Ai là anh em tôi?
Câu hỏi này được nhà thông luật đặt ra cho Chúa Giê su và được Chúa trả lời cách minh bạch. Trong Tin Mừng có nhiều câu hỏi thừa và không cần thiết nên Chúa trả lời cách gián tiếp hoặc lái sang một hướng khác, ví dụ: có được phép ném đá người phụ nữ ngoại tình không, số người được cứu độ nhiều hay ít, phân chia gia tài…
Chúa Giê su không vướng vào những tranh luận trừu tượng mà Người đưa ra một câu chuyện thực tế, và đưa ra kết luận: “ông hãy đi và làm y như thế, hãy tỏ lòng thương xót với mọi người – vì mọi người đều là con cái Thiên Chúa, đều mang hình ảnh của Chúa Giê su” (Mt 25…). Đọc bài Tin Mừng, chúng ta thấy rõ hai loại người: người ích kỷ và người quảng đại. Người ta thường đưa ra nhiều lý lẽ biện minh cho Thầy tư tế và Lê-vi khi hai vị này không dám đụng vào nạn nhân như bận việc tế tự nên tránh sự nhơ uế, nhưng lý do chính là vì sợ thiệt hại đến bản thân. Còn người Sa-ma-ri đã thể hiện lòng thương xót bằng 3 từ được bắt đầu với chữ Động. Động lòng thương: trông thấy nạn nhân nửa sống nửa chết, ông dừng lại và đưa ra quyết định giúp đỡ. Động tay chân: rửa vết thương, băng bó lại và đặt lên lừa đem về quán trọ săn sóc. Và Động túi tiền: vượt qua lòng ích kỷ ông bỏ tiền ra chữa chạy và hứa sẽ trở lại thanh thoán những phí tổn khác nữa…
Mỗi lần đọc ‘Câu chuyện người Sa-ma-ri’ (Lc 10,25-37) và câu chuyện ngày phán xét của Mt 25’ lương tâm chúng ta nhức nhối, vì lòng mình chưa tốt được như vậy, đòi hỏi mình phải quảng đại hơn với anh em. Quả vậy, từ ngày chào đời cho đến lúc lìa thế, một cuộc chiến nội tâm luôn xảy ra nơi tâm hồn mỗi người: Bản năng sinh tồn thúc đẩy tôi phải giành giật cho mình những thứ cần thiết để duy trì sự sống ( bản năng của loài vật ) nhưng vì mang hình ảnh Chúa, con người được dựng nên cho nhau – họ chỉ thấy hạnh phúc khi sống vì người khác và cho người khác. Người ích kỷ là người để cho ‘bản năng con’ thắng vượt ‘lý tưởng người’, và người quảng đại là người quên mình (yêu mình ít đi) để động lòng, động tay và động túi tiền trước nhu cầu anh em.
Ai đó đã phân tích: Mô hình ‘xã hội chủ nghĩa’ được cảm hứng từ sách CVTĐ 2,44: “Tất cả các tín hữu hợp nhất với nhau, và để mọi sự làm của chung.45 Họ đem bán đất đai của cải, lấy tiền chia cho mỗi người tuỳ theo nhu cầu”. XHCN đưa ra những chủ trương rất đẹp: Mình vì moi người – mọi người vì mình, họ chủ trương sản xuất tập trung, làm theo khả năng – hưởng theo nhu cầu, không phân biệt giai cấp giàu nghèo…Họ đề cao vai trò và chuẩn mực của lý trí mà quên rằng con người là loài thụ tạo và hay sa ngã, con người không thể luôn làm chủ bản thân theo như lý trí hướng dẫn. Ai trong chúng ta cũng nhận ra rằng tích góp cho bản thân thì dễ dàng hơn là ra tay giúp đỡ một nạn nhân, nhưng Lời Chúa lạ dạy ‘cho thì có phúc hơn là nhận. Sách tu đức dạy rằng: nếu không có ơn Chúa phù trì, con người chẳng làm được điều gì tốt, phải có ơn Chúa để sống quảng đại và tha thứ cho anh em, vì ghen ghét là việc của ma quỷ nhưng tha thứ là việc của ơn Thánh.
Nhiều câu chuyện xích mích rất đơn giản trong cuộc sống nhưng lại được đưa lên mạng theo cách nói một chiều, người ngoài cuộc chẳng biết đầu đuôi thế nào cũng nháo nhào bình luận chửi bới, làm cho tình nghĩa làng xóm tan hoang, ai đó bỗng dưng trở thành nạn nhân đáng thương – lòng đầy uất hận, mất bình an… cái nguy của thời đại thông tin là ở tật nói nhiều mà không biết phân định. Xin Chúa giúp chúng con biết nghĩ tốt về nhau và có lòng thương xót với nhau vì chúng con đã được Chúa thương xót và tha thứ quá nhiều. Amen.
Jos. Nguyễn Văn Thiện
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn