TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

CN34TNb - Đức Giêsu Kitô, Vua Vũ Trụ

“Quan nói đúng: Tôi là Vua”. (Ga 18, 33b-37)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Lòng Sùng Mộ Các Thánh của thánh Têrêxa

Thứ hai - 30/09/2024 19:35 | Tác giả bài viết: Đức Hữu |   136
Vì các Thánh là mẫu gương để chúng ta bắt chước, vậy tại sao không noi theo gương các Ngài về lòng sùng kính của họ đối với các Thánh khác?
Lòng Sùng Mộ Các Thánh của thánh Têrêxa
LÒNG SÙNG MỘ CÁC THÁNH CỦA TÊRÊXA HÀI ĐỒNG GIÊSU


Trong cách thực hành niềm tin, người tín hữu thường có thói quen tôn kính một số vị Thánh. Tuy nhiên, không giống như một thực hành sùng kính khác, chẳng như Kinh Mân Côi…, người tín hữu chúng ta dường như không được hướng dẫn cách thực hành việc sùng kính với các Thánh. Sách Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo cho chúng ta một cái nhìn sâu sắc: “Khi phong thánh cho một số tín hữu, nghĩa là khi long trọng tuyên bố những tín hữu này đã thực hành các nhân đức một cách anh dũng và đã sống trung thành với ân sủng của Thiên Chúa, Hội Thánh nhìn nhận quyền năng của Thần Khí thánh thiện đang ngự nơi mình và Hội Thánh nâng đỡ niềm hy vọng của các tín hữu khi đưa các thánh làm gương mẫu và làm người chuyển cầu cho họ. Trong những hoàn cảnh khó khăn nhất suốt dòng lịch sử Hội Thánh, các Thánh nam nữ luôn là nguồn mạch và là khởi điểm của sự canh tân.Quả thật, sự thánh thiện của Hội Thánh là nguồn mạch bí ẩn và là thước đo không thể sai lầm của hoạt động tông đồ và nhiệt tình truyền giáo của Hội Thánh.”[1]

Vì các Thánh là mẫu gương để chúng ta bắt chước, vậy tại sao không noi theo gương các Ngài về lòng sùng kính của họ đối với các Thánh khác? Một trong những con người có thể cho chúng ta biết về một hình thức như thế là Thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu, một vị thánh nổi tiếng và là Tiến sĩ của Giáo hội.  Nơi Ngài, có ba biến cố trong cuộc đời mà chúng ta có thể bắt chước về lòng sùng mộ đối với các Thánh.

Năm 1887, cùng với cha và chị Céline, Têrêxa đi hành hương Roma và trong buổi tiếp kiến ngày 20 tháng 11 năm 1887, Têrêxa xin Đức Thánh Cha Leo XIII cho phép vào dòng Cát Minh, Khi ấy, Têrêxa lo âu trước những ô nhơ tục lụy đang tràn lan trên thế giới. Ngài viết:

“Con cầu xin Thánh Cả Giuse bang trợ con: từ bé vẫn có lòng kính mến Người cùng Rất Thánh Đức Mẹ. Ngày nào con cũng đọc kinh: “Lạy Thánh Cả Giuse là Cha và là Đấng Bảo hộ những kẻ đồng trinh...”[2].

Hồi ức ngắn gọn này cho chúng ta thấy Têrêxa Hài Đồng Giêsu có một lòng sùng mộ đặc biệt đối với Thánh Giuse trong suốt cuộc đời của mình. Kế đến, Ngài tin tưởng Thánh Giuse sẽ bảo vệ Ngài khỏi mọi nhuốc nhơ trên hành trình Đức Tin. Têrêxa Hài Đồng Giêsu biết rằng thánh Giuse đang phù trì nâng đỡ để Ngài được triển nở trên đàng nhân đức.

Lần khác, khi Têrêxa Hài Đồng Giêsu ở Rôma, Ngài đã đển thăm mộ của Thánh Cêcilia. Têrêxa ghi lại:

“Kính viếng hí trường Colisée xong, con và Chị Céline lại đi thăm hang Catacombes. Trong hang, hai chị em lại cố chui vào tận cùng mồ của Thánh Nữ Cêcilia mà nằm chung ở đấy với nhau một lúc, rồi bốc một ít đất thánh nơi mộ làm kỷ niệm. Trước đi Rôma, thật tình con không có lòng kính riêng Thánh nữ Cêcilia chút nào, nhưng từ khi được vào viếng mộ và nơi Thánh nữ chịu tử đạo lại nghe thấy thiên hạ tặng khen Thánh nữ là Nữ hoàng ca nhạc vì có cung giọng rất du dương êm ái, thuở bình sinh đã hết lòng hát vãn đồng trinh cho Bạn Thánh nghe, con thấy lòng mộ mến lắm, chí thiết quá tình chị em. Từ đó, con quý mến Thánh nữ vào hàng nhất, hay tỏ bày tâm sự cùng Người. Thánh nữ Cêcilia đã nổi về hai nhân đức mà con rất mộ mến: đức phó mình và đức trông cậy phi thường. Với hai nhân đức ấy, Thánh nữ đã có thể “đồng trinh hoá” những linh hồn chỉ ước ao sự vui sướng thế gian, ưa đắm mình trong khoái lạc hôi tanh nhơ nhớp. Người rất giống bạn tình trong Ca Đệ Nhất. Ở nơi Người, con trông thấy hội nhạc như ở bãi chiến . Cuộc đời Người chỉ là một ca khúc du dương, cả những lúc bị gian nan tân khổ rất mức; nhưng điều đó chẳng làm con lạ, vì sách Phúc Âm hằng nằm trên trái tim Người và bên trong trái tim, Bạn Thánh các kẻ đồng trinh cũng hằng nằm an nghỉ”[3]

Lòng sùng kính của Thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu đối với Thánh Cecilia khá độc đáo. Lòng mến mộ được được tăng lên gấp bội khi Ngài biết thêm về cuộc đời và đến thăm nơi tử đạo của Thánh Cecilia. Điều này cho thấy rằng nếu chúng ta muốn làm tăng tiến lòng sùng kính đối với một vị thánh, sẽ rất hữu ích khi tìm hiểu về họ. Quan trọng hơn, Thánh Têrêxa và Thánh Cecilia có mối tương giao của những người bạn thân. Têrêxa Hài Đồng Giêsu yêu mến và cảm nhận được tình yêu của Thánh Cecilia dành cho mình. Đàng khác, Thánh Têrêxa được truyền cảm hứng từ nhân đức của Thánh Cecilia. 

Sau này trong cuộc đời của mình, Thánh Têrêxa đã nhận được một thị kiến trong giấc mơ của Mẹ Anne de Jésus[4], một người bạn đồng hành của Thánh Teresa thành Avila.  Sau khi tỉnh dậy từ giấc mơ, cô vô cùng xúc động trước tầm nhìn này, Ngài viết:
“Khi thức dậy em có cảm tưởng như đã thấy một thiên đàng đầy các linh hồn yêu dấu em, coi em
như con thơ mình. Cảm tưởng đẹp này nay hãy còn linh động trong trái tim em, và càng thêm dịu dàng, càng thêm ân ái mỗi khi em suy rằng: Mẹ Anne de Jésus, em xin mạn phép nói là xưa nay em dửng dưng lắm, em không cầu xin Mẹ lần nào, chỉ hoạ hoằn khi ai nói đến Mẹ, em mới nghĩ đến Mẹ một giây phút thôi. Ngày nay em được biết và hiểu Mẹ yêu quý em lắm. Sự hiểu biết này làm cháy to ngọn lửa yêu mến trong lòng em, chẳng những đối với Mẹ, lại đối với tất cả các Thánh đang hưởng phúc trên Quê thật là thiên đàng.”[5]

Thánh Têrêxa chỉ ra rằng thiên đàng có thật nhiều các vị Thánh, các Ngài là những người yêu thương chúng ta tha thiết. Điều này có nghĩa là lòng sùng kính của chúng ta đối với các Thánh là một lời chứng cho tình yêu mà các Ngài dành cho chúng ta, dẫu cho đó là một sự đáp trả không cân xứng của tình yêu đền đáp tình yêu. Chính nhờ tình yêu bao la của các Thánh dành cho nên làm nảy sinh trong chúng ta tình yêu dành cho các Ngài, đây là những gì Thánh Têrêsa mô tả xảy ra trong hồi ký của mình.

Vậy, Thánh Hài Đồng Giêsu dạy chúng ta điều gì về lòng sùng kính các thánh?  Trước hết, Ngài cho chúng ta thấy rằng lòng sùng kính các thánh không phải là một thực hành viển vông, nhưng là làm nên một tình bạn thực sự và lòng yêu mến với các thánh.  Do đó, như với bất kỳ mối tương giao thân mật nào, việc tôn kính nên là một thực hành thường xuyên như như lòng sùng kính của Thánh Têrêxa đối với Thánh Giuse. Chúng ta nên cầu nguyện với các thánh không chỉ khi chúng ta nghĩ rằng chúng ta cần sự giúp đỡ của các Ngài mà hãy làm điều đó mọi nơi mọi lúc.

Thứ đến, vì tôn kinh là kiến tạo nên một mối tương quan, chúng ta nên tìm hiểu thêm về các thánh ngang qua cuộc sống và tác phẩm của họ. Nếu muốn gần gũi với ai đó, chúng ta phải làm quen với họ.  Điều này sẽ củng cố lòng sùng kính của chúng ta đối với các thánh và cho chúng ta nhiều cơ hội hơn để học hỏi gương nhân đức từ các Ngài.

Thứ ba, chúng ta nên tỏ lòng biết ơn các thánh.  Các Ngài yêu thương chúng ta và cầu bầu cho chúng ta ngay cả khi chúng ta lãng quên các Ngài.  Ngoài ra, như Thiên Chúa  là Đấng “yêu thương chúng ta trước”, các Thánh cũng thực thi điều ấy nơi chúng ta, trước khi chúng ta có bất kỳ sự để tâm nào đối với các Ngài. Hẳn là trước một tình yêu lớn lao, sự đáp đền có thể nhất đó là lòng yêu mến và sùng mộ.

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã làm cho thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu trở thành hoa hồng rực sáng đời sống nhân đức mà tô điểm Hội thánh. Xin cho chúng con, những người đang bước theo tiếng Chúa mời gọi trong đời hiến, cũng biết noi gương Thánh nhân, luôn tin tưởng, phó thác vào tình yêu của Chúa, và luôn biết sống đức ái qua những phận vụ hằng ngày trong cộng đoàn.
Tác giả: Đức Hữu
 

[1] GLHTCG, số 828
[2] Têrêxa Hài Đồng Giêsu, truyện một tâm hồn, chương VI
[3] Têrêxa Hài Đồng Giêsu, truyện một tâm hồn, chương VI
[4] Anne Marie de J’ésus sinh ngày 26.9.1879 tại Longeron, Miền nam Anjou. Chị theo học trường dòng các sơ khôn ngoan, ở đây có 3 Dì của chị là nữ tu Dòng này.
Một sự biến đổi trong cuộc đời chị ngay sau khi bà ngoại qua đời, Anne Marie de J’ésus thường dậy sớm đi lễ, sau đó không lâu chị báo cho gia đình là chị muốn trở thành nữ tỳ Thánh Thể.
Anne Marie de J’ésus vào Dòng lúc 20t, vào nhà tập ở Angers, và khấn lần đầu ngày 23.10.1902.
Sau đó, Sơ Anne Marie de J’ésus được gọi về Paris, phụ trách coi nhà khách. Bề trên tương lai đã biểu lộ tính cách ngọt ngào, mạnh mẽ, tinh thần rộng rãi và hướng thượng, còn ưu tư lo lắng thì phó thác vào bàn tay quan phòng của Thiên Chúa.
Từ năm 1912, Sơ Anne Marie de J’ésus trở về Angers làm phụ tá giáo tập, một vài tháng sau đó có Tổng Tu Nghị, Sơ được sai đi làm bề trên ở Chicoutimi- Canađa, nhà tiệc ly này thành lập được 9 năm rồi, ở đó có cả nhà tập.
Chiến tranh năm 1914 đã cắt đứt tất cả liên hệ giữa Canada và nhà Mẹ ở Paris. Chị nữ tu trẻ phải mang lấy tất cả trách nhiệm của cộng đoàn và của nhà tập trong 5 năm.
Năm 1916, Mẹ Anne Marie de J’ésus bệnh nặng, phải nghỉ ngơi hoàn toàn. Tiếp sau đó, chị Marie Veronique, giáo tập bệnh nặng rồi qua đời. Mẹ lại tin tưởng và giao phó nhà tập cho chị Marie de l’Immaculée Conception, chị cũng ngã bệnh. Mẹ lại thay thế chị Marie Félicité, một chị khấn tạm, cũng ngã bệnh luôn.  Mẹ nói: tôi đã trải qua đêm tối để hoàn toàn bị bỏ rơi. Phó thác tất cả , mẹ phải kéo dài thời gian dưỡng bệnh đến năm 1917.
Trở về Pháp năm 1919, làm bề trên nhà Paris 3 năm, đến Tổng Tu Nghị năm 1922, Mẹ đắc cử Bề Trên Tổng Quyền.
Mẹ Anne Marie de J’ésus không chỉ là đầu tàu nhờ tài lãnh đạo uy tín mà còn là một con người mẫu mực, thật sự là một Nữ Tỳ Thánh Thể, một tâm hồn tôn thờ trong đời thường cũng như dưới bàn quỳ, chỉ một điều đủ cho Mẹ: đó là ý muốn của Thiên Chúa, Bánh Thể Thánh mà Mẹ phục vụ khắp nơi và luôn mãi trong đời sống kết hiệp sâu xa.
[5] Têrêxa Hài Đồng Giêsu, truyện một tâm hồn, chương XI

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây