TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật XXXIII thường Niên -Năm B

“Bấy giờ thiên hạ sẽ thấy Con Người đầy quyền năng và vinh quang ngự trong đám mây mà đến.” (Mc 13,24-32)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Đừng vô cảm

Thứ tư - 12/05/2021 03:52 | Tác giả bài viết: Petrus.tran |   940
Đừng vô cảm

Đừng vô cảm

Kho tàng ca dao tục ngữ Việt Nam rất phong phú. Có thể nói rằng, nó là một kho tàng tốt cho việc giáo dục con người xưa cũng như nay.

Thật vậy, có ai trong chúng ta lại không hơn một lần được dạy dỗ rằng, “thương người như thế thương thân”, hoặc “một con ngựa đau cả tàu không ăn cỏ”, hay “một miếng khi đói bằng gói khi no” v.v...

Tiếc thay! có vẻ như, những lời dạy dỗ tốt đẹp đó ngày càng xa rời cuộc sống của không ít người hôm nay.

Nhớ, ngày 13/10/2011, tại thành phố Phật Sơn, Nam Hải, Trung Quốc. Một bé gái ba tuổi tên Yue Yue đang chơi trong khu chợ, có một chiếc xe tải đi qua, chiếc xe đó cán lên người cô bé. Nhiều người qua lại nơi đây, thấy, nhưng họ vẫn dửng dưng bỏ đi. Theo dõi trên clip, có khoảng 20 người qua lại nơi tai nạn xảy ra, nhưng không ai dừng lại cứu cô bé.

Rồi cũng trong năm 2011, vào ngày 07/10, một vị bác sĩ, trong lúc lái xe bất cẩn, đã gây ra một tai nạn hàng loạt khiến cho hai người chết và mười bảy người khác bị thương. Điều đáng tiếc là, khi tai nạn xảy ra, những người hiếu kỳ thay vì đưa nạn nhân cấp cứu, họ lại nhảy vào “hôi của” cướp đồ nạn nhân…

Tại sao lại có những chuyện như thế xảy ra? Thưa, đó chính là do “sự vô cảm”, sự vô cảm đã chế ngự con người, nó làm cho con người trở nên ích kỷ, dửng dưng, không rung động, không cảm xúc trước nỗi đau, hoạn nạn của người khác...

Nói đến sự “vô cảm”, có thể nói, hàng ngày, nó đã gây ra biết bao nhiêu “…điều trông thấy mà đau đớn lòng”, từ chuyện một chú bé “cuộc sống đói rách bơ vơ… Hỏi ai, ai cho nương nhờ! Chuỗi ngày tăm tối bơ vơ…” cho tới chuyện, có những đại gia, tỷ phú… đã dám chi hàng tỷ đồng chỉ để “ăn một bữa trưa” theo sở thích của mình.

Niềm tin Kitô giáo không dạy con người sống vô cảm. Niềm tin Kitô giáo dạy rằng, một Kitô hữu không chỉ mến Chúa nhưng còn phải yêu thương người. Thương người có mười bốn mối, thương xác bảy mối: “Thứ nhất cho kẻ đói ăn. Thứ hai cho kẻ khát uống. Thứ ba cho kẻ rách rưới ăn mặc. v.v…”

Vâng, “cho kẻ đói ăn, cho kẻ khát uống, cho kẻ rách rưới ăn mặc” cũng chính là điều Chúa Giêsu luôn đem ra khuyên dạy và đề cao.

Thật vậy, với sự giàu có, Ngài đã khuyên dạy rằng: “Anh em đừng tích trữ cho mình những kho tàng dưới đất, nơi mối mọt làm hư nát, và kẻ trộm khoét vách lấy đi. Nhưng hãy tích trữ cho mình những kho tàng trên trời, nơi mối mọt không làm hư nát, và kẻ trộm không khoét vách lấy đi” (Mt 6, 19-21)

Với những người, có “rất nhiều của cải”, như trường hợp ông thủ lãnh nhà giàu, Đức Giêsu khuyên “hãy bán tất cả những gì ông có mà phân phát cho người nghèo và ông sẽ được một kho tàng trên trời”.

Và để cho mọi người cảm nhận rõ lời khuyên đó, Đức Giêsu đã dạy cho họ một bài học qua dụ ngôn “ông nhà giàu và anh Lazaro nghèo khó” (x.Lc 16, 19-31).

Dụ ngôn được kể rằng: “Có một ông nhà giàu kia, mặc toàn lụa là gấm vóc, ngày ngày yến tiệc linh đình”.(x.Lc 16, 19) Câu chuyện sẽ không có gì để nói, nếu “trước cổng ông nhà giàu” không có “một người nghèo khó… nằm (ở đó)”.

Người nghèo khó đó tên là Lazaro, anh ta trông thật thảm thương. Trên cơ thể anh ta “mụn nhọt đầy mình”.

* Thưa bạn, bạn có bị “ghẻ” bao giờ chưa! Tôi đã bị. Năm học lớp đệ thất (lớp sáu bây giờ), chân tay của tôi “mụn nhọt đầy mình”, phải nói rằng, nhức nhối khủng khiếp. Thế nhưng, cái nhức nhối của thể xác không sánh bằng cái nhức nhối tinh thần. Cái nhức nhối tinh thần, đó là sự cô đơn, một lớp học gần bốn mươi học sinh, nhưng không có một người nào muốn đến gần tôi. Thật ra, cũng có người đến, nhưng họ đến chỉ để nói với tôi rằng “đồ ghẻ tàu!”.

Với “ngưòi nghèo khó tên là Lazaro” ư! Có phần chắc, anh ta cũng nhức nhối, anh ta không chỉ nhức nhối thể xác bởi mụn nhọt, bởi cái dạ dày “thèm được những thứ trên bàn ăn của ông ấy rớt xuống mà ăn cho no”, anh ta còn nhức nhối tinh thần. Từ tâm can, anh ta nhận ra “sự vô cảm” của ông nhà giàu, phải chi ông ta đến và chỉ nói “đồ ghẻ La Mã” có lẽ anh ta cũng vui vui chút ít!

Sự vô cảm của ông nhà giàu, có thể ví như “cục lơ Pháp”, đã được ông ta “thoa” lên “cây cơ” là đám mụn nhọt và sự đói khát trong nỗi cô đơn của anh Lazaro. Vâng, chỉ là một cách diễn tả, kết thúc hồi một, buồn thay! chỉ có “mấy con chó… đến liếm ghẻ chốc anh ta”.

Với hồi hai, như người ta thường nói “mồm chó vó ngựa”. Anh Lazaro, phần vì đói, phần vì mồm những con chó liếm vào những vết ghẻ của anh ta… Ôi! vết thương của anh ta, không nhiễm trùng mới là chuyện lạ! Lazaro chết, có phần chắc, vì đói và vì nhiễm trùng. Sau đó, “ông nhà giàu cũng chết, và người ta đem chôn” (Lc 16, 22).

Và như lời một bài kinh đã viết “sự chết chỉ là sự biến đổi chứ không hề tiêu tan”. Cuộc đời Lazaro được biến đổi, anh ta không còn cô đơn bên “mấy con chó” nhưng tràn đầy hạnh phúc “trong lòng tổ phụ”.

Còn ông nhà giàu ư! Chuyện được kể tiếp rằng: “Dưới âm phủ, đang khi chịu cực hình, ông ta…” - ông nhà giàu - lại là kẻ mong Lazaro “đừng-vô-cảm” trước sự đau khổ của ông ta.

Trước kia, nơi trần gian, Lazaro “thèm những thứ trên bàn ăn của ông rớt xuống mà ăn cho no”… Nay, dưới âm phủ, ông nhà giàu “thèm” được Lazaro “nhúng đầu ngón tay vào nước, nhỏ trên lưỡi (ông) cho mát, vì ở đây (ông) bị lửa thiêu đốt khổ lắm” (Lc 16, 24).

Kết thúc dụ ngôn, như đã nói ở trên, anh nhà nghèo tên là Lazaro được ở “trong lòng tổ phụ”. Còn ông nhà giàu thì “Phải chịu khốn khổ” (Lc 16, …23).
**
Qua dụ ngôn này, có thể nói rằng, “sự vô cảm” chính là con đường dẫn chúng ta đến “âm phủ”. Chính vì thế, là một Kitô hữu, chúng ta đừng quên rằng, những gì chúng ta làm hôm nay, ở đời này, sẽ là “tấm chiếu khán” đưa chúng ta đến đời sau, nơi “hỏa ngục” hay “thiên đàng”.

Giàu có ư! Tốt, vì đó là ơn phúc Chúa ban.

Giàu có không phải là một cái tội. Câu chuyện dụ ngôn trên không thấy một câu hay một chữ nào lên án về việc “giàu có” của ông nhà giàu. Hãy nhìn xem sự giàu có của ông Gióp khi xưa. Kinh Thánh có chép rằng, Ông ta có “một đàn súc vật bảy ngàn chiên dê, ba ngàn lạc đà, năm trăm đôi bò, năm trăm lừa cái”. Chính Xatan cũng phải công nhận Đức Chúa đã “ban phúc lành cho công việc do tay (Gióp) làm, và các đàn gia súc của (Gióp) lan tràn khắp xứ” (G 1, 10).

Chỉ có điều, nếu giàu có thì, hãy nghe tông đồ Phaolô nói: “Đừng tự cao tự đại, cũng đừng đặt hy vọng vào của phù vân, nhưng vào Thiên Chúa, Đấng cung cấp dồi dào mọi sự cho chúng ta hưởng dùng” (1Tm 6,17).

Thánh nhân thêm một lời khuyên rằng: “Phải làm việc thiện và trở nên giàu có về các việc tốt lành, phải ăn ở rộng rãi, sẵn sàng chia sẻ. Như vậy (sẽ) tích trữ cho mình một vốn liếng vững chắc cho tương lai”.

Cho nên, khi ta giàu có “Hãy rộng lượng với kẻ nghèo hèn, đừng chần chừ khi phải bố thí. Hãy đón tiếp kẻ khó nghèo, vì họ túng quẫn, đừng để họ ra về tay trắng” (Hc 28, 8-9).

Hãy nhớ, sự giàu có không ngăn cách ta đến bên “lòng tổ phụ” Apraham, sự vô cảm mới chính là “hố sâu”, là “vực-thẳm-lớn” ngăn cách ta với ngài, sau này, cũng như với những người anh em, những người đồng loại, ngay hôm nay.

Nếu hôm nay, trong cuộc sống thường nhật, chúng ta “không vô cảm” với những người anh em, những người đồng loại, những người mà họ đói chúng ta cho ăn, họ khát chúng ta cho uống, họ rách rưới chúng ta cho mặc, họ bịnh hoạn chúng ta thăm viếng v.v… thì, sau này, trong ngày phán xét, Chúa cũng sẽ không nhìn chúng ta bằng ánh mắt “vô cảm”.

Trái lại, Ngài sẽ nói với chúng ta rằng, “Nào những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho các ngươi ngay từ thuở tạo thiên lập địa. Vì xưa Ta đói, các người đã cho Ta ăn; Ta khát, các người đã cho Ta uống… Ta là khách đau yếu, các ngươi đã thăm viếng…” (Mt 26, 34-36)

“Ta” là ai? Thưa, Ta là “họ”. “Họ” là ai? Thưa, họ là những người chúng ta “không vô cảm”.

Nói tắt một lời, để đời sau, chúng ta không phải lớn tiếng kêu, “Lạy tổ phụ Apraham, xin thương xót con”, thì đời nay, nguyên tắc sống của chúng ta chỉ cần gói gọn trong ba chữ “đừng vô cảm”.

Petrus.tran

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây