TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật III Thường Niên -Năm C

“Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh này”. (Lc 1, 1-4; 4, 14-21)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Chức và Vụ

Thứ ba - 28/06/2022 11:51 | Tác giả bài viết: Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa |   878
Ngày 22/6/2022, một chuỗi các con số 2 đã làm nao nức nhiều tâm hồn vốn nghiêng chiều một chút nào đó về sự may rủi qua các con số.

CHỨC VÀ VỤ

Ngày 22/6/2022, một chuỗi các con số 2 đã làm nao nức nhiều tâm hồn vốn nghiêng chiều một chút nào đó về sự may rủi qua các con số. Đoàn tín hữu giáo phận Ban Mê Thuột cũng nao nức phấn khởi với cái ngày này nhưng với lý do khác. Đó là Giáo Phận nói riêng và Hội Thánh nói chung có thêm 2 lần 7 là 14 tân linh mục, những con số tượng trưng cho sự đầy đủ, tốt đẹp theo quan niệm của nhiều nền văn hóa. Linh mục, một đề tài luôn có tính thời sự. Người ta như đang bị xâu xé giữa các cảm thức nghịch lý về thiên chức linh mục, đúng hơn là về con người linh mục. Linh mục là tất cả nhưng không là gì cả. Linh mục dù không là gì cả những vẫn là tất cả. Xin được góp một vài suy tư về linh mục, một thành phần dân Chúa xem ra được “chú ý” khá nhiều trong dịp Thượng Hội Đồng “Hiệp Hành: Hiệp Thông – Tham Gia – Sứ Vụ” đang diễn ra.

Đã có nhiều ý kiến khác chiều về đề tài linh mục do bởi khác góc nhìn (quan điểm) đúng hơn là khác nhau về điểm nhấn. Có người vì quá nhấn mạnh đến việc lãnh nhận một thiên chức (chức linh mục) để rồi hơi quá trớn khi ca tụng các tân chức từ nay không còn là người phàm hèn mà đã được nâng lên hàng khanh tướng, hàng “thần thánh”, thậm chí còn được xem như không còn là người phàm! Bên cạnh đó, bản thân đã từng nhận được thiệp mời mà bên ngoài ghi là dự lễ “Trao Ban Thừa Tác Vụ Linh mục”. Cũng không ít người vì quá nhấn mạnh đến thừa tác vụ linh mục nên chỉ xem các tân chức là những người vừa lãnh nhận một “công việc” cho dù đó là việc thánh thiêng. Và vì thế rất dễ bị cám dỗ xem linh mục như một hạng “công chức” chuyên biệt không hơn không kém.

Đọc kỹ các giáo huấn của Hội Thánh, đặc biệt Sắc lệnh về chức vụ và đời sống các linh mục của Công đồng Vatican II, Giáo lý Hội Thánh Công giáo, cách riêng Lời nguyện phong chức linh mục, chúng ta có thể nhìn nhận sự thật này:

1. Các tiến chức lãnh nhận “thánh chức” để thi hành thừa tác vụ: Qua việc đặt tay của Giám Mục và lời nguyện thánh hiến, các ứng viên được thánh hiến (Ordinatio), được Đức Kitô tách riêng vào một tập thể mới. Trong Phụng vụ gọi là hàng, gồm có hàng giám Mục, hàng linh mục, hàng phó tế. Những người ở trong các hàng này được lãnh nhận các chức tương đương là chức giám mục, chức linh mục và chức phó tế.        (GLCG số 1536-1538). Tuy nhiên, các ứng viên lãnh nhận các chức này không phải để cho vinh danh mình hay để tách biệt khỏi cộng đoàn dân Chúa mà là để thi hành thừa tác vụ được giao phó. “Lạy Cha toàn năng, chúng con nài xin Cha ban chức linh mục cho (các) tôi tớ Cha đây. Xin Cha lại ban Thần Trí thánh hóa trong lòng (các) thầy, cho (các) thầy biết chu toàn chức vụ nhị phẩm nhận được từ nơi Cha và cho (các) thầy biết cải thiện phong hóa thế gian bằng gương sáng đời sống của mình.” (Phần chính yếu của lời nguyện phong chức linh mục). Việc các ứng viên được vào một vị thế mới, được nâng lên một hàng mới là để thi hành thừa tác vụ. Như thế có thể nói không sợ sai lầm rằng sự thi hành thừa tác vụ vừa là lý do vừa là đích nhắm của việc lãnh nhận thánh chức. Thánh Âugustinô khẳng định: “Với anh em, tôi là tín hữu. Cho anh em, tôi là giám mục”.  

2. Để thi hành thừa tác vụ linh mục hữu hiệu cần có những con người được thánh hiến. Do bởi sự khôn ngoan thượng trí của mình, “chính Chúa đã cắt đặt giữa các tín hữu một số thừa tác viên, nhờ Chức Thánh, họ được trao quyền tế lễ và tha tội trong cộng đoàn tín hữu, và nhân danh Chúa Kitô họ chính thức thi hành chức vụ linh mục cho loài người” (LM số 2). Linh mục thi hành thừa tác vụ nhân danh Chúa Kitô. Nói đúng hơn là chính Chúa Kitô đang hoạt động khi linh mục cử hành thừa tác vụ đã nhận lãnh. Nhiều Giáo Phụ như Âugustinô, Ambrôsiô… đã thường xuyên nhấn mạnh chân lý này. Ai cử hành Bí tích Thánh Tẩy? Chính Chúa Kitô. Ai đọc lời truyền phép trong Thánh Lễ? Chính Chúa Kitô…

Như thế, thánh chức linh mục và thừa tác vụ linh mục luôn gắn liền với nhau. Không thể tách biệt hai thực tại ấy và cũng không thể quá nhấn mạnh thực tại này mà xem nhẹ thực tại kia. Sự cao quý của thánh chức không hệ tại ở việc một ai đó được nâng lên hàng này hay bậc kia, nhưng hệ tại ở chính thừa tác vụ mà đương sự đã được trao ban. Chính khi bị treo lên cao thì Chúa Kitô được vinh hiển (x.Ga 8,28). Người được vinh hiển khi đảm nhận vai trò người tôi tớ, đến thế gian để hầu hạ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người (x.Mt 20,28). Tuy nhiên, dưới cái nhìn ân sủng và bí tích thì Kitô hữu Công giáo chúng ta tin nhận rằng sự hữu hiệu của thừa tác vụ thánh không hệ tại ở sự thành công do tài năng và sự khéo léo của linh mục nhưng là do thánh chức mà đương sự được truyền thông.

Theo nhãn quan này chúng ta có thể nói linh mục không là gì cả nhưng là tất cả. Xét về bản thân người linh mục, cho dù đã lãnh nhận thánh chức thì vẫn là con người ấy, dưới cái nhìn nhân loại thì cũng chẳng có gì đổi thay, ngoài phẩm phục và có thể là danh xưng. Có thể có người sau khi làm linh mục thì càng tỏ lộ nhiều khiếm khuyết hoặc bất toàn vốn đã có nhưng chưa lộ rõ. Thế nhưng linh mục vẫn là tất cả vì ngài “được Thiên Chúa ban ơn sủng để làm thừa tác viên của Chúa Giêsu Kitô giữa muôn dân, và thi hành chức vụ thánh rao giảng Phúc Âm hầu việc dâng hiến muôn dân làm của lễ được chấp nhận và thánh hóa trong Chúa Thánh Thần” (LM số 2). “Nơi giếng rửa tội, bạn thấy có phó tế, có linh mục, có giám mục. Bạn đừng nhìn hình dáng thân thể các vị ấy, nhưng hãy chú trọng chiêm ngắm ơn thánh bởi việc các ngài làm” (Thánh Ambrôsiô).

Tuy nhiên chúng ta cũng có thể nói linh mục là tất cả nhưng vẫn không là gì cả. “Thi hành chức vụ của Chúa Kitô là Đầu và là Chủ Chăn theo phận vụ mình, các linh mục nhân danh giám mục, tụ họp gia đình Thiên Chúa như một cộng đoàn huynh đệ duy nhất, và nhờ Chúa Kitô trong Chúa Thánh Thần các ngài dẫn đưa họ đến cùng Chúa Cha” (LM 6). Vai trò của linh mục thật là cao cả. Đó là tụ họp nhân loại thành cộng đoàn hiệp nhất và dẫn đưa về cùng Chúa Cha. Hiệu quả của công việc linh mục làm không phải do chính bởi công sức và tài năng của ngài mà trên hết là do thánh chức ngài đã lãnh nhận. Một cách nào đó, linh mục vẫn chỉ là người tôi tớ vô dụng (x.Lc 17,10). Và chính ngài là người cần lãnh nhận hồng ân của Thiên Chúa qua các tác vụ mà ngài thi hành.

Với những dòng chia sẻ trên đây, mong sao chúng ta có được một cái nhìn đúng đắn về thiên chức linh mục và nhất là có một cái nhìn quân bình về con người linh mục. Dù được tuyển trạch lên phẩm hàng thánh chức nhưng linh mục vẫn là con người ở giữa thế gian để phục vụ con người. Dù chỉ là người như mọi người, với nhiều thiếu sót, hạn chế và cả yếu đuối, nhưng linh mục, qua tác vụ của mình đã đem lại cho nhân trần nhiều giá trị cao quý khôn lường. Chỉ vì một lẻ duy nhất đó là thánh ý Chúa Cha. Và Chúa Kitô đã đang và mãi còn hoạt động qua các linh mục. Những gì Chúa Kitô thực hiện thì đều làm cho con người được sống và sống dồi dào (x.Ga 10,10).

Tạ ơn Chúa, trong các cuộc hội thảo chuẩn bị cho Thượng Hội Đồng “Hiệp Hành”, dù rằng các linh mục là đối tượng được đặt lên “bàn mổ” để nhận định, phê bình rất nhiều, thế nhưng lòng yêu mến thiên chức linh mục vẫn đong đầy trong tâm hồn đoàn tín hữu Kitô Công giáo. Hiện thực này không chỉ tỏ lộ qua các buỗi lễ tạ ơn mừng tân linh mục nhưng nhất là qua sự thương tiếc của rất nhiều người khi thấy tin linh mục này, linh mục kia qua đời. Ngoài ra bản thân còn nhận thấy một hiện tượng như “nghịch lý”. Đó là các anh chị em hàng “tu xuất” xem ra mạnh miệng nhận định và cả phê bình các linh mục, nhưng chính họ lại là những người gắn bó và yêu mến các linh mục hơn rất nhiều tín hữu chưa từng “ăn cơm nhà Chúa”.

Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa –  Ban Mê Thuột.

 Tags: Chức và Vụ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây