TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật XXXIII thường Niên -Năm B

“Bấy giờ thiên hạ sẽ thấy Con Người đầy quyền năng và vinh quang ngự trong đám mây mà đến.” (Mc 13,24-32)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Tháng hoa, nhớ Mẹ MARIA...

Thứ tư - 03/05/2023 04:23 | Tác giả bài viết: Petrus.tran |   712
Khi tháng hoa về, hầu hết tất cả các giáo xứ đều tổ chức rước kiệu Đức Mẹ.

Tháng hoa, nhớ Mẹ MARIA...

tbd 030523a


Hàng năm, cứ vào ngày Chúa Nhật tuần thứ hai của tháng năm, Hoa Kỳ và một số nước Phương Tây tổ chức một ngày lễ được gọi là The Mother’s Day - Ngày Hiền Mẫu. Ngày này được đặt ra với chủ đích để con cái nhớ đến công ơn sinh thành, dưỡng dục của người mẹ đối với mình.

Với lịch phụng vụ Công Giáo, tháng Năm được gọi là “tháng hoa”, và đó cũng là tháng Giáo Hội dành riêng để nhớ đến một người Mẹ, và người Mẹ đó chính là Mẹ Maria.

Khi tháng hoa về, hầu hết tất cả các giáo xứ đều tổ chức rước kiệu Đức Mẹ. Ngay từ trung tuần tháng 4, các giáo xứ đều tất bật chuẩn bị kiệu hoa, thành lập một đội ngũ khiêng kiệu, và một đội ngũ “dâng hoa cho Mẹ”.

Kiệu hoa của mỗi giáo xứ đều có nét đặc thù riêng, mỗi nơi một vẻ. Còn nhóm dâng hoa thì đúng là trăm hoa đua nở, muôn sắc muôn màu.

Nói đến “rước kiệu Đức Mẹ”, người viết chợt nhớ đến cuộc rước kiệu của gần 50 năm trước đó. Đó là cuộc rước kiệu Đức Mẹ tháng 5 năm 1974. Hôm nay (tháng 5/2023), nhân tháng hoa về, người viết xin được phép kể lại hầu quý vị.

**
Tháng 5 năm 1974. Vâng, đó là một khu xóm trong một trại gia binh hỗn hợp, tọa lạc bên cạnh Đơn vị 3 Quản Trị Trung Ương, đường Tô Hiến Thành - Saigon. Vì là khu gia binh nên những người Công Giáo sống nơi đây không trực thuộc giáo xứ nào cả, mặc dù gần đó có giáo xứ Hòa Hưng. Chúa Nhật ai muốn đi lễ ở nhà thờ nào tùy ý.

Và khi tháng hoa về. Nhìn các khu xóm thuộc các giáo xứ lân cận (đặc biệt là các khu xóm chung quanh ngã ba Ông Tạ) nhộp nhịp thiết kế kiệu hoa Đức Mẹ, chộn rộn thành lập đội dâng hoa cho Mẹ. Một số người Công Giáo trong trại gia binh đặt câu hỏi: tại sao khu xóm gia binh không rước kiệu Đức Mẹ như những khu xóm Công Giáo khác quanh vùng!

Thế là có ba ông gia trưởng họp nhau lại khởi xướng. Ba chàng ngự lâm pháo thủ sau khi bàn bạc, tất cả đều đồng ý với nhau rằng: “Trước tiên, vào mỗi buổi tối, chúng ta cùng nhau rước kiệu Đức Mẹ luân phiên đến từng nhà của ba người trong nhóm và đọc kinh tối.”

Cuộc rước kiệu bắt đầu. Gọi là rước kiệu Đức Mẹ cho “xôm tụ”, chứ thật ra, có bàn kiệu gì đâu… Ba ông khởi xướng luân phiên “ôm tượng Đức Mẹ” đến gia đình nào trúng “tua” hôm đó.

Đến gia đình thứ ba, họ tự hỏi: “Vậy ngày mai đến nhà ai?”. Thế là, sáng hôm sau, nhóm ba người cử một người đại diện đến những gia đình Công Giáo trong khu gia binh và hỏi “tối nay, quý ông bà có muốn rước-kiệu-Đức-Mẹ đến nhà đọc kinh không?”.

Vâng, đó là một công việc, nếu không có lòng yêu mến Đức Mẹ, chắc chắn ba vị đó sẽ không đời nào chịu làm.

Những hôm đầu, có gia đình vì sĩ diện “miễn cưỡng” đồng ý. Có gia đình tuy là Công Giáo nhưng họ từ chối thẳng thừng. Họ nại đủ mọi lý do rằng thì là mà v.v… và v.v…

Thế nhưng, khi đến lượt của nhà thứ mười thì mọi sự như có phép lạ. Nhóm ba người không cần thay phiên nhau đến “năn nỉ” từng gia đình nữa. Cả khu gia binh, từng gia đình tự động đến “xin các bác tối nay rước-kiệu-Đức-Mẹ đến gia đình chúng em”.

Ông Mãn (người viết quên tên họ của ông), một trong ba người khởi xướng, lập danh sách mệt xỉu luôn.

Chưa hết, họ đòi phải có “bàn kiệu”, chứ cứ “ôm tượng” Đức Mẹ thế này thì tội Mẹ quá đi!

Tạ ơn Chúa. Ông Mãn, là lính quân cụ, chạy ngay vào đơn vị, xin một ít thùng gỗ đựng đạn, mang về nhà đóng ngay một cái bàn kiệu. Sơn hả! Quân cụ thiếu gì sơn!

Đội “khiêng kiệu Đức Mẹ” đâu! “Cái này thì quý bà phải đóng góp chứ!” Ông Lã Phú Tới, cũng là một trong ba người khởi xướng, đã nói trong buổi họp như thế.

Thế là, một “tiểu đội” những cô gái con của những bà vợ lính nhiệt tình tham gia. Bốn cô khiêng kiệu, tám cô còn lại vào đội dâng hoa.

Đến trung tuần tháng năm, cả xóm gia binh đêm nào cũng nhộp nhịp rước kiệu Đức Mẹ đến từng gia đình. Đoàn rước kiệu theo ngày tháng, ngày một dài thêm.

Đoàn kiệu vừa đi vừa lần chuỗi Mân Côi. Lại còn cứ mỗi lần xong “một chục”, mười hai cô trong đội khiêng kiệu và dâng hoa, lại cất tiếng hát vang: “Ave Maria con dâng lời chào Mẹ. Ave Maria con dâng lời chào Mẹ. Khi tàn màu nắng chiều, và khi sương đêm nặng gieo, con say sưa lời ca chào: Ave Maria. Con dâng lên Mẹ lời mừng Maria đầy phúc. Maria đầy ơn, Mẹ luôn có Chúa ở cùng. Maria Mẹ hiền từ xinh hơn muôn phụ nữ. Con dâng lên lời ca: Mẹ tươi hơn muôn ngàn hoa.”

Ông Mãn… lại là ông Mãn, mời được hai anh “lính kèn” tham dự. Có tiếng kèn hòa theo, ban nhạc vì thế hát lại càng sốt sáng hơn. Còn đoàn rước kiệu thì cứ “say sưa” đi theo sau Mẹ.

Như đã nói ở trên, đoàn rước kiệu ngày một đông thêm đó là do ngay cả con em những gia đình Phật giáo cũng tham gia. Có thể là do tò mò mà đi. Cũng có thể thấy vui mà đi.

Rồi tháng Năm cũng chấm dứt, nhiều gia đình “ấm ức”. Ấm ức vì “gia đình chúng em có xin nhưng sao các bác lại không rước kiệu Đức Mẹ đến gia đình chúng em!”

Ba chàng ngự lâm than thở: “Ôi! Mẹ Ơi! Tháng Năm có ba mươi mốt ngày, thế mà gần một trăm gia đình xin được rước-kiệu-Mẹ đến nhà, chúng con biết làm sao bây giờ!”

Chưa hết, như được ơn Chúa Thánh Thần thôi thúc, tự nhiên những gia đình Công Giáo yêu cầu “ba chàng ngự lâm” phải tổ chức một Thánh lễ kết thúc tháng hoa.

Tổ chức như thế nào đây? Có hai việc phải làm. Thứ nhất là xin phép ông trưởng trại gia binh và thứ hai là mời linh mục tới làm lễ.

Việc mời linh mục do chàng ngự lâm Trần Đình Yêm đảm trách. Sau khi ông Yêm trình bày với Cha Bernado Phạm Văn Quy, chánh xứ Hòa Hưng, ngài vui vẻ nhận lời.

Cũng xin nói thêm về vị linh mục này đôi chút, đó là vào trung tuần tháng Năm, nghe đồn là khu gia binh rước kiệu Đức Mẹ đến từng gia đình, vị linh mục chánh xứ Hòa Hưng có “vi hành” đến trại và đã chứng kiến tận mắt cuộc rước kiệu này.

Việc xin phép ông trưởng trại gia binh chỉ là thủ tục cho phải phép. Ông đại úy Bùi Tất Thịnh chấp thuận ngay.

Chàng ngự lâm Mãn lại chạy vào đơn vị mượn những cái vỉ sắt thường được làm sân bay trực thăng dã chiến và một số thùng phuy xăng về làm khán đài.

Một khán đài đơn sơ được dựng lên trên một khoản đất trống trước nhà ông Mãn. Mái che hả! Mượn một cái dù của lính nhảy dù “bung” rộng ra là có ngay một mái che rất lý tưởng. Bàn thờ, tượng thánh giá, nến, v.v… ra nhà thờ mượn. Thánh lễ được cử hành đúng vào ngày cuối cùng của tháng Năm.

Hai tháng sau đó, một phép lạ nữa lại xảy ra. Cô em gái (bà con với ông trưởng trại) tin Chúa. Cô ta theo đạo.

***
“Ave Maria con dâng lời chào Mẹ”

Vâng, trước là chúng con chào Mẹ. Sau là những lời tạ lỗi với Mẹ. Chúng con nhớ rằng, sau thánh lễ của tháng hoa 1974, chúng con có hứa với Mẹ rằng, sang năm chúng con sẽ tiếp tục rước Mẹ đi đến từng gia đình, nhưng hôm nay chúng con vẫn chưa thực hiện được…

Chúng con đã hứa với những gia đình “ấm ức” vào tháng hoa năm 1974 rằng, sang năm họ sẽ được ưu tiên trong việc rước kiệu Mẹ đến nhà, nhưng hôm nay, chúng con vẫn chưa thực hiện được…

Vì sao chúng con thất hứa! Có phần chắc, Mẹ đã rõ.

Một phút suy tư…

Gần 50 mùa tháng hoa đã trôi qua. Hôm nay, tháng hoa 2023, những con cái của Mẹ sống trong trại gia bình năm xưa, nay đã tan đàn sau biến cố tháng Tư một chín bảy lăm.

Vâng, chắc hẳn có không ít người buồn. Nhưng thôi “buồn mà chi”! Nếu có buồn, đó là hãy buồn vì hôm nay không ít người đã làm “Mẹ buồn”.

Vâng, việc Mẹ không được đặt trên bàn kiệu bằng gỗ đá để mọi người rước đi quanh phố quanh phường, không buồn bằng, hôm nay có không ít người đã đặt lên “bàn kiệu tâm hồn” của mình những thứ thần tượng trần gian, đi loại như: thần-tiền-bạc, thần-dối-trá, thần-hận-thù, thần-dâm-bôn, thần-phóng-đãng, thần-tranh-chấp, thần-chia-rẽ, thần-ma-men v.v…

Và điều làm cho Mẹ buồn tủi, không phải là việc Mẹ Maria không được chúng ta dâng những thứ hoa như hoa huệ, hoa layơn, hoa hồng, v.v… là những thứ hoa sớm nở chiều tàn.

Còn nữa, điều làm cho Mẹ buồn tủi chính là vì chúng ta đã không dâng lên Mẹ những thứ hoa thiêng liêng, hoa trái của Thánh Linh: hoa-bác-ái, hoa-nhẫn-nhục, hoa-nhân-hậu, hoa-từ-tâm, hoa-trung-tín, hoa-tiết-độ, v.v…

Thật ra, Mẹ Maria chẳng cần loài hoa nào cả, vì nơi tâm hồn Mẹ đã có vô số loài hoa đẹp. Đó là: hoa-khiêm-nhường, hoa-phó-thác và tuyệt đẹp nhất đó là loài hoa-xin-vâng.

Vâng, mùa tháng hoa năm nay bắt đầu rồi.

“Bàn kiệu tâm hồn” của chúng ta đã có Mẹ Maria!

Và, chúng ta sẽ dâng lên Mẹ loại hoa gì!

Nên chăng, chúng ta sẽ dâng lên Mẹ một loại hoa: “…Không hương không sắc màu. Không tàn hay vàng úa. Hồn hoa hơn những cánh phong lan.Tươi hơn loài hoa cúc. Mặn mà hơn thủy tiên hay dạ lý”!?

Nên chăng, chúng ta sẽ dâng lên Mẹ một loại hoa: “Không theo gió theo mưa. Không đợi cho đúng mùa. Mà hoa vẫn nở... đậm đà trong lòng ta. Bao la tình niềm thương mến”!?

Nên chăng, chúng ta sẽ dâng lên Mẹ một loại hoa: “Hoa… tình thương”!? (trích nhạc phẩm: Hoa Tình Thương – tác giả: Bảo Thu).

Hoa-tình-thương ư! Very good! Rất, rất tốt. Bởi vì: “Đâu có tình yêu thương ở đó có Đức Chúa Trời.” (Lm. Vinh Hạnh).

Saigon, tháng hoa 2023
Petrus.tran

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây