TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Đại Lễ Chúa Giáng Sinh

“Hôm nay, Ðấng Cứu Thế đã giáng sinh cho chúng ta”. (Lc 2, 1-14)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Cúi đầu khiêm cung

Thứ bảy - 24/04/2021 04:04 | Tác giả bài viết: Lm Giuse Hoàng Kim Toan |   829
khiemcung[1]
khiemcung[1]

Cúi đầu khiêm cung

Adam và Eva như mới hôm qua và hôm nay, vẫn thao thức thực hiện những gì là chính mình. Đó vừa là một lời mời gọi vươn lên tầm vóc con người đã được tạo dựng: “hình ảnh và họa ảnh của Thiên Chúa”; nhưng cũng dễ bị một cám dỗ đi tìm cái không có thực mà chỉ là ảo ảnh của lòng kiêu căng.

Như cám dỗ đầu tiên: Biết rõ thiện ác, như các vị thần (St 3, 5). Cái khát vọng của con người muốn sống như các vị thần, lịch sử luôn minh chứng ấy, con người muốn thay quyền Thiên Chúa phán quyết mọi chuyện, họ phán quyết cả Thiên Chúa. Con người muốn vươn lên nhưng con người đã quên mất mình là ai? Và những điểm giới hạn cơ bản của mình? Muốn đạt tới đỉnh cao mà không biết nhìn dưới chân mình, nên con người té ngã, lòng kiêu căng của con người che khuất những điểm tựa căn bản.

Khiêm cung, là bài học cơ bản của một con người đúng nghĩa sống trong trần thế. Khiêm cung là thái độ tôn trọng sự sống của muôn người, yêu quý thiên nhiên, bảo vệ môi sinh. Đó là những gì mỗi ngày một con người sống, luôn nhờ đến của nhiều người đi trước hay hiện tại; con người sống không chỉ một mình, còn cần có thiên nhiên, môi sinh để sống. Con người khiêm cung biết mình là ai để tạ ơn tiền nhân, hợp tác với những con người đang nỗ lực vì một môi trường đáng sống, cho con người và cả thiên nhiên.

Khiêm cung trong lời ăn tiếng nói, trong cách hành xử, Đức Đạt Lai Lạt Ma nói rằng, ngày nào ngài cũng phải tâm niệm, phải xem người khác hơn mình, để tập lắng nghe. Con người khiêm cung là con người sống khoan dung, độ lượng, và nghiêm khắc với chính mình.

Tử Tư trong sách Trung Dung nói rằng: “Sở dĩ biển cả làm chủ các sông ngòi là bởi vì biển ở thấp”. Con người khiêm cung không là con người tự ti hay mặc cảm, nhưng con người biết mình là ai. Tự ti hay mặc cảm về phận bé mọn của con người đều rất dễ bị ma quỷ tấn công, tự nâng mình lên quá đáng hay tự thân mạo hiểm để chế ngự mặc cảm. Con người khiêm cung nhận ra  chính mình “thụ nhận nhiều hơn là kiến tạo”, lúc nào cũng nỗ lực để góp phần mình vào với cuộc đời, làm cho cuộc đời này tốt đẹp hơn.

Chúa luôn mời gọi: “Hãy học với tôi, vì tôi hiền lành và khiêm nhường trong lòng” (Mt 11, 29). Con người quên mất điều đáng suy nghĩ, trong khi con người đang muốn thay quyền Thiên Chúa thì Thiên Chúa lại xuống với con người. Thiên Chúa tìm gì nơi con người, Người không tìm gì cả ngoài con người bị hư mất. Một Thiên Chúa hạ sinh làm người, đón nhận phận người, sống như con người, ngoại trừ tội lỗi. Con Thiên Chúa làm người muốn chỉ dạy con người bài học khiêm cung đích thật. Sống với con người, tôn trọng sự sống của họ, kể cả những sự sống bất hạnh; bên cạnh thiên nhiên được giữ gìn bằng tấm lòng thanh sạch, giải thoát thiên nhiên khỏi ách nặng của tội lỗi.

Khiêm nhường, đối với Thiên Chúa là đồng hành với con người, dù biết con người là do tay Thiên Chúa dựng nên; nhưng lại sẵn sàng chết để cứu con người khỏi ách sự chết là hậu quả của tội lỗi.

Con người học khiêm nhường cần biết rằng mình không thể tự phóng phi thuyền lên tới Thiên Chúa, con người cần đón nhận Thiên Chúa để Người đưa con người về trời.

Khiêm nhường để thấy những nỗ lực của con người chẳng đạt đên đâu nếu không đạt đến tầm nhìn, nhận biết và gặp gỡ Thiên Chúa. Một sự hiểu biết quan trọng, để biết mình là ai trong thụ tạo và từ đó dấn thân. Thánh Augustine đã cầu nguyện: “Xin cho con biết Chúa và cho con biết con”. Trong tuyển tập lời dâng của Tagore, ông cũng cầu nguyện: “Nếu số phận không để tôi gặp người, trên cõi đời này, thì xin cho tôi luôn luôn cảm thấy thiếu vắng bóng người – đừng để tôi quên dù quên giây lát, mà xin để tôi gánh chịu buồn này day dứt trong những giấc mơ hay những giờ thao thức, người ơi. Suốt ngày vì sống trong chợ đời đông đúc, hai tay tôi đầy lợi tức bán buôn, xin cho tôi luôn luôn cảm thấy là chửa kiếm được gì – đừng để tôi quên dù quên giây lát, mà xin để tôi gánh chịu buồn này day dứt trong những giấc mơ hay những giờ thao thức, người ơi.” (79, Lời dâng, R.Tagore).

Nhận biết và gặp gỡ Thiên Chúa luôn là một khát vọng bị che lấp bởi bao khát vọng hão huyền do chính ma quỷ lôi kéo vẫn như năm xưa. Bởi thế, trong muôn kinh cầu nguyện con người cũng hãy khiêm cung cúi đầu để nói: “Lạy Chúa, xin cho con biết lắng nghe Lời Ngài dạy con trong đêm tối”.

Lm. Giuse Hoàng Kim Toan

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây