TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật IV Mùa Vọng -Năm C

“Bởi đâu tôi được Mẹ Thiên Chúa đến viếng thăm tôi”. (Lc 1, 39-45)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Phút suy tư về Mẹ MARIA

Thứ hai - 10/05/2021 04:29 | Tác giả bài viết: Petrus.tran |   1248
Duc Me Man Coi
Duc Me Man Coi

Lễ Đức Mẹ Mân Côi
một phút suy tư về Mẹ MARIA


“Kìa bà nào đang tiến lên như rạng đông;
Kìa bà nào đang tiến lên như rạng đông.
Đẹp như mặt trăng, rực rỡ như mặt trời,
Oai hùng như đạo binh sắp hàng vào trận.
Bà là ai!"(1)



Bà là ai! “tay tràn ơn cứu thế, Ðấng từ bi nhân hậu, hằng tiếp đón lời cầu?”.

Xin thưa, bà chính là Đức Maria mà hôm nay toàn thể Giáo Hội, một lần nữa, cùng nhau dâng lên Mẹ “Một tràng hoa mân côi, hương thơm ngào ngạt thắm ân tình”. Và với tất cả tâm tình của “Từng lời kinh sốt mến, xin dâng về Nữ Vương hiển vinh” (2).

Vâng. Dù đã hơn hai mươi thế kỷ, nhưng tiếng ca vang dồn dập “Ave Maria! Ave Maria!” của hàng vạn tín hữu vẫn như những cuộn sóng mừng khen dâng lên Mẹ Maria.

Nhắc tới Đức Maria, chúng ta không thể không nhớ tới hai chữ “xin vâng”. Chỉ hai chữ xin vâng, Đức Maria đã để lại cho muôn thế hệ một tấm gương sắt son cho niềm tin và lòng phó thác.

Thật vậy, ngay từ lúc sứ thần Gapriel loan báo với Đức Maria một tin gây chấn động toàn cõi Giêrusalem, rằng: “Thưa bà Maria… Bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai và đặt tên là Giêsu”… Đức Maria đã không khỏi sửng sốt về lời loan báo đó.

Chỉ là một cô thiếu nữ thôn dã. Lại là cư dân của Galilê, gọi là Nazareth. Một địa danh được biết đến như là một nơi “chẳng có cái gì hay cả…”. Ấy thế mà cô Maria lại được tuyển chọn để cưu mang một Quân Vương. Người là “Con Đấng Tối Cao. Người sẽ trị vì nhà Giacop đến muôn đời, và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận” (Lc 1, 31-33).

Nghe những lời loan báo đó chẳng khác nào cô Maria phải xỏ chân vào một đôi giầy chật. Maria bối rối cất tiếng thở than… Ôi ! “việc ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng”.

Lời thở than của cô Maria đã được sứ thần đáp trả rằng: “Xin đừng sợ… Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà, vì thế, Đấng sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa”… Và rằng: “Đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được”.(Lc 1,37).

Vâng, có thể nói, lời đáp của sứ thần đã hun đúc niềm tin cho Maria. Lòng phó thác của Maria bùng lên một cách mãnh liệt, để rồi cô Maria mạnh dạn thốt lên lời “xin vâng”.

Thế nhưng, khi người nữ tỳ của Chúa bắt đầu chuẩn bị thi hành sứ mạng, lại một nỗi đau thầm kín âm ỉ trong tâm hồn Đức Maria, nỗi đau vì người “đã thành hôn” với mình, một người được gọi “là người công chính” lại “đang định tâm bỏ” mình…

Đức Maria đã nhẫn nại chịu đựng, chịu đựng cho tới khi Giuse nghe được lời sứ thần Chúa hiện đến báo mộng cho ông rằng “Này ông Giuse… Đừng ngại đón bà Maria vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần”. Vâng, niềm tin phó thác của Đức Maria đã chiến thắng.

Tưởng rằng kể từ đây cuộc hành trình thực thi sứ mạng của Đức Maria sẽ suôn sẻ… Nhưng không! Nhiều biến cố đã xảy ra khiến cho Đức Maria đôi lúc phải “suy đi nghĩ lại trong lòng”!

Có thuở nào một vị Cứu Chúa của muôn dân phải “nằm trong máng cỏ”! Ôi! Tại sao Con Đấng Tối Cao phải bôn tẩu trốn sang Ai-Cập “vì Hêrôđê sắp tìm giết hài nhi’’ (Mt 2 :14)

Nazareth ba mươi năm có lẻ với những lời đàm tiếu về con yêu dấu của mình “ông ta không phải là bác thợ, con bà Maria sao?”

Nghiệt ngã chồng chất nghiệt ngã là thế!

Nhưng Mẹ Maria vẫn một lòng “phó thác đường đời cho Chúa”. Vẫn đặt niềm tin vào Thiên Chúa - “Đấng toàn năng đã làm… biết bao điều cao cả”. Vẫn vững bước tiến về Golgotha với bàn tay ôm trái tim nghẹn ngào nhìn người con yêu của mình: “chỉ vì tình yêu (đã phải) nhục thân chết cho trần gian… Để cứu muôn người lỗi tội đưa về trời đẹp tươi.’’(3)

Vẫn cao giọng hát trọn bài Magnificat “Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa”, Mẹ Maria đã đóng trọn vai “nữ tỳ của Đức Chúa Trời”.

Một chút tâm tình

Hàng năm, tháng mười là tháng đặc biệt Giáo Hội cổ vũ lần chuỗi Mân Côi. Trong tháng này, theo lịch phụng vụ, sẽ có lễ kính trọng thể Đức Mẹ Mân Côi. Thánh lễ thường được cử hành vào Chúa Nhật đầu tháng.

Thánh lễ này được thiết lập để tạ ơn Đức Trinh Nữ Maria. Tạ ơn Mẹ đã nhận lời các tín hữu qua việc lần chuỗi cầu nguyện cho Giáo Hội. Và tạ ơn Mẹ đã bảo vệ Giáo Hội.

“Chuỗi Mân Côi” là gì? Xin thưa, có thể gọi đó là một bản-tình-ca. Một bản tình ca với năm mầu nhiệm Vui, năm mầu nhiệm Mừng, năm mầu nhiệm Thương và mới đây thêm năm mầu nhiệm Sáng.

Vâng, hãy suy niệm từng mầu nhiệm, chúng ta sẽ thấy chuỗi Mân Côi đúng là một bản tình ca, ca ngợi những gì là tình yêu thương của Thiên Chúa. Một Thiên Chúa “yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời”(Ga 3,16).

Trước hết là “Năm mầu nhiệm Vui”. Mầu nhiệm vui loan báo cho chúng ta tin vui rằng: Có một “Người trinh nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai, người ta sẽ gọi con trẻ là Emmanuel nghĩa là “Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta”.

Kế tiếp là “Năm mầu nhiệm Sáng”. Năm mầu nhiệm sáng như một luồng ánh sáng chiếu tỏa dung nhan “Giêsu Con Trời”. Một Giêsu đến thế gian “không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian nhờ (Ngài) mà được cứu độ” (Ga 3, 17).

Và đến “Năm mầu nhiệm Thương”. “Thương Yêu!”. Suy niệm năm mầu nhiệm thương, chúng ta sẽ thấy Giêsu Con Trời đã tỏ lộ tình yêu thương của Thiên Chúa đối với nhân loại như thế nào!

Vâng, qua việc hy sinh chính mạng sống của mình, Giêsu Con Trời đã chịu chết trên thập giá để chuộc tội cho nhân loại. Đúng như những gì Ngài đã rao giảng, “Không có tình yêu nào cao quý hơn tình yêu. Người liều mạng sống vì người mình yêu”(Ga 15, 13)

“Năm mầu nhiệm Mừng”. Vâng, quả đúng là những mầu nhiệm của vui mừng và hy vọng. Năm mầu nhiệm mừng như một tiếng chuông ngân, ngân vang những lời tán dương Thiên Chúa. Người chính là Thiên Chúa toàn năng. Người đã chiến thắng sự chết. Người đã cho chúng ta niềm vui mừng và hy vọng về một ngày sau cũng sẽ được sống lại từ cõi chết.

Có thể nói cách khác, Chuỗi Mân Côi là một thiên tình sử giữa Thiên Chúa với con người. Một “Thiên Chúa là tình yêu” như lời thánh Gioan tông đồ đã nói “Chính Người đã yêu thương chúng ta, và sai Con của Người đến làm của lễ đền tội cho chúng ta” (1Ga 4, …10).

Bản tình ca Mân Côi. Vâng, quả là một tuyệt phẩm cho niềm tin và lòng phó thác vào Chúa Giêsu. Vì thế không ngạc nhiên khi cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nói: “Lần chuỗi Mân Côi là giao phó những gánh nặng cho Thánh Tâm Thương Xót của Chúa Kitô và Đức Mẹ Maria”.

Một phút suy tư

Trở lại câu chuyện của Đức Maria. Những cái giá phải trả của Đức Maria cho việc thực thi trọn vẹn sứ mạng nữ tỳ của Chúa, khiến cho ta không thể không liên tưởng đến một dụ ngôn được Đức Giêsu nói tới trong một lần lên Giêrusalem.
Vâng, đó là dụ ngôn “những tá điền sát nhân”.(Mt 21, 33-43).

Ngay khi vừa bước vào Vườn-Nho-Belem, người nữ-tỳ-của-Chúa đã gặp ngay tên “tá điền Hêrôđê”. Một tá điền nổi tiếng hung hãn. Y đã “giết tất cả các con trẻ ở Belem và toàn vùng lân cận” chỉ vì sợ rằng, Con Đấng Tối Cao sẽ đến “thu hồi” vương quyền của y…

Thật có khác nào những tên tá điền trong dụ ngôn. Bọn tá điền đó cũng “bắt người này, giết người kia, ném đá người nọ” chỉ vì sợ những người đầy tớ của chủ vườn nho đến “thu hoa lợi”.

Không khác gì những tên tá điền trong dụ ngôn. Khi “ông chủ sai chính con trai mình đến gặp chúng… Bọn tá điền vừa thấy người con thì bảo nhau: Nào ta giết quách nó đi. Thế là chúng bắt lấy… quăng ra bên ngoài vườn nho, và giết đi” (Mt 21, 37-39).

Vâng, trên đỉnh đồi máu Golgotha, bọn “tá điền Cai-pha” và bảy mươi hai tên tá điền của Thượng Hội Đồng cũng đã hành động như thế. Chúng không nể mặt “Giêsu Con Trời”.. Chúng bắt lấy Giêsu Con Trời và giết chết bằng cách đóng đinh Người trên thập giá…

Đọc xong bài dụ ngôn này, có bao giờ chúng ta tự hỏi rằng: tôi là ai trong bài dụ ngôn? Là “đầy tớ của chủ vườn nho” hay là “những tá điền sát nhân”!?

Có lẽ thật khó để mà trả lời cho câu hỏi trên. Bởi vì cuộc đời Kitô hữu của chúng ta, rất có thể “hoàn cảnh” hôm nay, chúng ta là “đầy tớ của Chúa” nhưng “hoàn cảnh” ngày mai lại trở thành “tên tá điền sát nhân”!!!

Chính vì thế, tại sao chúng ta không nghe lời tông đồ Phaolô khuyên bảo: “Anh em đừng lo lắng gì cả, nhưng trong mọi hoàn cảnh, anh em cứ đem lời cầu khẩn, van xin và tạ ơn, mà giải bày trước mặt Thiên Chúa những điều anh em thỉnh nguyện”(Pl 4, 6).

Tông đồ Phaolô nói tiếp rằng “Ngoài ra, thưa anh em, những gì là chân thật, cao quý, những gì là chính trực tinh tuyền, những gì là đáng mến và đem lại danh thơm tiếng tốt, những gì là đức hạnh đáng khen, thì anh em hãy để ý” (Pl 4,8).

Trở thành “tên tá điền sát nhân”, phải chăng là “đáng mến và đem lại danh thơm tiếng tốt, là đáng khen”!? Câu hỏi này chắc hẳn ai trong chúng ta cũng có thể trả lời.

“Anh em hãy để ý” đến Đức Maria. Khi Mẹ khiêm tốn nói với sứ thần Gapriel rằng: “Tôi đây là nữ tỳ của Chúa”. Kìa! Mẹ đã được chúc phúc “từ nay, hết mọi đời sẽ khen (Mẹ) diễm phúc”.

Giờ đây, nếu có ai hỏi tôi-là-ai trong bài dụ ngôn “những tá điền sát nhân”! Chắc chắn chúng ta sẽ có câu trả lời.

Nếu Chúa cho tôi làm tá-điền-Giám-Mục, làm tá-điền-Linh-Mục! Vâng, đừng vì “hoàn cảnh” mà biến thành “những tá-điền-sát-nhân”. Kẻo khi “Ông chủ Vườn Nho Nước Trời” đến “Ông sẽ tru diệt… sẽ lấy đi không cho các ông nữa…”.

Nếu Chúa gọi tôi làm “đầy tớ của Ngài”! Vâng, hãy “dõi bước theo Mẹ… quyết noi gương Mẹ” khiêm tốn “xin vâng”. Và đừng quên cầu khẩn với Mẹ rằng “Xin Mẹ dạy con hai tiếng xin vâng”(4).

Petrus.tran

……………
(1) Kìa bà nào - tác giả HOÀNG DIỆP.
(2) Hoa Mân Côi - tác giả KIM LONG.
(3) Lời vọng tình yêu - tác giả ĐỖ VI HẠ.
(4) Xin Vâng - tác giả MI TRẦM.

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây