Chúa Nhật IV – PS – Năm A
Hãy sống như Mục Tử Giê-su
Tông đồ Gio-an có nói: “Thiên Chúa là tình yêu.” Và ngài có lời tiếp rằng: “Tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta được biểu lộ như thế này: Thiên Chúa đã sai Con Một đến thế gian để nhờ Con Một của Người mà chúng ta được sống.” (1Ga 4, 9).
Với nhà truyền giáo Rich Warren, ông ta thêm lời diễn giải: “Như bất kỳ người cha yêu thương nào, Đức Chúa Trời không muốn mất bất kỳ người con nào của Người.”
Mà đúng là vậy. Ngay từ thuở xa xưa thời Cựu Ước, Thiên Chúa, qua môi miệng ngôn sứ Ê-dê-ki-en, có lời tuyên phán: “Ta chẳng vui gì khi kẻ gian ác phải chết, nhưng vui khi nó thay đổi đường lối để được sống.” (Ed 33, 11).
Và rồi, khi Con Một của Thiên Chúa là Đức Giê-su xuống thế làm người, Ngài đã có lời công bố vẫn nội dung là thế: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời. Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người mà được cứu độ.” (x.Ga 3, 16-17).
**
Đúng, Thiên Chúa yêu thế gian... Và Đức Giê-su chính là hiện thân cho tình yêu đó. Là hiện thân cho tình yêu đó, thế nên, Ngài luôn thể hiện lòng thương xót đối với bất cứ ai đến với mình.
Một lần nọ, để thể hiện lòng thương xót, Đức Giê-su đã cất tiếng mời gọi: “Hỡi những ai mệt mỏi và gánh nặng. Hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng.”
Một lần khác, khi nhìn thấy “dân chúng lũ lượt kéo đến đi theo mình”, Đức Giê-su đã chạnh lòng thương xót, Ngài nói với các môn đệ, rằng: “họ như bầy chiên không người chăn dắt” (x.Mc 6, 34).
Thật vậy, họ không có người chăn dắt. Mà, nếu có thì cũng như không. Nhóm kinh sư và người Phariseu tuy được coi như là những người “chăn dắt” họ. Nhưng than ôi! Quý ông này đã chăn dắt con dân mình theo cung cách của những “kẻ cướp, kẻ trộm”.
Thì đây! Chúng ta thử nhìn xem! Có là kẻ cướp không, khi các kinh sư và các người Phariseu “nuốt hết tài sản của các bà góa, lại còn làm bộ đọc kinh cầu nguyện lâu giờ”!? Có là kẻ trộm không, khi các kinh sư và người Phariseu “lọc con muỗi, nhưng lại nuốt con lạc đà”?!
Đã có lần, Đức Giê-su gọi những kinh sư và người Phariseu là những kẻ “cướp bóc và ăn chơi vô độ.” Thế nên, với tình cảnh như thế, Đức Giê-su không thể không xem những người đi theo mình như thể là “những con chiên tan tác lạc đàn”.
Do vậy, bất chấp những căng thẳng vốn đã xảy ra giữa Ngài và những kinh sư lẫn nhóm Phariseu, Đức Giêsu tuyên bố: “Thật, tôi bảo thật các ông: Tôi là cửa cho chiên ra vào. Mọi kẻ đến trước tôi đều là tên trộm cướp.”
Và tiếp theo đó, Ngài khẳng định: “Tôi là cửa. Ai qua tôi mà vào thì sẽ được cứu. Người ấy sẽ ra vào và gặp được đồng cỏ. Kẻ trộm chỉ đến để ăn trộm, giết hại và phá hủy. Phần tôi, tôi đến để cho chiên được sống và sống dồi dào.” (x.Ga 10, 7-10).
***
“Phần tôi, tôi đến để cho chiên được sống và sống dồi dào.” Xưa kia, Đức Giê-su đã khẳng định như thế. Và, ngày nay, Ngài cũng vẫn khẳng định như thế.
Đức Giê-su không chỉ cho chúng ta được sống và sống dồi dào đời này. Nhưng Ngài còn ban “ơn cứu độ” cho tất cả những ai đã đi theo Ngài, đã tin vào Ngài, đã chọn Ngài là “Mục Tử đời tôi”.
Đó chính là lý do hôm nay Đức Giê-su vẫn lớn tiếng nói với chúng ta rằng: “Tôi là cửa. Ai qua tôi mà vào thì sẽ được cứu.” Phần còn lại, đó là chúng ta có “vào và đi theo sau Ngài”, hay không?
Chúng ta có đi theo sau Ngài không? Vâng, câu trả lời là của riêng mỗi chúng ta. Thế nhưng, đừng quên, chỉ khi chúng ta đi-theo-sau-Ngài chúng ta mới có thể “ra vào và gặp được đồng cỏ”.
Muốn được như thế, chúng ta phải lắng nghe tiếng Chúa gọi và nhận ra tiếng nói của Ngài.
Xưa, Samuel chỉ có thể nghe tiếng ĐỨC CHÚA gọi mình trong đêm thanh vắng. Cũng vậy, hôm nay, chúng ta chỉ có thể nghe tiếng Chúa gọi trong thinh lặng nguyện cầu.
Còn Thánh Kinh! Vâng, Thánh Kinh chính là nơi chúng ta nhận ra tiếng nói của người mục tử Giê-su, và Thánh Thể chính là nơi chúng ta sẽ nhận được một thứ cỏ, không phải “cỏ dại” nhưng là một thứ cỏ cho chúng ta “sự sống đời đời”. Nói rõ hơn, đó là Mình-Máu-Thánh-Chúa.
Đi-theo-sau-Mục-Tử-Giê-su, có lúc chúng ta sẽ phải đối diện với những thế lực ác tà, những thế lực ác tà dưới sự chỉ huy của Satan và con cái chúng. Chúng sẽ ngăn cản, chống phá, đe dọa v.v... để chúng ta sợ hãi mà không đi theo Mục Tử Giê-su.
Những lúc ấy, đừng buông tay chúng ta ra khỏi bàn tay của Ngài. Và, hơn thế nữa, Ngài sẽ không bao giờ buông chúng ta. Vâng, Đức Giê-su sẽ ban cho chúng ta sự an toàn, sự an toàn “để chiên của Ngài được bình an”.
Chúng ta không phải sợ, đó là công việc của Mục Tử Giê-su.
Đi-theo-sau-Mục-Tử-Giê-su, sẽ có lúc chúng ta bị Satan và con cái chúng tuyên truyền, xuyên tạc, bôi nhọ… bằng những tin tức giả tạo đầy ác ý, v.v… để chúng ta mất đi niềm tin vào Mục Tử Giê-su.
Những lúc ấy, chúng ta hãy nhìn Mục Tử Giê-su “như là cội rễ và cuối cùng của đức tin” Chúng ta phải tin, tin rằng: “Tôi biết Đấng tôi tin cậy, và tôi chắc chắn rằng Ngài có thể gìn giữ điều tôi đã tín thác Ngài, cho đến ngày Ngài trở lại” (2Tm 1, 12).
*****
Hôm nay, Chúa Nhật IV Phục Sinh. Theo truyền thống, vào Chúa Nhật này, Giáo Hội cầu nguyện cho ơn thiên triệu linh mục.
Nói tới ơn thiên triệu linh mục, không ít người lo sợ rằng, với một thế giới cổ suý cho chủ nghĩa thế tục, thật khó để mà có nhiều người từ bỏ hết mọi sự, “tự ý không kết hôn vì Nước Trời”.
Thật ra, điều đáng để sợ, đó là sợ rằng, những người đã-được-Chúa-tuyển-chọn, dù đã được năm mười năm, dù đã vượt qua “kim khánh”, thế mà vẫn chưa thấy quý ngài “đồng hình đồng dạng với Người trong cái chết của Người”.
Vâng, có ai đó đã nói: “người linh mục là một Đức Kitô khác (Alter Christus) chứ không phải khác Đức Kitô”, thế nên việc “đồng hình đồng dạng với Người trong cái chết của Người”, là điều cần thiết.
Có “đồng hình đồng dạng với Người trong cái chết của Người”, người linh mục hôm nay mới có thể cùng Đức Giêsu “đi trước” chứ không phải “đi giữa hay đi sau” đoàn chiên.
Có là một Alter Christus, mới có thể cất tiếng nói với đoàn chiên mình rằng: “tôi đến để cho chiên được sống và sống dồi dào.” Cuối cùng, người linh mục đó mới đủ dũng cảm như “anh cả Phêrô” dám hy sinh mạng sống mình vì đoàn chiên.
Về những điều nêu trên, Đức Giêsu nói: “Đó là mệnh lệnh của Cha tôi mà tôi đã nhận được”.
Vâng, chỉ khi thực thi những mệnh lệnh nêu trên, người linh mục hôm nay, mới có thể được ghi nhận là một người mục-tử-nhân-lành, “người mục tử đích thực”.
Do vậy, đừng cố làm linh mục khi chúng ta không thể trở thành một Alter Christus. Không trở thành Alter Christus mà cố trở thành linh mục, nói không sợ sai, người đó sẽ tạo ra biết bao nhiêu đau khổ cho Giáo Hội và nhất là làm mất đức tin nơi các bạn trẻ. Để rồi, lời cuối cho cuộc tình mình, đó là: ông chỉ là “sói đội lốt chiên”.
Nói lên điều này để làm gì? Thưa, để chúng ta phải cầu nguyện, cầu nguyện thật nhiều cho ơn thiên triệu linh mục. Vâng, chúng ta hãy cầu nguyện như thế này: “Xin Chúa làm nên cuộc Hiện Xuống mới trong đời sống Hội Thánh, xin tuôn tràn trên các Mục tử ơn khôn ngoan và thông hiểu, gìn giữ các ngài luôn hiệp thông với nhau trong Chúa, để các ngài cùng nhau tìm hiểu những điều đẹp ý Chúa, và hướng dẫn đoàn Dân Chúa thực thi những điều Chúa truyền dạy.” (trích: Kinh cầu cho Thượng Hội Đồng Giám Mục 2023).
Hãy, hãy thiết tha trong việc cầu nguyện. Có như thế, chúng ta mới có thể hy vọng Thiên Chúa sẽ ban cho chúng ta “những mục tử như lòng (Người) mong ước, (những mục tử) sẽ khôn ngoan sáng suốt chăn dắt (chúng ta)” (Gr 3, 15).
Cũng đừng quên cầu nguyện cho chính gia đình của chúng ta. Và lời cầu nguyện đẹp nhất, đó là hãy xin cho chúng ta biết sống một cuộc sống như Gia-Thất-Thánh, nơi có sự hiện diện Thánh Giu-se, Đức Maria và Mục Tử Giê-su. Bởi vì, khi chúng ta sống một cuộc sống như Gia-Thất-Thánh, gia đình chúng ta mới có thể “nảy sinh các mục tử tốt lành”.
Nảy-sinh-các-mục-tử-tốt-lành chẳng phải là chúng ta cùng với Chúa, đem đến cho Giáo Hội những “mục tử như lòng Chúa mong ước”!
Thế nên, chúng ta hãy sống như Mục Tử Giê-su.
Petrus.tran
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn