TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

CN34TNb - Đức Giêsu Kitô, Vua Vũ Trụ

“Quan nói đúng: Tôi là Vua”. (Ga 18, 33b-37)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Chúng ta là phát ngôn nhân của Chúa

Thứ tư - 26/05/2021 04:19 | Tác giả bài viết: Petrus.tran |   753
Chúng ta là phát ngôn nhân của Chúa

Chúa Nhật III – TN – C

Chúng ta là phát ngôn nhân của Chúa

Nghèo và sự áp bức đó là một thảm họa. Đau yếu, bệnh hoạn, tật nguyền đó là một thảm cảnh. Những thảm họa đó như là nỗi ám ảnh suốt chiều dài lịch sử con người. Và, tội lỗi là nguyên nhân chính gây ra.

Luật pháp của Thiên Chúa (mười giới răn), qua ông Mô-sê, ban cho Israel xưa, là để che chở và làm giảm đi nỗi đau khổ của nghèo đói và sự áp bức. Thế nhưng, con người lại không tuân giữ luật pháp ấy. Con người, theo lời luận tội của ngôn sứ Isaia, họ đã “bán người công chính để lấy tiền, bán kẻ nghèo khổ với giá một đôi giày… đạp đầu kẻ yếu thế xuống bùn đen và xô người khiêm hạ ra khỏi đường lộ” (Is 2, 6-7). Và, ngôn sứ Ê-dê-ki-en cũng đã nói lên tội lỗi mà con người đã phạm: “Dân trong xứ đã bóc lột người khác, cướp giật của người ta, ngược đãi kẻ bần cùng nghèo đói, bóc lột ngoại kiều, không đếm xỉa đến lẽ chính trực”.

Trước vấn nạn này, Thiên Chúa, qua ngôn sứ Amos, đã phải cất tiếng cảnh cáo: “Vì tội của Israel đã lên tới cực độ. Ta sẽ không rút lại bản án”.

Một bên là lên án kẻ tội lỗi, và một bên Thiên Chúa không quên những kẻ nghèo hèn bị áp bức, Người có một kế hoạch, đó là sẽ đem đến thế gian một Tin Mừng, một Tin Mừng cho người nghèo. Đức Giê-su là người đã được sai đi làm điều đó. Sự kiện này đã được tường thuật lại trong sách Phúc Âm thánh Luca.

**

Phúc Âm thánh Luca ghi lại như sau: “Được quyền năng Thần Khí thúc đẩy, Đức Giê-su trở về Galile… tiếng tăm Người đồn ra khắp vùng lận cận. Người giảng dạy trong các hội đường và được mọi người tôn vinh”.

Vâng, làm sao không tôn vinh Ngài cho được. Chuyện là thế này: “Hôm ấy, Đức Giê-su đến Nazareth, là nơi Người sinh trưởng. Người vào hội đường, như Người vẫn quen làm trong ngày sa-bát”.

Tưởng chúng ta cũng nên biết, theo Do Thái giáo, ngày sa-bát là ngày cuối cùng trong một tuần lễ bảy ngày, đó là một ngày được: “Thiên Chúa ban phúc lành… và thánh hóa” (x.Stk 2, 3).

Đến thời ông Mô-sê, trong cuộc hành trình dẫn đưa dân Do-Thái về miền đất hứa, một lần nữa, tại núi Sinai, Thiên Chúa đã đóng ấn ngày Sa-bát bằng một điều luật trong mười điều Người đã phán cùng Mô-sê, rằng: “ngươi hãy nhớ ngày sa-bát, mà coi là ngày thánh. Trong sáu ngày, ngươi sẽ lao động và làm mọi công việc của ngươi. Còn ngày thứ bảy là ngày sa-bát kính Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi”. (Xh 20, 8-10).

Kể từ đó, ngày sa-bát trở thành ngày toàn dân Israel: “dành cho Đức Chúa”. Ngày đó, họ nhóm lại trong hội đường để lắng nghe Lời Chúa. Bắt đầu cho phần phụng vụ, họ xướng kinh “Shêma”, và kinh “mười tám lời chúc phúc”. Kế tiếp, mọi người thinh lặng lắng nghe Lời Chúa được trích từ Sách Luật (Ngũ Thư) hay từ các sách Ngôn Sứ.

Mọi người đều có quyền đọc Sách Thánh, hoặc là tự nguyện hoặc là được viên trưởng hội đường chỉ định. Người được chỉ định thường là người thông thạo Kinh Thánh. Họ được mời lên công bố và giảng giải Lời Chúa cho cộng đoàn.

Và hôm nay, khi Đức Giê-su vào hội đường, Ngài được vinh dự đọc Sách Thánh.

Không thấy thánh sử Luca nói tới, nhưng, chúng ta có thể nghĩ rằng, có lẽ, tiếng đồn về những điều “Người giảng dạy” và được “mọi người tôn vinh” lọt đến tai ông trưởng hội đường, cho nên, khi thấy Đức Giêsu vào hội đường, với sự ngưỡng mộ, ông ta đã không ngần ngại mời Đức Giêsu lên đọc Sách Thánh. Hôm đó, họ trao cho Đức Giêsu cuốn sách ngôn sứ I-saia.

Thánh Luca ghi lại rằng: “Người mở ra gặp đoạn chép rằng: Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa.”

Khi Đức Giê-su đọc xong, bầu khí thinh lặng trong hội đường bị phá vỡ bởi những lời “tán thành và thán phục”. Họ tán thành và thán phục không chỉ bởi “những lời hay ý đẹp thốt ra từ miệng Người” mà còn bởi từ trước tới nay, tuy đã nhiều lần được nghe lời ngôn sứ Isaia, nhưng hôm nay, lạ thay! đây là lần đầu tiên họ được nghe một người dám dõng dạc tuyên bố rằng: “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe” (Lc 4, 21).

***

Vâng, trong ba năm ra đi rao giảng Tin Mừng, những gì Đức Giê-su đã thực hiện, như làm phép lạ cho: “Người mù xem thấy, kẻ què được đi, người cùi được sạch, kẻ điếc được nghe, người chết sống lại”, thì đúng là lời ngôn sứ Isaia đã ứng nghiệm.

Những gì đã được tường thuật trong các sách Phúc Âm nói về cuộc đời của Đức Giê-su, có thể nói rằng, Ngài rất thấu đáo những nỗi khó khăn cũng như nhu cầu của người nghèo.

Ngài đồng cảm sâu sắc với những kẻ nghèo khó. Thánh Phao-lô, khi đề cập đến điều này, ngài nói: “Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta, đã có lòng quảng đại như thế nào: Người vốn giàu sang phú quý, nhưng đã tự ý trở nên nghèo khó vì anh em, để lấy cái nghèo của mình mà làm cho anh em trở nên giàu có”. Khi nhìn thấy đám đông dân chúng, Đức Giê-su “động lòng thương xót, vì họ cùng khốn và tan lạc như đàn chiên không có người chăn”.

Không chỉ động lòng trắc ẩn đối với người nghèo, Đức Giê-su còn quan tâm đến nhu cầu của họ. Câu chuyện Ngài bảo người thủ lãnh giàu có “hãy bán tất cả những gì ông có mà ban phát cho người nghèo”, như một điển hình.

****

Ai là kẻ nghèo hèn? Thưa, theo Kinh Thánh, đó là “người có tâm hồn tan nát” (x.Is 66, …2). Joel Green, một học giả về Kinh Thánh nói rằng: “kẻ nghèo khó” trong xã hội thời Chúa Giê-su, không nhất thiết là những người nghèo về vật chất, nhưng nó liên quan đến nhiều khía cạnh khác nhau như: giáo dục, giới tính, gia thế, sự trong sạch về mặt tôn giáo, nghề nghiệp v.v… Sự thiếu kém về một trong số những điều đó, có thể được xếp vào hạng “kẻ nghèo hèn”.

Được giao phó sứ mạng “loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn”, Đức Giê-su muốn nói đến những người “thiếu kém”, có thể là thiếu kém vật chất, có thể nghèo khó tâm linh. Những người đó, hãy trông cậy nơi Ngài, bởi vì “một năm hồng ân của Chúa” đã đến.

Và rồi, sau khi Đức Giê-su về trời, các người môn đệ của Ngài tiếp tục sứ vụ đem Tin Mừng đến cho người nghèo. Khoảng năm 49CN, tông đồ Phao-lô đã gặp tông đồ Gia-cô-bê, Phê-rô và Gio-an để đưa ra một chương trình truyền giáo. Ba vị tông đồ này tán thành việc thánh Phao-lô và Ba-na-ba đi đến dân ngoại, chuyên trách việc rao giảng Tin Mừng cho những người không phải là Do Thái. Hai vị sứ giả này được các đồng môn khuyên rằng: “phải nhớ đến những người túng thiếu (nghèo)”, và thánh Phao-lô đã hãnh diện và nói: “(đó là) điều mà chúng tôi vẫn gắng làm”. (x.Gl 2, 10)

******

“Điều mà chúng tôi vẫn gắng làm”, phải chăng “chúng tôi” ở đây cũng chính là “chúng ta”? Thưa, câu trả lời dành cho mỗi chúng ta. Thế nhưng, hãy nhớ rằng việc “nhớ đến những người túng thiếu” chính là tiêu chuẩn để nhận vé thông hành vào Nước Trời.

Khi nói về đề tài rao giảng Tin Mừng cho người nghèo, Lm RonRolheiser, OMI có lời chia sẻ: “Trong Tin Mừng theo thánh Matthêu, khi đưa ra các câu hỏi trong cuộc phán xét cuối cùng, Chúa Giêsu đã cho chúng ta một tiêu chuẩn trọn vẹn về những gì chúng ta phải trao ban cho người nghèo: Con có cho kẻ đói ăn? Con có cho kẻ khát uống? Con có cho kẻ trần truồng áo mặc? Cuối cùng, và thậm chí còn mạnh mẽ hơn nữa, trong chuyện bà góa bỏ hai đồng cuối cùng của mình vào hòm tiền, Chúa Giêsu đòi hỏi chúng ta không chỉ đem cho người nghèo những của dư thừa, nhưng là cho những gì là thiết yếu sinh nhai của chúng ta. Các Tin Mừng và trọn cả Thánh Kinh đều mạnh mẽ lên tiếng đòi hỏi chúng phải trao tặng cho người nghèo, không phải vì họ cần của từ thiện của chúng ta, dù họ cần thật, nhưng là vì trao tặng là cách duy nhất để chúng ta giữ mình được lành mạnh” (nguồn: internet).

Lm RonRolheiser, OMI chia sẻ tiếp: “Chúng ta cần phải cho đi của cải của mình để có thể sống lành mạnh. Của cải tích trữ luôn luôn làm hủ bại những người khư khư giữ nó. Bất kỳ tặng vật nào không được chia sẻ đều sẽ lên men chua thối. Nếu chúng ta không quảng đại với những ơn ích của mình thì rồi chúng ta sẽ trở nên ghen tỵ trong cay đắng và cuối cùng là trở nên chua chát và đố kỵ”.

Như vậy là mọi chuyện đã rõ. Đem Tin Mừng đến cho người nghèo, người bị áp bức, người bị lãng quên… là việc làm của chính mỗi chúng ta. Bởi vì qua những gì chúng ta làm cho họ, chúng ta chính là người tiếp tục nói lên tiếng nói của Đức Giê-su, trước bàn dân thiên hạ, rằng: “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe”.

Vâng, là một Ki-tô hữu, cớ sao chúng ta không là phát ngôn nhân của Đức Giê-su!

Petrus.tran

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây