TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

CN34TNb - Đức Giêsu Kitô, Vua Vũ Trụ

“Quan nói đúng: Tôi là Vua”. (Ga 18, 33b-37)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Tính Hiếu Hoà

Thứ hai - 10/05/2021 06:51 | Tác giả bài viết: Lm Giuse Hoàng Kim Toan |   1442
Tính Hiếu Hoà

Tính Hiếu Hoà

 

Mỗi dịp cuối năm, chuẩn bị sang một năm mới, tiếng gọi của sứ điệp hoà bình lại càng khẩn thiết hơn. Với sứ điệp hoà bình của Đức Giáo Hoàng Phanxicô gợi nhắc đến thái độ vô cảm của con người dẫn đến việc xa rời Thiên Chúa, xa rời tình thương giữa con người với nhau, xa rời chăm sóc ngôi nhà chung thiên nhiên đang sống. Nhiều giá trị bị vứt bỏ, trong bài này, xin gợi nhắc lại một giá trị “hiếu hoà” của người Việt Nam đang bị đánh mất.

Sự tích “Âu Cơ” vọng về một quá khứ của cộng đồng Bách Việt chạy dài từ ven biển bán đảo Sơn Đông, qua ven biển vùng hồ Động Đình vốn xưa đã là trung tâm của họ Viêm đế Thần nông, gốc họ Hồng Bàng, qua vịnh Bắc Bộ, đến cửa Hội Thống, chỗ rẽ vào Ngàn Hống, nơi Kinh Dương Vương xây dựng Kinh thành. Hình tượng bọc Âu Cơ là hình tượng quả bầu Bách Việt, để truyền lại cho con cháu lời răn bảo:

“Bầu ơi thương lấy bí cùng.
Tuy rằng khác giống mà chung một giàn”

Lời nhắn nhủ ấy ăn sâu trong tâm thức người Việt, như vườn ươm hiếu hoà mà hôm nay hướng về “ngày cầu nguyện hoà bình trên thế giới” cùng ước nguyện.

Cây mầm hiếu hoà trên đất Việt sinh trưởng trong những hoàn cảnh đặc biệt, mang lại những hoa trái nhất định:

“Con một mẹ, hoa một chùm,
Thương nhau nên phải bọc đùm lẫn nhau.”

Câu ca dao ấy, luôn luôn nhắc nhủ con cháu sau này, có lớn lên, có giàu, có nghèo, có đau, có phúc lấy nghĩa của tình thương mà đối xử với nhau. Ai cũng lớn lên trên cùng một đất mẹ, uống chung một bầu sữa, nói một tiếng mẹ và sống trong một tình mẹ chở che. Việc yêu thương nhau từ gốc một mẹ ấy mà sống thuận hoà với nhau.

“Khôn ngoan đối đáp người ngoài.
Gà chung một mẹ chớ hoài đá nhau”

Tình yêu thương kết nên mối hiếu hoà. Trong câu thường nói của người Việt Nam khi chỉ đến người khác, người Việt Nam thường nói đến từ ngữ “người ta”. Cụm từ đơn giản nhưng mang một ý nghĩa rất sâu sắc :Trong người có ta, trong ta có người. Người ở trong ta, ta ở trong người, khi chỉ đến người khác ta nhưng ta lại không khác người. Triết lý âm dương bàng bạc trong câu nói người Việt Nam để diễn dịch ý nghĩa “trong âm có dương trong dương có âm”. Ảnh hưởng từ tư duy đến cách sống nên người Việt cũng lấy: “dĩ hoà vi quý” làm nguyên tắc sống hài hoà. “Thương người như thể thương thân”. Chính từ lối tư duy ấy mà người Việt có lối sống quân bình. Hài hoà với thiên nhiên, hài hoà với con người, hài hoà với vạn vật để cuối cùng cho chính mình tìm thấy hạnh phúc.

Trọng tính hài hoà, để mưu cầu lấy phúc, người Việt ý thức rằng “không ai là một ốc đảo”, sống là sống chung, sống với, gắn liền cuộc sống của mình với người khác. Sự gắn bó này mạnh cho đến nỗi: “bán anh em xa, mua láng giềng gần”. Làng nước là cụm từ quen thuộc nữa trên môi miệng người Việt. Từ phạm vi cá nhân cũng như phạm vi xã hội; từ việc cá nhân cũng như việc của cộng đồng cũng luôn sử dụng từ ngữ này. Nói chung Nước Việt ở trong vùng văn hoá nông nghiệp, nền văn hoá ấy được xây dựng trên nền tảng “Làng”, lấy văn hiến làng làm cơ sở kiến quốc. Từ ngữ làng gắn liền với nước là như thế. Khi hoạn nạn người ta kêu: “làng nước ơi”, khi nói ra cho mọi người, người ta cũng nói: “Trình làng nước”.

“xóm giềng là nghĩa chí thân,
hoạn nạn tương cứu, phú bần tương tri”

Sống được với nhau hẳn đó cũng là một nền “nhân bản” đúng nghĩa Kitô giáo, theo Lời Chúa Giêsu dạy: “Anh em hãy yêu thương nhau, như Thầy đã yêu thương anh em”. Trong khung cảnh làng nước xưa ấy, không có cảnh thầy thợ, chủ tớ, bóc lột, bất công.

“cơm ăn chẳng hết thì treo,
việc làm chẳng hết thì kêu láng giềng”

Người nhà quê có thói quen làm đổi công cho nhau, người nhà này sang làm cho nhà kia, đến bữa thì ăn chung, nhà có thì đãi đằng thêm món thịt, nhà chẳng có thì cơm canh cá cũng xong. Hết việc nhà nọ thì làm cho nhà mình hoặc nhà nào khác. Giả như trong nhà có việc tang hay cưới, làng xóm kéo đến, mỗi người một tay, ai biết gì thì phụ nấy, chẳng ai tính công, ai cũng coi việc nhà khác như việc nhà của mình. Tinh thần làng xóm hỗ tương đó, nào có mấy khi tranh chấp, cãi vã. Quê hương cũng thanh bình từ những cái tình ấy, nên mỗi quê cũng có những “đất lề quê thói” nào đó, nhưng tựu trung nét đặc biệt nhất mà có thể thấy được là tinh thần hiếu hoà: “lấy chín bỏ làm mười” để rồi tự răn mình:

“Ở cho phải phải, phân phân.
Cây đa cậy thần, thần cậy cây đa”.

Cho nên cụm từ quen trên môi miệng “người ta” là kết quả trong cuộc sống giao hảo nhiều lắm. Từ khi ấy người ta biết sống và người ta cũng biết chết cho có ý nghĩa:

“Giúp nhau là nợ đồng lân.
Trời đất xoay vần, kẻ trước, người sau.
Chưa ai ba họ cùng giàu.
Chưa ai nghèo khó đến đâu ba đời.
Sống trên đời cùng nhau cấy cày,
Thác buông tay giàu mấy cũng không!
Hay chi độc dạ tham lòng.
Sao bằng để một tiếng “Trong” ở đời”.

Từ những quan niệm bình dân như thế, người Việt cũng nhắm tới việc đào luyện bản thân, trong cách ăn ở, lối cư xử, đến phẩm giá, đến nhân cách, chứ không để ý đến việc giàu nghèo hơn thua. Cái quan trọng trong đời sống cộng đoàn là có sống được với nhau không? Nếu không sống được với nhau người ta chỉ cón cách bỏ làng lên rừng mà sống một mình. Đời sống nông thôn có tính cách tập thể rất cao đưa tới sự hiệp nhất. Hiệp nhất trong cùng một huyết thống, hiệp nhất trong cùng một xóm ngõ, đến hiệp nhất trong cùng một làng một nước. Chúng ta thấy tục giao hiếu giữa các làng xã là bằng chứng.

Theo tác giả Toan Ánh: “làng xóm Việt Nam có tục giao hiếu giữa hai hoặc nhiều làng. Về phương diện tế tự, sự giao hiếu giữa nhiều làng còn nhắm mục đích tương trợ lẫn nhau, hoặc tạo thân tình giữa dân những làng lân cận”. Giao hiếu cũng là cách thức bày tỏ tính cách hiếu hoà của người Việt xưa, người ta thường tổ chức lễ hội giao hiếu này vào Mùa Xuân, những làng giao hiếu tổ chức những đám rước quan viên lẫn nhau, gọi là rước giao hiếu. Làng này rước đến làng kia tuỳ theo năm làng nào đứng ra tổ chức thay phiên. Sau khi vào đình tế lễ thần, họ tham dự bữa tiệc, hát xướng với nhau.

Nếu có điều gì mích lòng nhau, người Việt xưa dùng cách nói khéo hay dùng những người có tài giao hảo làm trung gian để hoà giải. Không ai muốn nuôi giận mãi, bởi vì “Giận quá mất khôn”, hơn nữa vì một dòng máu con Việt: “Máu chảy đến đâu, ruồi bâu đến đấy” có ích gì khi người ta giận nhau.

Tinh thần làng nước xưa ấy tiếp nhận Tin Mừng Chúa Giêsu qua các vị Thừa sai tiên khởi, đã làm ngạc nhiên đối với nhiều người, đến nỗi người ta không biết gọi là đạo gì, nên gọi theo những gì người ta thấy, đó là “đạo những người thương nhau”. Trong tâm khảm người Việt đã có một mảnh đất tình thương màu mỡ, như mảnh đất sẵn sàng đón nhận và sinh hoa kết trái hạt giống Tin Mừng đón nhận.

Tính cách làng xóm xưa ấy, đẹp như hình ảnh của cộng đoàn tín hữu tiên khởi chứ có kém gì: “Tất cả các tín hữu hợp nhất với nhau” (Cv 3, 44). Cái giàu cái nghèo nếu biết đem chia sẻ cho nhau như trong tình làng nước thì xã hội chẳng công bình sao? Tự trong nền văn hoá dân tộc đã có một tiền Phúc âm, nếu lấy những nét đẹp trong truyền thống làm nổi bật tính Tin Mừng, thì thấy rằng Tin Mừng đã trở thành cuộc sống, ăn rễ sâu trong nền văn hoá rồi. Đức Hồng y Ratzinger nhận định rằng: “Đức Tin tự nó là văn hoá. Không có đức tin trần trụi, cũng chẳng có văn hoá thuần tuý”.

Tinh thần hiếu hoà của người Việt là một điểm son trong nền văn hoá, ước gì truyền thống ấy ngày càng bén rễ sâu trong lòng dân tộc, nhất là nơi những người Kitô hữu, những người lãnh nhận sứ vụ xây dựng hoà bình trên trái đất.

Tiếc rằng ngày nay nhiều giá trị hiếu hoà không còn được giữ gìn. Cuộc sống đẩy nhiều người tới chỗ hơn thua, đối xử với nhau bằng dao, bằng vũ khí, lời nói độc địa. Đến với nhau bằng những thù hằn, ghen ghét, yêu thương giả tạo, mua bán tình người…

Trong sứ điệp hoà bình 2016, Đức giáo Hoàng mời gọi rời bỏ lối sống vô cảm. Vô cảm với Thiên Chúa, vô cảm với nhau và vô cảm với thiên nhiên, là những thứ vô cảm làm tê liệt cuộc sống yêu thương, hoà bình. Hoán cải với lòng thương xót của Chúa để thấy nhau, thấy môi trường thiên nhiên là bạn.

Xây dựng lại tình yêu để có con người hiếu hoà: “Tình thương là con tim của Thiên Chúa. Tình thương cũng cần phải là con tim của các phần tử thuộc một đại gia đình duy nhất của con cái Ngài: một con tim lại càng rung động mạnh hơn hơn bất cứ khi nào phẩm giá của con người - như là một phản ảnh dung nhan của Thiên Chúa nơi các tạo vật của Ngài - đang bị vi phạm.” (Trích Sứ điệp hoà bình 2016, Đức giáo Hoàng Phanxicô.)

Lm Giuse Hoàng Kim Toan

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây