TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

CN34TNb - Đức Giêsu Kitô, Vua Vũ Trụ

“Quan nói đúng: Tôi là Vua”. (Ga 18, 33b-37)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Sự Thương Khó Đức Giêsu (Mc 11, 1-10)

Thứ tư - 20/03/2024 21:08 | Tác giả bài viết: Lm. Thái Nguyên |   473
Hôm nay, cùng với toàn thể Giáo Hội, chúng ta cử hành biến cố Đức Giêsu khải hoàn vào thành Giêrusalem với tư cách là Đấng Mêsia,

SỰ THƯƠNG KHÓ ĐỨC GIÊSU

LmTN 210324a

Chúa Nhật Lễ Lá năm B: Mc 11, 1-10

Suy niệm

Hôm nay, cùng với toàn thể Giáo Hội, chúng ta cử hành biến cố Đức Giêsu khải hoàn vào thành Giêrusalem với tư cách là Đấng Mêsia, đồng thời với tư thế sẵn sàng chịu đau khổ và chịu chết vì chúng ta.

Theo lời Thiên Chúa hứa, dân Israel từng ngày mong chờ hoàng tử nhà Đavít đến cứu thoát họ khỏi cảnh lầm than. Thực tế là họ chỉ nhắm vào việc được giải thoát khỏi ách đô hộ của đế quốc Rôma. Khi Đức Giêsu tiến vào thành thánh, dân chúng đã nhiệt liệt tung hô: các môn đệ “lấy áo choàng của mình trải lên lưng lừa”, dân chúng thì “chặt nhành chặt lá ngoài đồng mà rải. Người đi trước kẻ theo sau reo hò vang dậy”. Đối với họ, ngày giải phóng đã đến, vị anh hùng đã xuất hiện.

Thế nhưng Đức Giêsu vào thành không phải với phong thái của vị tướng oai phong hiển hách ngồi trên lưng chiến mã để sát phạt, nhưng lại ngồi trên lưng lừa, là hình ảnh của vị vua hòa bình, hiền từ và khiêm nhường để hiến dâng chính mình. Đây là hình ảnh đã được tiên báo bởi ngôn sứ Dacaria:Hỡi thiếu nữ Giêrusalem, hãy vui sướng reo hò! Vì kìa Đức Vua của ngươi đang đến với ngươi: Người là Đấng Chính Trực, Đấng Toàn Thắng, khiêm tốn ngồi trên lưng lừa…” (9, 9-10).

Vua Giêsu ngồi trên lưng lừa diễn tả một vị vua hoàn toàn khác, và cũng không mang ý nghĩa giải phóng theo kiểu người Do Thái chờ mong. Ở đây, hình ảnh ‘thủ lãnh cưỡi lừa’ đúng là thích hợp với câu tung hô “Hôsanna!” của người Do Thái, theo nghĩa ‘hãy cứu chúng tôi!’. ‘Cứu chúng tôi’ không phải bằng quyền lực thống trị như bất kỳ lãnh tụ nào khác, nhưng “cứu chúng tôi cho khỏi mọi sự dữ”, bằng lòng từ bi và thương xót của “Đức Vua đang đến...”

Thật vậy, đối với Đức Giêsu, mục đích tối hậu của hành trình lên Giêrusalem là “thánh giá”, nghĩa là trao ban chính bản thân mình cho nhân loại, “yêu mến cho đến tận cùng” (Ga 13,1). Vì chỉ có tình yêu mới cứu thoát con người khỏi sự trầm luân khổ ải. Cuộc đời tràn ngập đau khổ nên Phật giáo coi “Đời là bể khổ”. Nhiều người đã tìm nhiều cách để tránh khổ và diệt khổ. Nhưng Đức Giêsu không tránh khổ, cũng không diệt khổ. Ngài “vác” lấy đau khổ (thập giá), và Ngài dạy tất cả mọi người: “Ai muốn theo Ta, hãy vác thập giá mình mà theo”.

Phụng vụ Lễ Lá được tiếp nối bằng việc công bố sự thương khó, cho chúng ta thấy rõ hơn chân dung của vị vua hòa bình, cũng là người tôi tớ đau khổ của Thiên Chúa, vì Ngài đến thế gian là để thi hành ý muốn của Chúa Cha (x. Dt 10,9), để cứu độ nhân loại. Đây không phải một sự cứu độ chỉ cần tuyên bố là xong như bao kỳ công mà Thiên Chúa đã thực hiện. Việc sáng tạo muôn loài chỉ cần Thiên Chúa phán một lời, nhưng để cứu độ con người thì phải đánh đổi bằng một đời của Con Một Ngài. Vì sáng tạo thì có thời hạn, còn cứu độ thì vô thời hạn.  

Trên con đường thập giá, Ðức Giêsu đã đi đến tột cùng của nỗi cô đơn: “Lạy Thiên Chúa tôi, tại sao Ngài bỏ tôi?”. Ngài đã bị hành hình một cách ô nhục, tan nát cả tấm thân: đầu bị quấn mão gai như ông vua hề; khuôn mặt thánh thiện bị tát tai và khạc nhổ; tấm thân ngời sáng bị phơi ra cho những trận roi cầy nát; đôi bàn tay thi ân giáng phúc bị co quắp dưới những mũi đinh đóng chặt; đôi bàn chân đi rao giảng tin mừng cũng bị đóng cứng; Đấng trong sạch vô ngần bị lột áo phơi mình ra trần trụi. Không còn gì hãi hùng hơn trong cảnh tượng một người có thể chịu đựng như thế. Nhưng Đức Giêsu đã chịu vì con người và cho con người, để con người được giao hòa với Thiên Chúa.

Cái chết của Chúa Giêsu trên Thập giá là một bày tỏ về tội lỗi của loài người chúng ta. Mãi mãi Thập giá là biểu trưng của sự độc ác của con người, là đỉnh cao của trí tuệ con người trong việc sáng chế ra những phương thế hành hạ và loại trừ nhau, là bản án của tội lỗi nhân loại trải qua mọi thời đại. Nhưng Thập giá không chỉ là một mạc khải về tội lỗi con người, mà còn là mặt trái của ánh sáng tình yêu: một tình yêu kiên trung và hy sinh cho đến cùng để tha thứ mọi tội lỗi cho nhân loại.

Tuần Thánh, chúng ta cùng dõi bước theo con đường thập giá của Chúa Giêsu, để trong tin yêu hy vọng, chúng ta cũng đón lấy thập giá của đời mình. Cùng với Mẹ Maria đứng dưới chân thập giá, ta hãy để tâm hồn mình hòa nhập vào những nỗi thống thiết của Chúa Giêsu. Hãy cảm nhận cái nhìn tràn đầy yêu thương và trìu mến của Chúa trên cuộc đời chúng ta. Trong tình yêu đó, ta hãy tận dụng mọi khổ đau để thông phần với Chúa mà cải hóa đời mình trong tiến trình hoàn thiện.

Cầu nguyện
Lạy Chúa! Chúa đã cho con được biết,
nguyên nhân của sự dữ bởi loài người,
khi dùng tự do của mình để phạm tội,
đi ngược lại đường lối của tình yêu.


Vì tội lỗi có đau khổ và sự chết,
là hậu quả của vòng vây nghiệp chướng,
khiến cuộc đời mang nặng những sầu thương,
và do đó đánh mất cả thiên đường.


Sự dữ ở mọi nơi và mọi lúc,
tàng ẩn nơi mọi người và mọi vật,
luôn khơi dậy từ ham muốn bên trong,
làm rối loạn cho cuộc sống nhân trần.


Sự dữ khiến nhiều người đặt câu hỏi:
Nếu Thiên Chúa toàn năng,
sự dữ sao lại có?
Nếu Thiên Chúa là tình yêu,
sự toàn năng của Người có hay không?


Chúa Giêsu đã trả lời trên thập giá:
quyền năng của Thiên Chúa là tình yêu,
khi trao hiến Con Mình cho nhân loại.

đền thay sự bại hoại của trần gian,

Sự dữ hay tội lỗi là thách đố,
đều có chỗ trong chương trình tạo dựng,
để con có cơ hội mà minh chứng,
lòng thành tin hay bất tín của mình.


Xin cho con sức mạnh lòng yêu mến,
để dẹp tan những bóng tối tội đời,
những ích kỷ kiêu căng và gian dối...
để tim con từ đây được biến đổi,
trọn cuộc đời để phụng sự Chúa thôi. Amen.

Lm. Thái Nguyên

 

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây