TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật III Thường Niên -Năm C

“Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh này”. (Lc 1, 1-4; 4, 14-21)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Sáng danh Ba Ngôi Thiên Chúa

Thứ sáu - 14/05/2021 04:02 | Tác giả bài viết: Petrus.tran |   639
Sáng danh Ba Ngôi Thiên Chúa

Lễ CHÚA BA NGÔI
 

Hãy làm sáng danh Ba Ngôi Thiên Chúa
 

“Nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần”. Vâng, là một tín hữu Công Giáo, hẳn rằng, không ai trong chúng ta lại không biết đây là lời kinh mang tên “Dấu Thánh Giá”.

Lời kinh Dấu Thánh Giá, có thể nói rằng, đó là lời kinh mà ngay cả một em bé (thuộc gia đình Công Giáo), chỉ mới vừa biết nói, cũng có thể bập bẹ đọc lên.

 

Lời kinh Dấu Thánh Giá, đó là một lời kinh rất quan trọng, quan trọng là bởi, theo lời chia sẻ của Giám Mục Giu-se Vũ Văn Thiên, thì: “Lời kinh ngắn gọn mà sâu sắc, hàm chứa chân lý cao siêu của Đạo Kitô, là mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi”.
 

Chúa Ba Ngôi nghĩa là gì? Thưa, với chúng ta, câu trả lời đó là: một Chúa Ba Ngôi, ngôi thứ nhất là Cha, ngôi thứ hai là Con và ngôi thứ ba là Thánh Thần.
 

Một ít người đã cố gắng dùng những hình ảnh đời thường để minh họa về một Chúa Ba Ngôi (hay Ba Ngôi Thiên Chúa), thí dụ: một Chúa Ba Ngôi có thể ví như H2O, tuy ở ba dạng thể khác nhau: thể lỏng (nước lỏng), thể rắn (nước đá),và thể khí (hơi nước) nhưng tất cả cùng đều là H2O. Một minh họa khác nữa đó là hình ảnh quả trứng, nó có vỏ bọc, có lòng đỏ và có lòng trắng, nhưng cũng chỉ được gọi là quả trứng. Và có người đã dùng tới hiện tượng mặt trời, nơi phát ra ánh sáng và sức nóng nhưng cũng chỉ được gọi là mặt trời.
 

Vâng, có thể nói, tất cả những so sánh đó không phải là không làm ra một chút sáng tỏ, tuy nhiên, đó cũng chỉ là những diễn tả môt cách khập khiễng về tín điều một Chúa Ba Ngôi.
 

Trong thế giới hạn hẹp con người, thật khó để mà diễn tả về một Thiên Chúa Ba Ngôi, đúng hơn là không thể diễn tả đầy đủ.
 

Cũng là ngài Giám Mục Giu-se đã chia sẻ: “mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi… đưa ta vào một thế giới huyền nhiệm là cung lòng Thiên Chúa. Nơi thế giới ấy, ý nghĩa và giá trị chữ số không giống như chúng ta: ba lại là một và một lại là ba. Chỉ có một Chúa, nhưng ba ngôi riêng biệt. Ba ngôi ấy khác biệt mà không bị phân chia, duy nhất mà lại không hoàn toàn hòa nhập.”
 

Thế còn Kinh Thánh nói gì về tín điều “một Chúa Ba Ngôi”. Thưa, với các nhà chú giải Kinh Thánh, họ nói rằng: “Chúa Ba Ngôi” một danh từ thần học không được Kinh Thánh nhắc đến, nhưng danh từ này lại là danh từ dùng để diễn tả rõ nét nhất về Thiên Chúa trong Kinh Thánh.
 

Mà thật vậy, Kinh Thánh nói rất rõ về Đức Chúa CHA, Đức Chúa CON (Ngài chính là Đức Giê-su) và Đức Chúa THÁNH THẦN. Kinh Thánh cũng nói rất rõ ràng rằng: chỉ có một ĐỨC CHÚA TRỜI duy nhất: “Nghe đây, hỡi Israel! ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa chúng ta là ĐỨC CHÚA duy nhất” (Dnl 6, 4)
 

Ngay từ lúc khởi đầu, Kinh Thánh có hé lộ cho chúng ta nhận biết về mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi. Hãy chú ý đại từ số nhiều “chúng ta” trong sách Sáng Thế Ký. Khi đó Thiên Chúa phán: “Chúng ta hãy làm ra con người theo hình ảnh chúng ta, giống như chúng ta, để con người làm bá chủ cá biển, chim trời, gia súc, dã thú, tất cả mặt đất và mọi giống vật bò dưới đất.”
 

Ở một đoạn khác, Kinh Thánh mô tả rằng: Thiên Chúa phán “phải có… phải có” và “thần khí Thiên Chúa bay lượn trên mặt nước”, điều này nói lên một chân lý rằng, Chúa Cha và Chúa Thánh Thần, hai ngôi trong Ba Ngôi Thiên Chúa cùng hiện diện nơi công trình sáng tạo.
 

Còn phần Tân Ước ư! Vâng, lại càng rõ ràng hơn. Phúc Âm Matthêu (3, 16-17) qua trình thuật biến cố Đức Giêsu chịu phép rửa tại sông Giodan đã cho ta thấy hình ảnh Chúa Cha và Chúa Thánh Thần thật rõ nét.
 

Thật vậy, Phúc Âm thuật lại rằng: “Khi Đức Giêsu chịu phép rửa xong, vừa ở dưới nước lên, thì các tầng trời mở ra. Người thấy Thần Khí Thiên Chúa đáp xuống như chim bồ câu và ngự trên Người. Và có tiếng từ trời phán: Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người” (Mt 3, 16-17).
 

Thần Khí Thiên Chúa đáp xuống như chim bồ câu, cùng với tiếng từ trời phán… phải chăng đó chính là Chúa Cha và Chúa Thánh Thần? Thưa, đúng vậy.
 

Và còn đây là những lời Đức Giê-su đã mạc khải trong bữa tiệc Vượt Qua, chính ở bữa tiệc này, Đức Giê-su đã nói đến “ngôi thứ ba”. Hôm đó, Ngài đã nói rằng: “Thầy sẽ xin Chúa Cha và Người sẽ ban cho anh em một Đấng Bảo Trợ khác để ở với anh em luôn mãi”.
 

Thế còn Chúa Con? Thưa, đó là Đức Giêsu, đã có lần Ngài từng khẳng định mình là một “ngôi vị” khi tuyên bố rằng, “Ta với Cha là một” và “Ai thấy Ta là thấy Chúa Cha”.
 

“Chúa Ba Ngôi”: Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần là một mầu nhiệm, mầu nhiệm đức tin. Đức Giê-su, trước khi về trời, Ngài đã nói đến mầu nhiệm này như là một lời tuyên tín cho những ai muốn trở nên môn đệ của Ngài.
 

Hồi ấy, Ngài đã truyền dạy các môn đệ, rằng: “Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất. Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần…” (x.Mt 28, 18-19).
 

Như vậy, Mầu Nhiệm Chúa Ba Ngôi không do tự Giáo hội đặt ra, nhưng là do chính Đức Giê-su truyền dạy. Và, đó là lý do vì sao người tín hữu Công Giáo coi việc làm Dấu Thánh Giá (một hình thức tuyên xưng Chúa Ba Ngôi), như một phần không thể thiếu trong đời sống đức tin của mình.
 

**

Như đã nói ở trên, là một tín hữu Công Giáo, không ai trong chúng ta lại không biết giơ tay lên làm Dấu Thánh Giá, cùng lúc cất tiếng tuyên xưng Mầu Nhiệm Chúa Ba Ngôi: “Nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần”.
 

Thế nhưng, tuyên xưng Chúa Ba Ngôi bằng đôi tay, bằng môi miệng vẫn chưa đủ. Còn phải thể hiện bằng chính đời sống của chúng ta.
 

Thể hiện như thế nào? Thưa, đó là phải sống một đời sống cho tình yêu và sự hiệp nhất. Tại sao? Thưa, là bởi Mầu Nhiệm Chúa Ba Ngôi chính là “Mầu Nhiệm tình yêu và hiệp nhất”.
 

Vì, như chúng ta được biết, thánh Gio-an đã nói: “Thiên Chúa là tình yêu”, thế thì, để chứng minh cho thiên hạ biết về “Chúa Ba Ngôi – ngôi thứ nhất là Cha”, không gì tốt hơn là “chúng ta hãy (sống) yêu thương nhau”.
 

Còn về “ngôi thứ hai là Con” thì sao? Thưa, một khi chúng ta sống yêu thương nhau, một tình yêu “của người thí mạng vì bạn hữu mình”. Vâng, đó… đó chính là cách nói đẹp nhất về “Chúa Ba Ngôi – ngôi thứ hai là Con”.
 

Sống yêu thương nhau, một tình yêu “của người thí mạng vì bạn hữu mình”. Vâng, đó… đó chính là sự khai mở cho thiên hạ nhìn ra “Chúa Ba Ngôi - ngôi thứ ba là Thánh Thần”, qua đời sống của chúng ta.
 

Thì đây, một khi chúng ta dám “thí mạng vì bạn hữu mình”, chính khi đó chúng ta đã thể hiện rõ nét mình là một Ki-tô hữu có Chúa Thánh Thần. Nói cách khác, “hoa quả của Thần Khí là bác ái, từ tâm, nhân hậu” nở rộ trong đời sống của chúng ta.
 

Cuối cùng, chính nhờ chúng ta thể hiện cuộc sống của mình như thế, “sự hiệp nhất – hiệp nhất trong Thiên Chúa” có phần chắc sẽ hiện hữu, hiện hữu một cách mạnh mẽ trong mỗi chúng ta.
 

***

“Chúng ta (đang) sống trong một thế giới chìm trong vi phạm đạo đức. Khắp mọi nơi, các cá nhân và các nhóm đang căm phẫn và bị xúc phạm về đạo đức, nhiều lúc rất tàn bạo, bởi những cá nhân đối lập, những nhóm, hệ tư tưởng, quan điểm đạo đức, quan điểm giáo hội, diễn giải tôn giáo, diễn giải kinh thánh đối lập, và đủ thứ đối lập khác.
 

Chúng ta thấy điều này khắp nơi, các đài truyền hình đả kích tin tức của các đài khác, các nhóm trong giáo hội lên án nhau, các nhóm ủng hộ sự sống và ủng hộ lựa chọn chỉ trích nhau, và chính trị bị tê liệt khi các nhóm khác nhau thấy căm phẫn đến mức không sẵn sàng ngẫm nghĩ chút gì về những thứ đối lập với họ.
 

Và lúc nào cũng thế, cả hai phía, đều có những lời kêu gọi chính đáng hướng đến đạo đức uy quyền thiêng liêng (dù là nói rõ hay mơ hồ), và về căn bản, họ thường lập luận thế này: Tôi có quyền để xem anh là quỷ và không thèm nghe những gì anh muốn nói, vì anh sai trái và vô luân, và nhân danh Thiên Chúa và chân lý, tôi chống lại anh. Hơn nữa, việc anh vô luân, càng cho tôi quyền chính đáng để gom lấy những yếu tính của sự tôn trọng nhân loại và xem anh là kẻ chống đối xã hội cần bị loại trừ, nhân danh Thiên Chúa và chân lý”.
 

Trên đây là những vấn nạn rất thời sự và đã được ngài Ron Rolheiser. OMI trình bày trong một bài viết tựa đề là: “Phẫn nộ đạo đức”.
 

Đúng là rất đáng phẫn nộ. Vâng, làm sao không phẫn nộ khi chúng ta đã chứng kiến cả một rừng người tấn công đan sĩ đan viện Thiên An, phá hủy thánh giá Đức Ki-tô…
 

Chúng ta phải làm gì? Phải chăng là chúng ta rơi vào trạng thái “phẫn nộ đạo đức”? Thưa, qua bài viết, ngài Ron Rolheiser.OMI không khuyến khích như thế. Bởi vì, theo ngài, phẫn nộ đạo đức sinh ra khủng bố (Hồi giáo quá khích là một ví dụ điển hình), sinh ra kỳ thị chủng tộc.
 

Trái lại, ngài Ron Rolheiser cho chúng ta lời khuyên, khuyên rằng: “(Hãy) có sự cảm thương, thông hiểu, nhẫn nại, bao dung, tha thứ, tôn trọng, nhân ái, và độ lượng...”
 

Làm sao ta có thể thực hiện lời khuyên của ngài Ron Rolheiser? Nên chăng, hãy thể hiện đời sống đức tin của mình qua việc sống kết hợp với Chúa Ba Ngôi!
 

Thưa, đúng vậy. Đúng là bởi, qua việc sống kết hợp với Chúa Ba Ngôi, một kết hợp với “Mầu Nhiệm tình yêu và hiệp nhất”, chúng ta mới có thể “phụng sự Chúa trong mọi người”, chúng ta mới có thể trở thành “khí cụ bình an của Chúa”, chúng ta mới có thể “đem yêu thưong vào nơi oán thù. Ðem thứ tha vào nơi lăng nhục. Ðem an hòa vào nơi tranh chấp. Ðem chân lý vào chốn lỗi lầm”.
 

Nói tắt một lời, chúng ta mới có thể làm “Sáng danh Ba Ngôi Thiên Chúa”.
 

Petrus.tran

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây