gây tai hại cho chúng ta. Trong thời đại của chúng ta cũng vậy, nhiều Kitô hữu, có lẽ không ý thức điều ấy, có thể bị dụ dỗ bởi những ý tưởng lừa đảo này; chúng phản ánh một chủ thuyết nội tại đặt con người làm trung tâm được trá hình như chân lý của Công Giáo [33]. Chúng ta hãy nhìn đến hai hình thức an toàn theo học thuyết hoặc kỷ luật này, là những học thuyết làm nảy sinh “một chủ nghĩa ưu tú độc tài chỉ biết nghĩ đến cái đúng của mình, bởi đó thay vì rao giảng Tin Mừng, người ta phân tích và xếp loại những người khác, và thay vì tạo điều kiện để tiếp cận với ân sủng, người ta dốc hết tâm lực ra để kiểm soát. Trong cả hai trường hợp, người ta không thực sự quan tâm đến Chúa Giêsu Kitô hoặc tha nhân” [34].
THUYẾT NGỘ ĐẠO HIỆN ĐẠI
36. Thuyết Ngộ Đạo giả thiết "một đức tin thuần túy chủ quan, chỉ quan tâm đến một kinh nghiệm cụ thể nào đó hoặc một loạt các ý tưởng và một ít kiến thức có ý để an ủi và soi sáng, nhưng vẫn giam kín một người trong những tư tưởng hay cảm xúc riêng của họ" [35].
Một trí năng không có Thiên Chúa và xác thịt
37. Cảm tạ Thiên Chúa, trong suốt lịch sử Hội Thánh luôn luôn có sự rõ ràng rằng sự hoàn hảo của một người không được đo lường bằng tin tức hay kiến thức mà người ấy có được, nhưng bằng chiều sâu của đức ái của người ấy. “Những người theo phái Ngộ Đạo” không hiểu điều này, bởi vì họ đánh giá người khác dựa vào khả năng hiểu được sự phức tạp của một học thuyết nào đó của họ. Họ nghĩ đến trí năng như tách rời khỏi xác thịt, và như thế trở nên không có khả năng chạm đến xác thịt đau khổ của Đức Kitô nơi tha nân, bị nhốt chặt như thể chúng nằm trong một tự điển bách khoa của các tư tưởng trừu tượng. Chung cuộc, khi tách rời mầu nhiệm ra khỏi cơ thể, họ thích “một Thiên Chúa không có Đức Kitô, một Đức Kitô không có Hội Thánh, và một Hội Thánh không có dân của mình”. [36].
38. Chắc chắn đây là một sự giả dối hời hợt: có nhiều chuyển động ở bề mặt, nhưng tâm trí không bị ảnh hưởng hay rung động sâu xa. Tuy nhiên, thuyết ngộ đạo thực hiện một sự thu hút gian trá đối với một số người, vì cách tiếp cận ngộ đạo thì nghiêm khắc và được coi là trong sáng, cùng có vẻ như có một sự hài hòa hoặc trật tự nào đó bao gồm tất cả mọi sự.
39. Ở đây chúng ta phải cẩn thận. Tôi không đề cập đến một chủ nghĩa duy lý thù nghịch với đức tin Kitô giáo. Nó có thể hiện diện trong Hội Thánh, cả trong các giáo dân ở các giáo xứ và giảng viên triết học và thần học ở các trung tâm đào tạo. Những người Ngộ đạo nghĩ rằng các giải thích của họ có thể làm cho toàn bộ đức tin và Tin Mừng hoàn toàn dễ hiểu. Họ tuyệt đối hóa các thuyết của họ và buộc những người khác phải chấp nhận cách suy nghĩ của họ. Một cách sử dụng lý trí lành mạnh và khiêm tốn để suy tư về giáo huấn thần học và luân lý của Tin Mừng là một điều. Còn một cách khác là hạ giáo huấn của Chúa Giêsu xuống thành một lý luận lạnh lùng và khắc nghiệt nhằm tìm cách thống trị mọi sự [37].
Một học thuyết không có mầu nhiệm
40. Thuyết Ngộ Đạo là một trong những hệ phái tư tưởng nham hiểm nhất, bởi vì, trong khi đề cao kiến thức hoặc kinh nghiệm cụ thể một cách quá mức, nó coi cái nhìn của mình về thực tại là hoàn hảo. Do đó, có thể vì không hề ý thức được điều ấy, hệ tư tưởng này thậm chí dựa vào sự trợ giúp của chính mình và trở nên càng thiển cận hơn. Nó có thể trở nên viển vông hơn nữa khi tàng hình như một linh đạo tách rời những gì là cụ thể. Với thuyết ngộ đạo “theo bản chất của nó tìm cách thuần hóa mầu nhiệm” [38], dù là mầu nhiệm của Thiên Chúa và ân sủng của Ngài, hay bí ẩn của cuộc đời những người khác.
41. Khi một người nào đó có giải pháp cho mọi vấn đề, đó là một dấu chỉ cho thấy họ không đi đúng đường. Họ có thể là các ngôn sứ giả, những kẻ sử dụng tôn giáo vì mục đích riêng của họ, để quảng bá các lý thuyết riêng của họ về tâm lý hoặc trí năng. Thiên Chúa vô cùng siêu việt trên chúng ta; Ngài đầy bất ngờ. Chúng ta không phải là người quyết định mình sẽ gặp Ngài khi nào và thế nào; thời gian và địa điểm chính xác của cuộc gặp gỡ ấy không phụ thuộc vào chúng ta. Người nào muốn mọi sự đều rõ ràng và chắc chắn là dám mạo muội kiểm soát sự siêu việt của Thiên Chúa.
42. Chúng ta cũng không có quyền nói là nơi nào không có Thiên Chúa, bởi vì Thiên Chúa hiện diện cách mầu nhiệm trong cuộc sống của mỗi người, theo một cách mà chính Ngài chọn lựa, và chúng ta không thể loại trừ điều này bằng những điều mình cho là chắc chắn. Ngay cả khi đời sống của một người có vẻ hoàn toàn tan nát, ngay cả khi chúng ta thấy đời sống ấy bị các tật xấu hoặc nghiện ngập tàn phá, thì Thiên Chúa vẫn hiện diện ở đó. Nếu chúng ta để cho mình được Chúa Thánh Thần hướng dẫn thay vì các định kiến của chính mình, thì chúng ta có thể và phải cố gắng tìm kiếm Chúa trong mọi đời sống con người. Đây là một phần của mầu nhiệm mà một não trạng ngộ đạo không thể nào chấp nhận được, vì nằm ngoài sự kiểm soát của nó.
Các giới hạn của lý trí
43. Thật không dễ hiểu được chân lý mà chúng ta đã nhận được từ Chúa. Và thậm chí còn khó hơn nữa để diễn tả nó. Vì vậy, chúng ta không thể cho rằng cách hiểu chân lý này của mình cho phép chúng ta thực thi việc giám sát chặt chẽ cuộc sống của những người khác. Ở đây, tôi xin lưu ý rằng trong Hội Thánh có sự đồng tồn cách hợp pháp của những cách khác nhau để giải thích nhiều khía cạnh của học thuyết và đời sống Kitô hữu; trong sự đa dạng của chúng, chúng “giúp diễn đạt rõ ràng hơn về sự phong phú của Lời Chúa”. Đúng là “đối với những người mơ ước một học thuyết toàn khối được tất cả mọi người bảo vệ và không nhường một chỗ nào cho sự hơi khác biệt, điều này có vẻ như không đáng được mong ước và dẫn đến mập mờ” [39]. Thật vậy, một số dòng tư tưởng của chủ nghĩa ngộ đạo đã chế nhạo sự đơn giản cụ thể của Tin Mừng và cố gắng thay thế Thiên Chúa Ba Ngôi và Nhập Thể bằng một Nhất Thể tối cao, trong đó sự đa dạng phong phú của lịch sử của chúng ta bị biến mất.
44. Trên thực tế, học thuyết, hay đúng hơn, sự hiểu biết và sự diễn tả của chúng ta về nó, “không phải là một hệ thống khép kín, không có khả năng năng động để đặt câu hỏi, nghi ngờ và thắc mắc... Các câu hỏi của dân của chúng ta, sự đau khổ của họ, các nỗ lực của họ, các ước mơ của họ, các thử thách của họ và các lo âu của họ, tất cả đều có giá trị giải thích mà chúng ta không thể bỏ qua nếu chúng ta muốn theo đuổi nguyên tắc nhập thể một cách nghiêm chỉnh. Thắc mắc của họ giúp chúng ta suy nghĩ, các câu hỏi của họ chất vấn chúng ta”. [40]
45. Một sự nhầm lẫn nguy hiểm có thể phát sinh. Chúng ta có thể nghĩ rằng bởi vì mình biết một điều gì đó, hoặc có thể giải thích nó một cách nào đó, nên mình đã là những vị thánh, hoàn hảo và tốt hơn “đa số người thiếu hiểu biết”. Thánh Gioan Phaolô II đã cảnh báo về cám dỗ của những người có học thức cao trong Hội Thánh “cảm thấy một cách nào đó ở trên các thành phần tín hữu khác” [41]. Thực ra, điều chúng ta nghĩ rằng mình biết phải luôn luôn thúc đẩy chúng ta đáp lại tình yêu của Thiên Chúa một cách trọn vẹn hơn. Quả thật, “anh chị em học như thế là để sống: thần học và sự thánh thiện không thể tách rời nhau được” [42].
46. Khi Thánh Phanxicô thành Assisi thấy một số môn đệ của ngài tham gia việc giảng dạy, thì ngài muốn tránh chước cám dỗ về thuyết ngộ đạo. Ngài đã viết cho Thánh Antôn thành Padua: “Cha vui mừng khi con dạy thần học thánh cho các anh em, với điều kiện là ... con đừng dập tắt tinh thần cầu nguyện và sùng kính trong khi nghiên cứu loại này” [43]. Thánh Phanxicô đã nhận ra cám dỗ để biến kinh nghiệm Kitô giáo thành một tập các bài thực tập về trí tuệ là điều tách chúng ta khỏi sự tươi mát của Tin Mừng. Mặt khác, Thánh Bonaventura đã chỉ ra rằng sự khôn ngoan Kitô giáo chân chính không bao giờ có thể được tách ra khỏi lòng thương xót đối với người lân cận của chúng ta: “Sự khôn ngoan vĩ đại nhất có thể là chia sẻ một cách hiệu quả những gì chúng ta cho đí ... Thậm chí như lòng thương xót là bạn đồng hành của sự khôn ngoan thế nào, thì tính hà tiện là kẻ thù của nó như thế” [44]. Có những hoạt động, được kết hợp để chiêm niệm, không ngăn cản việc chiêm niệm, mà lại tạo thuận lợi cho nó, chẳng hạn như những việc làm thương xót và việc sùng kính” [45].
THUYẾT PALAGIÔ HIỆN ĐẠI
47. Thuyết Ngộ Đạo đã nhường chỗ cho một dị giáo khác, cũng hiện diện trong thời đại chúng ta. Theo thời gian, nhiều người nhận ra rằng không phải kiến thức làm cho chúng ta trở nên tốt hơn hoặc làm cho chúng ta nên thánh, mà là cách chúng ta sống. Nhưng điều này đã tinh vi dẫn trở lại sai lầm cũ của những người theo thuyết ngộ đạo, là thuyết chỉ đơn thuần được biến đổi chứ không bị loại trừ.
48. Cùng một sức mạnh mà những người theo ngộ đạo đã gán cho kiến thức, thì những người khác giờ đây bắt đầu gán cho ý chí của con người, với nỗ lực cá nhân. Đây là trường hợp những người theo thuyết Pelagiô và người theo thuyết bán-Palagiô. Giờ đây không phải là trí thông minh thay thế cho mầu nhiệm và ân sủng, mà ý chí của con người. Người ta đã quên rằng mọi sự “không tùy thuộc vào ý muốn hay nỗ lực của con người, nhưng vào Thiên Chúa, Đấng tỏ lòng thương xót” (Rom 9:16) và “Ngài đã yêu thương chúng ta trước” (x. 1 Ga 4:19).
Một ý chí thiếu khiêm tốn
49. Những người đầu hàng não trạng Pelagiô hoặc bán-Pelagiô này, mặc dù vẫn nhiệt thành nói về ân sủng của Thiên Chúa, nhưng họ “chung cuộc chỉ tin cậy vào sức riêng của họ và cảm thấy mình tốt hơn người khác bởi vì họ tuân giữ một số quy luật nào đó hoặc vẫn tuyệt đối trung thành với một kiểu Công giáo đặc thù” [46]. Khi một số người trong họ nói với những người yếu đuối rằng tất cả mọi sự có thể được hoàn thành với ân sủng của Thiên Chúa, tận đáy lòng họ có chiều hướng đưa ra ý tưởng rằng mọi sự đều có thể làm được theo ý chí của con người, như thể nó là một điều gì thanh sạch, hoàn hảo, toàn năng, mà trong đó ân sủng được thêm vào. Họ không nhận ra rằng “không phải ai cũng có thể làm được mọi sự” [47], và rằng trong cuộc đời này, sự yếu đuối của con người không được chữa lành cách hoàn toàn và một lần cho xong bằng ân sủng [48]. Trong mọi trường hợp, như thánh Augustinô dạy, Thiên Chúa truyền cho anh chị em làm những gì anh chị em có thể và cầu xin cho những gì anh chị em không thể làm được [49], và thực sự cầu nguyện với Ngài cách khiêm tốn: “Xin ban cho con những gì Ngài truyền dạy, và truyền dạy con những gì Ngài muốn” [ 50].
50. Cuối cùng, việc thiếu một nhìn nhận chân thành và trong cầu nguyện những giới hạn của chúng ta, ngăn cản ân sủng làm việc hiệu quả hơn trong chúng ta, vì không còn chỗ để cho sự tốt lành tiềm tàng, là một phần của một cuộc hành trình chân thành và chính đáng của việc tăng trưởng, có thể xảy ra. [51] Ân sủng, chính vì xây trên tính tự nhiên, không làm cho chúng ta thành siêu nhân ngay tức thì. Kiểu suy nghĩ ấy cho thấy quá nhiều tin cậy vào khả năng của mình. Bên dưới sự chính thống của chúng ta, các thái độ của chúng ta có thể không tương ứng với lời nói của mình về nhu cầu ân sủng, và trong những hoàn cảnh cụ thể chúng ta có thể sẽ không mấy đặt niềm tin vào nó. Trừ khi chúng ta có thể nhìn nhận hoàn cảnh cụ thể và giới hạn của mình, chúng ta sẽ không thể thấy được những bước thật sự và có thể mà Chúa đòi hỏi chúng ta trong mọi lúc, một khi chúng ta được hồng ân của Người thu hút và ban khả năng. Ân sủng hành động trong lịch sử; thông thường thì ân sủng nắm lấy chúng ta và biến đổi chúng ta cách từ từ [52]. Nếu chúng ta từ chối thực tại lịch sử và tiệm tiến này, chúng ta có thể thực sự từ chối và ngăn chặn ân sủng, ngay cả khi chúng ta ca tụng nó bằng lời nói của mình.
51. Khi Thiên Chúa nói với ông Abraham, Ngài bảo ông: “Ta là Thiên Chúa Toàn Năng, hãy đi trước mặt Ta, và hãy nên trọn lành” (St 17: 1). Để được nên trọn lành, như Ngài muốn cho chúng ta, chúng ta cần phải sống khiêm tốn trong sự hiện diện của Ngài, được che phủ trong vinh quang của Ngài; chúng ta cần bước đi cùng với Ngài, trong khi nhận ra tình yêu không ngừng của Ngài trong cuộc đời mình. Chúng ta cần phải không còn sợ hãi trước sự hiện diện ấy, là sự hiện diện chỉ có thể có vì ích lợi của chúng ta. Thiên Chúa là Người Cha đã ban cho chúng ta sự sống và yêu thương chúng ta rất nhiều. Một khi chúng ta chấp nhận Ngài, và chấm dứt tìm cách sống đời mình mà không có Ngài, thì nỗi thống khổ của cô đơn sẽ biến mất (x. TV 139:23-24). Bằng cách này, chúng ta sẽ biết được ý muốn vui lòng và hoàn hảo của Chúa (x. Rom 12:1-2) và để cho Người nhào nặn chúng ta như một thợ gốm (x. Is 29:16). Chúng ta thường nói rằng Thiên Chúa ngự trong chúng ta, nhưng tốt hơn là nói rằng chúng ta ở trong Ngài, để Ngài có thể giúp chúng ta sống trong ánh sáng và tình yêu của Ngài. Ngài là đền thờ của chúng ta; chúng ta cầu xin được ở trong nhà Chúa mọi ngày của đời mình (x. TV 27: 4). “Vì một ngày trong khuôn viên Đền Thánh của Chúa còn hơn một ngàn ngày ở những nơi khác” (TV 84:10). Trong Ngài là sự thánh thiện của chúng ta.
Một giáo huấn của Hội Thánh thường bị coi nhẹ
52. Hội Thánh đã nhiều lần dạy rằng chúng ta được nên công chính không nhờ các việc làm hay nỗ lực riêng của mình, nhưng nhờ ân sủng của Chúa, Đấng luôn luôn chủ động. Các Giáo Phụ của Hội Thánh, ngay cả trước Thánh Augustinô, đã bày tỏ rõ ràng niềm tin cơ bản này. Thánh Gioan Kim Khẩu nói rằng Thiên Chúa đổ vào chúng ta chính nguồn mạch của tất cả mọi hồng ân của Ngài thậm chí trước khi chúng ta bước vào trận chiến [53]. Thánh Basiliô Cả nhận xét rằng các tín hữu chỉ được vinh quang nơi một mình Thiên Chúa, vì “họ nhận ra rằng họ thiếu sự công chính đích thực và chỉ được công chính hoá nhờ đức tin vào Đức Kitô” [54].
53. Công Đồng Orange II đã dạy với thẩm quyền chắc chắn rằng không có gì thuộc về nhân loại có thể đòi hỏi, xứng đáng hoặc mua được món quà ân sủng của Thiên Chúa, và rằng tất cả sự hợp tác với ân sủng cũng là một ân huệ đi trước ân sủng ấy: “Ngay cả ước muốn được thanh tẩy cũng xảy ra trong chúng ta nhờ việc đổ đầy và tác động của Chúa Thánh Thần” [55]. Sau đó, Công Đồng Trentô, trong khi nhấn mạnh đến tầm quan trọng của sự hợp tác của chúng ta trong việc phát triển tâm linh, đã khẳng định lại giáo huấn tín lý ấy: “Chúng ta được nói là được công chính hoá một cách nhưng không vì không có gì đi trước sự công chính hoá xứng đáng với ơn công chính hoá, cho dù là đức tin hay việc làm; vì ‘nếu nhờ ân sủng, thì không còn dựa vào việc làm; nếu không thì ân sủng sẽ không còn là ân sủng nữa’ (Rom 11: 6)” [56].
54. Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo cũng nhắc nhở chúng ta rằng món quà ân sủng “vượt trên sức mạnh của trí tuệ và ý chí của con người” [57] và “Với Thiên Chúa, con người tuyệt đối không có quyền hay công trạng gì. Giữa Thiên Chúa và chúng ta có một sự bất bình đẳng khôn lường” [58]. Tình bằng hữu của Ngài vô hạn vượt trên chúng ta; chúng ta không thể mua tình bằng hữu này bằng các việc làm của mình, nó chỉ có thể là một món quà phát sinh từ sáng kiến yêu thương của Ngài. Điều này mời gọi chúng ta sống trong niềm tri ân vui mừng vì món quà hoàn toàn không xứng đáng này, vì “sau khi một người có được ân sủng, thì ân sủng đã sở hữu không thể đến nhờ công trạng” [59]. Các Thánh tránh việc tin cây vào việc làm của mình: “Vào buổi tối của cuộc đời này, con sẽ ra trước mặt Ngài tay trắng, vì lạy Chúa, con không xin Chúa đếm các công việc của con. Tất cả sự công chính của chúng con đều có vết nhơ trong mắt Chúa” [60].
55. Đây là một trong những xác tín lớn mà Hội Thánh đã kiên quyết giữ vững. Nó được diễn tả rõ ràng trong Lời Chúa mà không ai có thể thắc mắc gì được. Giống như giới luật yêu thương tối cao, chân lý này phải ảnh hưởng đến cách sống của chúng ta, vì nó chảy ra từ trung tâm của Tin Mừng và đòi buộc chúng ta không những chỉ chấp nhận nó về mặt trí tuệ mà còn biến nó thành một nguồn mạch của niềm vui hay lây. Nhưng chúng ta không thể mừng hồng ân nhưng không này của tình bằng hữu của Chúa, trừ khi chúng ta nhận ra rằng cuộc đời trần thế của mình và khả năng tự nhiên của mình cũng là hồng ân của Ngài. Chúng ta cần “nhìn nhận một cách hân hoan rằng sự sống của chúng ta chủ yếu là một hồng ân, và ý thức rằng tự do của chúng ta là một ân huệ. Điều này không dễ dàng ngày nay, trong một thế giới nghĩ rằng nó có thể giữ lại cho chính mình một điều gì đó, là thành quả của sự sáng tạo hoặc tự do của nó” [61].
56. Chỉ có thể dựa vào hồng ân của Thiên Chúa, được tự do và khiêm tốn đón nhận, mà chúng ta có thể cộng tác bằng các nỗ lực của mình trong việc từ từ biến đổi mình [62]. Trước hết, chúng ta phải thuộc về Thiên Chúa, bằng cách hiến dâng chính mình cho Ngài, là Đấng đã ở đó trước, và trao phó cho Ngài khả năng của mình, các nỗ lực của mình, cuộc chiến đấu chống lại sự dữ và sáng kiến của mình, để hồng ân nhưng không của Ngài có thể lớn lên và phát triển trong chúng ta: “Vì vậy, thưa anh em, tôi van nài anh em, vì lòng thương xót của Thiên Chúa, hãy hiến dâng thân xác anh em như một của lễ sống động, thánh thiện và đẹp lòng Thiên Chúa” (Rom 12: 1). Về vấn đề ấy, Hội Thánh luôn luôn dạy rằng chỉ có đức ái mới sự làm cho việc lớn lên trong đời sống ân sủng xảy ra, vì “nếu tôi không có đức ái, tôi chỉ là không” (1 Cor 13:2).
Thuyết Palagiô mới
57. Tuy nhiên, một số Kitô hữu nhất quyết đi theo một con đường khác, là con đường công chính hoá bằng các nỗ lực riêng của họ, việc tôn thờ ý chí nhân loại và khả năng riêng của họ. Kết quả là một sự tự mãn quy về mình và tự coi mình là ưu tú, làm mất tình yêu thật. Điều này được diễn tả bằng nhiều cách suy nghĩ và hành động có vẻ rời rạc khác nhau: việc bám chặt vào luật lệ, việc quá bận tâm với các lợi thế xã hội và chính trị, một mối quan tâm quá thận trọng với phụng vụ, tín lý và uy tín của Hội Thánh, một sự huênh hoang về khả năng quản lý các vấn đề thực tiễn, và một quan tâm quá mức về các chương trình tự giúp mình và thành tựu cá nhân. Một số Kitô hữu dành thời giờ và sức lực của họ cho những điều này thay vì để cho Chúa Thánh Thần hướng dẫn họ theo con đường tình yêu, hơn là say mê truyền đạt vẻ đẹp và niềm vui của Tin Mừng và tìm những người bị lạc trong đám đông vô số người đang khao khát Đức Kitô [63].
58. Rất thông thường, đi ngược với những thúc đẩy của Thần Khí, đời sống của Hội Thánh có thể trở thành một tác phẩm trong viện bảo tàng hoặc vật sở hữu của một số ít người ưu tuyển. Điều này có thể xảy ra khi một số nhóm Kitô hữu quá coi trọng một số luật lệ, thói quen hoặc cách hành động nào đó. Như thế Tin Mừng có khuynh hướng bị giảm thiểu và thu hẹp lại, bị tước mất tính đơn giản, sức quyến rũ và hương vị của nó. Đây có thể là một hình thức tinh tế của thuyết Pêlagiô, vì nó có vẻ bắt đời sống ân sủng lệ thuộc vào một số cấu trúc nhân loại. Nó có thể ảnh hưởng đến các nhóm, các phong trào và các cộng đồng, và nó giải thích tại sao họ thường hay bắt đầu với một cuộc sống mãnh liệt trong Thần Khí, mà kết cục là bị hóa thạch ... hoặc hư hoại.
59. Một khi chúng ta tin rằng mọi sự đều tùy thuộc vào nỗ lực của con người như được chuyển đi bằng những luật lệ và cấu trúc của Hội Thánh, chúng ta vô tình phức tạp hoá Tin Mừng và trở thành nô lệ cho một kế hoạch chi tiết, chỉ để vài lỗ hổng cho tác động của ân sủng. Thánh Tôma Aquinô nhắc nhở chúng ta rằng các giới luật được Hội Thánh thêm vào Tin Mừng phải được áp dụng một cách vừa phải “nếu không thỉ cách cư xử của các tín hữu trở nên nặng nề”, khi đó tôn giáo của chúng ta sẽ trở thành một hình thức nô lệ [64].
Tóm tắt Lề Luật
60. Để tránh điều này, tốt nhất là chúng ta hãy tự nhắc nhở mình rằng có một nấc thang nhân đức là điều mời gọi chúng ta tìm kiếm điều gì là thiết yếu. Tính ưu việt thuộc về các nhân đức đối thần, là các nhân đức có Thiên Chúa là đối tượng và động lực của chúng. Ở trung tâm là đức ái. Thánh Phaolô nói rằng điều thật sự đáng kể là “đức tin hoạt động qua đức ái” (Gal 5:6). Chúng ta được mời gọi cố gắng hết sức để bảo tồn đức ái: “Ai yêu thương tha nhân đã chu toàn lề luật ... vì yêu thương là làm tròn lề luật” (Rom 13:8-10). “Vì toàn thể lề luật được tóm lược trong một điều răn duy nhất: ‘các con hãy yêu tha nhân như chính mình’” (Gal 5:14).
61. Nói cách khác, giữa một đám giới luật và mệnh lệnh, Chúa Giêsu đã dọn sạch một con đường để nhìn thấy hai khuôn mặt, là khuôn mặt của Chúa Cha và của anh chị em chúng ta. Người không cho chúng ta thêm hai công thức hoặc hai giới luật nữa. Người cho chúng ta hai khuôn mặt, hoặc tốt hơn nữa, một khuôn mặt duy nhất: khuôn mặt của Thiên Chúa được phản chiếu trong rất nhiều khuôn mặt khác. Vì trong mỗi anh chị em của chúng ta, đặc biệt là những người bé nhỏ nhất, những người dễ bị tổn thương nhất, những người không có khả năng tự vệ và những người túng thiếu, người ta tìm thấy chính hình ảnh của Thiên Chúa. Thật vậy, với những mảnh vụn của nhân loại mỏng manh này, Chúa sẽ hình thành tác phẩm nghệ thuật cuối cùng của Người. Vì “có điều gì kéo dài, điều gì có giá trị trong cuộc sống, điều gì phong phú mà không biến mất? Chắc chắn hai điều này: Chúa và người lân cận của chúng ta. Hai sự phong phú này không biến mất!” [65].
62. Nguyện xin Chúa giải thoát Hội Thánh khỏi những hình thức ngộ đạo và Pelagiô mới này, là những điều đang đè nặng và ngăn chặn sự tiến bộ của Hội Thánh trên con đường nên thánh! Những lầm lạc này có nhiều hình thức khác nhau, theo tính tình và cá tính của mỗi người. Vì vậy, tôi khuyến khích mọi người hãy suy nghĩ và phân biệt trước mặt Thiên Chúa xem chúng có thể hiện diện trong cuộc sống của mình hay không.
Phaolô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ
(còn tiếp)
-------------------
[33] X. THÁNH BỘ GIÁO LÝ ĐỨC TIN, Thư Placuit Deo về Một Số Khía Cạnh của Cứu Độ Kitô giáo (22 tháng 2, 2018), 4, trong L’Osservatore Romano, 2 tháng 3, 2018, tt. 4-5: “Cả chủ nghĩa cá nhân tân-Pelagiô và tân-Ngộ Đạo coi rẻ thân xác làm mất vẻ đẹp của tuyên xưng đức tin vào Đức Kitô, Đấng Cứu Độ Phổ Quát Duy Nhất”. Tài liệu này cung cấp các nền tảng tín lý cho việc hiểu biết về ơn cứu độ Kitô giáo trong tương quan với các khuynh hướng tân-ngộ-đạo và tân-Pelagiô.
[34] Tông Huấn Evangelii Gaudium (24 Tháng 11, 2013), 94: AAS 105 (2013), 1060.
[35] Ibid.: AAS 105 (2013), 1059.
[36] Bài giảng trong Thánh Lễ ờ Casa Santa Marta, 11 tháng 11, 2016: L’Osservatore Romano, 12 tháng 11, 2016, p. 8.
[37] Như Thánh Bonaventura dạy, “chúng ta phải đình chỉ tất cả hoạt động của trí khôn, và chúng ta phải biến đổi cao điểm của những tình cảm của mình, hướng chúng về một mình Thiên Chúa … Vì thiên nhiên không đạt được điều gì và nỗ lực cá nhân chỉ được rất ít, cần phải coi việc điều nghiên là ít quan trọng và việc xức dầu là quan trọng hơn nhiều, nói năng là ít và niềm vui nội tâm là nhiều, lời nói hay chữ viết là ít nhưng tất cả cho hồng ân của Thiên Chúa, nghĩa là Chúa Thành Thần, phải coi các thụ tạo là ít hay không quan trọng, nhưng tất cả cho Đấng Tạo Hoá, Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần”: BONAVENTURA, Itinerarium Mentis in Deum, VII, 4-5.
[38] X. Thư gửi Viện Trường Giáo Hoàng Đại Học Công Giáo Á Căn Đình nhân dịp kỷ niệm 100 năm thành lập Phân Khoa Thần Học (ngày 3 tháng, 2015): L’Osservatore Romano, 9-10 tháng 3, 2015, p. 6.
[39] Tông Huấn Evangelii Gaudium (24 Tháng 11, 2013), 40: AAS 105 (2013), 1037.
[40] Video Sứ điệp truyền hình gửi các Tham Dự Viên Đại Hội Thần Học Quốc Tê được tổ chức tại Giáo Hoàng Đại Học Công Giáo Á Căn Đình (1-3 Tháng 9, 2015): AAS 107 (2015), 980.
[41] Tông Huấn hậu Thượng Hội Đồng Vita Consecrata (25 Tháng 3, 1996), 38: AAS 88 (1996), 412.
[42] Thư gửi Viện Trường Giáo Hoàng Đại Học Công Giáo Á Căn Đình nhân dịp kỷ niệm 100 năm thành lập Phân Khoa Thần Học (3 Tháng 3, 2015): L’Osservatore Romano, 9-10 Tháng 3, 2015, p. 6.
[43] Thư gửi Huynh Đệ Anthony, 2: FF 251.
[44] De septem donis, 9, 15.
[45] In IV Sent. 37, 1, 3, ad 6.
[46] Tông Huấn Evangelii Gaudium (24 Tháng 11, 2013), 94: AAS 105 (2013), 1059.
[47] X. Bonaventura, De sex alis Seraphim, 3, 8: “Non omnes omnia possunt”. Câu này được hiểu theo Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo, 1735.
[48] X. TÔMA AQUINÔ, Summa Theologiae II-II, q. 109, a. 9, ad 1: “Nhưng ở đây ân sủng theo một mức độ nào đó thì chưa hoàn hảo, cũng như nó không hoàn toàn chữa lành con người, như chúng tôi đã nói”.
[49] X. De natura et gratia, 43, 50: PL 44, 271.
[50] Confessiones, X, 29, 40: PL 32, 796.
[51] X. Tông Huấn Evangelii Gaudium (24 Tháng 11, 2013), 44: AAS 105 (2013), 1038.
[52] Trong sự hiểu biết về đức tin Kitô giáo, ân sủng đi trước, đi cùng và đi theo tất cả mọi hành động của chúng ta. (X. CÔNG ĐỒNG TRENTÔ, Khoá VI, Sắc Lệnh về Ơn Công Chính Hoá, ch. 5: DH 1525).
[53] X. In Ep. ad Romanos, 9, 11: PG 60, 470.
[54] Homilia de Humilitate: PG 31, 530.
[55] Canon 4: DH 374.
[56] Session VI, Sắc Lệnh về Ơn Công Chính Hoá, ch. 8: DH 1532.
[57] Số. 1998.
[58] Ibid., 2007.
[59] Tôma Aquinô, Summa Theologiae, I-II, q. 114, a. 5.
[60] Têrêxa Hài Đồng Giêsu, “Kinh Dâng Tình Yêu Thương Xót” (Prayers, 6).
[61] Lucio Gera, Sobre el misterio del pobre, in P. GRELOT-L. GERA-A. DUMAS, El Pobre, Buenos Aires, 1962, 103.
[62] Tóm lại, đây là học thuyết về “công trạng” đi theo việc công chính hoá: nó liên quan đến sự cộng tác của người được công chính hoá để lớn lên trong đời sống ân sủng (X. Giáo Lý Hội Thánh Công giáo, 2010). Nhưng sự công tác này không bao giờ biến chính sự công chính hoá hay tình bằng hữu với Thiên Chúa thành mục tiêu của công trạng của con người.
[63] X. Tông Huấn Evangelii Gaudium (24 Tháng 11, 2013), 95: AAS 105 (2013), 1060.
[64] Summa Theologiae I-II, q. 107, art. 4.
[65] PHANXICÔ, Bài giàng trong Thánh Lễ mừng Năm Thánh của Những Người Bị Xã Hội Khai Trừ (13 Tháng 11, 2016): L’Osservatore Romano, 14-15 Tháng 11, 2016, p. 8.
TÔNG HUẤN
GAUDETE ET EXSULTATE
CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ
VỀ ƠN GỌI NÊN THÁNH
TRONG THẾ GIỚI NGÀY NAY
CHƯƠNG III
TRONG ÁNH SÁNG CỦA VỊ THẦY
63. Có thể có nhiều thuyết về điều gì cấu thành sự thánh thiện, với nhiều cách giải thích và phân biệt khác nhau. Những suy tư như vậy có thể hữu ích, nhưng không gì có thể soi sáng hơn là quay về với những lời của Chúa Giêsu và nhìn thấy cách giảng dạy chân lý của Người. Chúa Giêsu đã giải thích với sự giản dị tuyệt vời về ý nghĩa của việc nên thánh khi Người ban cho chúng ta Bát Phúc (xem Mt 5: 3-12; Lc 6: 20-23). Các Mối Phúc Thật giống như chứng minh thư của Kitô hữu. Vì vậy, nếu ai hỏi: “Người ta phải làm gì để trở nên một Kitô hữu tốt?”, thì câu trả lời thật rõ ràng. Chúng ta phải làm, mỗi người theo cách riêng của mình, điều Chúa Giêsu nói với chúng ta trong Bài Giảng Trên Núi [66]. Trong Bát Phúc, chúng ta tìm thấy một chân dung Vị Thầy, mà chúng ta được mời gọi để phản chiếu trong cuộc sống hàng ngày của mình.
64. Từ “hạnh phúc” hay “phúc cho” trở thành từ đồng nghĩa với từ “thánh thiện”. Nó diễn tả sự thể là những người trung thành với Thiên Chúa và Lời Ngài, qua việc tự hiến, đạt được hạnh phúc thật.
LỘI NGƯỢC DÒNG
65. Mặc dù những lời của Chúa Giêsu có thể nghe như thi vị, nhưng chúng rõ ràng là đi ngược lại cách mọi việc thường được thực hiện trong thế giới của chúng ta. Ngay cả khi chúng ta thấy sứ điệp của Chúa Giêsu hấp dẫn, thế giới đẩy chúng ta theo một cách sống khác. Các Mối Phúc Thật không tài nào là những gì tầm thường hay dễ thoả mãn, mà hoàn toàn ngược lại. Chúng ta chỉ có thể thực hành được chúng nếu Chúa Thánh Thần đổ đầy sức mạnh của Ngài trên chúng ta và giải thoát chúng ta khỏi tính yếu đuối, ích kỷ, tự mãn và kiêu ngạo của mình.
66. Chúng ta hãy một lần nữa lắng nghe Chúa Giêsu bằng tất cả tình yêu và lòng tôn kính xứng đáng với Vị Thầy. Chúng ta hãy để cho các lời của Người khuấy động chúng ta, thách đố chúng ta và đòi hỏi một sự thay đổi thật sự trong cách sống của chúng ta. Nếu không, sự thánh thiện vẫn sẽ chẳng khác gì một lời trống rỗng. Bây giờ chúng ta quay sang từng Mối Phúc một trong Tin Mừng Thánh Matthêu (x. Mt 5: 3-12) [67].
“Phúc cho những ai có tinh thần nghèo khó vì Nước Trời là của họ”
67. Tin Mừng mời chúng ta nhìn kỹ vào tận đáy lòng mình, để xem chúng ta tim thấy sự an toàn trong đời mình ở đâu. Thường thì những người giàu có cảm thấy an toàn trong của cải của họ, và nghĩ rằng, nếu của cải ấy bị đe dọa, thì toàn thể ý nghĩa của cuộc sống trần thế của họ có thể sụp đổ. Chính Chúa Giêsu đã kể cho chúng ta điều này trong dụ ngôn người phú hộ khờ dại: Người nói về một kẻ tự tin, nhưng thật khờ dại, bởi vì đã không nghĩ rằng mình sẽ chết ngay chính ngày hôm ấy (x. Lc 12: 16-21 ).
68. Sự giàu có không đảm bảo được gì cả. Thật vậy, một khi chúng ta nghĩ rằng mình giàu có, thì chúng ta có thể trở nên tự mãn mà chẳng để dành chỗ nào cho Lời Chúa, cho tình yêu đối với anh chị em mình, hoặc để thưởng thức những điều quan trọng nhất trong đời. Vì thế, chúng ta bỏ lỡ kho báu lớn hơn tất cả mọi kho báu. Đó là lý do tại sao Chúa Giêsu gọi những người có tinh thần nghèo khó, những người có tấm lòng ngèo khó là có phúc, vì Chúa có thể bước vào đó với sự mới mẻ mãi mãi của Người.
69. Sự nghèo khó tinh thần này liên quan mật thiết đến những gì Thánh Ignatiô Loyola gọi là “sự thờ ơ thánh thiện”, là điều mang lại cho chúng ta một tự do nội tâm kỳ diệu: “Để được như thế, chúng ta cần đào luyện mình cho có thái độ thờ ơ với tất cả các thụ tạo, với tất cả những gì mà ý chí tự do của chúng ta được phép chọn và không bị cấm; ngõ hầu về phần mỉnh, chúng ta không muốn có sức khoẻ tốt hơn là sức khoẻ xấu, giàu có hơn là nghèo khổ, danh dự hơn là mất danh dự, sống lâu hơn là sống ngắn, và như thế đối với tất cả những gì còn lại” [68].
70. Thánh Luca không nói về sự nghèo khó trong “tinh thần” mà chỉ đơn giản nói về những người “nghèo khó” (x. Lc 6:20). Bằng cách này, ngài cũng mời gọi chúng ta sống một cuộc đời giản dị và khắc khổ. Ngài kêu gọi chúng ta chia sẻ cuộc sống của những người nghèo khổ nhất, cuộc sống mà các Tông Đồ đã sống, và cuối cùng trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Giêsu, Đấng mặc dù giàu sang, nhưng “đã trở nên nghèo khó” (2 Cor 8:9).
Làm người nghèo trong tinh thần: đó là sự thánh thiện.
“Phúc cho ai hiền lành, vì họ sẽ được đất làm gia nghiệp”
71. Đây là một diễn tả mạnh mẽ trong một thế giới mà ngay từ đầu đã là nơi xung đột, tranh chấp và thù hận ở tất cả mọi bên, nơi mà chúng ta thường xuyên xếp loại người khác dựa trên ý tưởng và phong tục của họ, và ngay cả trên cách nói chuyện hoặc trang phục của họ. Cuối cùng, đó là triều đại của kiêu hãnh và hư danh, nơi mà mỗi người nghĩ rằng họ có quyền thống trị người khác. Tuy nhiên, dù có vẻ như không thể nào có thể được, Chúa Giêsu đề nghị một cách làm việc khác: cách hiền lành. Đó là điều chúng ta thấy Người làm với các môn đệ của Người. Đó là điều mà chúng ta chiêm niệm khi Người vào Giêrusalem: “Này, vua các ngươi đang đến với các ngươi, khiêm tốn, và ngồi trên lưng lừa” (Mt 21: 5, x. De 9: 9).
72. Đức Kitô nói: “Hãy học cùng Thầy; vì Thầy hiền lành và khiêm nhường trong lòng, và các con sẽ tìm được sự nghỉ ngơi cho linh hồn mình” (Mt 11:29). Nếu chúng ta luôn bực tức và mất kiên nhẫn với người khác, chúng ta sẽ mệt mỏi và kiệt sức. Nhưng nếu chúng ta nhìn vào những lỗi lầm và giới hạn của người khác với sự dịu dàng và hiền lành, không có vẻ hơn người, chúng ta mình trong việc phàn nàn vô ích. Thánh Têrêxa thành Lisieux nói với chúng ta rằng “Đức ái hoàn hảo hệ tại việc nâng đỡ các sai lầm của người khác, và không ngạc nhiên vì các yếu đuối của họ” [69].
73. Thánh Phaolô nói về sự hiền lành như một trong những hoa quả của Chúa Thánh Thần (x. Gal 5:23). Ngài đề nghị rằng, nếu một hành vi sai trái của một trong những anh chị em của chúng ta làm chúng ta bận tâm, thì chúng ta nên cố gắng sửa sai họ, nhưng “với một tinh thần hiền lành”, vì “anh chị em cũng có thể bị cám dỗ” (Ga 6: 1). Ngay cả khi chúng ta bảo vệ đức tin và các xác tín của mình, chúng ta phải làm thế với “sự hiền lành” (x. 1 Phêrô 3:16). Các kẻ thù của chúng ta cũng phải được đối xử với “sự hiền lành” (2 Tim 2:25). Trong Hội Thánh , chúng ta thường sai lầm vì không chịu chấp nhận đòi hỏi của Lời Chúa.
74. Sự hiền lành là một cách diễn tả khác của tinh thần nghèo khó nội tâm của những người tin cậy vào một mình Thiên Chúa. Quả thực, trong Thánh Kinh người ta thường dùng một từ - anawim – để ám chỉ người nghèo và người hiền lành. Một số người có thể phản đối: “Nếu tôi quá hiền lành, người ta sẽ nghĩ là tôi ngốc, tôi khùng hay nhu nhược”. Trường hợp đó có thể xảy ra, nhưng hãy để mặc kẻ khác nghĩ như thế. Tốt hơn là luôn luôn hiền lành, bởi vì sau đó những ước muốn sâu xa của tôi sẽ được thành tựu. Người hiền lành “sẽ được đất làm gia nghiệp”, vì họ sẽ thấy những lời hứa của Thiên Chúa được hoàn thành trong cuộc đời họ. Trong mọi hoàn cảnh, người hiền lành đặt niềm hy vọng vào Chúa, và những ai hy vọng vào Người sẽ được đất ... và tận hưởng sự bình an trọn vẹn (x. TV 37: 9,11). Còn Chúa thì tin tưởng vào họ: “Đây là kẻ sẽ được Ta đoái nhìn: kẻ khiêm nhường và có tinh thần thống hối, kẻ nghe lời Ta mà run sợ “ (Is 66: 2).
Phản ứng với lòng hiền lành và khiêm nhường: đó là sự thánh thiện.
“Phúc cho những ai khóc lóc, vì họ sẽ được an ủi”
75. Thế gian đề nghị chúng ta điều ngược lại: giải trí, vui chơi, tiêu khiển và bảo chúng ta rằng đó là những điều làm cho cuộc sống được tốt đẹp. Người thuộc về thế gian lờ đi, nhìn đi chỗ khác khi có những vấn đề đau ốm hay buồn phiền trong gia đình hoặc chung quanh. Thế gian không muốn khóc lóc; họ muốn lờ đi các tình cảnh đau đớn, che phủ chúng hoặc che giấu chúng. Người ta tốn nhiều năng lượng để chạy trốn những tình trạng đau khổ với niềm tin rằng thực tại có thể được che giấu. Nhưng thập giá không bao giờ có thể vắng mặt.
76. Một người nhìn mọi sự trong thực trạng của chúng và để cho sự đau khổ và than khóc thấm nhập vào con tim, có thể chạm đến những gì sâu thẳm nhất của cuộc đời và tìm được hạnh phúc thực sự [70]. Người ấy được an ủi, không phải bởi thế gian mà bởi Chúa Giêsu. Những người như thế có can đảm chia sẻ nỗi khổ của người khác và không còn chạy trốn những hoàn cảnh đau đớn. Họ khám phá ra rằng cuộc đời có ý nghĩa khi giúp đỡ những người trong cơn đau đớn của họ, hiểu được nỗi thống khổ của người khác khi cứu giúp tha nhân. Họ cảm nhận rằng người khác là xác thịt của mình, và không sợ lại gần, thậm chí chạm vào các vết thương của họ. Họ thấy cảm thương cho người khác đến nỗi mọi khoảng cách đều biến mất. Bằng cách này họ có thể chấp nhận lời khuyên của Thánh Phaolô: “Hãy khóc với những kẻ khóc” (Rom 12:15).
Biết làm sao để than khóc với người khác: đó là sự thánh thiện.
“Phúc cho những ai đói khát sự công chính, vì họ sẽ được no thoả”
77. Đói và khát là những kinh nghiệm mãnh liệt, vì chúng liên quan đến các nhu cầu cơ bản và bản năng sống còn của chúng ta. Có những người ao ước công lý và khao khát sự công chính với cường độ tương tự như thế. Chúa Giêsu nói rằng họ sẽ được no thoả, vì sớm hay muộn, công lý sẽ đến. Chúng ta có thể hợp tác để làm cho điều ấy có thể xảy ra, ngay cả khi chúng ta không luôn nhìn thấy những kết quả của các nỗ lực của mình.
78. Chúa Giêsu đưa ra một công lý khác với công lý của thế gian, thường bị hư hỏng bởi những quyền lợi nhỏ nhen và bị thao túng bằng nhiều cách khác nhau. Kinh nghiệm cho thấy làm sao nó dễ dàng bị sa lầy trong tham nhũng, bị vướng mắc trong chính trị thường nhật của việc có đi có lại (quid pro quo), ở đó mọi sự trở thành kinh doanh. Có bao nhiêu người chịu đựng bất công, bất lực đứng im trong khi những người khác chia nhau những điều tốt đẹp của cuộc đời này. Một số từ bỏ cuộc chiến đấu cho công lý chân chính và lựa chọn đi theo trong con tàu của kẻ chiến thắng. Điều này không liên quan gì đến sự đói khát công lý mà Chúa Giêsu ca tụng.
79. Công lý thực sự xảy ra trong đời sống của dân chúng khi chính họ công bình trong các quyết định của họ; nó được diễn tả trong việc theo đuổi công lý cho những người nghèo và người cô thế. Trong khi đúng là từ “công lý” có thể là một từ đồng nghĩa với việc trung thành với Thánh Ý của Thiên Chúa trong mọi khía cạnh của cuộc sống chúng ta, nhưng nếu chúng ta gán cho từ này một ý nghĩa quá tổng quát, thì chúng ta quên rằng nó được chứng tỏ cách đặc biệt trong công lý đối với những người dễ bị tổn thương nhất: “Hãy tìm kiếm công lý, hãy sửa phạt kẻ đàn áp; hãy bảo vệ côi nhi, hãy bênh vực quả phụ” (Is 1:17).
Khát khao sự công chính: đó là sự thánh thiện.
“Phúc cho những ai có lòng thương xót, vì họ sẽ được thương xót”
80. Thương xót có hai khía cạnh. Nó bao gồm việc ban tặng (cho), giúp đỡ và phục vụ người khác, nhưng nó cũng bao gồm sự tha thứ và hiểu biết. Thánh Matthêu tóm lược nó trong một luật vàng: “Trong mọi sự, hãy làm cho người khác như các con muốn họ làm cho các con” (7:12). Sách Giáo Lý nhắc nhở chúng ta rằng luật này được áp dụng “trong mọi trường hợp”, [71], đặc biệt là khi chúng ta “đối diện với những hoàn cảnh làm cho các phán đoán về luân lý không được chắc chắn và khó quyết định” [72].
81. Cho và tha thứ có nghĩa là tái tạo trong cuộc sống của chúng ta một số lượng nho nhỏ sự hoàn thiện của Thiên Chúa, là Đấng cho và tha thứ quá nhiều. Vì lý do này, trong Tin Mừng Thánh Luca, chúng ta không nghe những lời “Hãy nên hoàn thiện” (Mt 5:48), nhưng thay vào đó, “Hãy có lòng thương xót, như Cha các con là Ðấng hay thương xót. Ðừng xét đoán, thì các con sẽ không bị xét đoán. Ðừng kết án ai, thì các con sẽ không bị kết án. Hãy tha thứ, thì các con sẽ được tha thứ. Hãy cho, thì các con sẽ được cho lại” (6: 36-38). Thánh Luca sau đó thêm một điều mà chúng ta không được bỏ qua: “Vì các con lấy đấu nào mà đong, thì sẽ được đong lại bằng đấu đó” (6:38). Tiêu chuẩn mà chúng ta sử dụng để hiểu và tha thứ cho người khác sẽ đo lường sự tha thứ mà chúng ta nhận được. Các tiêu chuẩn chúng ta sử dụng để cho đi sẽ đo lường những gì chúng ta nhận được. Chúng ta không bao giờ được quên điều này.
82. Chúa Giêsu không nói, “Phúc cho những kẻ tìm cách báo thù”. Người gọi những người tha thứ và làm như vậy “bảy mươi lần bảy” (Mt 18:22) là những người “được chúc phúc”. Chúng ta cần nghĩ về chính mình như một quân đội của những người được tha thứ. Tất cả chúng ta đã được đoái nhìn với lòng từ bi của Thiên Chúa. Nếu chúng ta chân thành đến gần Chúa và cẩn thận lắng nghe, có thể có những lúc chúng ta nghe được lời quở trách của Người: “Vậy ngươi không phải thương xót đồng bạn ngươi, như Ta đã thương xót ngươi sao?” (Mt 18:33).
Thấy và hành động với lòng thương xót: đó là sự thánh thiện.
“Phúc cho những ai có lòng trong sạch, vì họ sẽ được thấy mặt Thiên Chúa”
83. Mối Phúc này nói về những người có tâm hồn đơn sơ, thanh sạch và không ô uế, vì một trái tim có khả năng yêu thương không thu vào những gì có thể làm hại, làm suy yếu hoặc gây nguy hiểm cho tình yêu ấy. Thánh Kinh sử dụng trái tim để mô tả những ý định thật sự của chúng ta, những điều chúng ta thật sự tìm kiếm và mong muốn, ở ngoài tất cả những vẻ bề ngoài. “Loài người nhìn vẻ bề ngoài, còn Đức Chúa thì nhìn thấu tận đáy lòng” (1Sam 16:7). Thiên Chúa muốn nói với con tim của chúng ta (x. Hos 2:16); ở đó Ngài muốn ghi Lể Luật của Ngài (x. Ger 31:33). Nói cách khác, Ngài muốn cho chúng ta một quả tim mới (x. Ed 26:26).
84. “Hãy gìn giữ tim con cho thật kỹ” (Cn 4:23). Không có gì bị nhơ bẩn bởi sự giả dối mà có giá trị thật sự trong mắt Chúa. Người “tránh thói lọc lừa, rời xa những tư tưởng ngu dốt” (Kn 1: 5). Chúa Cha, “Đấng thấu suốt những gì kín đáo” (Mt 6: 6), nhận ra điều gì thiếu tinh khiết và không chân thành, mà chỉ trình diễn hay có vẻ bề ngoài, cũng như Chúa Con, Đấng biết “điều gì trong lòng người” (x. Ga 2,25).
85. Chắc chắn không thể có tình yêu mà không có những việc làm yêu thương, nhưng Mối Phúc này nhắc nhở chúng ta rằng Chúa mong đợi một cam kết dấn thân cho anh chị em mình đến từ con tim. Vì “Nếu tôi có đem hết tất cả những gì tôi có mà cho đi, và nếu tôi hiến thân xác tôi để chịu thiêu đốt, mà tôi không có đức ái, thì tôi cũng chẳng được gì” (1 Cor 13: 3). Cũng trong Tin Mừng Thánh Matthêu, chúng ta thấy rằng những gì phát xuất từ con tim là điều làm một người ra ô uế (x. 15:18), vì từ con tim phát ra những ý định giết người, trộm cắp, làm chứng dối, và những việc làm gian ác khác (x. 15:19). Từ những ý định của con tim phát sinh những ham muốn và những quyết định sâu xa nhất xác định các hành động của chúng ta.
86. Một con tim yêu mến Thiên Chúa và tha nhân (x. Mt 22:36-40) thật sự, chứ không chỉ đơn thuần bằng lời nói, là một con tim trong sạch; nó có thể thấy Thiên Chúa. Trong thánh thi Đức Ái của ngài, Thánh Phaolô nói rằng “bây giờ chúng ta nhìn thấy lờ mờ như trong một tấm gương” (1 Cor 13:12), nhưng tùy theo mức độ thắng thế của chân lý và tình yêu, chúng ta sẽ có thể nhìn thấy “mặt đối mặt”. Chúa Giêsu hứa rằng những ai có lòng trong sạch “sẽ thấy Thiên Chúa”.
Giữ một quả tim khỏi tất cả những gì làm lu mờ tình yêu: đó là sự thánh thiện.
“Phúc cho những ai kiến tạo hòa bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa”
87. Mối Phúc này khiến chúng ta suy nghĩ về quá nhiều hoàn cảnh chiến tranh không ngừng trong thế giới của mình. Tuy nhiên, chính chúng ta thường là nguyên nhân của xung đột hoặc ít ra là hiểu lầm. Thí dụ, tôi có thể nghe được một điều gì về một người nào đó và tôi đi ra ngoài kể lại cho người khác. Tôi thậm chí còn có thể thêm mắm thêm muối cho nó ở vòng thứ hai và tiếp tục loan truyền nó ... Và nó càng gây thêm tai hại, thì tôi có vẻ càng hài lòng về nó. Thế giới của những tin đồn, bị những người tiêu cực và phá hoại chiếm đóng, không mang lại hòa bình. Những kẻ như vậy thực sự là kẻ thù của hòa bình; họ không có cách nào “được chúc phúc” [73].
88. Những người kiến tạo hòa bình thực sự “tạo ra” hòa bình; họ xây dựng hòa bình và tình bằng hữu trong xã hội. Đối với những người gieo vãi hòa bình, Chúa Giêsu đã hứa lời hứa tuyệt vời này: “Họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa” (Mt 5:9). Người bảo các môn đệ rằng, bất cứ nơi nào họ đến, họ sẽ nói: “Bình an cho nhà này!” (Lc 10: 5). Lời Chúa khuyến khích mọi tín hữu làm việc cho hoà bình “cùng với tất cả những ai cầu khẩn Chúa bằng tấm lòng trong sạch” (2 Tim 2:22), “vì hoa quả của sự công chính được gieo trong hòa bình cho những ai kiến tạo hòa bình” (Gc 3:18). Và nếu có nhiều lần trong cộng đồng chúng ta khi chúng ta hỏi phải làm gì, “chúng ta hãy theo đuổi điều gì đem lại hòa bình” (Rom 14:19), vì sự hiệp nhất đáng ưa chuộng hơn sư xung đột [74].
89. Không dễ dàng để “tạo ra” thứ hòa bình theo Tin Mừng này, là hoà bình không loại trừ ai, nhưng bao gồm cả những người hơi kỳ cục, phiền toái hoặc khó chịu, đòi hỏi, lập dị, bị dầm vập bởi cuộc sống hoặc đơn thuần vô tư. Đó là công việc khó khăn; nó kêu gọi sự cởi mở lớn lao của trí khôn và tâm hồn, bởi vì nó không phải là việc tạo ra “thoả ước trên giấy tờ hay hòa bình tạm thời cho một thiểu số được hài lòng” [75], hoặc một dự án “bởi một ít người cho một ít người” [76]. Nó cũng không cố gắng lờ đi hoặc coi thường mâu thuẫn; trái lại, nó phải “đối diện trực tiếp với xung đột, giải quyết nó và làm cho nó thành một mắt xích trong chuỗi của một tiến trình mới” [77]. Chúng ta cần phải là những người xây dựng hòa bình, vì xây dựng hoà bình là một nghề đòi hỏi sự bình thản, sáng tạo, nhạy cảm và kỹ năng.
Gieo vãi hoà bình quanh chúng ta: đó là sự thánh thiện.
“Phúc cho những ai bị bách hại vì sự công chính, vì Nước Trời là của họ”
90. Chính Chúa Giêsu cảnh báo chúng ta rằng con đường mà Người đề nghị là con đường ngược dòng, thậm chí làm cho chúng ta thách đố xã hội bằng cách sống của mình, và kết quả là trở nên một sự phiền toái. Người nhắc nhở chúng ta về bao nhiêu người đã và đang bị bách hại chỉ vì họ đấu tranh cho công lý, bởi vì họ coi trọng cam kết của họ đối với Thiên Chúa và tha nhân. Trừ khi chúng ta muốn chìm vào một sự tầm thường tăm tối, chúng ta đừng mong có một cuộc sống dễ dàng, vì “ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất nó” (Mt 16:25).
91. Khi sống Tin Mừng, chúng ta không thể mong đợi rằng mọi sự sẽ trở nên dễ dàng, vì sự khao khát quyền hành và quyền lợi thế tục thường chặn đường chúng ta. Thánh Gioan Phaolô II đã lưu ý rằng “một xã hội trở thành tha hoá nếu trong các hình thức tổ chức xã hội, sản xuất và tiêu thụ, nó làm cho việc thực thi sự tự hiến này và việc thiết lập tình liên đới này giữa con người trở nên khó khăn hơn” [78]. Trong một xã hội như vậy, chính trị, truyền thông đại chúng và các thể chế kinh tế, văn hoá và thậm chí tôn giáo trở nên quá vướng víu với nhau đến nỗi trở thành một trở ngại cho sự phát triển con người và xã hội đích thực. Kết quả là người ta khó mà sống các Mối Phúc Thật; bất cứ nỗ lực nào để sống như thế đều bị coi là tiêu cực, bị nhìn với cặp mắt nghi ngờ, và bị gặp với những lời nhạo báng.
92. Bất chấp sự mệt mỏi và đau đớn mà chúng ta có thể trải qua trong việc sống giới luật yêu thương và đi theo con đường công lý, Thánh Giá vẫn là nguồn mạch cho sự trưởng thành và thánh hóa của chúng ta. Chúng ta không bao giờ được quên rằng khi Tân Ước nói với chúng ta rằng chúng ta sẽ phải chịu đau khổ vì Tin Mừng, là nói cách chính xác về những cuộc bách hại (x. Cv 5:41, Phil 1:29, Col 1:24, 2 Tim 1:12, 1 Phr 2:20, 4:14-16, Kh 2:10).
93. Nhưng ở đây chúng ta nói về những cuộc bách hại không thể tránh được, chứ không phải loại bách hại mà chúng ta có thể tự gây ra cho mình khi chúng ta đối xử với những người khác một cách tồi tệ. Các thánh không phải là những người kỳ quặc, xa cách, không thể chịu nổi vì sự hợm mình của các ngài, sự tiêu cực và sự cay đắng của các ngài. Các Tông đồ của Đức Kitô không giống như thế. Sách Tông Đồ Công vụ lặp đi lặp lại rằng các ngài được được lòng “tất cả mọi người” (2:47, x. 4: 21, 33, 5:13), ngay cả một số nhà cầm quyền đã sách nhiễu và bách hại các ngài (xem 4: 1-3, 5:17-18).
94. Những cuộc bách hại không phải là một thực tại trong quá khứ, vì ngày nay chúng ta cũng kinh nghiệm chúng, cho dù bằng cách đổ máu, như trường hợp nhiều vị tử vì đạo đương thời, hoặc bằng những phương cách tế nhị hơn, bằng vu khống và lừa dối. Chúa Giêsu gọi chúng ta là có phúc khi người ta “vu khống cho các con đủ điều xấu xa vì Thầy” (Mt 5:11). Vào những lúc khác, cuộc bách hại có thể xảy ra dưới hình thức những sự chế nhạo cố gắng châm biếm đức tin của chúng ta và làm cho chúng ta xem ra có vẻ lố bịch.
Chấp nhận hàng ngày con đường Tin Mừng, dù nó có thể gây khó khăn cho chúng ta: đó là sự thánh thiện.
TIÊU CHUẨN LỚN
95. Trong chương hai mươi lăm của Tin Mừng Thánh Matthêu (câu 31-46), Chúa Giêsu một lần nữa ngừng lại trên một trong các Mối Phúc, Mối Phúc gọi những người có lòng thương xót là có phúc. Nếu chúng ta tìm kiếm sự thánh thiện làm đẹp mắt Thiên Chúa, đoạn văn này cho chúng ta một tiêu chuẩn rõ ràng dựa trên đó mà chúng ta được xét xử. “Ta đói, các con đã cho Ta ăn, Ta khát, các con đã cho Ta uống, Ta là khách lạ, các con đã đón tiếp Ta, Ta trần truồng, các con đã cho Ta mặc, Ta đau yếu, các con đã săn sóc Ta, Ta bị bỏ tù, các con đã thăm viếng Ta.”(các câu 35-36).
Trong sự trung thành với Thầy
96. Như thế, nên thánh không có nghĩa là mê mẩn trong trạng thái xuất thần huyền bí. Như Thánh Gioan Phaolô II đã nói: “Nếu chúng ta thật sự bắt đầu lại từ việc chiêm niệm về Đức Kitô, thì chúng ta phải học cách nhìn thấy Người đặc biệt là trên khuôn mặt của những kẻ mà chính Người muốn được đồng hoá với “ [79]. Đoạn văn Matthêu 25:35-36 “không phải là một lời mời gọi đơn giản đến đức ái: đó là một trang của Kitô học chiếu một tia sáng trên mầu nhiệm của Đức Kitô” [80]. Trong lời kêu gọi nhận ra Người trong những người nghèo và đau khổ này, chúng ta thấy tỏ lộ chính Thánh Tâm của Đức Kitô, những cảm xúc và sự chọn lựa sâu thẳm nhất của Người, mà mỗi vị thánh tìm cách noi gương.
97. Vì những đòi hỏi cương quyết này của Chúa Giêsu, nhiệm vụ của tôi là yêu cầu các Kitô hữu thừa nhận và chấp nhận chúng trong tinh thần cởi mở đích thực, sine glossa. Nói cách khác, không có bất kỳ “nếu hoặc nhưng” nào, là điều có thể làm giảm sức mạnh của chúng. Chúa chúng ta đã nói rất rõ rằng sự thánh thiện không thể hiểu hay sống ngoài những đòi hỏi này, vì lòng thương xót là “con tim đang đập của Tin Mừng” [81].
98. Nếu tôi gặp một người ngủ ngoài trời trong một đêm lạnh lẽo, tôi có thể coi người ấy như một điều phiền nhiểu, quấy rầy, trở ngại trên con đường của tôi, một cảnh tượng phiền toái, một vấn đề để cho các chính trị gia giải quyết, hoặc thậm chí một đống rác bừa bãi nơi công cộng. Hoặc tôi có đáp lại với đức tin và đức ái, và thấy trong người ấy một con người với một phẩm giá giống hệt như của tôi, một thụ tạo được Chúa Cha yêu thương vô bờ, một hình ảnh của Thiên Chúa, một anh chị em được Chúa Giêsu cứu chuộc. Làm một Kitô hữu là như thế! Sự thánh thiện có thể được hiểu ở ngoài việc nhìn nhận cách sống động về phẩm giá của mỗi con người này không? [82].
99. Đối với các Kitô hữu, điều này liên quan đến một lo lắng không ngừng và lành mạnh. Ngay cả khi việc giúp đỡ chỉ một người mà thôi cũng có thể biện minh cho tất cả những nỗ lực của chúng ta, việc ấy cũng chưa đủ. Chẳng hạn như các giám mục Gia Nã Đại đã làm sáng tỏ điều này khi các ngài ghi nhận rằng sự hiểu biết theo Thánh Kinh về năm thánh là về nhiều hơn chỉ đơn thuần thực hiện một số việc lành. Nó cũng có nghĩa là tìm cách thay đổi xã hội: “Để cho các thế hệ sau này cũng được giải thoát, rõ ràng mục tiêu phải là khôi phục lại các hệ thống xã hội và kinh tế, để không còn sự loại trừ nữa” [83].
Những ý tưởng đành vào lòng Tin Mừng
100. Tôi tiếc rằng đôi khi có những tư tưởng dẫn chúng ta đến hai sai lầm nguy hại. Một đàng, có sai lầm của các Kitô hữu tách biệt những đòi hỏi này Tin Mừng ra khỏi mối liên hệ cá nhân của họ với Chúa, ra khỏi sự kết hợp nội tâm của họ với Người, ra khỏi sự mở lòng ra cho ân sủng của Người. Như thế, Kitô giáo trở thành một loại tổ chức phi chính phủ (NGO), bị tước mất sự thần bí sáng ngời được chứng tỏ trong đời sống của Thánh Phanxicô thành Assisi, Thánh Vincentê đệ Phaolô, Thánh Têrêxa thành Calcutta và nhiều vị thánh khác. Đối với những vị thánh lớn này, tâm nguyện, tình yêu của Thiên Chúa và việc đọc Tin Mừng không hề làm giảm bớt cam kết dấn thân đầy say mê và hiệu quả của các ngài đối với những người lân cận của mình; hoàn toàn ngược lại.
101. Sai lầm nguy hại về tư tưởng khác được tìm thấy ở những kẻ nghi ngờ việc tham gia vào xã hội của người khác, coi nó như phiến diện, thế gian, trần tục, vật chất, cộng sản hay dân túy. Hoặc họ tương đối hoá nó, như thể họ có những vấn đề khác quan trọng hơn, hoặc điều duy nhất đáng kể là một trong những vấn đề đạo đức cụ thể hoặc mục tiêu mà họ tự bảo vệ. Chẳng hạn như, việc bảo vệ các trẻ em vô tội chưa sinh ra của chúng ta cần phải được rõ ràng, chắc chắn và say mê, vì nguy cơ bị đe doạ là phẩm giá của một đời sống con người, một điều luôn luôn thánh thiêng và đòi hỏi tình yêu dành cho mỗi người, bất chấp giai đoạn phát triển của họ. Tuy nhiên, cũng thánh thiêng không kém là đời sống của những người nghèo, những người đã được sinh ra, những người cơ bần, những người bị bỏ rơi và bị thiệt thòi, những người dễ bị tổn thương và những người già cả dễ làm mồi cho việc giết chết êm dịu khéo che đậy, những nạn nhân của nạn buôn người, những hình thức nô lệ mới và mọi hình thức loại trừ [84]. Chúng ta không thể đề nghị một lý tưởng về sự thánh thiện có thể không quan tâm gì đến những bất công trong một thế giới mà một số người vui vẻ ăn uống say sưa, chi tiêu bừa bãi và sống chỉ để hưởng những món hàng tiêu thụ mới nhất, trong khi những người khác chỉ nhìn từ bên ngoài, và sống trọn cuộc đời họ trong nghèo đói thê lương.
102. Chúng ta thường nghe nói rằng, so với việc đương đầu với thuyết tương đối và những sai lỗi của thế giới hiện tại của chúng ta, thì tình trạng di dân chẳng hạn, là một vấn đề không quan trọng bằng. Một số người Công giáo coi đó là vấn đề thứ yếu so với những vấn đề về sinh học “nghiêm trọng”. Một chính trị gia đang kiếm phiếu nói một điều như thế thì có thể hiểu được, nhưng một Kitô hữu thì không, vì thái độ đúng đắn duy nhất là đứng vào vị trí của các anh chị em mình, những người liều mạng sống của mình để bảo đảm một tương lai cho con cái họ. Liệu chúng ta có thể không nhận ra rằng đây chính là điều mà Chúa Giêsu đòi hỏi chúng ta, khi Người bảo chúng ta rằng khi đón tiếp khách lạ là chúng ta đón tiếp Người (x. Mt 25:35) sao? Thánh Bênêđictô đã làm như thế một cách dễ dàng, và mặc dù nó có thể làm cho cuộc đời các tu sĩ của Ngài ra “phức tạp”, ngài đã ra lệnh rằng tất cả các khách gõ cửa tu viện đều được đón tiếp “như Đức Kitô” [85], với một cử chỉ tôn kính [86]; người nghèo và người hành hương phải được gặp với “sự quan tâm và ân cần vĩ đại nhất” [87].
103. Một tiếp cận tương tự cũng được tìm thấy trong Cựu Ước: “Các ngươi không được bạc đãi khách lạ, hoặc hà hiếp họ, vì các ngươi đã là khách lạ tại Ai Cập” (Xh 22:21). “Khi có một kiều dân ở trong xứ của các ngươi, thì đừng hà hiếp họ. Các ngươi phải cư xử với kiều dân ở giữa các ngươi như người bản xứ, và hãy thương yêu họ như chính mình, vì các ngươi cũng đã là kiều dân ở Ai Cập. Ta là Đức Chúa, Thiên Chúa của các ngươi”(Lv 19:33-34). Đây không phải là một khái niệm được một số Giáo hoàng phát minh, hoặc một mốt nhất thời ngắn ngủi. Cũng trong thế giới hôm nay, chúng ta được mời gọi đi theo con đường linh đạo khôn ngoan được ngôn sứ Isaia đề ra để cho thấy điều gì đẹp lòng Thiên Chúa. “Chẳng phải là việc chia cơm cho người đói, rước những người nghèo không nơi trú ngụ vào nhà; thấy ai trần truồng thì cho áo mặc, chẳng ngoảnh mặt làm ngơ trước anh em cốt nhục sao? Bấy giờ ánh sáng ngươi sẽ bừng lên như rạng đông” (58:7-8).
Sự thờ phượng được Thiên Chúa chấp nhận nhất
104. Chúng ta có thể nghĩ rằng chúng ta tôn vinh Thiên Chúa chỉ bằng việc thờ phượng và cầu nguyện của mình, hoặc đơn thuần bằng cách tuân giữ một số quy tắc đạo đức nhất định. Đúng là ưu tiên thuộc về mối liên hệ của chúng ta với Thiên Chúa, nhưng chúng ta không thể quên rằng tiêu chuẩn cuối cùng mà dựa trên đó cuộc đời chúng ta sẽ được xét xử là những gì chúng ta đã làm cho tha nhân. Cầu nguyện là điều quý giá nhất, vì nó nuôi dưỡng một cam kết dấn thân hàng ngày cho tình yêu. Việc thờ phượng của chúng ta trở nên đẹp lòng Thiên Chúa khi chúng ta tự nguyện sống đại lượng, và để cho hồng ân Thiên Chúa, được ban cho trong cầu nguyện, được thể hiện trong sự quan tâm của chúng ta đối với anh chị em mình.
105. Tương tự như thế, cách tốt nhất để phân biệt xem lời cầu nguyện của chúng ta có chân chính hay không là xét xem cuộc sống của mình có đang được biến đổi trong ánh sáng của lòng thương xót không. Vì “lòng thương xót không chỉ là hành động của Chúa Cha; mà còn trở thành một tiêu chuẩn để xác định ai là con cái thật của Ngài” [88]. Lòng thương xót “chính là nền tảng của đời sống của Hội Thánh” [89]. Về vấn đề này, tôi muốn nhắc lại rằng lòng thương xót không loại trừ công lý và chân lý; quả thực “chúng ta phải nói rằng lòng thương xót là sự trọn vẹn của công lý và là biểu lộ rực rỡ nhất của chân lý của Thiên Chúa” [90]. Đó là “chìa khóa Thiên Đàng” [91].
106. Ở đây, tôi nghĩ đến Thánh Tôma Aquinô, người đã hỏi những hành động nào của chúng ta là cao quý nhất, những việc làm bề ngoài nào cho người ta thấy rõ nhất tình yêu Thiên Chúa của chúng ta. Thánh Tôma đã không ngần ngại trả lời rằng chúng là những việc thương xót đối với người lân cận của chúng ta, [92], thậm chí nhiều hơn các hành vi thờ phượng của chúng ta: “Chúng ta thờ phượng Thiên Chúa bằng những hy sinh và của lễ bề ngoài, không vì lợi ích của Ngài, mà của chính chúng ta và những người lân cận của chúng ta. Vì Ngài không cần những hy sinh của chúng ta, nhưng muốn chúng được dâng lên Ngài, để khơi dậy lòng sùng kính của chúng ta và sinh ích cho những người lân cận của chúng ta. Vì thế, lòng thương xót, mà qua đó chúng ta bù đắp những thiếu thốn của người khác, là một sự hy sinh dễ được chấp nhận hơn đối với Ngài, vì hướng trực tiếp hơn đến hạnh phúc của những người lân cận của chúng ta” [93].
107. Những người thực sự muốn làm vinh danh Thiên Chúa bằng đời sống của mình, những người thực sự ao ước lớn lên trong sự thánh thiện, được mời gọi quyết tâm bền chí trong việc thực hành các việc thương xót. Thánh Têrêxa thành Calcutta đã nhận ra điều này một cách rõ ràng: “Vâng, tôi có nhiều lỗi lầm và thất bại của con người ... Nhưng Thiên Chúa cúi xuống và sử dụng chúng ta, bạn và tôi, để thành tình yêu và lòng từ bi của Người trên thế gian; Người gánh lấy tội lỗi chúng ta, những khó khăn và lỗi lầm của chúng ta. Người lệ thuộc vào chúng ta để yêu thế gian và cho thấy Người yêu nó nhiều như thế nào. Nếu chúng ta quá quan tâm đến bản thân mình, chúng ta sẽ không còn thì giờ cho người khác” [94].
108. Chủ nghĩa hưởng thụ và chủ nghĩa tiêu thụ có thể chứng tỏ sự sụp đổ của chúng ta, bởi vì khi chúng ta bị ám ảnh bởi niềm vui của chính mình, chúng ta sẽ trở nên quá quan tâm đến bản thân và các quyền lợi của mình, và chúng ta cảm thấy tuyệt vọng là cần phải có thời giờ rảnh rỗi để hưởng lạc thú. Chúng ta sẽ thấy khó mà có thể cảm thấy và chứng tỏ bất kỳ mối quan tâm thực sự nào đối với những người nghèo khó, trừ phi chúng ta có thể vun trồng một đời sống giản dị, chống lại các nhu cầu nóng bỏng của một xã hội tiêu thụ, là điều làm cho chúng ta trở nên nghèo nàn và không thoả mãn, bồn chồn muốn có tất cả ngay bây giờ. Tương tự như thế, khi chúng ta để mình bị cuốn vào những tin tức bề ngoài, truyền thông tức thì và thực tại ảo, chúng ta có thể lãng phí thì giờ quý báu và trở nên thờ ơ với những vết thương của anh chị em mình. Tuy nhiên, ngay cả giữa cơn lốc hoạt động này, Tin Mừng vẫn tiếp tục vang lên, cung cấp cho chúng ta lời hứa của một cuộc sống khác, một cuộc sống lành mạnh và hạnh phúc hơn.
109. Chứng từ mạnh mẽ của các thánh được tỏ lộ trong cuộc sống của các ngài, được hình thành bởi các Mối Phúc Thật và tiêu chuẩn của phán xét cuối cùng. Lời của Chúa Giêsu thì rất ít và đơn giản, nhưng thực tế và có giá trị đối với tất cả mọi người, vì trên tất cả mọi sự, Kitô giáo là để đem ra thực hành. Nó cũng có thể là một đối tượng nghiên cứu và suy niệm, nhưng chỉ để giúp chúng ta sống Tin Mừng tốt hơn trong cuộc sống hàng ngày của mình. Tôi đề nghị đọc lại các bản văn Thánh Kinh vĩ đại này, đề cập đến chúng, cầu nguyện với chúng, cố gắng diễn tả chúng. Chúng sẽ có ích cho chúng ta; chúng sẽ làm cho chúng ta được thực sự hạnh phúc.
Phaolô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ
(còn tiếp)
-------------------
[66] X. Bài Giảng trong Thánh Lễ ở Casa Santa Marta, ngày 9 Tháng 6, 2014: L’Osservatore Romano, 10 Tháng 6, 2014, t. 8.
[67] Thứ tự của Mối Phúc thứ hai và thứ ba thay đổi tuỳ theo truyền thống văn bản.
[68] Spiritual Exercises, 23d.
[69] Manuscript C, 12r.
[70] Tư thời các giáo phụ, Hội Thánh đã tôn trọng ơn khóc lóc, như được thấy trong kinh “Ad petendam compunctionem cordis”. Được đọc thế này: “Lạy Thiên Chúa Toàn Năng và rất hay thương xót, Đấng đã làm vọt ra nước hằng sống từ tảng đá cho dân đang khát nước của Chúa: xin làm chảy ra nước mắt và lòng thống hối từ sự cứng lòng của chúng con, để chúng con đau buồn vì tội lỗi mình, và nhờ lượng từ bi Chúa, chúng con được tha thứ” (X. Missale Romanum, ed. typ. 1962, t. [110]).
[71] Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, 1789; X. 1970.
[72] Ibid., 1787.
[73] Gièm pha và nói hành là những hành động khủng bố: một quả bom được tung ra, nó nổ, và kẻ tấn công bình thản và hài lòng bỏ đi. Điều này hoàn toàn khác với sự cao quý của những người nói với người khác giáp mặt, chân thành và thẳng thắn, vì thật sự quan tâm đến sự tốt lành của người ấy.
[74] Đôi khi, có thể cần phải nói về những khó khăn cùa một anh chị em nào đó. Trong những trường hợp như thế, điều có thể xảy ra là người ta truyền lại một cắt nghĩa thay vì một dữ kiện khách quan. Tình cảm có thể làm cho hiểu sai hay thay đổi các dữ kiện, và cuối cùng nó được chuyền đi và được pha thêm với những yếu tố chủ quan. Bằng cách này, chính các dữ kiện hoặc sự thật không được tôn trọng.
[75] Tông Huấn, Evangelii Gaudium (ngày 24 Tháng 11, 2013), 218: AAS 105 (2013), 1110.
[76] Ibid., 239: 1116.
[77] Ibid., 227: 1112.
[78] Thông Điệp Centesimus Annus (ngày 1 Tháng 5, 1991), 41c: AAS 81 (1993), 844-845.
[79] Tông Thư Novo Millennio Ineunte (ngày 6 Tháng 1, 2001), 49: AAS 93 (2001), 302.
[81] Tự Sắc Misericordiae Vultus (ngày 11 Tháng 4, 2015), 12: AAS 107 (2015), 407.
[82] Chúng ta có thể nhớ lạ phản ứng của người Samaritanô nhân từ khi gặp người bị cướp tấn công và bỏ cho chết (X. Lk 10:30-37).
[83] UỶ BAN XÃ HỘI CỦA HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC CÔNG GIÁO GIA NÃ ĐẠI, Thư Ngỏ gửi các Thành Viên Quốc Hội, Công Ích hay Loại Trừ: Một Chọn Lựa cho ngườu Gia Nã Đại (ngày 1 Tháng 2, 2001), 9.
[84] Đại Hội Thường Kỳ của các Giám Mỵc Châu Mỹ Lating và Caribbê, khi vang vọng lại giáo huấn cố hữu của Hôi Thánh, đã nói rằng con người “luôn luôn thánh thiêng, từ lúc thụ thai, ở tất cả các gia đoạn của cuộc sống, cho đến khi chết tự nhiên, và sau khi chết”, và cuộc sống ấy phải được bảo vệ “bắt đầu từ khi thụ thai, trong mọi giai đoạn của nó, cho đến lúc chết tự nhiên” (Tái liệu Aparecida, ngày 29 Tháng 6, 2007, 388; 464).
[85] Quy Luật, 53, 1: PL 66, 749.
[86] X. ibid., 53, 7: PL 66, 750.
[87] Ibid., 53, 15: PL 66, 751.
[88] Tự Sắc Misericordiae Vultus (ngày 11 Tháng 4, 2015), 9: AAS 107 (2015), 405.
[90] Tông Huấn Hậu Thương Hội Đồng Giám Mục Amoris Laetitia (ngày 19 Tháng 3, 2016), 311: AAS 108 (2016), 439.
[91] Tông Huấn Evangelii Gaudium (ngày 24 Tháng 11, 2013), 197: AAS 105 (2013), 1103.
[92] X. Summa Theologiae, II-II, q. 30, a. 4.
[93] Ibid., ad 1.
[94] Được trích (trong bản dịch Tây Ban Nha) trong: Cristo en los Pobres, Madrid, 1981, 37-38.
TÔNG HUẤN
GAUDETE ET EXSULTATE
CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ
VỀ ƠN GỌI NÊN THÁNH
TRONG THẾ GIỚI NGÀY NAY
CHƯƠNG 4
CÁC ĐẶC TÍNH CỦA SỰ THÁNH THIỆN TRONG THẾ GIỚI NGÀY NAY
110. Trong khuôn khổ của sự thánh thiện cao cả mà các Mối Phúc Thật và Matthêu 25:31-46 đưa ra, tôi muốn đề cập đến một số đặc tính hoặc biểu thức tâm linh, theo thiển ý của tôi, là rất cần thiết để hiểu được cách sống mà Chúa mời gọi chúng ta. Tôi sẽ không ngừng lại để giải thích các phương tiện thánh hóa đã được chúng ta biết đến: các phương pháp cầu nguyện khác nhau, các Bí Tích Thánh Thể và Hòa giải vô giá, việc dâng những hy sinh cá nhân, các hình thức sùng kính khác nhau, việc linh hướng và nhiều việc khác nữa. Ở đây, tôi sẽ chỉ nói về một số khía cạnh của ơn gọi nên thánh mà tôi hy vọng sẽ vang âm một đặc biệt.
111. Các đặc tính tôi muốn nhấn mạnh không phải là tất cả những gì có thể tạo thành một mô hình nên thánh, nhưng chúng là năm biểu hiện tuyệt vời của tình yêu đối với Thiên Chúa và tha nhân mà tôi cho là có tầm quan trọng đặc biệt bởi vì một số nguy cơ và giới hạn nào đó của nền văn hoá hiện nay. Trong đó chúng ta thấy một cảm giác lo lắng, đôi khi bạo động, làm cho chúng ta sao lãng và suy nhược; sự tiêu cực và buồn rầu; tính tự mãn được nuôi dưỡng bằng chủ nghĩa tiêu thụ; chủ nghĩa cá nhân; và tất cả những hình thức tâm linh sai lạc, không gặp gỡ được Thiên Chúa, hiện đang thống trị thị trường tôn giáo thời nay.
KIÊN TRÌ, KIÊN NHẪN VÀ HIỀN LÀNH
112. Đặc tính đầu tiên trong những đặc tính to tát này có nền tảng vững chắc trong Thiên Chúa, Đấng yêu thương và nâng đỡ chúng ta. Nguồn sức mạnh nội tâm này giúp chúng ta kiên trì giữa những thăng trầm của cuộc đời, nhưng cũng giúp chúng ta chịu đựng được sự thù địch, phản bội và thất bại của người khác. “Nếu Thiên Chúa giúp chúng ta, thì ai chống lại được chúng ta?” (Rm 8:31): đây là nguồn bình an được tìm thấy nơi các thánh. Sức mạnh nội tâm như vậy khiến chúng ta có thể làm chứng về sự thánh thiện qua việc kiên nhẫn và kiên định làm việc lành trong một thế giới đầy biến động, ồn ào và năng nổ của chúng ta. Đó là lòng trung thành phát sinh từ tình yêu, vì những ai tin tưởng vào Thiên Chúa (pístis) cũng có thể trung thành với tha nhân (pistós). Họ không bỏ rơi người khác trong những lúc khó khăn; họ đồng hành với những người ấy trong cơn ưu phiền và sầu khổ của họ, mặc dù làm như thể có thể không mang lại cho họ những sự thoả mãn tức thì.
113. Thánh Phaolô đã xin các tín hữu Rôma đừng “lấy ác báo ác” (xem Rm 12:17), đừng tìm cách trả thù (x. câu 19), đừng để bị khuất phục bởi sự dữ, nhưng lấy điều lành mà khuất phục sự dữ (x. câu 21). Thái độ này không phải là dấu chỉ của sự yếu đuối mà của sức mạnh thực sự, bởi vì chính Thiên Chúa “chậm bất bình nhưng rất quyền năng” (Na 1:3). Lời Chúa khuyên chúng ta hãy “loại bỏ tất cả mọi đắng cay, phẫn nộ, giận hờn, chửi bới, cùng mọi điều gian ác” (Eph 4:31).
114. Chúng ta cần phải vật lôn với và đề phòng các khuynh hướng hung hăng và ích kỷ của mình, và đừng để cho chúng bén rễ. “Hãy nóng giận, nhưng đừng phạm tội. Chớ để mặt trời lặn trên cơn giận của anh em” (Eph 4:26). Khi cảm thấy bị đuối sức, chúng ta luôn luôn có thể bám lấy mỏ neo cầu nguyện, là điều đưa chúng ta trở lại vòng tay Thiên Chúa và nguồn bình an của chúng ta. “Anh em đừng lo lắng về bất cứ điều gì, nhưng trong mọi sự, hãy dâng lên Thiên Chúa lời cầu xin của anh em bằng kinh nguyện, xin ơn, và tạ ơn. Và bình an của Thiên Chúa, là bình an vượt lên trên mọi hiểu biết, sẽ giữ gìn lòng trí anh em...” (Ph 4: 6-7).
115. Kitô hữu cũng có thể bị cuốn vào mạng lưới bạo lực bằng lời nói qua mạng internet và các diễn đàn truyền thông thuật số khác nhau. Ngay cả trong các phương tiện truyền thông Công giáo, các giới hạn có thể bị vượt qua, phỉ báng và vu khống có thể trở nên phổ thông, và tất cả các tiêu chuẩn đạo đức và tôn trọng danh tiếng của người khác có thể bị bỏ rơi. Kết quả là một sự phân đôi nguy hiểm, vì những gì có thể được nói ở đó có thể không được chấp nhận trong các cuộc thảo luận công khai, và người ta tỉm cách bù đắp cho sự bất mãn của mình bằng cách mạ lỵ những người khác. Điều đáng chú ý là đôi khi, có những người tự cho là mình giữ các điều răn khác, nhưng lại hoàn toàn bỏ qua điều răn thứ tám, “chớ làm chứng dối”, và tàn nhẫn huỷ hoại hình ảnh của người khác. Ở đó họ chứng tỏ một cách không giữ gìn rằng “cái lưỡi là “thế giới của sự dữ” và “thiêu huỷ toàn thể đời sống chúng ta, vì được nhóm lên bởi lửa hoả ngục” (Gb 3:6).
116. Sức mạnh nội tâm, là việc làm của ân sủng, tránh cho chúng ta khỏi bị kích động bởi bạo lực, là điểu tràn ngập đời sống xã hội ngày nay, bởi vì ân sủng làm giảm bớt tính ham danh và làm cho người ta dễ dàng trở nên có lòng hiền lành. Các thánh không phí sức than phiền về những thất bại của người khác; các ngài có thể cột lưỡi của mình trước những lỗi lầm của anh chị em mình, và tránh những hành động bạo lực bằng lời nói hạ nhục và ngược đãi người khác, bởi vì các ngài coi mình như không xứng đáng để đối xử khắc nghiệt với tha nhân, nhưng coi họ như “hơn mình” (Ph 2: 3).
117. Thật không tốt khi chúng ta nhìn xuống người khác như những quan toà tàn nhẫn, coi họ là không xứng đáng và luôn ra vẻ dạy cho họ những bài học. Đó chính là một hình thức bạo lực tinh vi [95]. Thánh Gioan Thánh Giá đã đề nghị một con đường khác: “Hãy luôn luôn thích được tất cả mọi người dạy mình, hơn là muốn dạy ngay cả những người bé nhỏ nhất trong mọi người” [96]. Và ngài thêm một lời khuyên để đuổi xa ma quỷ: “Hãy vui mừng coi những sự tốt đẹp của người khác như của chính mình, và mong rằng họ được ưu tiên hơn mình trong mọi sự; các chị phải hết lòng làm điều này. Như thế các chị sẽ chiến thắng sự dữ bằng việc lành, đánh đuổi quỷ dữ, và có được một con tim hạnh phúc. Hãy cố gắng thực hành điều này nhiều hơn nữa với những ai mà các chị cho là ít hấp dẫn nhất. Hãy nhận ra rằng nếu các chị không tự tập luyện theo cách này, các chị sẽ không đạt được đức ái thật sự hoặc tiến bộ trong nhân đức ấy” [97].
118. Khiêm tốn chỉ có thể bén rễ trong lòng qua các sỉ nhục. Không có chúng, thì không có sự khiêm tốn hay thánh thiện. Nếu anh chị em không thể chịu đựng và dâng lên một vài nhục nhã, thì anh chị em chưa khiêm tốn và anh chị em chưa phải đang trên con đường nên thánh. Sự thánh thiện mà Thiên Chúa ban cho Hội Thánh của Ngài đến qua sự nhục nhã của Con Ngài. Người là đường. Sự sỉ nhục làm cho anh chị em giống Chúa Giêsu; đó là một khía cạnh không thể tránh được của việc noi gương Đức Kitô. Vì “Ðức Kitô cũng đã chịu đau khổ vì anh chị em, để lại cho anh chị em một mẫu gương, ngõ hầu anh chị em có thể theo bước chân Người.” (1 Phr 2:21). Ngược lại, Người tỏ lộ sự khiêm tốn của Chúa Cha, Đấng xuống để hành trình với dân Ngài, chịu đựng sự bất trung và ta thán của họ (x. Xh 34: 6-9, Kn 11: 23-12: 2, Lc 6:36). Vì lý do này, mà các Tông Đồ, sau khi chịu sỉ nhục, đã vui mừng “là mình được kể như đáng chịu xỉ nhục vì danh [Chúa Giêsu]” (Cv 5:41).
119. Ở đây tôi không chỉ nói về những tình cảnh tột cùng về việc tử vì đạo, mà còn về những sự nhục nhã hàng ngày của những người giữ im lặng để cứu gia đình họ, những người muốn ca tụng người khác hơn là tự hào về chính mình hoặc những người chọn những công việc không được ai hoan nghênh, đôi khi thậm chí còn chọn chịu sự bất công để dâng lên Chúa. “Nếu khi anh em làm việc lành, mà bị đau khổ, và anh em kiên tâm chịu đựng, thì đó là hồng phúc trước mặt Thiên Chúa” (1 Phr 2:20). Điều này không có nghĩa là đi loanh quanh với cặp mắt nhìn xuống, không nói lời nào và chạy trốn xã hội. Đôi khi, chính vì một người không ích kỷ, họ có thể dám bất đồng ý kiến một cách ôn tồn, đòi hỏi công lý hoặc bảo vệ những kẻ yếu đuối trước mặt những người quyền thế, ngay cả khi nó có thể gây thiệt hại cho họ hoặc danh tiếng của họ.
120. Tôi không nói rằng sự sỉ nhục như vậy là dễ chịu, vì đó là chủ trương tự hành hạ mình, nhưng đây là một cách để noi gương Chúa Giêsu và lớn lên trong sự kết hợp với Người. Điều này không thể hiểu nổi trên một mức độ thuần túy tự nhiên, và thế gian chế diễu bất kỳ khái niệm nào như thế. Thay vào đó, đây là một ân sủng được tìm kiếm trong cầu nguyện: “Lạy Chúa, khi sự sỉ nhục đến, xin giúp con biết rằng con đang theo bước chân Chúa”.
121. Thái độ này bao hàm một con tim được bình an nhờ Đức Kitô, được giải thoát khỏi sự hung hăng phát sinh từ việc quá tự đại. Cũng một bình an ấy được đem đến bởi ân sủng, làm cho chúng ta có thể giữ được sự an toàn nội tâm và chịu đựng, cùng kiên trì trong sự tốt lành, “dù tôi đi qua thung lũng tối tăm của sự chết” (Tv 23,4) hoặc “Dù một đạo binh hạ trại chống lại tôi” (Tv 27: 3). Đứng vững trong Chúa, Đá Tảng, chúng ta có thể hát: “ Trong bình an con ngả mình là ngủ kỹ, chỉ mình Ngài, lạy Chúa, làm đời con yên ổn.” (Tv 4,8). Tóm lại một lời, Đức Kitô, “là bình an của chúng ta” (Eph 2:14); Người đã đến “để hướng dẫn ta bước chân vào nẻo bình an” (Lc 1,79). Như Người đã nói với Thánh Faustina Kowalska, “Loài người sẽ không có hòa bình cho đến khi họ quay lại với lòng tìn thác vào lòng thương xót của Ta” [98]. Vì vậy, chúng ta đừng rơi vào cám dỗ tìm kiếm sự an toàn trong thành công, những thú vui vô bổ, sở hữu, quyền lực trên người khác hoặc địa vị xã hội. Chúa Giêsu phán rằng: “Thầy ban bình an cho các con, nhưng không như thế gian ban nó cho các con.” (Ga 14:27).
NIỀM VUI VÀ ĐẦU ÓC KHÔI HÀI
122. Những điều được nói ở trên không ám chỉ một tinh thần ngăn cấm, nhút nhát, đắng cay hoặc u sầu, hoặc có một vẻ mặt thê lương, các thánh vui tươi và có đầu óc khôi hài. Mặc dù hoàn toàn thực tế, các ngài tỏa ra tinh thần tích cực và đầy hy vọng. Cuộc đời Kitô hữu là cuộc đời “vui mừng trong Chúa Thánh Thần” (Rm 14:17), vì “kết quả cần thiết của tình yêu bác ái là vui mừng; bởi vì mỗi người yêu đều vui mừng khi được kết hợp với người mình yêu ... ảnh hưởng của lòng bác ái là niềm vui” [99]. Khi nhận được hồng ân Lời Chúa tuyệt mỹ, chúng ta ôm chặt lấy Lời ấy “giữa bao gian khổ, với niềm vui của Chúa Thánh Thần” (1 Th 1:6). Nếu chúng ta để cho Chúa kéo chúng ta ra khỏi cái vỏ của mình và thay đổi cuộc sống của mình, thì chúng ta có thể làm như Thánh Phaolô nói với chúng ta: “Hãy hãy luôn vui mừng trong Chúa. Tôi nhắc lại, hãy vui lên!” (Ph 4: 4).
123. Các ngôn sứ đã công bố thời đại của Chúa Giêsu, mà trong đó chúng ta hiện đang sống, như một mặc khải hân hoan. “Hãy reo hò và hát lên mừng rỡ!” (Is 12: 6). “Hãy trèo lên núi cao, hỡi người loan báo tin mừng cho Xion; Hãy cất cao giọng nói, hỡi người loan báo tin mừng cho Giêrusalem!” (Is 40:9). “Hỡi núi non hãy bật lên tiếng hát! Vì Chúa đã an ủi dân Người, và Người sẽ xót thương những kẻ đau khổ của mình” (Is 49:13). “Hỡi con gái Xion, hãy vui mừng hoan hỉ! Hỡi con gái Giêrusalem, hãy reo hò mừng rỡ! Kìa, Đức Vua của ngươi đang đến cùng ngươi; Đấng Công Chính và Toàn Thắng là Người” (Dc 9: 9). Chúng ta cũng đừng quên lời khuyên của ông Nêhêmia: “Đừng buồn bã, vì niềm vui của Chúa là sức mạnh của anh em” (8:10).
124. Đức Mẹ Maria, khi nhận ra sự mới lạ mà Chúa Giêsu mang đến, đã hát lên: “Linh hồn tôi vui mừng” (Lc 1:47), và chính Chúa Giêsu “vui mừng trong Chúa Thánh Thần” (Lc 10:21). Khi Người đi ngang qua, “tất cả mọi người đều vui mừng” (Lc 13:17). Sau khi Phục Sinh, các môn đệ đi bất cứ nơi nào cũng đều “vui mừng” (Cv 8: 8). Chúa Giêsu bảo đảm với chúng ta rằng: “Các con sẽ buồn rầu, nhưng nỗi buồn của các con sẽ biến thành vui mừng ... Thầy sẽ gặp lại các con, và lòng các con sẽ vui mừng, và chẳng ai sẽ lấy mất niềm vui khỏi các con được” (Ga 16: 20,22). “Thầy đã nói với các con những điều ấy, để niềm vui của Thầy ở trong các con, và niềm vui của các con được nên trọn” (Ga 15:11).
125. Có những lúc khó khăn, những thời gian của thập giá, nhưng không có gì có thể tiêu huỷ niềm vui siêu nhiên là niềm vui “thích nghi và thay đổi, nhưng luôn luôn tồn tại ít ra như một tia sáng phát xuất từ niềm tin tưởng riêng của chúng ta rằng trên hết mọi sự, chúng ta được [Thiên Chúa] yêu thương vô cùng” [100]. Niềm vui đó đem lại một sự an toàn nội tâm, một sự thanh thản đầy hy vọng cung cấp một sự no thoả tinh thần không thể hiểu được theo tiêu chuẩn thế gian.
126. Niềm vui Kitô giáo thường được đi kèm với tính hài hước. Điển hình như chúng ta thấy rõ điều này nơi Thánh Tôma More, Thánh Vincentê đệ Phaolô và Thánh Philipê đệ Neri. Khôi hài tục tĩu không phải là dấu chỉ của sự thánh thiện. “Hãy đẩy lui sầu não khỏi tâm hồn anh em” (Gv 11:10). Chúng ta nhận được rất nhiều từ Chúa “để vui hưởng” (1 Tim 6:17), cho nên đôi khi buồn rầu có liên hệ với sự vô ơn của chúng ta, vì chúng ta chỉ biết nghĩ đến mình nên không thể nhận ra hồng ân của Thiên Chúa [101].
127. Với tình yêu của một người Cha, Thiên Chúa mời gọi chúng ta: “Con ơi, hãy đối xử tốt với mình ... Đừng chối từ hưởng một ngày vui” (Hc 14: 11,14). Ngài muốn chúng ta tích cực, biết ơn và không quá phức tạp: “Trong ngày thịnh vượng, hãy vui vẻ ... Thiên Chúa đã tạo ra con người vốn ngay thẳng, nhưng họ đã toan tính nhiều điều” (Gv 7: 14,29). Trong mọi hoàn cảnh, phải giữ một tinh thần linh động và bắt chước Thánh Phaolô: “Tôi đã học cách hài lòng với những gì tôi có” (Ph 4:11). Đó là cách Thánh Phanxicô Assisi sống; ngài có thể tràn ngập lòng biết ơn trước một mẩu bánh mì cứng ngắc, hoặc hân hoan chúc tụng Thiên Chúa chỉ vì một ngọn gió nhẹ nhàng vuốt ve khuôn mặt ngài.
128. Tôi không nói về niềm vui tiêu thụ và cá nhân như đang hiện diện trong một số kinh nghiệm văn hoá ngày nay. Thực ra, chủ nghĩa tiêu thụ chẳng làm gì ngoài việc biến con tim thành nặng nề. Thỉnh thoảng nó có thể mang lại cho chúng ta những khoái lạc chóng qua, nhưng không phải là niềm vui. Ở đây, tôi nói đến niềm vui sống trong sự hiệp thông, là chia sẻ và tham gia, vì “cho đi thì có phúc hơn là nhận lại.” (Cv 20:35) và “Thiên Chúa yêu người vui vẻ cho đi” (2 Cor 9: 7). Tình yêu huynh đệ làm tăng khả năng vui mừng, vì nó làm cho chúng ta có khả năng vui vì lợi ích của người khác: “Hãy vui mừng với người vui mừng” (Rm 12: 15). “Chúng tôi vui mừng khi chúng tôi yếu đuối và anh em mạnh mẽ” (2 Cor 13:9). Mặt khác, nếu chúng ta “chỉ biết nghĩ đến các nhu cầu của mình, chúng ta tự kết án mình bằng một cuộc sống ít hạnh phúc” [102].
TÁO BẠO VÀ NHIỆT THÀNH
129. Sự thánh thiện đồng thời cũng là parrhesía (dũng cảm): đó là sự táo bạo, là một động lực thúc đẩy việc Phúc Âm hoá và để lại dấu ấn trên thế gian này. Để cho chúng ta có thể làm điều ấy, chính Chúa Giêsu đến gặp chúng ta và nói với chúng ta một lần nữa, cách bình thản nhưng chắc chắn, rằng: “Đừng sợ” (Mc 6:50). “Thầy ở với các con mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28:20). Những lời này cho phép chúng ta đi ra và phục vụ với cùng một lòng can trường mà Chúa Thánh Thần đã khuấy lên trong các Tông Đồ, thúc đẩy các ngài rao giảng Chúa Giêsu Kitô. Sự táo bạo, sự hăng say, nói năng tự do, nhiệt tình tông đồ, tất cả những điều này được bao gồm trong từ dũng cảm, một từ mà Thánh Kinh cũng dùng để mô tả sự tự do của một cuộc đời rộng mở cho Thiên Chúa và cho tha nhân (xem Cv 4:29, 9:28, 28:31; 2 Cr 3:12; Eph 3:12; Dt 3:6, 10:19).
130. Chân Phước Phaolô VI khi đề cập đến những trở ngại cho việc Phúc Âm hoá, đã nói về sự thiếu dũng cảm là điều “càng trầm trọng hơn bởi vì nó xuất phát từ bên trong” [103]. Chúng ta thường bị cám dỗ để luẩn quẩn gần bờ! Tuy nhiên, Chúa kêu gọi chúng ta đi ra chỗ nước sâu và thả lưới (xem Lc 5: 4). Người mời gọi chúng ta hiến thân phục vụ Người. Khi bám chặt vào Người, chúng ta được cảm hứng để đem tất cả các đặc sủng của mình ra phục vụ tha nhân. Nguyện xin cho chúng ta luôn cảm thấy được tình yêu của Người thúc đẩy (2 Cor 5:14) và cùng nói với Thánh Phaolô rằng: “Khốn cho tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng” (1 Cor 9:16).
131. Chúng ta hãy nhìn lên Chúa Giêsu. Lòng từ bi sâu thẳm của Người không phải là điều đặt trọng tâm vào mình, không phải là một từ bi làm cho tê liệt, sợ hãi hay xấu hổ như bao nhiêu lần xảy ra với chúng ta, mà hoàn toàn ngược lại. Đó là một lòng từ bi thúc đẩy Chúa ra khỏi chính mình với quyền năng để rao giảng và sai những người khác đi làm sứ vụ chữa lành và giải thoát. Chúng ta hãy nhìn nhận sự yếu đuối của mình, nhưng để cho Chúa Giêsu nắm lấy nó trong tay Người và sai chúng ta đi truyền giáo. Chúng ta yếu đuối, nhưng chúng ta vẫn mang một kho báu có thể biến chúng ta thành to lớn và làm cho những người đón nhận kho báu ấy trở nên tốt hơn và hạnh phúc hơn. Sự táo bạo và lòng can đảm tông đồ là một phần thiết yếu của việc truyền giáo.
132. Dũng cảm là dấu ấn của Chúa Thánh Thần; nó làm chứng cho tính xác thực của việc rao giảng của chúng ta. Đó là một đảm bảo vui mừng dẫn chúng ta đến vinh quang trong Tin Mừng mà chúng ta công bố. Đó là niềm tin không thể lay chuyển được vào Chứng Nhân trung tín, cho chúng ta sự chắc chắn rằng không gì có thể “tách rời chúng ta khỏi tình yêu của Thiên Chúa” (Rm 8:39).
133. Chúng ta cần sự thúc giục của Chúa Thánh Thần, để không bị tê liệt bởi sự sợ hãi và thận trọng quá mức, để không còn thói quen luẩn quẩn trong những ranh giới an toàn. Chúng ta hãy nhớ rằng những gì bị đóng kín sẽ có mùi ẩm ướt và làm cho chúng ta bị bệnh. Khi các Tông Đồ bị cám dỗ bởi sự sợ hãi và nguy hiểm, các ngài đã cùng nhau cầu nguyện để xin ơn dũng cảm: “Và giờ đây, lạy Chúa, xin để ý đến những lời ngăm đe của họ, và cho các tôi tớ Ngài đây được nói Lời Ngài với tất cả sự mạnh dạn” (Cv 4:29). Kết quả là, “khi các ngài cầu nguyện xong, thì nơi các ngài họp nhau rung chuyển; ai nấy đều được tràn đầy Thánh Thần và bắt đầu mạnh dạn nói lời Thiên Chúa” (Cv 4:31).
134. Như ngôn sứ Giôna, chúng ta luôn luôn bị cám dỗ chạy trốn đến một nơi ẩn náu an toàn, là nơi có thể có nhiều tên: chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa duy linh, khép mình trong vỏ sò, nghiện ngập, thích nghi, lập khuôn, giáo điều, sống trong quá khứ, bi quan, nấp dưới các luật lệ và quy tắc. Đôi khi chúng ta khó mà có thể ra ngoài những lãnh thổ mà chúng ta biết và biết rõ như trên đầu ngón tay. Tuy nhiên, những khó khăn có thể như cơn bão, con cá voi, con sâu làm héo cây thầu dầu của ông Giona, hoặc cơn gió và mặt trời đốt cháy đầu của ông. Với chúng ta, cũng như với ông, chúng có thể được dùng để đưa chúng ta trở lại với Thiên Chúa nhân hiền, Đấng muốn dẫn chúng ta đi một cuộc hành trình liên tục và đổi mới .
135. Thiên Chúa luôn luôn là sự mới lạ. Ngài không ngừng thúc đẩy chúng ta lại ra đi và đổi chỗ để thoát ra ngoài những gì là quen thuộc, đến những vùng ngoại vi và biên giới. Ngài dẫn chúng ta đến nơi mà nhân loại bị tổn thương nhất, nơi mà con người dưới vẻ bề ngoài của một sự đồng nhất hời hợt, tiếp tục tìm kiếm câu trả lời cho câu hỏi về ý nghĩa cuộc đời. Thiên Chúa không sợ! Ngài không sợ! Ngài luôn ở trên các kế hoạch của chúng ta và không sợ vùng ngoại vi. Chính Ngài đã trở thành một ngoại vi (x. Ph 2:6-8, Ga 1:14). Vì vậy, nếu chúng ta dám đi đến vùng ngoại vi thì chúng ta sẽ tìm thấy Ngài ở đó; thực sự, Ngài đã có mặt ở đó rồi. Chúa Giêsu đã đi trước chúng ta trong trái tim của anh chị em chúng ta, trong xác thịt bị thương tích của họ, trong cuộc sống bị áp bức của họ, trong linh hồn bị làm thành đen tối của họ. Người đã ở đó rồi.
136. Đúng là chúng ta cần mở cửa con tim của mình cho Chúa Giêsu, bởi vỉ Người gõ cửa và gọi (xem Kh 3:20). Nhưng đôi khi tôi tự hỏi, bởi vì không khí ngột ngạt của việc chỉ quy về mình của chúng ta, có thể Chúa Giêsu đã ở trong chúng ta và gõ cửa để chúng ta mở cho Người thoát ra ngoài. Trong Tin Mừng, chúng ta thấy Chúa Giêsu đã “đi qua các thành thị và làng mạc, rao giảng và công bố Tin Mừng về Nước Thiên Chúa” (Lc 8:1). Sau khi Phục Sinh, khi các môn đệ đi khắp mọi nơi, Chúa đã đồng hành với các ngài (xem Mc 16:20). Đây là điều xảy ra như là kết quả của cuộc gặp gỡ thực sự.
137. Thói quen thật là quyến rũ đối với chúng ta; nó cho chúng ta biết rằng không có lý do gì để cố gắng thay đổi sự việc, rằng chúng ta không thể làm gì được trước hoàn cảnh này, bởi vì đây là cách mà mọi sự vẫn luôn như thế và chúng ta phải tiếp tục làm như vậy. Nhờ thói quen chúng ta không còn phải đương đầu với sự dữ và “để mọi xảy ra như thường”, hoặc như người nào khác đã quyết định rằng chúng phải như thế. Tuy nhiên, chúng ta hãy để Chúa đến đánh thức chúng ta khỏi cơn mê của mình, để giải phóng chúng ta khỏi tính ù lỳ! Chúng ta hãy đương đầu với thói quen của mình; hãy mở mắt ra, mở tai ra, và trên hết mở lòng mình ra, để chúng ta có thể được kích động bởi những gì xảy ra chung quanh mình và bởi tiếng kêu gọi của Lời Hằng Sống và hiệu quả của Chúa Phục Sinh.
138. Điều này được bắt đầu bằng gương của nhiều linh mục, tu sĩ và giáo dân đã dấn thân để rao giảng và phục vụ tha nhân một cách trung thành, nhiều khi nguy hiểm đến tính mạng của họ và chắc chắn là phải trả giá bằng hy sinh sự thoải mái của mình. Chừng từ của họ nhắc nhở chúng ta rằng Hội Thánh không cần quá nhiều quan lại và công chức, nhưng cần các nhà truyền giáo được lòng nhiệt thành thông truyền sự sống thật ăn tươi nuốt sống. Các thánh làm chúng ta ngạc nhiên, lúng túng, bởi vì đời sống của các ngài mời gọi chúng ta ra khỏi tình trạng tầm thường bình thản và tê liệt của mình.
139. Chúng ta hãy cầu xin Chúa ban ơn không ngần ngại khi Chúa Thánh Thần đòi hỏi chúng ta tiến lên một bước. Chúng ta hãy xin ơn can đảm tông đồ để chia sẻ Tin Mừng cho người khác và từ bỏ việc cố gằng biến đời sống Kitô hữu của mình thành một viện bảo tàng kỷ niệm. Trong mọi trường hợp, Chúa Thánh Thần có thể làm cho chúng ta chiêm ngắm lịch sử dưới ánh sáng của Chúa Giêsu Phục Sinh. Bằng cách này, Hội Thánh thay vì bị ứ đọng, sẽ luôn luôn đón nhận các sự ngạc nhiên của Chúa.
TRONG CỘNG ĐỒNG
140. Thật khó mà chống lại được khuynh hướng thiên về sự dữ cũng như những cạm bẫy và cám dỗ của ma quỷ và tính ích kỷ của thế gian nếu chúng ta sống quá cô lập. Cuộc tấn công dụ dỗ chúng ta đến nỗi, nếu quá cô đơn, chúng ta dễ mất ý thức về thực tại và sự sáng suốt bề trong, và chịu thua.
141. Việc thánh hoá là một hành trình trong cộng đồng, được thực thi từng cặp. Một số cộng đồng thánh phản ánh điều này. Trong vài trường hợp, Hội Thánh đã phong thánh cho toàn thể cộng đồng đã sống Tin Mừng một cách anh dũng hoặc dâng lên Thiên Chúa cuộc đời của tất cả các thành viên của họ. Thí dụ, hãy kể đến bảy vị thánh sáng lập của Dòng các Tôi Tớ Đức Mẹ, bảy nữ tu chân phước của Tu viện đầu tiên của dòng Thăm Viếng ở Madrid, các vị tử vì đạo Nhật Bản Thánh Phaolô Miki và đồng bạn, các vị tử vì đạo Hàn Quốc Thánh Anrê Taegon và đồng bạn, hoặc các vị tử vì đạo Nam Mỹ Thánh Roque González, Thánh Alonso Rodríguez và đồng bạn. Chúng ta cũng nên nhớ lại một chứng từ gần đây của các tu sĩ Xitô ở Tibhirine, Algeria, những vị đã chuẩn bị như một cộng đồng để chịu tử vì đạo. Trong nhiều cuộc hôn nhân thánh cũng vậy, mỗi vợ hay chồng trở thành một phương tiện mà Đức Kitô dùng để thánh hóa người kia. Sống hoặc làm việc cùng với người khác chắc chắn là một con đường phát triển tâm linh. Thánh Gioan Thánh Giá đã nói với một trong các môn đệ của ngài: “Con đang sống với người khác là để được đào luyện và thử thách” [104].
142. Cộng đồng được mời gọi để tạo ra một “không gian thần học trong đó người ta có thể cảm nghiệm sự hiện diện mầu nhiệm của Chúa Phục Sinh” [105]. Cùng nhau chia sẻ Lời Chúa và cử hành Thánh Lễ nuôi dưỡng tình huynh đệ và biến chúng ta thành một cộng đồng thánh và truyền giáo. Nó làm nảy sinh những kinh nghiệm huyền bí đích thực được sống trong cộng đồng. Đó là trường hợp của Thánh Bênêđictô và Scholastica, hoặc cuộc gặp gỡ tâm linh tuyệt vời mà Thánh Augustine và mẹ ngài, Thánh Monica, đã cùng sống. “Khi gần đến ngày mà mẹ con sẽ từ giã cõi đời này, một ngày mà chỉ mình Ngài biết chứ không phải chúng con, ngày ấy đã xảy ra, bởi việc làm của Ngài, con tin là theo cách sắp đặt huyền nhiệm của Ngài, khi mẹ con và con đứng một mình tựa vào cửa sổ nhìn ra một khu vườn [...] Chúng con tha thiết mở miệng tâm hồn chúng con ra cho những dòng nước siêu nhiên của nguồn suối của Ngài, nguồn suối sự sống trong Ngài [...] Và khi chúng con nói chuyện và khao khát sự khôn ngoan, chúng con chỉ thoáng nắm được một chút sự khôn ngoan ấy trong trí một cách hoàn toàn đột ngột [… ngõ hầu] sự sống đời đời [giống như] trong giây phút trực giác ấy làm cho chúng con luyến tiếc” [106].
143. Tuy nhiên, những kinh nghiệm như vậy không phải là điều thường gặp nhất mà cũng không phải là điều quan trọng nhất. Cuộc sống chung, dù là trong gia đình, giáo xứ, cộng đồng tôn giáo hay bất kỳ nơi nào khác, đều được tạo thành từ những điều nho nhỏ hàng ngày. Điều này đúng với cộng đoàn thánh được hình thành bởi Chúa Giêsu, Mẹ Maria và Thánh Giuse, là cộng đồng đã phản ánh một cách gương mẫu vẻ đẹp của sự hiệp thông Ba Ngôi. Nó cũng đúng với cuộc sống mà Chúa Giêsu đã chia sẻ với các môn đệ và với những người bình thường.
144. Chúng ta hãy nhớ lại rằng Chúa Giêsu mời gọi các môn đệ chú ý đến chi tiết.
Chi tiết nhỏ về việc hết rượu trong một bữa tiệc.
Chi tiết nhỏ về một con chiên lạc.
Chi tiết nhỏ về việc chú ý đến người goá phụ dâng cúng hai đồng xu nhỏ.
Chi tiết nhỏ về việc có dầu dự trữ cho đèn, trong trường hợp chàng rể đến chậm.
Chi tiết nhỏ về việc hỏi các môn đệ xem các ông có bao nhiêu ổ bánh.
Chi tiết nhỏ về việc đốt lửa và nướng cá khi Người chờ đợi các môn đệ lúc tinh sương.
145. Cộng đồng giữ gìn những chi tiết nhỏ về tình yêu [107], ở đó các thành viên chăm sóc cho nhau và tạo ra một không gian cởi mở và Phúc Âm hoá, là nơi Chúa Phục Sinh hiện diện, thánh hóa nó theo kế hoạch của Chúa Cha. Đôi khi, nhờ món quà yêu thương của Chúa, chúng ta được Thiên Chúa ban cho những kinh nghiệm an ủi giữa những chi tiết nho nhỏ này. “Một buổi tối mùa đông tôi đã làm việc phục vụ nhỏ của tôi như thường lệ [...] Đột nhiên, tôi nghe thấy ở xa những âm thanh hài hòa của một nhạc cụ. Sau đó tôi tưởng tượng ra một phòng khách sáng sủa, lóng lánh vàng, đầy những phụ nữ trẻ tuổi trang điểm thanh lịch đang trò chuyện với nhau và trao đổi những lời khen ngợi và những nhận xét khác thuộc về thế gian. Sau đó, ánh mắt của tôi nhìn đến một phụ nữ tàn tật nghèo mà tôi đang giúp đỡ. Thay vì những dòng nhạc xinh đẹp, tôi đôi khi chỉ nghe thấy những lời than van của bà ta [...] Tôi không thể diễn tả được điều gì đã xảy ra trong lòng tôi, điều tôi biết là Chúa đã soi sáng nó bằng những tia sáng chân lý vượt quá sự huy hoàng u ám của những lễ hội trần thế, mà tôi không thể tin được trong hạnh phúc của tôi” [108].
146. Trái ngược với chủ nghĩa tiêu thụ cá nhân đang càng ngày càng có khuynh hướng cô lập chúng ta trong một cuộc tìm kiếm hạnh phúc tách biệt khỏi tha nhân, con đường nên thánh của chúng ta không thể ngừng làm cho chúng ta đồng hoá với ước ao của Chúa Giêsu “xin cho tất cả được nên một, lạy Cha, như Cha ở trong Con và Con ở trong Cha” (Ga 17:21).
TRONG CẦU NGUYỆN LIÊN LỶ
147. Cuối cùng, mặc dù có vẻ như hiển nhiên, chúng ta phải nhớ rằng sự thánh thiện bao gồm việc thường xuyên mở lòng ra cho sự siêu việt, được thể hiện qua việc cầu nguyện và tôn thờ. Các thánh là những người có tinh thần cầu nguyện và nhu cầu hiệp thông với Thiên Chúa. Các ngài không thể chịu nổi việc bị ngột ngạt trong nội tại đóng kín của thế giới này, giữa những nỗ lực và cam kết của các ngài, các ngài khao khát Chúa, các ngài ra khỏi chính mình trong chúc tụng và chiêm ngắm Chúa. Tôi không tin có sự thánh thiện mà không có cầu nguyện, mặc dù lời cầu nguyện ấy không nhất thiết phải dài dòng hoặc liên quan đến những cảm xúc mãnh liệt.
148. Thánh Gioan Thánh Giá khuyên chúng ta: “Hãy cố gắng luôn ở trong sự hiện diện của Thiên Chúa, dù là thật, hay tưởng tượng, hoặc hiệp nhiệm, theo mức độ mà công việc của con cho phép” [109]. Cuối cùng, lòng ao ước Thiên Chúa của chúng ta chắc chắn sẽ phải được tỏ lộ trong cuộc sống hàng ngày của mình: “Hãy cố gắng cầu nguyện liên lỷ, mà không bỏ nó giữa các công việc bề ngoài. Cho dù con ăn uống, nói chuyện với người khác, hoặc làm bất cứ việc gì, hãy luôn luôn ước ao Thiên Chúa và giữ Ngài trong tình quý mến của con tim” [110].
149. Tuy nhiên, để cho điều này có thể xảy ra, cần phải có một ít giây phút dành riêng cho Thiên Chúa, một mỉnh với Ngài. Đối với thánh Têrêxa thành Avila, cầu nguyện là “một tình bằng hữu mật thiết, và thường xuyên ở một mình đơn độc, với Đấng mà chúng ta biết rằng yêu thương chúng ta” [111]. Tôi phải nhấn mạnh rằng điều này đúng không chỉ cho một số ít người đặc quyền, mà còn cho tất cả chúng ta, vì “tất cả chúng ta đều cần sự im lặng đầy sự hiện diện của Đấng được tôn thờ” [112]. Lời cầu nguyện đầy tin tưởng là một đáp trả của một con tim mở ra để gặp Thiên Chúa mặt đối mặt, ở đó mọi tiếng nói đều im bặt để lắng nghe tiếng dịu dàng của Chúa vang lên giữa thinh lặng.
150. Trong sự thinh lặng ấy, chúng ta có thể phân biệt, dưới ánh sáng của Chúa Thánh Thần, con đường nên thánh mà Chúa đang mời gọi chúng ta. Nếu không, tất cả các quyết định của chúng ta chỉ là “các đồ trang trí” thay vì đề cao Tin Mừng trong đời sống chúng ta, sẽ che phủ hoặc làm ngạt thở nó. Đối với mỗi môn đệ, cần thiết phải ở với Thầy, để lắng nghe Người, và luôn luôn học từ Người. Nếu chúng ta không lắng nghe, tất cả những lời của chúng ta sẽ chỉ là những lời nhảm nhí vô dụng.
151. Chúng ta hãy nhớ rằng “chính việc chiêm ngắm dung nhan Chúa Giêsu, chịu chết và sống lại, phục hồi nhân tính của chúng ta, ngay cả khi nó đã bị đổ vỡ vì những khó nhọc của cuộc đời hoặc bị đánh dấu bởi tội lỗi. Chúng ta không được thuần hoá quyền năng của dung nhan Đức Kitô” [113]. Vì vậy, tôi xin hỏi anh chị em: Có những giây phút nào anh chị em đặt mình trước sự hiện diện của Chúa, hoặc anh chị em nghỉ ngơi với Người, và anh chị em để cho mình được Người nhìn ngắm không? Anh chị em có để lửa của Người đốt cháy lòng anh chị em không? Nếu anh chị em không để cho Người nhóm lửa tình yêu và sự dịu hiền của Người, anh chị em sẽ không có lửa. Và như thế làm sao anh chị em có thể đốt cháy trái tim của những người khác bằng việc làm nhân chứng và lời nói của anh mình? Nếu, trước dung nhan của Đức Kitô, anh chị em cảm thấy không thể để cho mình được chữa lành và biến đổi, thì hãy bước vào Thánh Tâm của Chúa, vào vết thương của Người, vì đó là toà của Lòng Thương Xót Chúa [114].
152. Tuy nhiên, tôi cầu xin để chúng ta không bao giờ coi sự im lặng trong cầu nguyện là một hình thức trốn chạy và chối bỏ thế giới chung quanh mình. “Người hành hương Nga”, người đã đi bộ trong cầu nguyện liên tục, nói rằng cầu nguyện như vậy đã không tách rời ông ấy khỏi những gì đã xảy ra chung quanh ông. “Mọi người đều tử tế với tôi; như thể tất cả mọi người đều yêu tôi ... Không những tôi đã chỉ cảm thấy [hạnh phúc và an ủi] trong linh hồn, mà toàn thể thế giới bên ngoài đối với tôi dường như cũng đầy quyến rũ và thích thú” [115].
153. Lịch sử cũng không biến mất. Cầu nguyện, chính vì được nuôi dưỡng bằng hồng ân của Thiên Chúa được đổ vào cuộc đời chúng ta, nên phải luôn đầy kỷ niệm. Kỷ niệm về các công trình của Thiên Chúa là nền tảng của kinh nghiệm giao ước giữa Thiên Chúa và dân Ngài. Thiên Chúa muốn đi vào lịch sử, và vì thế lời cầu nguyện của chúng ta được đan kết với những kỷ niệm. Không những chỉ nhớ về Lời được mạc khải của Ngài, mà còn về cuộc sống của chúng ta, cuộc sống của tha nhân, và tất cả những gì Chúa đã làm trong Hội Thánh của Người. Đó chính là trí nhớ biết ơn mà Thánh Ignatiô Loyola đã đề cập đến trong sách Chiêm niệm để đạt đến Tình yêu của ngài [116], khi ngài yêu cầu chúng ta phải lưu ý đến tất cả những ơn phúc mà chúng ta đã lãnh nhận từ Chúa. Hãy nhìn đến lịch sử của chính mình khi anh chị em cầu nguyện, và ở đó anh chị em sẽ tìm thấy nhiều thương xót. Đồng thời, điều này cũng giúp anh chị em ý thức nhiều hơn rằng Chúa luôn quan tâm đến mình; Người không bao giờ quên anh chị em. Vì vậy, thật là có lý khi xin Người soi sáng những chi tiết nhỏ nhất của đời mình, vì chúng không thoát khỏi [mắt] Người.
154. Khẩn nguyện là một cách diễn tả của một tâm hồn tin tưởng vào Thiên Chúa và ý thức rằng mình không thể làm được một việc gì. Cuộc sống của dân trung tín của Thiên Chúa được đánh dấu bằng lời khẩn cầu liên tục phát sinh từ tình yêu đầy đức tin và lòng tín thác sâu xa. Chúng ta đừng coi thường lời khẩn nguyện, là điều thường làm dịu lòng chúng ta và giúp chúng ta kiên trì trong hy vọng. Chuyển cầu có giá trị đặc biệt, vì là một hành động tín thác vào Thiên Chúa, đồng thời diễn tả tình yêu đối với người lân cận của mình. Có những người nghĩ, dựa trên linh đạo một chiều, rằng cầu nguyện phải là chiêm niệm thuần tuý về Thiên Chúa, không bị phân tâm, như thể tên tuổi và khuôn mặt của người khác, một cách nào đó, là một sự quấy rầy cần phải tránh. Nhưng thực ra, lời cầu nguyện của chúng ta sẽ càng vui lỏng Thiên Chúa hơn và hiệu quả hơn cho sự lớn lên của chúng ta trong sự thánh thiện nếu, qua chuyển cầu, chúng ta cố gắng thực hành điều răn kép mà Chúa Giêsu đã để lại cho chúng ta. Cầu nguyện chuyển cầu là một quyết tâm dấn thân huynh đệ cho tha nhân khi chúng ta có thể bao gồm cuộc sống của người khác, những lo âu sâu xa nhất của họ và những giấc mơ đẹp nhất của họ. Trong số những người quảng đại hiến đời mình để chuyển cầu cho tha nhân, chúng ta có thể mượn lời Thánh Kinh mà nói: “Đây là người yêu mến anh em mình và cầu nguyện nhiều cho dân” (2 Mac 15:14).
155. Nếu chúng ta thực sự nhận ra rằng Thiên Chúa hiện hữu, thì chúng ta không thể nào không thờ phượng Ngài, đôi khi trong sự im lặng đầy kính phục, hát mừng Ngài bằng những lời chúc tụng hân hoan. Như thế, chúng ta chia sẻ kinh nghiệm của Chân Phước Charles de Foucauld, người đã nói: “Từ khi tôi tin rằng có một Thiên Chúa, tôi hiểu rằng tôi không thể làm gì khác hơn là sống cho Ngài” [117]. Ngay cả trong đời sống của dân lữ hành, có nhiều cử chỉ giản dị của sự phụng thờ thuần khiết, như là “ánh mắt của một người hành hương nhìn chăm chú vào một hình ảnh biểu tượng cho sự dịu hiền và gần gũi của Thiên Chúa. Tình yêu dừng lại, chiêm niệm mầu nhiệm ấy, và thưởng thức nó trong thinh lặng” [118].
156. Việc đọc trong cầu nguyện Lời Chúa, “ngọt ngào hơn mật ong” (Tv 119:103), nhưng là một “thanh gươm hai lưỡi” (Dt 4:12), cho phép chúng ta tạm dừng lại và lắng nghe tiếng của Thầy để Lời Chúa trở nên ngọn đèn soi bước chúng ta và ánh sáng soi đường chúng ta (x. Tv 119:105). Như các giám mục Ấn Độ đã nhắc nhở, “Việc tôn kính Lời Chúa không chỉ đơn thuần là một trong nhiều việc sùng kính, một việc đẹp đẽ nhưng tuỳ nghi chọn lựa. Nó thuộc về con tim và chính căn tính của đời sống Kitô hữu. Lời Chúa có trong chính Miình quyền năng biến đổi đời sống” [119].
157. Việc gặp gỡ Chúa Giêsu trong Thánh Kinh dẫn chúng ta đến Bí Tích Thánh Thể, nơi mà cũng Lời ấy đạt được hiệu quả cao nhất, vì có sự hiện diện thật sự của Đấng là Lời Hằng Sống. Ở đó, Đấng Tuyệt Đối duy nhất nhận được sự thờ phượng vĩ đại nhất mà thế gian này có thể dâng lên Ngài, vì chính Đức Kitô là Đấng tự dâng hiến Mình. Khi chúng ta tiếp nhận Người trong việc Rước Lễ, chúng ta tái lập giao ước của mình với Người và để cho Người thực hiện nhiều hơn nữa công trình biến đổi của Người.
Phaolô Phạm Xuân Khôi chuyển nòa
-------------------
[95] Có một số hình thức bắt nạt, trong khi có vẻ thanh nhã hay tôn trọng và thậm chí rất tâm linh, gây ra thiệt hại lớn cho sự tự trọng của người khác.
[96] Precautions, 13.
[97] Ibid., 13.
[98] X. Nhật Ký. Lòng Thương Xót trong Linh Hồn tôi, Stockbridge, 2000, t. 139 (300).
[99] TÔMA AQUINÔ, Tổng Lược Thần Học, I-II, q. 70, a. 3.
[100] Tông Huấn Evangelii Gaudium (24 tháng 11, 2013), 6: AAS 105 (2013), 1221.
[101] Tôi đề nghị cầu nguyện bằng kinh được gán cho Thánh Tôma More: “Lạy Chúa, xin ban cho con trí lĩnh hội, và cả điều để lĩnh hội. Xin cho con thân thể khỏe mạnh, và tính hài hước tốt đẹp cần thiết để giữ sức khỏe đó. Xin cho con một linh hồn đơn sơ biết quý tất cả những gì tốt đẹp, đừng dễ dàng sợ hãi trước mặt sự dữ, nhưng biết tìm cách đặt lại mọi chuyện vào đúng chỗ của nó. Xin cho con một linh hồn không buồn chán, không càu nhàu, thở dài hay than van, cũng không căng thẳng quá độ, vì những điều này ngăn cản một chuyện: Con chính là ‘Con’. Lạy Chúa, xin cho con một trí hài hước tốt đẹp. Xin cho con ơn có thể nói một câu đùa để tìm được chút vui vẻ trong đời, và có thể chia sẻ niềm vui đó với người khác”. (Bản dịch trích trong Conggiao.info).
[102] Tông Huấn Hậu Thượng Hội Đồng Giám Mục Amoris Laetitia (19 tháng 3, 2016), 110: AAS 108 (2016), 354.
[103] Tông Huấn Evangelii Nuntiandi (8 tháng 12, 1975), 80: AAS 68 (1976), 73. Điều đáng lưu ý là bản văn này của Chân Phước Phaolô VI iên kết chặt chẽ niềm vui với dũng cảm (parrhesía). Trong khi than phiền về sự “thiếu niềm vui và hy vọng” như một trở ngại cho viẽc Phúc Âm hoá, ngài đề cao “niềm vui thú vị và an ủi của việc Phúc Âm hoá”, được nối kết với “sự hăng say nội tâm mà không ai hay không gì có thể dập tắt được”. Điều này đảm bảo rằng thế gian không nhận được Tin Mừng từ “những người rao giảng Tin Mừng buồn nản [và] thất vọng”. Trong Năm Thánh 1975, Đức Phaolô đã dành Tông Huấn Gaudete in Domino của ngài cho niềm vui (9 tháng 5, 1975): AAS 67 (1975), 289-322.
[104] Những Đề Phòng - Precautions, 15.
[105] GIOAN PHAOLÔ II, Tông Huấn Vita Consecrata (25 tháng 3, 1996), 42: AAS 88 (1996), 416.
[106] Tự Thú, IX, 10, 23-25: PL 32, 773-775.
[107] Tôi đặc biệt nghĩ đến ba từ “làm ơn”, “cám ơn”, và “xin lỗi”. “Những lời đúng nói đúng lúc, hằng ngày bảo vệ và nuôi nấng tình yêu”: Tông Huấn Hậu Thượng Hội Đồng Giám Mục Amoris Laetitia (19 tháng 3, 2016), 133: AAS 108 (2016), 363.
[108] TÊREXA HÀI ĐỒNG GIÊSU, Thảo Bản C, 29 v-30r.
[109] Các mức độ Hoàn Thiện, 2.
[110] ID., Các Lời Khuyên một Tu Sĩ làm sao để Đạt Đến Hoàn Thiện, 9.
[111] Tự Thuật, 8, 5.
[112] GIOAN PHAOLÔ II, Tông Thư Orientale Lumen (2 tháng 5, 1995), 16: AAS 87 (1995), 762.
[113] Gặp Gỡ các Tham Dự Viên Đại Hội Giáo Hội Ý Đại Lợi Lần Thứ Năm, Florence, (10 tháng 11, 2015): AAS 107 (2015), 1284.
[114] X. BERNARĐÔ CLAIRVAUX, Các bài gảing về sách Nhã Ca (Canticum Canticorum), 61, 3-5: PL 183:1071-1073.
[115] Con Đường của một Lữ Kách - The Way of a Pilgrim, New York, 1965, tt. 17, 105-106.
[116] X. Linh Thao - Spiritual Exercises, 230-237.
[117] Thư gửi Henry de Castries, 14 Tháng 8, 1901.
[118] ĐẠI HỘI THƯỜNG KỲ CÁC GIÁM MỤC CHÂU MỸ LATINH VÀ CARIBBÊ, Tài liệu Aparecida (29 tháng 6, 2007), 259.
[119] HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC CÔNG GIÁO ẤN ĐỘ, Tuyên Ngôn Kết Thúc Đại Hội Thường Kỳ lần Thứ Hai Mươi Mốt, 18 tháng 2, 2009, 3.2.
TÔNG HUẤN
GAUDETE ET EXSULTATE
CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ
VỀ ƠN GỌI NÊN THÁNH
TRONG THẾ GIỚI NGÀY NAY
CHƯƠNG 5
CUỘC CHIẾN, CẢNH GIÁC VÀ PHÂN ĐỊNH
158. Cuộc đời Kitô hữu là một cuộc chiến đấu liên tục. Chúng ta cần sức mạnh và lòng can đảm để chống lại những cám dỗ của ma quỷ và loan báo Tin Mừng. Trận chiến này là trận chiến ngọt ngào, vì nó cho phép chúng ta vui mừng mỗi khi Chúa chiến thắng trong cuộc đời của chúng ta.
CUỘC CHIẾN VÀ CẢNH GIÁC
159. Chúng ta không chỉ đơn thuần đương đầu với một cuộc chiến chống lại thế gian và não trạng thế gian là điều có thể lừa dối chúng ta và làm cho chúng ta ra đần độn và tầm thường, thiếu nhiệt tình và niềm vui. Cuộc chiến này cũng không thể thu hẹp lại thành một cuộc vật lộn với những sự yếu đuối và các xu hướng nhân loại chúng ta (là lười biếng, tham dục, ghanh tị, ghen tương hay bất kỳ điều gì khác). Nó cũng là một cuộc chiến đấu liên tục chống lại ma quỷ, ông hoàng của sự dữ. Chính Chúa Giêsu mừng những chiến thắng của chúng ta. Người vui mừng khi các môn đệ của Người tiến bộ trong việc rao giảng Tin Mừng và thắng được sự chống đối của ác thần: “Thầy thấy Satan rơi xuống như sét từ trời” (Lc 10:18).
Còn hơn một huyền thoại
160. Chúng ta sẽ không công nhận có ma quỷ nếu chúng ta chỉ nhìn đời sống theo các tiêu chuẩn thực nghiệm mà không có một cảm thức siêu nhiên nào. Chính niềm tin rằng quyền lực độc ác này hiện diện ở giữa chúng ta cho phép chúng ta hiểu được làm sao mà sự dữ đôi khi có thể có quá nhiều sức tàn phá như thế. Đúng vậy, các tác giả Thánh Kinh có một hành trang khái niệm giới hạn để diễn tả một số thực tại nhất định, như trong thời Chúa Giêsu, người ta có thể lẫn lộn bệnh động kinh với việc quỷ ám chẳng hạn. Tuy nhiên, điều này không đưa chúng ta đến việc quá đơn giản hoá thực tại bằng cách nói rằng tất cả các trường hợp được tường thuật trong Tin Mừng đều liên quan đến các bệnh tâm thần, và do đó không có ma quỷ hoặc ma quỷ không hoạt động. Sự hiện diện của nó được tìm thấy ngay trong những trang đầu của Thánh Kinh, là sách kết thúc với chiến thắng của Thiên Chúa trên ma quỷ [120]. Quả thật, khi để lại cho chúng ta Kinh Lạy Cha, Chúa Giêsu muốn chúng ta kết thúc nó bằng cách xin Chúa Cha “cứu chúng con khỏi mọi sự dữ”. Lời cuối cùng này không đề cập đến sự dữ trừu tượng; một cách dịch chính xác hơn phải là “thần dữ”. Nó ám chỉ một cá thể đang tấn công chúng ta. Chúa Giêsu đã dạy chúng ta mỗi ngày cầu xin ơn giải cứu này để quyền năng của nó không làm chủ chúng ta.
161. Như thế, chúng ta không nên nghĩ về ma quỷ như một huyền thoại, một biểu hiện, một biểu tượng, một hình ảnh hoặc một ý tưởng [121]. Sai lầm này sẽ dẫn chúng ta đến lơ là việc đề phòng của mình, bất cẩn, và kết cuộc dễ bị làm mồi cho nó hơn. Ma quỷ không cần phải sở hữu (ám) chúng ta. Nó đầu độc chúng ta bằng nọc độc của hận thù, buồn rầu, ghen tị và các tật xấu. Cũng thế, khi chúng ta lơ là việc đề phòng của mình, nó tận dụng điều ấy để huỷ hoại cuộc đời chúng ta, gia đình chúng ta và cộng đồng chúng ta. “Như sư tử gầm thét, nó đi loanh quanh đi tìm mồi để cắn xé” (1 Pr 5: 8).
Cảnh giác và tin cậy
162. Lời Chúa mời gọi chúng ta một cách rõ ràng, “hãy đứng vững trước những mưu chước của ma quỷ” (Eph 6:11) và “dập tắt tất cả các tên lửa của Ác Thần” (Eph 6:16). Đây không phải là những lời hoa mỹ, vì con đường dẫn đến sự thánh thiện của chúng ta là một trận chiến liên tục. Những ai không nhận ra điều này sẽ làm mồi ngon cho sự thất bại hoặc tầm thường. Với cuộc chiến này, chúng ta có thể dựa vào các vũ khí mạnh mẽ mà Chúa đã ban cho chúng ta: đức tin được thể hiện qua cầu nguyện, suy niệm Lời Chúa, cử hành Thánh Lễ, chầu Thánh Thể, Bí Tích Hòa Giải, các việc bác ái, đời sống cộng đồng, và tham gia việc truyền giáo. Nếu chúng ta bất cẩn, những lời hứa cuội của thần dữ sẽ dễ dàng quyến rũ chúng ta. Như thánh linh mục Brochero đã nói: “Có điều gì là tốt lành khi Lucifer hứa cho anh chị em tự do, và đổ đầy trên anh chị em tất cả những lợi ích, nếu những lợi ích ấy là giả dối và có chất độc?” [122].
163. Trong cuộc hành trình này, việc phát triển những sự tốt đẹp, việc trưởng thành trong đời sống tâm linh và lớn lên trong tình yêu là cách đối phó tốt nhất với sự dữ. Không ai chống lại được nó nếu chọn ở lại trong ngõ cụt, nếu hài lòng với một ít, hoặc ngừng mơ ước tận hiến một cách quảng đại hơn cho Chúa. Tệ hơn nữa, nếu họ có cảm giác thất bại, vì “ai bắt đầu mà không tự tin, thì đã thua một nửa trận chiến rổi, và chôn vùi tài năng của họ... Chiến thắng của Kitô hữu luôn luôn là một thập giá, nhưng một thập giá đồng thời cũng là biểu tượng của chiến thắng, được thực hiện với việc thận trọng chiên đấu chống lại những cuộc tấn công của sự dữ” [123].
Sự bại hoại tinh thần
164. Con đường nên thánh là nguồn bình an và yên vui, được Chúa Thánh Thần ban cho chúng ta, nhưng đồng thời cũng đòi hỏi chúng ta phải tỉnh thức và giữ cho “đèn của mình được cháy sáng” (Lc 12:35). “Hãy tránh xa mọi hình thức xấu xa” (1 Tx 5:22). “Hãy tỉnh thức” (Mt 24:42; Mc 13:35). “Chúng ta đừng ngủ quên” (1 Tx 5:6). Những người nghĩ rằng họ không phạm tội trọng trái với Luật của Thiên Chúa có thể rơi vào tình trạng mê muội hoặc tê mê. Vì họ không thấy điều gì nghiêm trọng để tự trách mình, họ không nhận ra rằng tình trạng thờ ơ này của họ sẽ dần dần làm chủ đời sống thiêng liêng của họ và cuối cùng chính họ sẽ bị suy yếu và bại hoại.
165. Sự bại hoại tinh thần còn tồi tệ hơn việc sa ngã của một người tội lỗi, vì đó là một hình thức mù quáng trong thoải mái và tự mãn. Mọi sự đều có vẻ như có thể chấp nhận được: lừa dối, phỉ báng, ích kỷ và các hình thức tinh vi khác của việc quy ngã (chỉ biết đến mình), vì “ngay cả Satan cũng nguỵ trang là thiên sứ của sự sáng” (2 Cr 11:14). Sôlômôn đã kết thúc những ngày của ông như thế, trong khi kẻ phạm đại tội là Đavít biết cách thắng vượt tình trạng khốn nạn của mình. Trong một đoạn Thánh Kinh, Chúa Giêsu đã cảnh báo chúng ta về cám dỗ quỷ quyệt này, là điều dễ dàng dẫn chúng ta đến hư đốn: Người nói về một kẻ được giải thoát khỏi quỷ ám, nghĩ rằng đời mình giờ đây đã được thanh sạch, cuối cùng bị ám bởi bảy quỷ khác (xem Lc 11:24-26). Một đoạn Thánh Kinh khác nói thẳng rằng: “Con chó quay trở lại ăn chính đồ nó mửa ra” (2 Pr 2:22; x. Cn 26:11).
SỰ PHÂN BIỆT
166. Làm sao để biết được là một điều đến từ Chúa Thánh Thần hay đến từ tinh thần thế gian hoặc tinh thần ma quỷ? Cách duy nhất là qua sự phân biệt, là điều đòi hỏi không những một khả năng tốt để lý luận và biết lẽ thường, mà còn là một hồng ân cần phải được cầu xin. Nếu chúng ta tin tưởng cầu xin Chúa Thánh Thần ơn này, đồng thời tìm cách vun trồng nó bằng cầu nguyện, suy niệm, đọc sách và lời khuyên tốt, thì chắc chắn chúng ta sẽ lớn lên trong khả năng tinh thần này.
Một nhu cầu khẩn cấp
167. Ngày nay khả năng phân biệt càng ngày càng trở nên cần thiết. Thực ra, cuộc sống hiện tại cung cấp cho chúng ta rất nhiều điều khả thi để làm và phân tâm, và tất cả chúng đều được thế giới trình bày như có giá trị và tốt. Mọi người, đặc biệt là giới trẻ, đều chịu ảnh hưởng bởi một nền văn hóa bấm nút đổi đài liên tục. Chúng ta có thể đồng thời coi hai hoặc ba màn ảnh và tương tác trong những cảnh tượng ảo cùng một lúc. Nếu không có sự khôn ngoan của việc phân biệt, chúng ta có thể dễ dàng biến thành cái bung xung cho mọi xu hướng chóng qua.
168. Điều này đặc biệt quan trọng khi một sự mới mẻ xuất hiện trong đời sống của chúng ta. Và như thế, chúng ta phải phân biệt xem đó là rượu mới đến từ Thiên Chúa hoặc sự mới mẻ gian trá của tinh thần thế tục hay tinh thần của ma quỷ. Trong những lúc khác, điều ngược lại có thể xảy ra, bời vì các thế lực của sự dữ không cho chúng ta thay đổi, cứ để yên mọi sự như cũ, chọn án binh bất động hay cứng nhắc. Tuy nhiên, như thế chúng ta ngăn chặn hoạt động của Chúa Thánh Thần. Chúng ta được tự do, với sự tự do của Chúa Giêsu. Tuy nhiên, Người yêu cầu chúng ta kiểm tra những gì đang ở trong mình - các ước muốn, lo âu, sợ hãi và kỳ vọng của chúng ta - và những gì xảy ra chung quanh chúng ta - “các dấu chỉ của thời gian” - để nhận ra những con đường đưa đến tự do hoàn toàn. “Hãy xem xét mọi sự; hãy giữ lấy những gì là tốt” (1 Tx 5:21).
Luôn luôn trong ánh sáng của Chúa
169. Sự phân biệt cần thiết không chỉ vào những thời điểm bất thường, khi chúng ta cần giải quyết các vấn đề nghiêm trọng và đưa ra các quyết định quan trọng. Đó là một công cụ để chiến đấu giúp chúng ta theo Chúa một cách tốt hơn. Chúng ta luôn cần nó, để giúp mình nhận ra những thời điểm của Thiên Chúa và ân sủng của Ngài, để không lãng phí ơn linh ứng của Chúa và bỏ qua lời mời gọi lớn lên của Người. Thường thì điều này được thực hiện trong những việc nhỏ, trong những việc có vẻ tầm thường, vì sự vĩ đại được tỏ lộ trong những việc đơn giản hàng ngày [124]. Đó là làm việc vô hạn định cho những gì to lớn, cho những gì tốt hơn và đẹp hơn, đồng thời cũng chú ý đến những gì bé nhỏ, đến những bổn phận hôm nay. Vì thế, tôi yêu cầu tất cả các Kitô hữu đừng bỏ qua việc đàm đạo với Chúa là Đấng yêu thương chúng ta và việc xét mình một cách chân thành mỗi ngày. Đồng thời, sự phân biệt cũng dẫn chúng ta đến việc nhận ra những phương tiện cụ thể mà Chúa cung cấp sẵn trong kế hoạch mầu nhiệm và yêu thương của Người, để giúp chúng ta không ngừng lại chỉ ở những ý định tốt lành.
Một món quà siêu nhiên
170. Đúng là sự phân biệt thiêng liêng không loại trừ những đóng góp của các hiểu biết về con người, về sự hiện hữu, tâm lý, xã hội học hay luân lý. Nhưng nó vượt trên chúng. Cả các tiêu chuẩn vững chắc của Hội Thánh cũng chưa đủ. Chúng ta phải luôn luôn nhớ rằng phân biệt là một ân sủng. Mặc dù nó bao gồm lý trí và sự cẩn trọng, nó vượt trên chúng, vì nó là vấn đề thoáng nhìn vào mầu nhiệm của kế hoạch độc đáo và không thể lập lại mà Thiên Chúa dành cho mỗi người chúng ta, và nó thực hiện giữa rất nhiều hoàn cảnh và giới hạn khác nhau. Nó không chỉ là một hạnh phúc tạm bợ, hay một sự hài lòng vì đã làm một điều gì hữu ích, hoặc ước muốn có một lương tâm thanh thản. Điều quan trọng là ý nghĩa cuộc đời tôi trước mặt Chúa Cha, là Đấng biết tôi và yêu thương tôi, ý nghĩa thực sự của cuộc đời tôi, mà không ai biết rõ hơn Ngài. Chung cuộc, sự phân biệt dẫn đến chính nguồn suối của cuộc sống bất diệt, nghĩa là, biết Đức Chúa Cha, Đấng duy nhất là Thiên Chúa Thật, và Đấng mà Ngài đã sai đến, là Chúa Giêsu Kitô (x. Ga 17:3). Nó không đòi hỏi những khả năng đặc biệt, cũng không chỉ dành cho những người thông minh hơn hoặc có trình độ học vấn cao, và Chúa Cha đã vui lòng tỏ mình ra cho những người bé nhỏ (x. Mt 11:25).
171. Mặc dù Chúa nói với chúng ta bằng rất nhiều cách khác nhau, trong công việc, qua người khác và ở mọi lúc, nhưng chúng ta không thể bỏ qua sự im lặng của cầu nguyện lâu giờ để hiểu rõ hơn ngôn ngữ của Thiên Chúa, để giải thích ý nghĩa thực sự của những cảm hứng mà chúng ta nghĩ rằng mình đã nhận được, để làm cho những lo âu của mình lắng dịu và để tái lập toàn thể cuộc đời mình trong ánh sáng của Thiên Chúa. Bằng cách này, chúng ta có thể cho phép sự ra đời của một tổng hợp mới phát sinh từ một cuộc đời được Chúa Thánh Thần soi sáng.
Lạy Chúa, xin hãy phán
172. Tuy nhiên, có thể ngay cả trong chính lúc cầu nguyện, chúng ta tránh để cho mình đối diện với sự tự do của Chúa Thánh Thần, Đấng hành động tuỳ theo ý Ngài. Chúng ta phải nhớ rằng sự phân biệt trong cầu nguyện đòi buộc chúng ta phải bắt đầu từ một lòng sẵn sàng lắng nghe: lắng nghe Chúa, lắng nghe người khác, và lắng nghe chính thực tại, là những gì luôn luôn thách đố chúng ta bằng những cách mới mẻ. Chỉ những ai sẵn sàng lắng nghe mới có tự do để từ bỏ những ý tưởng riêng của mình hoặc những ý tưởng chưa đầy đủ, những thói quen của mình, và những toan tính của mình. Bằng cách này, chúng ta sẵn sàng chấp nhận ơn gọi, là điều có thể phá vỡ sự an toàn của chúng ta, nhưng dẫn đến một cuộc sống tốt đẹp hơn, bởi vì mọi sự đều xuôi chảy, mọi sự đều an bình, thì chưa đủ. Thiên Chúa có thể cho chúng ta một điều gì đó tốt hơn nhiều, nhưng vì sự sao lãng biếng nhác của mình, chúng ta không nhận ra được điều ấy.
173. Đương nhiên là thái độ lắng nghe này đòi hỏi phải vâng theo Tin Mừng như là tiêu chuẩn tối hậu, nhưng còn phải vâng theo Huấn Quyền, là cơ cấu bảo vệ nó, trong lúc tìm kiếm trong kho báu của Hội Thánh bất cứ điều gì có hiệu quả nhất cho việc cứu rỗi “ngày nay”. Không phải là vấn đề áp dụng các công thức hoặc lặp lại quá khứ, bởi vì [sử dụng] cùng những giải pháp không phải là điều hợp lý trong mọi hoàn cảnh, và điều hữu ích trong một bối cảnh có thể không hữu ích trong một bối cảnh khác. Sự phân biệt các thần khí giải thoát chúng ta khỏi sự cứng nhắc, là điều không có chỗ đứng trước “ngày hôm nay” bất diệt của Chúa Phục Sinh. Chỉ có Thần Khí mới biết cách thấm nhập vào những gì mịt mờ và kín đáo nhất của thực tại và đếm tất cả mọi sắc thái của nó, để sự mới mẻ của Tin Mừng có thể nổi bật bằng một ánh sáng khác.
Luận Lý về quà tặng và về thập giá
174. Một điều kiện thiết yếu cho sự tiến bộ trong việc phân định là học biết về sự kiên nhẫn của Thiên Chúa và các thời điểm của Ngài, vốn không bao giờ là của chúng ta. Thiên Chúa không cho lửa xuống đốt những kẻ bất trung (xem Lc 9:54), hoặc cho phép những người nhiệt thành nhổ cỏ lùng mọc lên giữa lúa mì (x. Mt 13:29). Cũng cần có lòng quảng đại, vì “cho đi thì có phúc hơn là nhận lại” (Cv 20:35). Chúng ta không phân biệt để khám phá ra những gì chúng ta có thể rút ra được từ cuộc sống này, mà để nhận ra làm sao chúng ta có thể hoàn thành tốt hơn sứ vụ được ủy thác cho mình khi lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội. Điều này có nghĩa là phải sẵn sàng hy sinh, đến mức hy sinh hết mọi sự. Thực ra, hạnh phúc là một điều nghịch lý, và cho chúng ta những kinh nghiệm tốt nhất khi chúng ta chấp nhận luận lý nhiệm mầu này, không phải luận lý của thế gian. Như Thánh Bonaventura quả quyết khi nói về thập giá: “Đây là luận lý của chúng ta” [125]. Một khi chúng ta bước vào động năng này, chúng ta sẽ không để cho lương tâm của mình bị tê liệt và sẽ đại lượng mở rộng lòng ra để phân biệt.
175. Khi chúng ta tìm những con đường của đời sống trong sự hiện diện của Thiên Chúa, thì chúng ta không thể loại ra bất cứ lãnh vực nào. Trong tất cả mọi khía cạnh của đời sống, chúng ta có thể tiếp tục phát triển và dâng lên Thiên Chúa một điều gì lớn hơn, ngay cả trong những khía cạnh mà chúng ta cảm thấy khó khăn nhất. Tuy nhiên, chúng ta cần phải xin Chúa Thánh Thần giải thoát mình và xua đuổi sợ hãi, là điều khiến chúng ta không cho Ngài đi vào một số lãnh vực nào đó của đời mình. Ngài là Đấng đòi hỏi chúng ta mọi sự, nhưng cũng ban cho chúng ta mọi sự, và Ngài không muốn vào trong chúng ta để làm cho chúng ta ra tàn tật hoặc bị yếu đi, nhưng để mang đến chúng ta sự sung mãn. Điều này cho chúng ta thấy rằng việc phân biệt không phải là một việc tự phân tích duy ngã, hoặc một hình thức nội quan (tự xét nôi tâm) quy ngã, nhưng là một tiến trình thật sự đi ra ngoài chính mình để tiến về mầu nhiệm của Thiên Chúa, là Đấng giúp chúng ta sống sứ vụ mà Ngài đã mời gọi chúng ta, vì lợi ích của anh chị em chúng ta.
* * *
176. Tôi cầu mong Đức Trinh Nữ Maria làm cho suy niệm này nên hoàn hảo, bởi vì Mẹ đã sống Các Mối Phúc Thật của Chúa Giêsu một cách không ai sánh bằng. Mẹ là Đấng vui mừng trước mặt Thiên Chúa, là Đấng giữ mọi sự trong lòng, và là Đấng đã để cho lưỡi gươm đâm thâu lòng mình. Đức Mẹ Maria là một vị thánh trong số các thánh, có phúc hơn mọi thánh nhân. Mẹ chỉ cho chúng ta con đường nên thánh và luôn đồng hành với chúng ta. Mẹ không để cho chúng ta tiếp tục nằm dưới đất sau khi chúng ta sa ngã, và đôi khi Mẹ còn bế chúng ta lên trong vòng tay Mẹ mà không xét đoán chúng ta. Trò chuyện với Mẹ an ủi chúng ta, giải thoát chúng ta và và thánh hóa chúng ta. Mẹ không cần nhiều lời. Mẹ không cần chúng ta cho Mẹ biết điều gì đang xảy ra trong cuộc đời mình. Tất cả những gì chúng ta cần làm là thì thầm, lập đi lập lại: “Kính mừng Maria ...”
177. Tôi hy vọng rằng những trang này sẽ có ich vì giúp cho toàn thể Hội Thánh một lần nữa hiến thân để phổ biến ước muốn nên thánh. Chúng ta hãy xin Chúa Thánh Thần đổ trên chúng ta một khao khát nên thánh nhiệt thành vì vinh quang cao cả của Thiên Chúa, và chúng ta hãy giúp đỡ nhau trong nỗ lực này. Bằng cách này, chúng ta sẽ chia sẻ hạnh phúc mà thế gian sẽ không thể lấy đi khỏi chúng ta được.
Ban hành tại Rôma, ở Đền Thánh Phêrô, vào ngày 19 tháng 3, Lễ trọng kính Thánh Giuse, năm 2018, là năm thứ sáu của triều đại của tôi.
+ Phanxicô - Giáo hoàng
Phaolô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ
(Theo bản Anh ngữ cùng sửa lại theo các bản Ý ngữ và Pháp ngữ)
---------------------------------------------------
[1] BÊNÊĐICTÔ XVI, Bài giảng Mở Đầu Tác Vụ Phêrô (ngày 24 tháng 4, 2005): AAS 97 (2005), 708.
[2] Điều này luôn coi là được mọi người biết về sự thánh thiện và thực hành, ít ra ờ mức độ bình thường, các nhân đức Kitô giáo: x. Tự Sắc Maiorem Hac Dilectionem (ngày 11 tháng 7, 2017), Art. 2c: L’Osservatore Romano, 12 tháng 7 2017, tr. 8.
[3] CÔNG ĐỒNG VATICANÔ II, Hiến chế Tin Lý về Hội Thánh, Lumen Gentium, 9
[4] X. JOSEPH MALEGUE, Pierres noires. Les classes moyennes du Salut, Paris, 1958.
[5] CÔNG ĐỒNG VATICANÔ II, Hiến chế Tin Lý về Hội Thánh, Lumen Gentium, 12
[6] Verborgenes Leben und Epiphanie: GW XI, 145.
[7] GIOAN PHAOLÔ II, Thông Điệp Novo Millennio Ineunte (ngày 6 tháng 1, 2001), 56: AAS 93 (2001), 307.
[8] Thông Điệp Tertio Millennio Adveniente (ngày 10 tháng 11,1994), 37: AAS 87 (1995), 29.
[9] Bài Giảng trong cuộc Tưởng Niệm Đại Kết cho việc Làm Chứng cho Đức Tin trong Thế Kỷ thứ Hai Mươi (ngày 7 tháng 5, 2000), 5: AAS 92 (2000), 680-681.
[10] Hiến chế Tin Lý về Hội Thánh, Lumen Gentium, 11.
[11] X. HANS URS VON BALTHASAR, “Theology and Holiness”, in Communio 14/4 (1987), 345.
[12] Ca Khúc Tâm Linh, Red. B, Mở Đầu, 2.
[13] X. ibid., 14-15, 2.
[14] X. Bài Giáo Lý, Triều Yết Chung ngày 19 tháng 11, 2014: Insegnamenti II/2 (2014), 555.
[15] PHANXICÔ ĐỆ SALÊ, Tiểu luận về Tình Yêu Thiên Chúa, VIII, 11
[16] Năm Cái Bánh và Hai Con Cá, Pauline Books and Media, 2003, tt. 9, 13
[17] HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC TÂN TÂY LAN, Tình Yêu Chữa Lành - Healing Love, ngày 1 tháng 1, 1988.
[18] Linh Thao, 102-312.
[19] Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, 515.
[20] Ibid., 516.
[21] Ibid., 517.
[22] Ibid., 518.
[23] Ibid., 521.
[24] BENEDICTÔ XVI, Giáo Lý, Triều Yết Chung ngày 13 tháng 4, 2011: Insegnamenti VII (2011), 451.
[25] Ibid., 450.
[26] X. HANS URS VON BALTHASAR, “Theology and Holiness”, in Communio 14/4 (1987), 341-350.
[27] XAVIER ZUBIRI, Naturaleza, historia, Dios, Madrid, 19933, 427
[28] CARLO M. MARTINI, Le confessioni di Pietro, Cinisello Balsamo, 2017, 69
[29] Chúng ta cần phân biệt giữa loại giải trí phiến diện này với nền văn hoá giải trí lành mạnh, là điều mở lòng chúng ta ra cho tha nhân và chính thực tại trong một tinh thần cởi mở và chiêm niệm.
[30] GIOAN PHAOLÔ II, Bài Giảng trong Thánh Lễ Phong Hiển Thánh (ngày 1 tháng 10, 2000), 5: AAS 92 (2000), 852.
[31] HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VÙNG TÂY PHI, Sứ Điệp Mục Vụ Kết Thúc Cuộc Họp Thường Kỳ Lần Thứ Hai, ngày 29 tháng 2, 2016, 2.
[32] La femme pauvre - Người phụ nữ nghèo, Paris, II, 27.
[33] X. THÁNH BỘ GIÁO LÝ ĐỨC TIN, Thư Placuit Deo về Một Số Khía Cạnh của Cứu Độ Kitô giáo (ngày 22 tháng 2, 2018), 4, trong L’Osservatore Romano, 2 tháng 3, 2018, tt. 4-5: “Cả chủ nghĩa cá nhân tân-Pelagiô và tân-Ngộ Đạo coi rẻ thân xác làm mất vẻ đẹp của tuyên xưng đức tin vào Đức Kitô, Đấng Cứu Độ Phổ Quát Duy Nhất”. Tài liệu này cung cấp các nền tảng tín lý cho việc hiểu biết về ơn cứu độ Kitô giáo trong tương quan với các khuynh hướng tân-ngộ-đạo và tân-Pelagiô.
[34] Tông Huấn Evangelii Gaudium (ngày 24 tháng 11, 2013), 94: AAS 105 (2013), 1060.
[35] Ibid.: AAS 105 (2013), 1059.
[36] Bài giảng trong Thánh Lễ ờ Casa Santa Marta, ngày 11 tháng 11, 2016: L’Osservatore Romano, 12 tháng 11, 2016, p. 8.
[37] Như Thánh Bonaventura dạy, “chúng ta phải đình chỉ tất cả hoạt động của trí khôn, và chúng ta phải biến đổi cao điểm của những tình cảm của mình, hướng chúng về một mình Thiên Chúa … Vì thiên nhiên không đạt được điều gì và nỗ lực cá nhân chỉ được rất ít, cần phải coi việc điều nghiên là ít quan trọng và việc xức dầu là quan trọng hơn nhiều, nói năng là ít và niềm vui nội tâm là nhiều, lời nói hay chữ viết là ít nhưng tất cả cho hồng ân của Thiên Chúa, nghĩa là Chúa Thành Thần, phải coi các thụ tạo là ít hay không quan trọng, nhưng tất cả cho Đấng Tạo Hoá, Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần”: BONAVENTURA, Itinerarium Mentis in Deum, VII, 4-5.
[38] X. Thư gửi Viện Trường Giáo Hoàng Đại Học Công Giáo Á Căn Đình nhân dịp kỷ niệm 100 năm thành lập Phân Khoa Thần Học (ngày 3 tháng, 2015): L’Osservatore Romano, ngày 9-10 tháng 3, 2015, p. 6.
[39] Tông Huấn Evangelii Gaudium (24 Tháng 11, 2013), 40: AAS 105 (2013), 1037.
[40] Video Sứ điệp truyền hình gửi các Tham Dự Viên Đại Hội Thần Học Quốc Tê được tổ chức tại Giáo Hoàng Đại Học Công Giáo Á Căn Đình (ngày 1-3 tháng 9, 2015): AAS 107 (2015), 980.
[41] Tông Huấn hậu Thượng Hội Đồng Vita Consecrata (ngày 25 tháng 3, 1996), 38: AAS 88 (1996), 412.
[42] Thư gửi Viện Trường Giáo Hoàng Đại Học Công Giáo Á Căn Đình nhân dịp kỷ niệm 100 năm thành lập Phân Khoa Thần Học (ngày 3 tháng 3, 2015): L’Osservatore Romano, ngày 9-10 tháng 3, 2015, t. 6.
[43] Thư gửi Huynh Đệ Anthony, 2: FF 251.
[44] De septem donis, 9, 15.
[45] In IV Sent. 37, 1, 3, ad 6.
[46] Tông Huấn Evangelii Gaudium (ngày 24 tháng 11, 2013), 94: AAS 105 (2013), 1059.
[47] X. Bonaventura, De sex alis Seraphim, 3, 8: “Non omnes omnia possunt”. Câu này được hiểu theo Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo, 1735.
[48] X. TÔMA AQUINÔ, Summa Theologiae II-II, q. 109, a. 9, ad 1: “Nhưng ở đây ân sủng theo một mức độ nào đó thì chưa hoàn hảo, cũng như nó không hoàn toàn chữa lành con người, như chúng tôi đã nói”.
[49] X. De natura et gratia, 43, 50: PL 44, 271.
[50] Tự Thú - Confessiones, X, 29, 40: PL 32, 796.
[51] X. Tông Huấn Evangelii Gaudium (ngày 24 tháng 11, 2013), 44: AAS 105 (2013), 1038.
[52] Trong sự hiểu biết về đức tin Kitô giáo, ân sủng đi trước, đi cùng và đi theo tất cả mọi hành động của chúng ta. (X. CÔNG ĐỒNG TRENTÔ, Khoá VI, Sắc Lệnh về Ơn Công Chính Hoá, ch. 5: DH 1525).
[53] X. In Ep. ad Romanos, 9, 11: PG 60, 470.
[54] Homilia de Humilitate: PG 31, 530.
[55] Giáo Luật 4: DH 374.
[56] Khoá Họp VI, Sắc Lệnh về Ơn Công Chính Hoá, ch. 8: DH 1532.
[57] Số. 1998.
[58] Ibid., 2007.
[59] Tôma Aquinô, Summa Theologiae, I-II, q. 114, a. 5.
[60] Têrêxa Hài Đồng Giêsu, “Kinh Dâng Tình Yêu Thương Xót” (Cầu Nguyện, 6).
[61] Lucio Gera, Sobre el misterio del pobre, in P. GRELOT-L. GERA-A. DUMAS, El Pobre, Buenos Aires, 1962, 103.
[62] Tóm lại, đây là học thuyết về “công trạng” đi theo việc công chính hoá: nó liên quan đến sự cộng tác của người được công chính hoá để lớn lên trong đời sống ân sủng (X. Giáo Lý Hội Thánh Công giáo, 2010). Nhưng sự công tác này không bao giờ biến chính sự công chính hoá hay tình bằng hữu với Thiên Chúa thành mục tiêu của công trạng của con người.
[63] X. Tông Huấn Evangelii Gaudium (ngày 24 tháng 11, 2013), 95: AAS 105 (2013), 1060.
[64] Summa Theologiae I-II, q. 107, art. 4.
[65] PHANXICÔ, Bài giàng trong Thánh Lễ mừng Năm Thánh của Những Người Bị Xã Hội Khai Trừ (ngày 13 tháng 11, 2016): L’Osservatore Romano, ngày 14-15 tháng 11, 2016, p. 8.
[66] X. Bài Giảng trong Thánh Lễ ở Casa Santa Marta, ngày 9 tháng 6, 2014: L’Osservatore Romano, 10 Tháng 6, 2014, t. 8.
[67] Thứ tự của Mối Phúc thứ hai và thứ ba thay đổi tuỳ theo truyền thống văn bản.
[68] Linh Thao - Spiritual Exercises, 23d.
[69] Thảo Bản - Manuscript C, 12r.
[70] Tư thời các giáo phụ, Hội Thánh đã tôn trọng ơn khóc lóc, như được thấy trong kinh “Ad petendam compunctionem cordis”. Được đọc thế này: “Lạy Thiên Chúa Toàn Năng và rất hay thương xót, Đấng đã làm vọt ra nước hằng sống từ tảng đá cho dân đang khát nước của Chúa: xin làm chảy ra nước mắt và lòng thống hối từ sự cứng lòng của chúng con, để chúng con đau buồn vì tội lỗi mình, và nhờ lượng từ bi Chúa, chúng con được tha thứ” (X. Missale Romanum, ed. typ. 1962, t. [110]).
[71] Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, 1789; X. 1970.
[72] Ibid., 1787.
[73] Gièm pha và nói hành là những hành động khủng bố: một quả bom được tung ra, nó nổ, và kẻ tấn công bình thản và hài lòng bỏ đi. Điều này hoàn toàn khác với sự cao quý của những người nói với người khác giáp mặt, chân thành và thẳng thắn, vì thật sự quan tâm đến sự tốt lành của người ấy.
[74] Đôi khi, có thể cần phải nói về những khó khăn cùa một anh chị em nào đó. Trong những trường hợp như thế, điều có thể xảy ra là người ta truyền lại một cắt nghĩa thay vì một dữ kiện khách quan. Tình cảm có thể làm cho hiểu sai hay thay đổi các dữ kiện, và cuối cùng nó được chuyền đi và được pha thêm với những yếu tố chủ quan. Bằng cách này, chính các dữ kiện hoặc sự thật không được tôn trọng.
[75] Tông Huấn, Evangelii Gaudium (ngày 24 tháng 11, 2013), 218: AAS 105 (2013), 1110.
[76] Ibid., 239: 1116.
[77] Ibid., 227: 1112.
[78] Thông Điệp Centesimus Annus (ngày 1 tháng 5, 1991), 41c: AAS 81 (1993), 844-845.
[79] Tông Thư Novo Millennio Ineunte (ngày 6 tháng 1, 2001), 49: AAS 93 (2001), 302.
[81] Tự Sắc Misericordiae Vultus (ngày 11 tháng 4, 2015), 12: AAS 107 (2015), 407.
[82] Chúng ta có thể nhớ lại phản ứng của người Samaritanô nhân từ khi gặp người bị cướp tấn công và bỏ cho chết (X. Lk 10:30-37).
[83] UỶ BAN XÃ HỘI CỦA HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC CÔNG GIÁO GIA NÃ ĐẠI, Thư Ngỏ gửi các Thành Viên Quốc Hội, Công Ích hay Loại Trừ: Một Chọn Lựa cho ngườu Gia Nã Đại (ngày 1 tháng 2, 2001), 9.
[84] Đại Hội Thường Kỳ của các Giám Mục Châu Mỹ Latinh và Caribbê, khi vang vọng lại giáo huấn cố hữu của Hôi Thánh, đã nói rằng con người “luôn luôn thánh thiêng, từ lúc thụ thai, ở tất cả các gia đoạn của cuộc sống, cho đến khi chết tự nhiên, và sau khi chết”, và cuộc sống ấy phải được bảo vệ “bắt đầu từ khi thụ thai, trong mọi giai đoạn của nó, cho đến lúc chết tự nhiên” (Tái liệu Aparecida, ngày 29 tháng 6, 2007, 388; 464).
[85] Quy Luật, 53, 1: PL 66, 749.
[86] X. ibid., 53, 7: PL 66, 750.
[87] Ibid., 53, 15: PL 66, 751.
[88] Tự Sắc Misericordiae Vultus (ngày 11 tháng 4, 2015), 9: AAS 107 (2015), 405.
[90] Tông Huấn Hậu Thương Hội Đồng Giám Mục Amoris Laetitia (ngày 19 tháng 3, 2016), 311: AAS 108 (2016), 439.
[91] Tông Huấn Evangelii Gaudium (ngày 24 tháng 11, 2013), 197: AAS 105 (2013), 1103.
[92] X. Summa Theologiae, II-II, q. 30, a. 4.
[93] Ibid., ad 1.
[94] Được trích (trong bản dịch Tây Ban Nha) trong: Cristo en los Pobres, Madrid, 1981, 37-38.
[95] Có một số hình thức bắt nạt, trong khi có vẻ thanh nhã hay tôn trọng và thậm chí rất tâm linh, gây ra thiệt hại lớn cho sự tự trọng của người khác.
[96] Những Đề Phòng - Precautions, 13.
[97] Ibid., 13.
[98] X. Nhật Ký. Lòng Thương Xót trong Linh Hồn tôi, Stockbridge, 2000, t. 139 (300).
[99] TÔMA AQUINÔ, Tổng Lược Thần Học, I-II, q. 70, a. 3.
[100] Tông Huấn Evangelii Gaudium (ngày 24 tháng 11, 2013), 6: AAS 105 (2013), 1221.
[101] Tôi đề nghị cầu nguyện bằng kinh được gán cho Thánh Tôma More: “Lạy Chúa, xin ban cho con trí lĩnh hội, và cả điều để lĩnh hội. Xin cho con thân thể khỏe mạnh, và tính hài hước tốt đẹp cần thiết để giữ sức khỏe đó. Xin cho con một linh hồn đơn sơ biết quý tất cả những gì tốt đẹp, đừng dễ dàng sợ hãi trước mặt sự dữ, nhưng biết tìm cách đặt lại mọi chuyện vào đúng chỗ của nó. Xin cho con một linh hồn không buồn chán, không càu nhàu, thở dài hay than van, cũng không căng thẳng quá độ, vì những điều này ngăn cản một chuyện: Con chính là ‘Con’. Lạy Chúa, xin cho con một trí hài hước tốt đẹp. Xin cho con ơn có thể nói một câu đùa để tìm được chút vui vẻ trong đời, và có thể chia sẻ niềm vui đó với người khác”. (Bản dịch trích trong Conggiao.info).
[102] Tông Huấn Hậu Thượng Hội Đồng Giám Mục Amoris Laetitia (ngày 19 tháng 3, 2016), 110: AAS 108 (2016), 354.
[103] Tông Huấn Evangelii Nuntiandi (8 tháng 12, 1975), 80: AAS 68 (1976), 73. Điều đáng lưu ý là bản văn này của Chân Phước Phaolô VI iên kết chặt chẽ niềm vui với dũng cảm (parrhesía). Trong khi than phiền về sự “thiếu niềm vui và hy vọng” như một trở ngại cho viẽc Phúc Âm hoá, ngài đề cao “niềm vui thú vị và an ủi của việc Phúc Âm hoá”, được nối kết với “sự hăng say nội tâm mà không ai hay không gì có thể dập tắt được”. Điều này đảm bảo rằng thế gian không nhận được Tin Mừng từ “những người rao giảng Tin Mừng buồn nản [và] thất vọng”. Trong Năm Thánh 1975, Đức Phaolô đã dành Tông Huấn Gaudete in Domino của ngài cho niềm vui (9 tháng 5, 1975): AAS 67 (1975), 289-322.
[104] Những Đề Phòng - Precautions, 15.
[105] GIOAN PHAOLÔ II, Tông Huấn Vita Consecrata (ngày 25 tháng 3, 1996), 42: AAS 88 (1996), 416.
[106] Tự Thú - Confessiones, IX, 10, 23-25: PL 32, 773-775.
[107] Tôi đặc biệt nghĩ đến ba từ “làm ơn”, “cám ơn”, và “xin lỗi”. “Những lời đúng nói đúng lúc, hằng ngày bảo vệ và nuôi nấng tình yêu”: Tông Huấn Hậu Thượng Hội Đồng Giám Mục Amoris Laetitia (ngày 19 tháng 3, 2016), 133: AAS 108 (2016), 363.
[108] TÊREXA HÀI ĐỒNG GIÊSU, Thảo Bản C, 29 v-30r.
[109] Các mức độ Hoàn Thiện, 2.
[110] ID., Các Lời Khuyên một Tu Sĩ làm sao để Đạt Đến Hoàn Thiện, 9.
[111] Tự Thuật - Autobiography, 8, 5.
[112] GIOAN PHAOLÔ II, Tông Thư Orientale Lumen (2 tháng 5, 1995), 16: AAS 87 (1995), 762.
[113] Gặp Gỡ các Tham Dự Viên Đại Hội Giáo Hội Ý Đại Lợi Lần Thứ Năm, Florence, (ngày 10 tháng 11, 2015): AAS 107 (2015), 1284.
[114] X. BERNARĐÔ CLAIRVAUX, Các bài gảing về sách Nhã Ca (Canticum Canticorum), 61, 3-5: PL 183:1071-1073.
[115] Con Đường của một Lữ Kách - The Way of a Pilgrim, New York, 1965, tt. 17, 105-106.
[116] X. Linh Thao - Spiritual Exercises, 230-237.
[117] Thư gửi Henry de Castries, 14 Tháng 8, 1901.
[118] ĐẠI HỘI THƯỜNG KỲ CÁC GIÁM MỤC CHÂU MỸ LATINH VÀ CARIBBÊ, Tài liệu Aparecida (ngày 29 tháng 6, 2007), 259.
[119] HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC CÔNG GIÁO ẤN ĐỘ, Tuyên Ngôn Kết Thúc Đại Hội Thường Kỳ lần Thứ Hai Mươi Mốt, ngày 18 tháng 2, 2009, 3.2.
[120] X. Bài giảng trong Thánh Lễ ở Casa Santa Marta, 11 tháng 10, 2013: L’Osservatore Romano, ngày 12 tháng 10, 2013, p. 2.
[121] X. PHAOLÔ VI, Bài Giáo Lý, Triều Yết Chung ngày 15 Ntháng 11, 1972: Insegnamenti X (1972), tt. 1168-1170: “Một trong các nhu cầu lớn nhất của chúng ta là phòng thủ chống lại sự dữ mà chúng ta gọi là quỷ dữ… Sự dữ không đơn thuần là một sự khiếm khuyết nhưng là một năng lực, một một hữu thể tinh thần sống động, bị hư hỏng và làm cho người khác ra hư hỏng. Một thực thể khủng khiếp, bí nhiệm và đáng sợ. Những ai từ chối nhìn nhận sự hiện hữu của nó, hoặc biến nó thành một nguyên lý độc lập không bắt nguồn từ Thiên Chúa như các thụ tạo khác, hoặc giải thích nó như một nguỵ thực tại, một việc nhân cách hoá những nguyên nhân ẩn tàng của các sự bất hạnh của chúng ta. Những người ấy không còn ở trong phạm vi giáo huấn của Thánh Kinh và Hội Thánh nữa”.
[122] JOSÉ GABRIEL DEL ROSARIO BROCHERO, “Plática de las banderas”, in CONFERENCIA EPISCOPAL ARGENTINA, El Cura Brochero. Cartas y sermones, Buenos Aires, 1999, 71.
[123] Tông Huấn Evangelii Gaudium (24 tháng 11, 2013), 85: AAS 105 (2013), 1056.
[124] Mộ phần của Thánh Ignatiô Loyola có khắc hàng chữ khiến chúng ta phải suy nghĩ này: Non coerceri a maximo, conteneri tamen a minimo divinum est (“Không bị điều lớn nhất giam giữ, nhưng được chứa đựng trong điều nhỏ nhất, là thuộc về Thiên Chúa”).
[125] Collationes in Hexaemeron, 1, 30.