TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật IV Mùa Vọng -Năm C

“Bởi đâu tôi được Mẹ Thiên Chúa đến viếng thăm tôi”. (Lc 1, 39-45)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Hãy là mục tử nhân lành…

Thứ bảy - 24/04/2021 04:47 | Tác giả bài viết: Petrus.tran |   858
Chúa Giêsu đã cất tiếng hòa theo nhịp điệu mừng vui đó, rằng: “Thật, tôi bảo thật: Tôi là cửa cho chiên ra vào”. Và rằng: “Tôi chính là Mục Tử nhân lành” (Ga 10, 14).



Chúa Nhật IV – PS – B


Hãy là mục tử nhân lành…

Như một truyền thống đẹp, hằng năm cứ đến Mùa Phục Sinh, Giáo Hội dành riêng một ngày Chúa Nhật – Chúa Nhật IV, để cầu cho ơn thiên triệu.

Nói tới ơn thiên triệu, hẳn nhiên chúng ta nghĩ đến những vị Giám Mục và Linh Mục. Họ là những người từ bỏ đời sống hôn nhân, sống đời tận hiến độc thân cho sứ mệnh rao giảng Tin Mừng. Với những người này, họ đươc gọi bằng một danh từ rất “Kinh Thánh”, đó là người mục tử.

Và, nói tới người mục tử, người đầu tiên mà chúng ta phải nói đến, đó chính là “Mục Tử Giê-su”. Trong ba năm thực thi sứ vụ loan báo Tin Mừng, bằng những lời giảng dạy cũng như qua những lần làm phép lạ chữa lành cho dân chúng, Đức Giêsu luôn chứng tỏ cho mọi người thấy, rằng Ngài chính là Thiên Chúa, Thiên Chúa của tình yêu, một Thiên Chúa như là Người Mục Tử nhân lành.

**
Hồi ấy, trong một lần xuất hiện tại Giêrusalem, Đức Giêsu đã nói một cách cương quyết, rằng “Tôi chính là Mục Tử nhân lành”. Thế nào là mục tử nhân lành? Thưa, Đức Giê-su cho biết, đó là người dám “hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên”.

Có một loại mục tử, “mục tử làm thuê”, Đức Giê-su nói: “chiên không thuộc về anh (ta), nên khi thấy sói đến anh (ta) bỏ chiên mà chạy. Sói vồ lấy chiên và làm cho chiên tán loạn, vì anh ta là kẻ làm thuê, và không thiết gì đến chiên”.

“Tôi chính là Mục Tử nhân lành”. Đức Giê-su tiếp tục khẳng định về mình như thế. Và, Ngài tuyên bố tiếp, rằng: “Tôi biết chiên của tôi, và chiên của tôi biết tôi, như Chúa Cha biết tôi, và tôi biết Chúa Cha, và tôi hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên”.

Đức Giê-su, hôm ấy, cho mọi người thấy sự nhân lành của mình, còn được thực hiện nơi “những chiên khác”, những con chiên “không thuộc ràn này”. Những con chiên mà Ngài “cũng phải đưa chúng về”. Trước đám đông cử tọa, Ngài cho mọi người biết, rằng: “Chúng sẽ nghe tiếng tôi. Và sẽ chỉ có một đoàn chiên và một mục tử”. Nói xong, Đức Giêsu khẳng định rằng: “Đó là mệnh lệnh của Cha tôi mà tôi đã nhận được”.

Đức Giê-su đã thi hành mệnh lệnh “của Cha” một cách tuyệt hảo. Tại đồi Golgotha, người Mục Tử Giêsu đã hy sinh mạng sống mình bằng cái chết trên thập giá. Một cái chết để cứu chuộc nhân loại. Một cái chết để không ai còn có thể mỉa mai nói rằng “từ Nazareth, làm sao có cái gì hay được?” Một cái chết để muôn thế hệ về sau đều phải nhìn nhận rằng, Đức Giêsu thành Nazareth, Ngài chính là “Vị Mục Tử nhân lành”.

***
Chúa Nhật hôm nay, chúng ta còn gọi là Chúa Nhật Chúa Chiên Lành. Vào Google, một trang mạng với chức năng tìm kiếm, đánh lên đó dòng chữ “Chúa Chiên Lành”, vâng, chúng ta sẽ thấy rất nhiều hình ảnh Đức Giêsu là một người thanh niên ẵm hoặc vác con chiên trên vai, muôn kiểu, muôn màu, muôn sắc.

Với những người “ghét” Công Giáo, qua hình ảnh đó, họ cho rằng, Đức Giê-su đã biến “con người” thành “con vật” khi gọi những người theo Ngài là “con chiên”. Suy nghĩ như thế, là một lối suy nghĩ thiếu hiểu biết. Còn nếu hiểu biết nhưng lại vờ như không biết, thì chẳng khác nào có mắt như mù.

Hình ảnh người mục tử và con chiên trên vai, vâng, đó chính là hình ảnh trong Cựu Ước thường dùng như là biểu tượng nói về lòng thương xót, sự chăm lo, bảo vệ và nâng đỡ của Thiên Chúa đối với con người.

Vâng, hình ảnh Thiên Chúa như người mục tử “đi trước và chiên đi theo sau” gợi cho chúng ta nhớ đến Thánh Vịnh thứ hai mươi ba: “Chúa là mục tử chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì. Trong đồng cỏ xanh tươi, Người cho tôi nằm nghỉ”.

Chỉ trong sáu câu ngắn ngủi (Tv 23, 1-6) thế mà, cũng đủ để mô tả toàn cảnh hình ảnh người mục tử nhân lành đầy quyền uy: “Dầu qua thung lũng âm u, con sợ gì nguy khốn, vì có Chúa ở cùng. Côn trượng Ngài bảo vệ, con vững dạ an tâm”.

Nếu xưa kia, Israel thời Cựu Ước vui mừng đặt niềm tin vào Thiên Chúa qua hình ảnh như thế, thì hôm nay, niềm vui đó phải được nhân đôi, nhân đôi là vì chính Chúa Giêsu đã cất tiếng hòa theo nhịp điệu mừng vui đó, rằng: “Thật, tôi bảo thật: Tôi là cửa cho chiên ra vào”. Và rằng: “Tôi chính là Mục Tử nhân lành” (Ga 10, 14).

****
Khi nói tới người mục tử, chúng ta luôn nghĩ tới quý giám mục, linh mục, và không ít người lo sợ rằng, với một thế giới cổ suý cho chủ nghĩa thế tục, thật khó để mà có nhiều người từ bỏ hết mọi sự, “tự ý không kết hôn vì Nước Trời”.

Thật ra, đó không phải là điều đáng để sợ. Theo thống kê được trình báo trong chuyến Ad Limina của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam thì cho đến đầu năm 2018, Giáo Hội Công Giáo Việt Nam có 4.000 linh mục, 22.000 tu sĩ, 240 dòng tu.

Nhiều thì chưa phải là nhiều so với 7.000.000 giáo dân. Nhưng điều đáng sợ, đó là hãy sợ rằng, những người đã được Thiên-Chúa-tuyển-chọn, họ có thực sự là người mục tử “như lòng Thiên Chúa mong ước” hay không? Họ có “khôn ngoan sáng suốt” chăn dắt (đoàn chiên) Thiên Chúa giao phó không?

Thế nên, thật phải đạo, khi hôm nay, ngày cầu nguyện cho ơn thiên triệu, chúng ta hãy mượn lời ngôn sứ Giê-rê-mi-a mà nguyện rằng: Lạy Chúa, xin Người ban cho chúng con “những mục tử như lòng (Người) mong ước, (những mục tử) sẽ khôn ngoan sáng suốt chăn dắt (chúng con)” (Gr 3, 15). Chúng ta cũng đừng quên, nguyện xin cho quý ngài, ngày càng thêm “đồng hình đồng dạng với Người trong cái chết của Người”.
 
Làm thế nào để nên “đồng hình đồng dạng với Người trong cái chết của Người”? Thưa, thật giản dị, đó là hãy thực thi những điều Đức Giê-su đã truyền dạy, những điều mà hôm nay chúng ta quen gọi là “tám mối phúc thật”, là sẽ nên đồng hình đồng dạng với Ngài.

Thật vậy, hãy thử tượng tưởng xem, một người mục tử luôn sống với một “tâm hồn nghèo khó, hiền lành, khát khao nên người công chính, xót thương người, có tâm hồn trong sạch, xây dựng hòa bình” và cuối cùng, chấp nhận “bị bách hại vì sống công chính”… Vâng, một người mục tử như thế, ai dám phủ nhận vị mục tử đó không là người đã “đồng hình đồng dạng với Người trong cái chết của Người”!

Nói cách khác, ai dám phủ nhận người mục tử đó chính là “những mục tử như lòng Chúa mong ước”!

*****
Nếu Giám mục và Linh mục được gọi là những người mục tử của người tín hữu, thì người tín hữu cũng được kêu gọi hãy là những mục tử nhân lành cho nhau.

Về điều này, Lm Charles E.Miller có lời dạy: “Chúng ta có trách nhiệm hỗ tương, vì là điều đẹp lòng Thiên Chúa khi Ngài cứu rỗi và thánh hóa chúng ta không như những cá nhân riêng rẽ thiếu liên kết, nhưng quy tụ chúng ta thành một dân tộc duy nhất. Đó là giáo huấn trang trọng của Thánh Công Đồng Vatican II” (Hiến Chế Tín lý về Giáo Hội, số 9).

Đúng vậy, chúng ta phải là những mục tử nhân lành trong gia đình. Chúng ta cũng phải thực thi những gì Đức Giê-su đã truyền dạy trong bản “Hiến Chương Nước Trời”.

Điều thứ hai của hiến chương dạy: “Phúc thay ai hiền lành”. Vâng, đó là một cái phúc và đó cũng là điều kiện tiên quyết mà một người mục tử trong gia đình cần có. Sự hiền lành sẽ giết chết tính trưởng giả, tăng thêm tính nhu mì và cuối cùng là hạn chế được sự tức giận.

Một vấn nạn tuy đã cũ nhưng vẫn còn tính thời sự, đó là thời đại bùng nổ thông tin, và internet chính là những “con sói” hung hãn nhất của con em mình. Chính “con sói internet” đã làm cho biết bao con trẻ rơi vào trạng thái trầm uất, bạo lực, đam mê thần tượng, cuồng dâm, mất niềm tin vào chính mình để rồi cuối cùng là tiến tới tội ác, ma túy và tự tử…

Có ai muốn con em mình đến trường một mình! Thế thì, đừng bao giờ để con em mình “một mình” đi vào thế giới ảo, nơi mà “con sói internet” luôn rình rập để hãm hại chúng.

Rất cần có một tài khoản Twitter để “tuýt” với chúng. Rất cần có một tài khoản facebook để “búc” với chúng. Phương pháp này, nói theo cách nói của nhà binh, đó là phương pháp “phản phục kích”, một phương pháp có thể đánh đuổi những con-sói-internet luôn rình rập bên con em chúng ta.

Và sẽ thật khôn ngoan nếu chúng ta tuân theo lời chỉ dẫn của thánh Phao-lô “đừng làm cho con cái tức giận, nhưng hãy giáo dục chúng thay mặt Chúa bằng cách khuyên răn và sửa dạy” (Ep 6, 4).

Vâng, không nhất thiết chúng ta phải hy sinh cả mạng sống nhưng thật cần thiết để chúng ta hy sinh một chút thời giờ, một chút riêng tư để cùng tuýt, cùng đồng hành trong vai trò là người mục tử, với con cái chúng ta.

Như đã nói ở trên, giám mục và linh mục chính là những người mục tử. Họ là những người kế vị các thánh tông đồ quyền “chăm sóc và chăn dắt” qua Bí Tích Truyền Chức Thánh. Thế nên, đừng bao giờ từ bỏ việc đem con em mình đến nhà thờ vào mỗi Chúa Nhật, nơi quý linh mục, tu sĩ sẽ là người mục tử chăm sóc và chăn dắt chúng qua những bài giáo lý và nhất là qua những lời giáo huấn trong phần phụng vụ Lời Chúa.

Cuối cùng, muốn trở thành người mục tử nhân lành, hãy để người Mục Tử Giê-su sống trong ta và hành động trong ta. Bởi, nhờ đó ta có thể nói: “tôi sống nhưng không phải tôi sống, mà là Chúa Ki-tô sống trong tôi”.

Có “Chúa Ki-tô sống trong tôi”. Vâng, đó là lúc, tôi và bạn, chúng ta đã “đồng hình đồng dạng với Người trong cái chết của Người”.

Đồng hình đồng dạng với Người trong cái chết của Người, nói không sợ sai, chúng ta chính là hình ảnh nối tiếp của Đức Giê-su. Chúng ta chính là “người mục tử nhân lành”.

Chúng ta hãy là người mục tử nhân lành. Là một Ki-tô hữu, tại sao chúng ta lại không được như vậy, nhỉ!

 

Petrus.tran

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây