Có thể nói những ai mang trong cái thân phận của mình nghề nông thì làm gì làm đủ sống cũng là may chứ đừng bảo là dư giả. Đặc biệt khi mà mùa màng rơi vào thời tiết nắng nóng như hiện tại.
Cà phê lên đỉnh nhưng đâu phải là niềm vui. Người thường nghe cà phê có giá cao ngất ngưởng cứ tưởng rằng người trồng cà phê năm nay trúng mánh nhưng đâu biết được người nghèo đã bán cà phê từ khi nó còn nằm ở giá 50. Giờ thì giá cao nhưng có nhà nào còn cà phê đâu mà bán. May ra thì những tư thương trữ cà phê thì họ được lãi thôi. Và như thế, người kinh doanh thì có lãi trong khi đó người trồng vẫn cứ nghèo.
Cái chuyện cà phê tăng giá nó làm đảo lộn cuộc sống. Cứ dựa vào giá cà phê để rồi cái gì nó cũng tăng theo nhất là các dịch vụ.
Trên trang cá nhân, người kia chia sẻ: “Cà phê lên giá làm gì để rồi đi gội đầu làm tóc giá cũng tăng theo”.
Khổ như vậy đó, hình như vì giá cà phê tăng nên cân thịt mớ rau cũng tăng theo. Người ta cứ dựa vào giá cà phê để tăng theo những vật dụng khác nhất là thực phẩm. Điều này đã làm cho đời sống của người nông dân càng ngày càng cơ khổ hơn.
Hóa ra là cà phê lên giá thì cái khổ nó cũng lên giá theo với cà phê.
Cùng chung chia với những phận nghèo, giờ cơm anh em vẫn nói chuyện với nhau về thời tiết: “Cứ kiểu này chừng 2, 3 tuần nữa mà trời không mưa thì nhiều vườn cà phê bị chết!”.
Quả thế, ở những nơi thiếu nước hay nước bơm không tới thì người trồng cà phê đành ngậm ngùi nhìn cây cà phê chết chứ không còn cách nào khác để xoay. Nếu như có mua nước đi chăng nữa thì tiền đầu tư lại tăng gấp bội để rồi làm sao có cái để đắp đổi qua ngày.
Qua câu chuyện đầu ngày, người anh em chia sẻ: “Cha biết không? Mía con cùng chung với đứa em trồng mấy ngày nay coi như chết. Mỗi lần nó alo hay nhắn tin cho con là con giật mình vì con biết là có chuyện. Mỗi lần gọi hay nhắn là báo motor bị cháy do bơm quá tải và cũng không đủ nước để bơm. Tình hình như thế này thì vườn mía của tụi con chết hết!”.
Nghe sao mà thương quá! Chả phải cây cà phê, cây mía mà nhiều cây khác nữa ở vùng Tây Nguyên này đang đứng trước cái chết vì không có nước.
Cây chết thì đời sống của người dân càng vào ngõ cụt thôi.
Nguyên nhân không có mưa và nguồn nước ngày càng cạn có lẽ ai ai cũng biết mà. Chặt cây, phá rừng và phá cho đến tận cùng thì lấy gì rừng thượng nguồn còn cây còn cỏ. Người ta phá cho bằng hết thì mỗi khi có nước lại là lũ lụt và khi khô hạn thì không còn một giọt nước để tắm tưới cho hoa màu.
Kinh tế dường như đang lao dốc ở thành thị và nông thôn cũng không dừng lại. Cái khổ và cái nghèo nó cứ ôm lấy cái vùng nghèo nơi đây.
Hôm nọ, chuyển về một thùng tượng để cho sắp nhỏ tô. Tưởng chừng sắp nhỏ quen với cái trò này vì lẽ ở Sài Gòn thì cái món tô tượng bây giờ cũng đi vào dĩ vãng vì đã chán chê. Trong khi Sài Gòn không còn phong trào tô tượng nữa thì ở đây các em chưa hề biết đến. Chính vì lẽ đó, khi thấy được thùng màu và tượng là các em lao vào tô. Nhìn nét mặt, nhìn niềm vui của bạn nhỏ ở đây sao mà thương quá. Cuộc sống dường như thiếu trước hụt sau của cha mẹ thì làm sao đời các em được đong đủ.
Vì mưu sinh như đi vào ngõ cụt nên chuyện học hành ở nơi đây xem chừng cũng chẳng sáng. Và rồi vì lẽ dù không nói ra nhưng cuộc sống của người đồng bào luôn bị thua thiệt. Dù giỏi cách mấy đi chăng nữa nhưng cũng khó hòa nhập vào cuộc sống của người Kinh. Anh chị em dân tộc thiểu số vốn dĩ đã nghèo tiền nghèo bạc nhưng nghèo luôn cả tri thức. Chả biết bao giờ thì người thiểu số mới có thể bằng chị bằng em. Nghĩ đến họ thôi cũng đủ nát cả đầu đau cả não, bởi lẽ với họ thì cơm ngày 3 bữa cũng đủ muối cả mặt rát cả da người.
Với tình trạng không mưa và hạn như thế này thì cuộc sống đi vào ngõ tắt. Rồi những ngày tháng tới đây người dân phải chống chọi với đời một cách mệt nhoài.
Một cú phone gọi rất dễ thương: “Cha ơi! Cha chỉ cho con cách làm tuần gì đó để cầu nguyện. Hai vợ chồng con xoay đủ thứ mà không có dư. Con của con do không đủ khả năng nuôi nên phải gửi về nội. Cha có cách gì hay chỉ cho con với...”
Nghe điện thoại thôi thì cũng đủ cười và cũng đủ đau. Cha làm gì ra cách để mà chỉ cho anh chị cách mưu sinh. Hồi đáp những lời đó thì xin chia sẻ: “Cuộc sống mà! Thôi thì cứ phó thác và cầu nguyện. Cứ mỗi ngày đọc kinh dâng ngày và dâng mình cho Chúa thôi! Cuộc sống bây giờ ai ai cũng khó khăn cả”.
Đúng như vậy, dù không nói ra và nói ra thì có được gì đâu. Có nói hay không thì ai ai cũng biết rằng cuộc sống ngày một khó khăn để rồi nhiều người lao đao với cuộc sống.
Ở trong 4 bức tường của Tu Viện tưởng chừng an yên lắm! Mà thật sự an yên chứ! Nhưng có thể an yên được không khi xung quanh mình còn đó và có đó biết bao nhiêu mảnh đời vất vả. Có những gia đình lao đao lại càng lao đao hơn khi vướng vào đống nợ.
Phòng mình mát đó, Tu Viện mình mát đó nhưng bên ngoài nắng và nóng lắm. Mình còn nước để đủ dùng đó, nhưng xung quanh mình bao nhiêu mảnh vườn đang chờ chết.
Nước thật cần và thật gần cho cuộc sống. Cứ hạn hán như thế này thì cuộc sống chả biết đi về đâu?
Có lẽ chả phải mình tôi mà nhiều nhiều người nông phu cùng ngâm nga câu đồng dao từ nhiều năm trước:
Lạy trời mưa xuống,
Lấy nước tôi uống,
Lấy ruộng tôi cày,
Lấy đầy bát cơm,
Lấy rơm đun bếp.
Lấy tệp bánh chưng,
Lấy lưng hũ rượu.
Làm thầy kẻ trộm
Ăn cốm chợ mơ,
Nó vơ mất đầu.
Lộn cầu vồng,
Nước trong nước chảy,
Có cô mười bảy,
Có cậu mười ba,
Hai chị em ta
Ra lấy lá đa
Về lộn cầu vồng.
Lúa non là cô đậu nành,
Đậu nành là anh dưa chuột,
Dưa chuột là ruột dưa gang,
Dưa gang là nàng dưa hấu
Dưa hấu là cậu lúa ngô.
Lúa ngô là cô đậu nành…
Xin Chúa cho mưa xuống để cho người nông phu bớt khổ và cuộc sống bớt khó khăn.
Lm. Anmai, CSsR
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn