Chúa Nhật XXX – TN – C
Chúng con là kẻ có tội…
Cầu nguyện, như chúng ta được biết, là phương cách tốt nhất để củng cố niềm tin của mình. Khi nói tới cầu nguyện, Lm. MJ Nguyễn Trường Luân nói rằng: “Đạo chúng ta (Công Giáo) là đạo cầu nguyện.”
Vâng, gọi là đạo-cầu-nguyện cũng chẳng sai. Chẳng sai là bởi, chính Đức Giê-su cũng đã kêu gọi mọi người “phải cầu nguyện luôn”.
Không chỉ khuyên phải-cầu-nguyện-luôn, Đức Giê-su còn dạy các môn đệ cách cầu nguyện. Ngài dạy rằng: “Khi cầu nguyện anh em đừng làm như bọn đạo đức giả, chúng thích đứng cầu nguyện trong các hội đường, hoặc ngoài các ngã ba ngã tư, cho người ta thấy… Còn anh, khi cầu nguyện, hãy vào phòng đóng cửa lại và cùng Cha của anh, Đấng hiện diện nơi kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh”.
Chưa hết… Đức Giê-su còn nhắc nhở các ông rằng: “Đừng lải nhải như dân ngoại, họ nghĩ rằng: cứ nói nhiều là được nhận lời. Đừng bắt chước họ.” Tiếp đến, Ngài dạy các ông hãy cầu nguyện như thế này: “Lạy Cha chúng con là Đấng ngự trên trời, xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển… Xin tha tội cho chúng con…” Và cuối cùng, Đức Giê-su cẩn thận khuyến cáo các ông: “không được nản chí”.
Tổng hợp những lời truyền dạy nêu trên, chúng ta có thể nói rằng, Đức Giê-su đã dạy cho các môn đệ một cung cách mới trong sự cầu nguyện. Cung cách đó tóm gọn trong bốn chữ “khiêm tốn - hạ mình”.
Vâng, rất cần sự khiêm tốn - hạ mình. Một sự khiêm tốn hạ mình hầu nhận biết tôi-là-ai trước một Thiên Chúa “không coi thường lời khấn nguyện” (x.Hc 35, 14). Để cho các môn đệ (và bây giờ là chúng ta) hiểu thế nào là “khiêm tốn”, thế nào là “hạ mình”, Đức Giê-su đã kể một dụ ngôn. Dụ ngôn này được ghi lại trong Tin Mừng thánh Luca với tiêu đề: “người Phariseu và người thu thuế” (x.Lc 18, 9-14).
**
Tin Mừng thánh Luca ghi lại như sau: “Đức Giê-su còn kể dụ ngôn sau đây với một số người tự hào cho mình là công chính mà khinh chê người khác.” Dụ ngôn kể rằng: “Có hai người lên đền thờ cầu nguyện. Một người thuộc nhóm Pha-ri-sêu, còn người kia làm nghề thu thuế.”
Cầu nguyện. Vâng, đó là một hành vi đã có từ thuở xa xưa. Từ cái thưở “hậu vườn Eden.” Kinh Thánh có ghi lại rằng: Sết – con của Adam – sau khi sinh được một con trai thì “người ta bắt đầu kêu cầu danh ĐỨC CHÚA” (St 4, 26).
Trở lại với ông Pha-ri-sêu và người làm nghề thu thuế. Hai người đã cầu-danh-ĐỨC-CHÚA điều gì? Thưa, với ông Pha-ri-sêu, ông ta “Đứng thẳng, nguyện thầm rằng: ‘Lạy Thiên Chúa, xin tạ ơn Chúa, vì con không như bao kẻ khác: trộm cắp, bất chính, ngoại tình, hoặc như tên thu thuế kia.” Chưa hết… “ông thánh sống Pha-ri-seu” còn kể lể rằng: “Con ăn chay mỗi tuần hai lần, con dâng cho Chúa một phần mười thu nhập của con.”
Còn người làm nghề thu thuế thì sao? Thưa, ông ta “Đứng đằng xa, thậm chí chẳng dám ngước mắt lên trời, nhưng vừa đấm ngực vừa thưa rằng: Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi.” Hết. Tất cả lời cầu nguyện của ông ta chỉ có thế, mà thôi.
Giữa lời cầu nguyện của ông Pha-ri-sêu và người làm nghề thu thuế, chúng ta sẽ “vote” cho ai?
Cho “người-thuộc-nhóm-Phariseu”? Vâng, nghe qua lời cầu nguyện của ông Phariseu, thật không thể không ngưỡng mộ ông ta. Và không thể không ngả-nón-chào tinh thần bất khuất qua việc “ăn chay mỗi tuần hai lần” của ông ta. Trong khi “tiêu chuẩn” giữ chay mỗi năm chỉ có một lần vào “Ngày Xá Tội Vong Ân”. Ông ta còn giữ đúng luật thập phân. Thế nên, làm sao không nghĩ rằng, ông Phariseu này quả là một người đáng trân trọng.
“Vote” cho người làm nghề thu thuế ư! Làm sao được! Nghe qua lời cầu nguyện của ông này không thể nói gì hơn ngoài ba chữ “Ôi! tệ quá!”
Ôi! tệ quá! Ấy thế mà Đức Giê-su lại không cho là tệ. Ngài đã tuyên bố: “Tôi nói cho các ông biết: người này, khi trở xuống mà về nhà, thì đã được nên công chính rồi, còn người kia thì không.”
“Người này”… Người này là ai? Thưa, “tên thu thuế”, ông ta đã biết “tự hạ mình xuống”, nhận ra con người thật của mình. Còn “người kia”… Thưa, không nói ra, ai cũng có thể hiểu chính là “ông thánh sống Phariseu”, ông ta đã “tự tôn mình lên”, ưỡn ngực ngạo nghễ nơi đền thờ.
***
Có gì là nghịch lý, khi người thu thuế chỉ là kẻ-tội-lỗi, thế mà lại “được nên công chính”! Và có bất công không, khi ông “ba không”: không trộm cắp, không bất chính, không ngoại tình, lại phải trở về với “số 0”!
Vâng, chẳng có gì nghịch lý cả. Hãy nhớ, Đức Giê-su đã chẳng từng nói: “Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi sám hối ăn năn”, đó sao! Người thu thuế là kẻ tội lỗi như lời anh ta thú nhận. Chẳng những đã thú nhận tội lỗi mình, anh ta còn có lòng sám hối ăn năn khi thưa rằng: “xin thương xót con”.
Mà, “…một người tội lỗi ăn năn sám hối” thì sao, nhỉ! Thưa, “…cả triều thần Thiên Quốc đều vui mừng hớn hở” (x.Lc 15, 7). Thế thì, chẳng có gì nghịch lý khi người thu thuế “trở xuống mà về nhà” và được xem là “người công chính”.
Còn ông Pha-ri-sêu ư! Thật ra, ông ta cũng sẽ nhận được “vòng hoa dành cho người công chính”, bởi vì như lời tông đồ Phaolô nói: “Chúa là vị Thẩm Phán chí công sẽ trao phần thưởng đó… cho tất cả những ai hết tình mong đợi.” (2Tm 4, 8).
Thế nhưng thật đáng tiếc! Tâm tình cầu nguyện của ông Phariseu chẳng có một chút gì gọi là “mong đợi” cả. Trái lại, nó có hơi hướng của một người đi “hối lộ”.
Hãy nhìn xem, ông ta khoe khoang trước Thiên Chúa cả một “rổ” công đức (ăn chay) lẫn tiền bạc (tiền dâng một phần mười)” của mình. Ông ta nghĩ rằng, như thế, chắc hẳn Đức Chúa sẽ ban cho ông tấm bằng khen “người tốt việc tốt” như thói đời, thường làm.
Đúng là nằm mơ giữa ban ngày. Với Thiên Chúa – Kinh Thánh cho biết “Đừng hối lộ, Người chẳng nhận đâu”. (Hc 35, 11).
Chưa hết, trong lời “cầu nguyện” của ông ta, lại có đầy sự “khinh chê”. Ông khinh chê người khác, “con không như bao kẻ khác… con không như tên thu thuế kia”. Ông ta quên rằng: “Sự kiêu ngạo đi trước, sự bại hoại theo sau” (Cn 16,18).
Hôm đó, kết thúc dụ ngôn, Đức Giê-su truyền dạy: “Phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống, còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên” (x.Lc 18, …14)
****
Vâng, Đức Giê-su đã kể dụ ngôn này. Và, hôm nay chúng ta được nghe lại. Chúng ta được nghe lại. Nghe… nhưng đừng để “tai này lọt tai kia”, và hãy để “lọt vào tâm hồn mình.”
Lọt vào tâm hồn mình để làm gì? Thưa, để xem đó như một bản “tự kiểm”. Một bản tự kiểm về cung cách cầu nguyện của chính mình. Cung cách cầu nguyện của tôi giống ai! Giống ông-thánh-sống-Phariseu hay giống người làm-nghề-thu-thuế?
Đây là một việc làm hết sức cần thiết. Hết sức cần thiết là bởi cung cách cầu nguyện của ta sẽ là kết quả cho việc lời cầu nguyện của ta có “được Thiên Chúa chấp nhận”, hay không!
Vì vậy, chúng ta cùng nghe thêm một lần nữa lời cầu nguyện của người-làm-nghề-thu-thuế: “Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi.” Và, chúng ta cũng sẽ cầu nguyện theo cung cách của vị này! Câu trả lời là của mỗi chúng ta. Thế nhưng, đừng quên, cung cách cầu nguyện của vị này đã đem lại cho ông ta “được nên công chính”.
Thế nên, thật phải đạo khi mỗi ngày Chúa Nhật chúng ta cùng nhau “đến nhà thờ cầu nguyện” như người làm nghề thu thuế đã “lên đền thờ cầu nguyện”.
Vâng, sẽ thật là khôn ngoan khi chúng ta cùng nhau nguyện rằng: “Tôi thú nhận cùng Thiên Chúa toàn năng và cùng anh chị em. Tôi đã phạm tội nhiều trong tư tưởng, lời nói việc làm, và những điều thiếu xót. Lỗi tại tôi, lỗi tại tôi, lỗi tại tôi mọi đàng. Vì vậy tôi xin Ðức Bà Maria trọn đời đồng trinh, các thiên thần, các thánh, và anh chị em khẩn cầu cho tôi trước tòa Thiên Chúa, Chúa chúng ta. Amen.”
Và đừng quên mỗi ngày cất tiếng nguyện xin: “Thánh Maria, Đức Mẹ Chúa Trời. Cầu cho chúng con là-kẻ-có-tội, khi này và trong giờ lâm tử. Amen”!
Cầu nguyện như thế, hãy tin, lời cầu nguyện của chúng ta “sẽ vọng tới các tầng mây”. Cầu nguyện như thế, hãy tin, lời cầu nguyện của chúng ta sẽ “vượt ngàn mây thẳm”. Cầu nguyện như thế, hãy tin, lời cầu nguyện của chúng ta “sẽ được Người chấp nhận.” (x.Hc 35, …16-17).
Nói tắt một lời, mỗi khi cầu nguyện, đừng quên nói với Chúa rằng: “Chúng con là kẻ có tội.”
Petrus.tran
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn