TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

CN34TNb - Đức Giêsu Kitô, Vua Vũ Trụ

“Quan nói đúng: Tôi là Vua”. (Ga 18, 33b-37)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Từ tiếng chày trên sóc Bombo

Thứ ba - 23/11/2021 20:30 | Tác giả bài viết: Đa Minh Trần Văn Tân, SJ |   852
Hôm nay, những người con Bombo vừa tìm về dòng suối thanh tẩy, hát vang nhạc khúc thiên đàng, bài ca chiến thắng tử thần của Vua Hằng Sống.
Từ tiếng chày trên sóc Bombo

Từ tiếng chày trên sóc Bombo đến tiếng Chúa trong tim mọi người

Năm thánh 2000, bà con sắc tộc tập trung về nhà thờ Bù Đăng mở hội cồng chiêng ca múa. Đêm đó, “tiếng chày trên sóc Bombo” đã được cất lên cùng với điệu múa của các em thiếu nhi Bombo, bài ca hào hùng một thời có ai ngờ lại được cất lên giữa giáo đường, giữa cộng đoàn Dân Thiên Chúa. Thế nhưng tiếng chày đêm nay đã được cất lên bằng một giai điệu mới, mở ra viễn ảnh một vụ mùa mới, viễn ảnh một đoàn dân Bambo trên đường trở về nhà Cha, với bước đi khởi đầu của gia đình anh Nhơ. Hôm nay, những người con Bombo vừa tìm về dòng suối thanh tẩy, hát vang nhạc khúc thiên đàng, bài ca chiến thắng tử thần của Vua Hằng Sống.

Thực ra, anh Nhơ và gia đình đã xin tin theo ngay từ thời gian đầu năm 1994, khi anh Men từ Bù Đưng được sai đến đây. Với lợi thế là hai làng đã có sẵn mối quan hệ họ hàng, và trong khi anh Nhơ còn ngập ngừng, thì trong lần bị bệnh đi Bù Đưng kiếm con heo để cúng, gặp ông cậu khuyên trở về với Thiên Chúa hằng sống, trút bỏ cái gánh cúng kiếng nặng nề xưa giờ vẫn làm bà con ta oằn vai. Và thế là khi trở về, cả gia đình xin tin theo, trừ cô em gái út là Giôn, mãi tới năm 1996 mới sẵn sàng chung đường với gia đình.

Lần lượt các gia đình trong sóc cũng xin tin theo, giai điệu của bài ca tiếng chày trên sóc Bambo thay đổi từ đây. Trước tiên hết là phải nhổ bỏ củ ngải loại dùng để cầu mùa, cúng lúa và giữ nhà. Nhóm anh em bạn đường chúng tôi hàng tuần đến với bà con, hễ có năm ba gia đình xin theo đạo là phải theo bà con ra rẫy đào ngải. Bà con ở đây đặc biệt có thói quen cúng thần lúa bằng cách giết vịt và dê: máu thì có thể để trong cái ché nhỏ hoặc chậu, còn đầu dê thì bỏ vào gùi, tất cả để trong kho lúa cúng, coi như nuôi thần. Hạt lúa phải giữ cẩn thận, nếu để rơi vào lửa, coi như đốt thần lúa, phải cúng trâu mới được tha.

Từ Bombo 1, anh em chúng tôi được anh Nhơ dẫn qua Bombo 2 gặp anh Xây, tiếp đó gặp thêm anh Nhec và anh Tôn, cả 3 anh cùng với gia đình đều xin tin theo, vì muốn thoát khỏi cái cảnh tin kiêng cúng bái nặng nề. Nguyên việc hằng năm mấy lần phải kiếm tiền mua bò, heo lo lễ cúng là mệt mỏi lắm rồi, còn phải kiêng cữ đủ thứ nữa chứ. Khi đã có thêm 8 gia đình trở lại, chúng tôi lấy nhà anh Xây làm nơi cho bà con tập trung cầu nguyện, và xin anh đứng ra đảm đang việc hướng dẫn các sinh hoạt chung, qui tụ bà con đọc kinh và tiếp nhận những ai muốn xin trở lại, tương tự như anh Nhơ ở Bombo 1.

Đứng nhìn bà con đang sống mà không có sức mạnh, ánh sáng và niềm an ủi phát sinh từ lời Chúa trong Tin Mừng, chúng tôi nghĩ đến việc phải gây dựng Bombo thành một cộng đoàn đức tin để nâng đỡ nhau, dẫn nhau tiến đến cùng đích tối hậu là Thiên Chúa. Nhu cầu trước mắt là 2 ngôi nhà tranh tre dùng làm nơi cầu nguyện và sinh hoạt, đồng thời gửi các anh Nhơ, anh Xây và một số anh chị em về Lái Thiêu để theo học khóa giáo lý và cầu nguyện. Dĩ nhiên, các anh chị em mới vừa học qua khóa giáo lý thì đâu dễ đủ uy tín và khả năng đứng ra dẫn dắt bà con. Không sao, có Chúa cùng đồng hành, và vẫn có chúng tôi, những người được sai đến đây để cùng với anh em giúp cho bà con tập đọc kinh và hát thánh ca; Chỉ 3 kinh quen thuộc là kinh Lạy Cha, kinh Kính Mừng và kinh Sáng Danh, cùng với dấu Thánh Giá và một vài bài thánh ca, tất cả bằng tiếng K’hor. Từng bước đi nhỏ, để từ đó bà con Bombo dẫn nhau vào đạo và sống đạo, tiến dần đến dòng suối thanh tẩy.

Bước đi chân thành của những tấm thân đơn nghèo có thể làm vui lòng Thiên Chúa, ngôi nhà nguyện Bombo cũng đơn nghèo mỗi ngày thêm đông, tình thương cứu độ của Thiên Chúa tỏ hiện trên khuôn mặt từng người, bất chấp những giới hạn của ngôn ngữ, khó có thể học biết nhiều, bất chấp cảnh sống lấm lem giam hãm con người trong nương rẫy và núi rừng trùng điệp.

Việc của người được sai đến đây phải không ngừng tìm cách bày tỏ sự thật của Tin Mừng một cách hiệu quả: sự thật về hạt lúa Thiên Chúa trong ngày tạo dựng đã trao ban hoa trái ruộng đất, cùng với chim trời cá biển và muôn sinh vật cho con người, nghĩa là chẳng có thần lúa nào cả mà chỉ có Thiên Chúa quyền  năng và giầu lòng xót thương. Để chứng minh cho mọi người thấy, chúng tôi đã bỏ nhúm lúa vào lửa. Từ đây, bà con không còn phải khép mình trong nỗi sợ hãi thần thánh như trước kia, trái lại, khi ôm bó lúa trong tay, bà con cũng vẫn nghe hơi thở của sự sống, nhưng  từ tình thương vô bờ của Thiên Chúa tạo hóa.

Sau một tiến trình tìm kiếm để sống kinh nghiệm về tình thương cứu độ của Thiên Chúa, bắt đầu từ năm 2002, bà con cùng nhau ra nhà thờ Bù Đăng, xin được lãnh nhận các bí tích khai tâm Kitô giáo, gia nhập Hội Thánh, cứ mỗi năm trên dưới 100 người, đều đặn cho tới năm 2006. Bà con Bombo từ đây trở thành người nhà của Thiên Chúa là Cha, các sinh hoạt và các giờ kinh nguyện đều đặn hơn. Các anh Nhơ, anh Krưi, anh Glơ từng ngày đứng ra trước cộng đoàn để chia sẻ lời Chúa và  giáo lý dựa theo cuốn Bổn Đồng Ấu. Chưa dám nói đứng ra giảng dạy, nhưng từng bước đưa bà con vào nề nếp qua các giờ kinh tối.

Bên cạnh đó cũng có mấy em gái từ các làng khác nhau đến ở với các nữ tu Mến Thánh Giá Tân Việt, cộng đoàn Bù Đăng, nơi đây, các em được học giáo lý tương đối bài bản. Như em Giôn, ở với các “cô Tân Việt”, hơn một năm, sau đó về đã qui tụ nhóm Giáo Lý Viên, cùng nhau theo các khóa giáo lý và cầu nguyện ở nhà thờ Bù Đăng, sau đó có thể dạy giáo lý cho các em thiếu nhi. Riêng chị Giôn từ ngày Bombo 1 trở thành giáo họ biệt lập thuộc giáo xứ Bình Minh, thì đã xin nghỉ giáo lý viên để có thời giờ phụ giúp thầy xứ giúp giáo lý tân tòng và hôn nhân nữa.

Khi tiếng chày trên sóc Bombo hòa thành tiếng của bà con gọi thần lúa thì phải giết con dê làm lễ tế khấn nguyện. Nhưng để cất tiếng gọi Thiên Chúa thì không cần âm vang của tiếng chày, mà là nhịp đập của những con tim rung lên niềm cảm mến.

Có một sự khác biệt rất lớn giữa cuộc sống của những con người được định hình theo niềm tin nhiều ít mê tín dẫn tới những kỷ cương bóp nghẹt con người. Trong khi cuộc sống mới được tạo dáng trong tự do của con cái Thiên Chúa thì luôn tươi vui: chính “vì  được Thiên Chúa thương xót mà bà con Bombo nguyện hiến dâng đời mình làm của lễ sống động, thánh thiện, đẹp lòng Thiên Chúa” (x.Rm 12,1-2). Hiến dâng là để nép mình vào lòng Chúa thương yêu, lời kinh hiến dâng cuộc đời được khắc ghi trong từng hành động, để Chúa mặc tình ấp ủ chở che đoàn dân Bombo trong vòng tay của Người.

Đa Minh Trần Văn Tân, SJ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây