Thứ Bảy Lặng Im – NVMN 3.4.2021
Niềm vui Mỗi Ngày
“Hãy lấy Chúa làm niềm vui của bạn,
Người sẽ cho được phỉ chí toại lòng.”
Thánh vịnh 37,4
3 tháng tư 2021
Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui.
Thứ Bảy Lặng Im
Thánh sử Máccô ghi lại hình ảnh trên đồi Gôngôtha, chiều ngày thứ sáu áp lễ Vượt qua như sau : “Cũng có mấy phụ nữ đứng xa xa mà nhìn, trong đó có bà Ma-ri-a Mác-đa-la, bà Ma-ri-a mẹ các ông Gia-cô-bê Thứ và Giô-xết, cùng bà Sa-lô-mê. Các bà này đã đi theo và giúp đỡ Đức Giê-su khi Người còn ở Ga-li-lê... Chiều đến, vì hôm ấy là ngày áp lễ, tức là hôm trước ngày sa-bát, nên ông Giô-xếp tới. Ông là người thành A-ri-ma-thê, thành viên có thế giá của hội đồng, và cũng là người vẫn mong đợi Triều Đại của Thiên Chúa. Ông đã mạnh dạn đến gặp tổng trấn Phi-la-tô để xin thi hài Đức Giê-su. Tổng trấn đã cho ông Giô-xếp lãnh lấy thi hài. Ông này mua một tấm vải gai, hạ xác Đức Giê-su xuống, lấy tấm vải ấy liệm Người lại, đem đặt vào ngôi mộ đã đục sẵn trong núi đá, rồi lăn tảng đá lấp cửa mộ. Còn bà Ma-ri-a Mác-đa-la và bà Ma-ri-a mẹ ông Giô-xết, thì để ý nhìn xem chỗ họ mai táng Người.” (x. Mc 15,40-47)
Sau khi chứng kiến cái chết của Đức Giêsu trên thập giá, nhìn thấy ông Giôxếp, cùng ông Nicôđêmô tháo xác Chúa xuống và an táng Ngài trong một ngôi mồ trong vườn, Maria Mácđala thì để ý nhìn xem chỗ họ mai táng Đức Giêsu. Tại sao bà Maria Mácđala lại để ý chỗ họ mai táng Đức Giêsu? Tâm hồn bà xảy ra điều gì?
Những sự kiện xảy ra trong thành Giêrusalem, cũng như cái chết của ba người trên đồi Gôngôtha, hoặc sự kiện bức màn trướng trong Đền Thờ bị xé toang làm hai từ trên xuống ... sẽ mau chóng bị quên lãng. Ngày lễ Vượt Qua của người Do thái đã gần kề. Chính lúc tháo đinh và an táng Đức Giêsu đã là những giờ phút áp lễ Vượt Qua.
“Lễ Vượt Qua của người Do thái bắt đầu vào ngày 14 tháng Nissan, kéo dài một tuần sau đó (x. Lv 23,4-7). Nissan là tháng đầu của mùa gặt, vào mùa xuân, mùa đầu tiên của chu kỳ thời gian. Người Do thái thường mang đến Đền Thờ những hoa trái đầu tiên của mùa màng. Mừng lễ Vượt Qua, người Do thái mừng Thiên Chúa giải phóng dân khỏi cảnh nô lệ Ai-Cập. Đêm này, Thiên Chúa đánh phạt Ai cập và cứu thoát tất cả người Do thái đã được hướng dẫn bôi máu chiên lên khung cửa nhà. (Xh 12).
Vì vậy, lễ Vượt Qua được coi là một lễ giải phóng dân tộc; ngày khai sinh Ítraen như một dân, một quốc gia.
Vào thời Đức Giêsu, tất cả người Do thái thường phải hành hương về Giêrusalem để cử hành lễ Vượt Qua. Các Tin mừng cũng trình thuật Đức Giêsu đã sống trong bầu khí thánh thiêng. Trong lễ hội này, bữa ăn thường bao gồm những yếu tố tượng trưng như : thịt chiên, rau đắng, bánh không men, bốn chén rượu...
Trong bữa ăn cuối vào Thứ Năm Tuần Thánh, Đức Giêsu đã chỉ dẫn cách rõ ràng mối liên hệ tương tác giữa hiến tế của Người và điều mà được thực hành tại lễ Vượt Qua.” (1)
Sự kiện 3 người bị đóng đinh trên đồi Gôngotha chẳng có ảnh hưởng gì với đám đông dân chúng. Trong một lần, muốn báo cáo cho hoàng đế Nêron biết số người về tham dự lễ Vượt Qua tại thành Giêrusalem là bao nhiêu? Quan tổng trấn được biết số chiên bị giết là 265.000 con. Đối với người Do thái, mười người mới ăn hết một con chiên, nhà nào không đủ thì phải mời người hàng xóm cùng ăn. Như vậy, gần 3 triệu người hành hương về Giêrusalem mừng lễ Vuợt Qua. Ba người bị đóng đinh trên đồi Gôngôtha là một sự kiện quá bé nhỏ đối với gần 3 triệu khách hành hương. Cho nên, trên đường về làng Emmau, người môn đệ Đức Giêsu đã nói với người khách đồng hành : “Chắc ông là người duy nhất trú ngụ tại Giê-ru-sa-lem mà không hay biết những chuyện đã xảy ra trong thành mấy bữa nay.” (Lc 23,18)
Nhưng, chắc chắn có một người, sự kiện trên đồi Gôngôtha đã có ảnh hưởng đến rất nhiều. Nàng để ý nhìn xem họ mai táng Đức Giêsu.
Nàng Maria Mácđala.
Nàng được Chúa trừ bảy quỉ. Nàng xức dầu thơm cho Chúa. Nàng theo Chúa trên mọi nẻo đường truyền giáo của Ngài. Nàng theo Chúa cho đến tận chân thập giá. Đêm nay, sau khi về từ đỉnh đồi Gôngôtha, nàng đang ở đâu?
Trong căn phòng Tiệc ly? Trong ngôi nhà trọ giữa xóm nghèo? Bên ngoài kia mọi người đang hân hoan mừng lễ Vượt Qua. Bánh, rượu, rau diếp đắng, thịt chiên... và niềm vui được giải thoát. Còn nàng, một mình giữa đêm vắng nhớ đến Thầy Giêsu. Hình dáng Thầy hiền từ đứng trước tổng trấn Philatô với thân thể nát tan vì đòn roi. Đôi tay bị trói như một tội nhân. Đầu đội mão gai nhọn và vai được khoác một áo đỏ như một vị vua điên khùng. Hình ảnh Thầy vác thập giá lên đồi Gôngôtha. Hình ảnh Thầy bị ngã dưới sức nặng của thập giá. Bị đóng đinh. Bị treo thên thập tự và chết trong sự nhục mạ, khinh dễ của nhiều người. Mỗi hình ảnh như những thước phim quay chậm trong tâm trí nàng. Giọt nước mắt nào cho Giêsu! Giọt nước mắt nào cho nàng! Giọt nước mắt nào cho tôi? Đêm nay nàng có ngủ ngon? Giấc mơ nào sẽ đến? Ôi tình yêu Chúa!
Đêm đã tàn, ngày đang qua. Ôi ngày Thứ Bảy Lặng Im. Một ngày phải chờ đợi. Một ngày đầy nhớ thương. Nàng mong từng giây phút lễ Vượt Qua này mau qua để được đến với Thầy. Căn phòng nhỏ bao bồn chồn. Nhớ thương Thầy quá đỗi. Dầu thơm, lô hội đã chuẩn bị sẵn. Tình yêu bao nôn nóng. Mong chờ ánh bình minh.
Yêu Thầy, Maria Mácđala ra đi lúc trời còn tối. Bóng tối không kìm giữ được chân nàng. Lính canh cũng không làm nàng kinh khiếp. Nàng đã đến, đã thấy và đã gặp Chúa Giêsu, Đấng Phục Sinh. Và chính Chúa Giêsu, Đấng Phục Sinh đã gọi tên nàng.
Giữa những hoang mang của cuộc đời, giữa những đau khổ xảy ra, tôi sống niềm tin của mình như thế nào? Nhiều lúc, dường như Thiên Chúa đã im lặng trong những biến cố của đời tôi, tôi có còn tin – cậy – mến Ngài nữa không?
“Lạy Chúa, con tin. Nhưng xin nâng đỡ đức tin yếu kém của con.”
Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời cầu cho chúng con...
Nguyễn Thái Hùng
++++++++++++++
(1) x. http://daminhvn.net/than-hoc/le-vuot-qua-cua-nguoi-do-thai-va-le-phuc-sinh-kito-giao-8300.html