TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật XXVI Thường Niên -Năm B

“Quả thật, ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta.” (Mc 9,38-43.45.47-48)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Đức Tin Là Ân Ban Khởi Sự Từ Thiên Chúa

Chủ nhật - 29/09/2024 05:40 | Tác giả bài viết: Đức Hữu |   16
Trên đường đi lên Giê-ru-sa-lem, Gio-an đã phát hiện một biến cố ngộ nghĩnh, một người xa lạ lấy Danh Chúa để trừ quỷ, và người này rất thành công . Mặc dù dân It-ra-en cũng như dân ngoại, có nhiều thầy phù thủy làm nhiều phép thuật trừ ma quỷ, nhưng đây là trường hợp đặc biệt, người này không theo Đức Giê-su nhưng lại lấy Danh Người mà trừ quỷ.
Đức Tin Là Ân Ban Khởi Sự Từ Thiên Chúa
ĐỨC TIN LÀ ÂN BAN KHỞI SỰ TỪ THIÊN CHÚA


Bản văn Tin Mừng của Thánh Mac-cô trình bày cho chúng ta thấy những giáo huấn khác nhau của Chúa Giê-su, mà mối liên hệ giữa chúng thì khá lỏng lẽo. Tuy nhiên, thánh ký không đánh mất mục đích của mình: Đức Giê-su huấn luyện các môn đệ của Ngài, tức Giáo Hội tương lai của Ngài. Nỗi bận lòng của Chúa Giê-su đối với Giáo Hội là tuyến phát triển nối kết các yếu tố xem ra rời rạc.
Trên đường đi lên Giê-ru-sa-lem, Gio-an đã phát hiện một biến cố ngộ nghĩnh, một người xa lạ lấy Danh Chúa để trừ quỷ, và người này rất thành công[1]. Mặc dù dân It-ra-en cũng như dân ngoại, có nhiều thầy phù thủy làm nhiều phép thuật trừ ma quỷ, nhưng đây là trường hợp đặc biệt, người này không theo Đức Giê-su nhưng lại lấy Danh Người mà trừ quỷ.
 Các Tông đồ phản ứng và xin Đức Giê-su can thiệp: Các ông nghĩ rằng chỉ có các ông là những người được Chúa tuyển chọn, sai đi và ban quyền trừ quỷ; vậy mà giờ đây các ông chứng kiến một người không theo Chúa, không cùng sinh hoạt với các ông, lại có thể nhân Danh Thầy trừ quỉ thành công. Các Tông đồ muốn độc quyền rao giảng Tin Mừng và trừ quỷ, không muốn để người ngoài chia sẻ nhiệm vụ của các ông, và các ông đã phàn nàn với Chúa.
 Đức Giê-su trách thái độ ghen tị của các môn đệ: Đây là thói xấu, khiến nhiều người bực tức khi thấy ai đó hơn mình. Có thứ ghen tị tôn giáo, đầu óc tự tôn, ghanh tị vì Danh Chúa; khi thấy người ngoại giáo cũng làm những việc như mình thì chê bai, làm giảm giá trị. Các Tông đồ ghen tị mối quan hệ khác thường giữa người ngoại với Đức Giê-su, họ tỏ ra ích kỉ, phân biệt phe nhóm. Đức Giê-su chỉ cho các ông thấy rằng, Hồng ân cứu rỗi của Chúa là cho hết thảy mọi người, nếu họ không chống đối thì tất cả đều là anh em, Người phán: ''Đừng ngăn cản người ta, vì không ai lấy Danh nghĩa Thầy mà làm phép lạ, rồi ngay sau đó lại có thể nói xấu Thầy''(Mc 9,39).
 Đức Giê-su dạy phải có lòng khoan dung: Người xa lạ trừ quỷ thật ra không có khuyết điểm gì, chỉ có điều người này không thuộc về nhóm các Tông đồ, và các ông không chấp nhận người đó. Đầu óc thống trị tôn giáo nhen nhóm nơi các Tông đồ và vẫn tiếp diễn cho đến ngày nay. Khi thấy người khác không thuộc nhóm mình, không cùng nguồn gốc, không phải là người thuộc vùng miền của mình, họ coi thường thậm chí còn nói xấu nhau. Họ quên rằng mọi người đều được nhận lãnh Thần Khí Chúa, Đấng quy tụ muôn người nên một. Đức Giê-su hứa rằng Người sẽ ban thưởng cho những ai có lòng khoan dung: “Ai cho anh em uống một chút nước lã vì là anh em thuộc về Đức Ki-tô, thì Thầy bảo thật anh em, người đó sẽ không mất phần thưởng đâu” (Mc 9,41).
Hơn nữa, trong tất cả mọi cộng đoàn, đều có những người vững mạnh và những những người yếu nhược. “Những kẻ bé mọn đang tin đây” chắc chắn là những người mà đức tin của họ cần được soi sáng và được nâng đỡ bởi mẫu gương của những người vững mạnh trong đức tin. Đức Giê-su nhấn mạnh trách nhiệm của những người mà qua cách hành xử của mình, khiến những kẻ bé mọn đang tin có nguy cơ lầm đường lạc lối. Mỗi người phải xét mình một cách nghiêm túc. Bằng kiểu nói ngoa dụ gợi nhớ các ngôn sứ, Đức Giê-su khuyên chặt tay, chặt chân, móc mắt, nếu chúng gây cớ vấp ngã cho những người bé mọn đang tin này. Bởi vì có gì quý giá hơn sự sống đời đời. Chúa Giê-su dùng những hình ảnh truyền thống: giòi bọ và lửa  hỏa ngục để mô tả cái chết tinh thần của những kẻ gây cớ vấp phạm cho anh em mình. Việc bảo vệ những kẻ bé mọn cho đến đức tin mõng dòn, dể bị thương tổn của họ rõ ràng thuộc về sứ điệp Tin Mừng. Đức Giê-su phối hợp sứ điệp này với những yêu sách cứng rắn mà một môn đệ chân chính và đặc biệt những người hướng dẫn cộng đoàn trong cuộc hành trình về Nước Trời đòi buộc phải ghi nhớ. Bằng kiểu nói ngoa dụ gợi nhớ các ngôn sứ, Đức Giê-su khuyên chặt tay, chặt chân, móc mắt, nếu chúng gây cớ vấp ngã cho những người bé mọn đang tin này. Bởi vì có gì quý giá hơn sự sống đời đời. Chúa Giê-su dùng những hình ảnh truyền thống: giòi bọ và lửa[2] hỏa ngục để mô tả cái chết tinh thần của những kẻ gây cớ vấp phạm cho anh em mình.
Đức Tin là ân ban đến từ Thiên Chúa nên trong Cựu Ước, ơn gọi ngôn sứ không là một định chế cha truyền con nối như định chế tư tế, nhưng là đặc sủng. Vì thế, không phải tất cả các ngôn sứ đều là tư tế. Trong số những vị ngôn sứ bút ký thời danh, chỉ có hai người: Giê-rê-mi-a và Ê-dê-ki-en là tư tế trước khi lãnh nhận sứ vụ ngôn sứ, còn đa số còn lại đều là những thường dân, với gia thế và nghề nghiệp khác nhau trước khi được gọi làm ngôn sứ. Trong những hoàn cảnh Thiên Chúa thấy cần lên tiếng, Ngài chọn những ngôn sứ của Ngài để nhân danh Ngài chuyển giao sứ điệp của Ngài đến những đối tượng mà Ngài muốn. Câu trả lời của ngôn sứ A-mốt với ông A-mát-gia, tư tế đền thánh Bết-Ên cũng đủ nói lên điều đó: “Tôi không  phải ngôn sứ, cũng chẳng phải là người thuộc nhóm ngôn sứ. Tôi chỉ là người chăn nuôi súc vật và chăm sóc cây sung. Chính Thiên Chúa đã bắt lấy tôi khi tôi đi theo sau đàn súc vật, và Đức Chúa đã truyền cho tôi: Hãy đi tuyên sấm cho Ít-ra-en, dân Ta” (Am 7, 14-15)[3]. Đức tin Ki-tô giáo không bao giờ là độc quyền cho một nhóm người nào. Trái lại, bất kỳ ai tin vào Thiên Chúa như lời Chúa Giê-su rao giảng, thì đều được lãnh nhận Bí tích Rửa tội.
Tác giả: Đức Hữu
 
[1] Giáo huấn đầu tiên trong các giáo huấn này được khơi lên từ một sự kiện: một người trừ quỷ, không thuộc nhóm các ông, đã nhân danh Đức Giê-su mà trừ quỷ. Thánh Gioan và các môn đệ khác đã cố ngăn cản, vì người đó không thuộc nhóm chúng ta, không theo phe chúng ta. Thái độ bất khoan dung này của thánh Gioan, một trong hai anh em trước đây đã được phong biệt danh là “Con của Sấm Sét” (3, 17), sau này chính ông là người hỏi Chúa Giê-su có muốn các ông sai lửa từ trời xuống thiêu hủy những người Sa-ma-ri, vì họ không đón tiếp Chúa Giê-su và các môn đệ của Ngài trên đường lên Giê-ru-sa-lem (Lc 9, 54). Phản ứng của thánh Gioan đối với người trừ quỷ không thuộc nhóm chúng ta cũng giống như thái độ của ông Giô-suê đối với hai kỳ mục không đến Lều Hội Ngộ được mô tả trong Ds 11, 25-29.

Chúa Giê-su giữ thái độ thanh thản của một bậc thầy khôn ngoan khi trả lời với thánh Gioan bằng một lương tâm ngay lành: “Đừng ngăn cản người ta, vì không ai lấy danh nghĩa Thầy mà làm phép lạ, rồi ngay sau đó lại có thể nói xấu về Thầy”. Nếu người này nhận ra quyền năng siêu nhiên của Đức Giê-su, thì người ấy đã bước một bước khởi đầu chấp nhận sứ điệp của Ngài rồi. Ngài truyền cho các môn đệ phải trải lòng ra tối đa với bất cứ ai không công khai bày tỏ sự thù địch với các ông: “Ai không chống đối chúng ta là ủng hộ chúng ta”. Những lời dạy này được giải thích tốt nhất chắc chắn được gặp thấy trong thư thứ nhất của thánh Phao-lô gởi các tín hữu Cô-rin-tô: “Chẳng có ai ở trong Thần Khí Thiên Chúa mà lại nói: ‘Giê-su là đồ khốn kiếp!’; cũng không ai có thể nói rằng: ‘Đức Giê-su là Chúa’, nếu người ấy không ở trong Thần Khí” (1Cr 12, 3).

Chúa Giê-su còn đi xa hơn khi cho họ một ví dụ: “Ai cho anh em uống một ly nước vì lẽ anh em là người của Đức Ki tô, thì Thầy bảo thật anh em, người đó sẽ không mất phần thưởng đâu”. Cử chỉ của người đó đã là một cử chỉ tiếp đón, một thái độ bày tỏ sự thân thiện rồi.
[2] Chúa Giê-su lấy câu này từ I-sai-a 66,24. Đàng khác, cũng nên nhắc lại bối cảnh lịch sử. Trong bối cảnh xã hội lúc Tin mừng Mác-cô được viết, người ta có hai hình thức mai táng: An táng và hỏa táng. Khi an táng, thân xác bị dòi bộ ăn để phân hủy. Còn khi hoả táng, thân xác sẽ bị lửa thiêu đốt. Tác giả dùng “dòi bọ rúc rỉa nó không hề chết và lửa không hề tắt” để minh cho dân chúng thời bấy giờ thấy rằng sau cuộc sống này, vẫn có một nơi mà con người ta phải đời đời phải sống trong tình trạng xa lìa Thiên Chúa, xa lìa ánh sáng mang lại sự sống.
[3] Một trong những nét đặc trưng của các ngôn sứ Cựu Ước đó là, họ ý thức rất rõ họ được Chúa sai đi để chỉ nói lời Thiên Chúa không được nói lời của mình hay lời của bất kỳ ai khác. Tuy nhiên, trong bối cảnh mà các ngôn sứ giả cũng tự cho mình là phát ngôn viên của Thiên Chúa, một trong những tiêu chuẩn để phân biệt giữa ngôn sứ giả và ngôn sứ thật khiến chúng ta phải suy nghĩ: ngôn sứ thật nhân danh Thiên Chúa lên án những bất công xã hội, bênh vực những kẻ nghèo khổ, những người bị áp bức, dù phải chịu sĩ nhục, nhạo báng và bách hại nữa. Trái lại, các ngôn sứ giả lại tâng bốc bợ đỡ những kẻ có quyền có thế, những kẻ áp bức và bốc lột những người nghèo hèn cô thế. Cuộc tranh cãi giữa ông Kha-nan-gia, vị ngôn sứ giả, và ông Giê-rê-mi-a, vị ngôn sứ thật, cho thấy điều đó (Gr 28, 1-17). Chính nhờ truyền thống ngôn sứ này mà Do thái giáo không đóng khung việc phụng thờ Thiên Chúa trong các lễ lạc hội hè, nhưng còn mở ra mối dây liên đới với anh chị em của mình. Chúng ta có thể nói họ chuẩn bị giáo huấn: “mến Chúa và yêu người”, của Đức Kitô.

Thêm nữa, ân ban ngôn sứ đôi khi không chỉ giới hạn trong dân Chúa chọn, nhưng tràn ra bên ngoài nữa, như câu chuyện của ông Bi-lơ-am (Ds 22-24). Quả thật, ngày hôm nay, chúng ta cũng gặp thấy những người, đôi khi không phải là người Ki-tô hữu, nhưng vì lương tâm ngay thẳng và nhạy bén trước tình đồng loại, họ xả thân bênh vực những người nghèo, lên án những bất công trong xã hội, dù phải chịu nhiều hy sinh mất mát kể cả mạng sống của mình. Làm thế nào chúng ta không thể thấy rằng những thiện ý của họ phát xuất từ Thần Khí được chứ? Nói cho cùng, Thần Khí hoàn toàn tự do trong hoạt động của Ngài, như lời khẳng định của Đức Giê-su trong cuộc nói chuyện với ông Ni-cô-đê-mô: “Gió muốn thổi đâu thì thổi; ông nghe tiếng gió, nhưng không biết gió từ đâu đến và thổi đi đâu” (Ga 3, 8).
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây