TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

CN34TNb - Đức Giêsu Kitô, Vua Vũ Trụ

“Quan nói đúng: Tôi là Vua”. (Ga 18, 33b-37)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Sức mạnh của sự thinh lặng trong đau khổ

Thứ tư - 10/04/2024 11:02 | Tác giả bài viết: |   1904
"Chúa Giêsu không trả lời gì thêm, khiến ông Philatô ngạc nhiên."
Sức mạnh của sự thinh lặng trong đau khổ

SỨC MẠNH CỦA THINH LẶNG TRONG ĐAU KHỔ

"Chúa Giêsu không trả lời gì thêm, khiến ông Philatô ngạc nhiên."

Có một sự khác biệt rõ rệt giữa thái độ của Đức Giêsu và đám đông cùng với Người tiến vào thành Giêrusalem. Đám đông trong sự ồn ào, náo nhiệt tung hô Đức Giêsu là Đấng nhân Danh Thiên Chúa mà đến, nhưng rồi họ lại bất trung với lời ca khen này. Họ không trung tín với lời ca ngợi “Hoan hô” Đức Giêsu nhưng đã phản bội và lăng mạ Người bằng sự hô hoán “đóng đinh nó” trong hành trình cuộc khổ nạn.

Đối lại với đám đông, Đức Giêsu vẫn luôn giữ thinh lặng và tín trung trong sứ mạng của mình. Khi tiến vào thành Giêrusalem bên cạnh đám đông náo nhiệt, Ngài vẫn luôn giữ thinh lặng, không hòa với đám đông trong những bài ca chiến thắng và bỏ mình ra khỏi sự hồ hởi, phấn khích của họ.

Cũng thế, ngay cả khi bị các thượng tế kết án, Ngài vẫn luôn giữ im lặng dù rằng Ngài vô tội. Ngài không một lời bác bỏ hay bào chữa cho mình khi bị các thượng tế và hàng kỳ mục buộc tội về nhiều điều. Thậm chí quan Philatô cũng đổi ngạc nhiên về sự im lặng của Ngài: “Ðức Giêsu không trả lời gì nữa, khiến ông Philatô phải ngạc nhiên”.

Khi bị treo trên cây thập giá, Đức Giêsu vẫn giữ im lặng dù bị người ta buông lời xúc phạm, nhạo báng rằng: Kẻ phá đền thờ Thiên Chúa và xây lại trong ba ngày: hãy tự cứu mình xuống khỏi thập giá đi… Nó đã cứu được những kẻ khác mà không tự cứu mình. Dù trong hoàn cảnh nào, Ngài vẫn không thốt ra một lời hay hành động nào làm bẻ mặt đám đông.
 
Đức Giêsu đã đối diện với mọi đau khổ bằng sự thinh lặng. Sự thinh lặng này chính là lòng đầy tin tưởng vào Chúa Cha. Ngài chọn im lặng sau khi đã thi hành theo ý Cha: “Chính những việc tôi làm đó làm chứng cho tôi rằng Chúa Cha đã sai tôi.” (Ga 5,36). Đức Giêsu im lặng vì Ngài hằng hiệp thông với Chúa Cha, Ngài mở lòng đón nhận và thi hành ý Cha trên hết mọi sự, “người Con không thể tự mình làm bất cứ điều gì, ngoại trừ điều Người thấy Chúa Cha làm; vì điều gì Chúa Cha làm, thì người Con cũng làm như vậy”. (Ga 5, 19). Ngài im lặng không phải vì họ đã làm đau Ngài, hay im lặng vì để trả thù họ. Nhưng Ngài im lặng vì sự cứng tin của họ dù đã được chứng kiến những phép lạ và lời dạy Ngài đã làm.


Thái độ khác biệt giữa chúng ta và Đức Giêsu khi đối diện với đau khổ là ta nói quá nhiều. Ta luôn cằn nhằn, phàn nàn khi mọi thứ không như ý muốn. Ta lo nghĩ đến những việc xấu mà người khác đã làm để gây đau khổ cho ta. Ta ghim và nhắc đi nhắc lại những khổ đau mà người khác tạo ra cho mình. Và mau lẹ đổ lỗi cho ai mà ta nghĩ chính họ là nguyên nhân gây đau khổ cho ta. Thậm chí, ta còn hành động và buông lời nhục mạ họ. Ta để cho những tư tưởng bừa bãi này xuyên suốt và thống trị tâm trí, rồi kiểm soát lý trí ta đến mức mất đi nhận thức về sự có mặt và hành động đầy yêu thương của Thiên Chúa trong đời ta.

Hỡi anh chị em thân mến của tôi trong Đức Kitô, chúng ta chẳng bao giờ có thể thực sự thấu hiểu mầu nhiệm về đau khổ trong cuộc đời ta. Không có một cuộc trao đổi, tư tưởng, hình ảnh, kí ức hay sự suy xét nào có thể giải đáp thỏa đáng tại sao đau khổ lại đến trong đời ta. Đức Giêsu đã dạy ta thấy rằng, nếu ta tiến vào sự thinh lặng với lòng tín thác nơi Thiên Chúa, thì sau mọi nỗ lực của ta, Ngài sẽ nâng đỡ ta trong sự trung tín của ta với Ngài đến cùng.

Bài học đầu tiên nơi Đức Giêsu là ta phải biết giữ thinh lặng trong đau khổ của mình. Trong đau khổ, khi biết thinh lặng, ta sẽ cảm nhận được sự hiện diện luôn luôn của Thiên Chúa ở đó, và ta sẽ không đơn độc dù trong những lúc tăm tối nhất. Ta cũng sẽ lắng nghe được lời an ủi của Ngài khi ta thinh lặng cõi lòng trước sự hiện diện của Ngài và dâng lên Ngài những suy nghĩ, ký ước, trí tưởng, kế hoạch và khát khao của ta.

Chỉ khi đối diện với đau khổ bằng sự thinh lặng, thì ta mới thực sự cầu nguyện với Chúa bằng con tim mình. Thánh Têrêsa Calcutta nhắc nhở chúng ta về giá trị của sự thinh lặng khi ngài nói, “Thinh lặng là hạt giống của lời cầu nguyện. Cầu nguyện là hạt giống của đức tin. Đức tin là hạt giống của sự phục vụ.” Chung ta càng tiến sâu vào thinh lặng, chúng ta càng có thể cầu nguyện, yêu thương, phục vụ và vâng lời Thiên Chúa như Chúa Giêsu đã làm, tức là “cho đến nỗi bằng lòng chết trên thập giá".

Sống trong thế giới ồn ào hôm nay, chúng ta có nhiều dự tính. Hầu như ta ít khi ngừng lại để ngẫm xem những dự tính và ước muốn trong ta bắt nguồn từ đâu.

Nếu lần tới, khi chúng ta trải qua những đau đớn và thống khổ trong cuộc đời, trước tiên chúng ta hãy đặt mình trước sự hiện diện của Thiên Chúa, Đấng yêu thương ta vô tận và không ngơi nghỉ. Tôi thấy khoảnh khắc tham gia cử hành Bí tích Thánh Thể là hữu ích nhất vì Chúa Giêsu thực sự hiện diện ở đó, trong thân xác của Ngài chịu đau khổ, chết và sống lại từ cõi chết để cứu rỗi chúng ta. Đơn giản chỉ cần giữ thái độ dễ đón nhận, tin tưởng rằng Ngài chắc chắn sẽ hành động và soi sáng cho  ta về bước tiếp theo mà chúng ta phải làm trong đau khổ của mình.

Bài học tiếp theo, chúng ta hãy hướng về Mẹ Maria, Đức Mẹ Sầu Bi của chúng ta. Mẹ là người đứng dưới chân Thập giá, hoàn toàn im lặng và đón nhận giữa tất cả những ồn ào và lăng mạ xung quanh Mẹ. Mẹ đã sẵn sàng đón lấy những lời của Đức Giêsu nói với Mẹ: "Thưa Bà, này là con Bà." (Ga 19, 26). Mẹ im lặng và tin tưởng chờ đợi Sự sống lại của Ngài vào lễ Phục Sinh. Chúng ta cũng xin Mẹ giúp chúng ta tĩnh lặng và sẵn sàng đón nhận bất cứ điều gì Đức Giêsu muốn gửi đến với chúng ta ngay lúc đau khổ và tổn thương. Là Mẹ của chúng ta, Mẹ Maria biết và hiểu tất cả những sự ồn ào và bất trung của chúng ta ra sao.

Với sự hiện diện của Đức Giêsu trong Thánh Thể và chia sẻ trong thinh lặng của Mẹ Diễm Phúc ở bên cạnh, chúng ta chắc chắn sẽ nhận được những ân sủng và tình yêu mà Chúa Giêsu luôn trao ban. Đây là cách duy nhất để chúng ta có thể trung thành với Thiên Chúa ngay cả khi đối diện với mầu nhiệm khó hiểu về đau khổ trong đời.
Ngợi khen Đức Giêsu
Tung hô Mẹ Maria

Đức Hữu chuyển ngữ từ: https://catholicexchange.com/the-power-of-being-silent-in-our-suffering/

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây