TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật III Thường Niên -Năm C

“Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh này”. (Lc 1, 1-4; 4, 14-21)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Chuyển giới tính: Một nhận định

Thứ ba - 03/05/2022 19:10 | Tác giả bài viết: BS Elizabeth Trần Như Ý Lan, CND |   1401
Chuyển giới tính: Một nhận định trên phương diện y khoa và thần học luân lý Công Giáo
Chuyển giới tính: Một nhận định

CHUYỂN GIỚI TÍNH (TRANSGENDER-TRANSSEXUAL-GENDER DYSPHORIA): MỘT NHẬN ĐỊNH TRÊN PHƯƠNG DIỆN Y KHOA VÀ THẦN HỌC LUÂN LÝ CÔNG GIÁO[1]

 

Mục lục

MỞ ĐẦU

I. PHÂN BIỆT GIỚI TÍNH TRÊN PHƯƠNG DIỆN Y KHOA

     1. Giới tính bình thường

     2. Lưỡng tính (hermaphrodite,intersex)

II. NGƯỜI CHUYỂN GIỚI (TRANSGENDER, HAY TRANSSEXUAL)

     1. Định nghĩa

     2. Tỉ lệ

     3. Nguyên nhân

     4. Tiến trình y học để chuyển giới

     5. Tỉ lệ tai biến và tử vong

III. LUẬT PHÁP VIỆT NAM VỀ CHUYỂN ĐỔI GIỚI TÍNH

IV. QUAN ĐIỂM NHÂN HỌC KITÔ GIÁO

V. QUAN ĐIỂM THẦN HỌC LUÂN LÝ CÔNG GIÁO

     1. Quan Điểm Kinh Thánh về phái tính

     2. Quan điểm Kinh Thánh về chuyển giới

     3. Quan điểm Huấn Quyền

VI. NHẬN ĐỊNH CÁ NHÂN

VII. MỤC VỤ CHO NGƯỜI CHUYỂN GIỚI

KẾT

 

MỞ ĐẦU

Việc nghệ sĩ chuyển giới hiện nay không còn là chuyện hiếm hoi trong làng giải trí châu Á, và dường như, sau các cuộc phẫu thuật định mệnh để biến khát vọng của họ trở thành sự thật, họ trở nên nổi tiếng hơn… Tại Việt Nam, một số người chuyển giới được biết đến như chuyên gia trang điểm Cindy Thái Tài, ca sĩ Cát Tuyền, ca sĩ Khánh Chi Lâm, Hương Giang idol, nhà thiết kế Franky Nguyễn… Trong đời thường, là bác sĩ, thỉnh thoảng tôi vẫn gặp các bệnh nhân, hồ sơ ghi giới tính là nữ, thoạt nhìn thì giật mình, cứ tưởng nhầm hồ sơ, vì rõ ràng vẻ ngoài là một người nam, nhưng đúng là bệnh nhân đầy đủ tử cung và buồng trứng!

Sau một thời gian cấm đoán, ngày 24/11/2015 Quốc hội Việt Nam đã thông qua điều khoản quy định về việc chuyển đổi giới tính trong Bộ luật Dân sự (sửa đổi). Bộ luật cho phép chuyển đổi giới tính có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/ 2017.[2] Vậy có lẽ đây là thời điểm thích hợp và cần thiết để bàn về vấn đề này cách cặn kẽ hơn.

Tuy nhiên, vấn đề chuyển giới mới chỉ nổi cộm tại Việt Nam khoảng thập niên trở lại đây. Chưa có nhiều nghiên cứu sâu xa nghiêm túc về vấn đề này. Một cách khiêm tốn, bài viết đề cập trên lãnh vực lý thuyết ít ỏi biết được, về phương diện y khoa và thần học luân lý Công Giáo.

I. PHÂN BIỆT GIỚI TÍNH TRÊN PHƯƠNG DIỆN Y KHOA[3]

1. Giới tính bình thường

Nam: người mang bộ nhiễm sắc thể 46XY, cơ quan sinh dục bên trong gồm 2 tinh hoàn (testis), mào tinh (epididymis), ống dẫn tinh (ductus deferens), túi tinh (seminal vesicle), ống phóng tinh (ejaculatory duct), bộ phận sinh dục ngoài là nam gồm bìu (scrotum), dương vật (penis).
 

Hình minh họa đường sinh dục nam

Nữ: người mang bộ nhiễm sắc thể 46 XX, cơ quan sinh dục bên trong gồm 2 buồng trứng (ovary), vòi trứng hay vòi Fallop (uterine tube hay Fallopian tube), tử cung (uterus), vú (breast) phát triển, bộ phận sinh dục ngoài là nữ gồm môi lớn (labiamajora), môi bé (labiaminora), âm vật (clitoris), âm đạo (vagina).

Hình minh họa đường sinh dục nữ

Giới tính bao gồm năm khía cạnh: bộ nhiễm sắc thể, cơ quan sinh dục bên trong, bộ phận sinh dục ngoài, nội tiết tố (hormone) giới tính,và tâm lý giới tính. Ngoài ra, có thể kể thêm đặc tính phụ của giới tính. Ở một con người bình thường, năm khía cạnh này cùng với đặc tính phụ giới tính phải thống nhất và hài hòa.

Nội tiết tố có thể xem như là các sứ giả hóa học thông tin cho các mô (tissues) trong cơ thể để mang lại các sự thay đổi chuyển hóa khác nhau. Ở người nữ, nội tiết tố sinh dục là oestrogen và progesterone. Oestrogen được sản xuất chủ yếu bởi buồng trứng (ở nửa đầu chu kỳ kinh nguyệt và thêm progesterone vào nửa chu kỳ sau) và bởi bánh nhau (placenta) khi có thai. Oestrogen chịu trách nhiệm về phát triển dậy thì và cho các đặc tính thể lý ở người nữ như giọng cao, eo thon, dáng điệu uyển chuyển, cơ quan sinh dục trong, cơ quan sinh dục ngoài, vú. Nó bảo đảm sự tăng trưởng nội mạc tử cung (uterine endometrium) trong nửa chu kỳ đầu của kinh nguyệt và chuẩn bị nội mạc tử cung sẵn sàng nuôi dưỡng thai khi có thai.

Tinh hoàn ở người nam sản sinh tinh trùng (sperm) và androgens là các nhóm nội tiết tố sinh dục nam. Các nội tiết tố này thiết yếu cho chức năng tình dục và sinh sản. Chúng cũng chịu trách nhiệm cho sự phát triển các đặc tính giới tính phụ nơi người nam bao gồm thay đổi dây thanh âm để tạo ra giọng trầm, sự tăng trưởng của lông và râu trên thân thể, phát triển bắp cơ và xương. Nội tiết tố tình dục chủ yếu của nam là testosterone, chịu trách nhiệm cho quá trình dậy thì. Chức năng khác của testosterone là gây xung động tình dục và chức năng tình dục; sự tăng trưởng và chức năng của tuyến tiền liệt (prostate gland).

Cấu trúc cơ thể và nội tiết tố ảnh hưởng lên tâm lý, tình cảm, một cách tự nhiên người nam và người nữ thường thấy được hấp dẫn lẫn nhau.

Tuyến yên (pituitary gland), một tuyến nhỏ nằm trong não, kiểm soát bài tiết nội tiết tố của tinh hoàn (ở nam) và buồng trứng (ở nữ). Tuyến yên điều khiển tinh hoàn hay buồng trứng thông qua hai nội tiết tố: - Luteinising hormone (LH) và Follicle stimulating hormone (FSH) – cũng được gọi là gonadotrophins. Tuyến yên lại chịu sự kiểm soát của một tuyến lân cận cũng nằm trong não, gọi là tuyến dưới đồi (hypothalamus). Vậy, bất cứ rối loạn nào ở tinh hoàn, buồng trứng, tuyến yên, tuyến dưới đồi đều có thể gây rối loạn sản sinh nội tiết tố nam hay nữ, và từ đó có thể ảnh hưởng tâm sinh lý giới tính. Vùng vỏ của tuyến thượng thận (adrenal glands) còn tiết ra androgen. Hoạt tính sinh dục của androgen vỏ thượng thận rất ít, chỉ rõ khi có sự bài tiết gia tăng bệnh lý.

adrenal: tuyến thượng thận; ureter: niệu quản; spine: cột sống; seminal vesicle: túi tinh; bladder: bàng quang; lymph node: hạch bạch huyết; vas deferens: thừng tinh; prostate: tuyến tiền liệt; rectum: trực tràng; anus: hậu môn; testis: tinh hoàn

Hình minh họa vị trí tương quan thận, tuyến thượng thận và cơ quan sinh dục người nam.

2. Lưỡng tính (hermaphrodite,intersex)

Đây là trường hợp bệnh lý do rối loạn phát triển hệ thống cơ quan sinh dục vào thời kỳ bào thai. Hệ sinh dục của con người gồm có ba phần: các tuyến sinh dục trong, đường sinh dục và các bộ phận sinh dục ngoài. Chúng có nguồn gốc cấu tạo khác nhau và chịu ảnh hưởng của các tác nhân khác nhau khi hình thành. Việc bộ phận sinh dục ngoài không rõ ràng được gọi là tình trạng lưỡng tính (từ ngữ thông thường hay được sử dụng là “ái nam ái nữ”).

c. Lưỡng tính thật

Rất hiếm. Những người này có cả tinh hoàn và buồng trứng (tách riêng hay nhập chung thành tuyến tinh hoàn - buồng trứng) nhưng chúng thường không có tính năng hoạt động. Khi đứa trẻ mới ra đời, có thể các bác sĩ đã phát hiện thấy cơ quan sinh dục ngoài phát triển không có giới tính rõ ràng, dương vật rất nhỏ và có khi nứt ở niệu đạo. Vào thời kỳ dậy thì, ở người đó có thể đồng thời xuất hiện cả các đặc tính nam và nữ, thậm chí có cả kinh nguyệt. Nhiễm sắc thể là 46XX/46XY (một số tế bào mang 46XX và một số tế bào mang 46 XY) hoặc là loại hình hỗn hợp của cả hai loại trên. Nguyên nhân gây lưỡng tính thật là có bất thường trong quá trình tăng trưởng phân định giới tính.

Phần lớn các trường hợp “ái nam ái nữ” thường gặp là lưỡng tính giả.

b. Lưỡng tính giả

Lưỡng tính giả ở nữ: Bệnh nhân là nữ, có buồng trứng hẳn hoi, nhưng do tuyến thượng thận sản xuất quá nhiều nội tiết tố nam androgen nên bộ phận sinh dục ngoài bị “nam hóa”, như âm vật phì đại, hai môi lớn to và dính nhau như bìu. Trường hợp nam hóa nặng có thể tạo nên đoạn niệu đạo - âm vật giống như ở người nam có tinh hoàn ẩn. Nguyên nhân thường gặp nhất là hội chứng thượng thận- sinh dục. Một số trường hợp do mẹ có dùng thuốc chứa androgen khi mang thai, mẹ bị u buồng trứng nam hóa (u buồng trứng tiết ra androgen).

Lưỡng tính giả ở nam: Bộ nhiễm sắc thể vẫn là 46 XY như mọi đàn ông khác, nhưng bộ phận sinh dục ngoài lại giống nữ. Nguyên nhân là nội tiết tố nam testosterone và MIS - một chất cần cho sự phát triển giới tính nam - không được tiết ra đủ.

Bệnh nữ hóa có tinh hoàn: Người bệnh có tinh hoàn và có bộ nhiễm sắc thể 46XY, là đàn ông nhưng cơ quan sinh dục ngoài không nhạy cảm với testosterone nên không biệt hóa thành dương vật. Họ có âm đạo (thường bị tịt một đầu, không có tử cung, có vòi trứng nhưng kém phát triển). Đến khi dậy thì, vú lớn lên nhưng không hành kinh, lông mu ít hay không có. Các tinh hoàn thường ở trong bụng hay ống bẹn, cũng có khi ở môi lớn. Về phương diện phôi thai học, các người này giống lưỡng tính giả ở nam, song họ không có cảm giác lưỡng tính mà coi mình là phụ nữ do bộ phận sinh dục ngoài giống như người nữ, sinh ra được nuôi dạy như người nữ.

Loạn sinh tuyến sinh dục kết hợp: Các trường hợp này cũng rất hiếm: Bệnh nhân có tinh hoàn một bên, bên kia không rõ ràng. Cấu trúc đường sinh dục thường là nữ, song đôi khi cũng có vài cấu trúc dạng nam. Các bộ phận sinh dục ngoài có thể là nữ, nam hay pha trộn cả hai. Khi dậy thì, bệnh nhân không phát triển vú, không hành kinh.

Các trường hợp nghi ngờ lưỡng tính cần được bác sĩ khám kỹ để tìm nguyên nhân, từ đó xác định biện pháp xử lý. Các người đàn ông bị hội chứng Klinefelter - mang thừa nhiễm sắc thể nữ (47XXY) - giờ đây vẫn có thể có con, nếu được trải qua phẫu thuật để phục hồi tinh trùng.

II. NGƯỜI CHUYỂN GIỚI (TRANSGENDER, HAY TRANSSEXUAL)

1. Định nghĩa

Người chuyển giới là những người có bộ nhiễm sắc thể, cả tuyến sinh dục bên trong lẫn bộ sinh dục bên ngoài hoàn toàn bình thường, nhưng do một yếu tố nào đó chưa xác định, họ có rối loạn về cảm xúc, tâm lý giới tính, cảm thấy không hài lòng, thậm chí đau khổ tuyệt vọng về phái tính sinh học tự nhiên của mình, ước ao sống phái tính ngược lại. Một số người tìm cách phẫu thuật để chuyển giới. Như thế, theo y học, chuyển giới là trường hợp một người hoàn toàn là người nam về mặt tự nhiên sinh học - nghĩa là bộ nhiễm sắc thể 46XY, có bộ phận sinh dục nam hoàn chỉnh - gồm tinh hoàn, mào tinh, ống dẫn tinh, tuyến tiền liệt, ống phóng tinh, bìu, dương vật, giọng nói trầm, không có bầu ngực, không tuyến sữa… , nhưng lại cảm nhận mình là người nữ, khát khao là người nữ nên muốn chuyển đổi giới tính thành người nữ (trans women, male-to-female, MTFs), hoặc ngược lại, một người nữ mang bộ nhiễm sắc thể 46 XX, có bộ phận sinh dục nữ hoàn chỉnh, có buồng trứng, tử cung, vòi trứng, âm đạo, hàng tháng có kinh nguyệt, có vú phát triển, có tuyến sữa, nhưng vẫn cứ cảm nhận mình là nam và muốn trở thành người nam (trans men, female- to- male, FTMs)![4] Khát khao này đôi lúc rất mãnh liệt khiến người ấy thậm chí không muốn sống nếu không được chuyển giới.[5]

Ngoài ra, còn vài khái niệm liên quan lãnh vực chuyển giới như transvestism, nói đến sự thực hành mặc quần áo hay hành động theo kiểu mẫu truyền thống của giới tính ngược lại, [6] (ví dụ người nữ nhưng cắt tóc theo kiểu nam, mặc quần áo của nam, cử chỉ giống nam giới… còn gọi là crossdressers).

2. Tỉ lệ

Chưa có thống kê chính xác. Một lý do đóng góp vào điều này là một số người ước muốn chuyển giới, nhưng không công khai về ước muốn của mình.[7]Dù sao, theo một thống kê về giới tính học của thế giới, tỉ lệ thích chuyển giới ở nam là 1/30.000 người; ở nữ, tỷ lệ này là 1/100.000 người.[8]Một vài thống kê khác cho thấy tỉ lệ có thể cao hơn, khoảng 0,3% đến 0,5% dân số.[9]

Do thiếu hiểu biết, và do thiếu được cảm thông từ cộng đồng gia đình, bạn bè, xã hội, các người chuyển giới thường có tỉ lệ cao biểu hiện các hành vi nguy hiểm như ma túy, tự ý sử dụng hormone không có chỉ định và theo dõi của bác sĩ, trạng thái căng thẳng kéo dài, trầm cảm, hoặc có thể biểu hiện các hành vi tiêu cực khác, sau cùng là tự tử.[10]

3. Nguyên nhân

Cho đến nay, một số giả thiết được đưa ra giải thích hiện tượng muốn chuyển giới, nhưng chưa có sự thống nhất ý kiến giữa các nhà chuyên môn y khoa. [11] Lập trường nghiêng về nguyên nhân rối loạn tâm lý dẫn đến ước muốn thoát khỏi giới tính sinh học tự nhiên ở những người chuyển giới vẫn chiếm đa số trong giới y khoa từ trước đến nay.[12]Việc nghiên cứu vấn đề này còn tương đối mới mẻ. Gần đây, một nhóm nghiên cứu gia ở Khoa Y Đại học Boston Hoa Kỳ đưa ra kết luận rằng các yếu tố y khoa gợi ý có nguyên nhân sinh học chịu trách nhiệm cho hiện tượng muốn chuyển đổi căn tính giới tính. Nhiều nhóm nghiên cứu đã tìm kiếm dấu hiệu chỉ ra não bộ của những người chuyển giới tương tự với não bộ của giới tính mà họ cảm thấy họ là.

Cấu trúc não bộ của người nam và người nữ hơi khác nhau, mặc dù giữa các cá nhân vẫn có sự khác biệt lớn lao. Nghiên cứu của nhóm Tây Ban Nha, hướng dẫn bởi nhà tâm sinh lý Antonio Guillamon và nhà tâm-thần kinh Carme Junqué Plaja, đã thực hiện MRI[13] khảo sát cấu trúc não bộ của 24 FTMs và 18 MTFs, cả trước và sau khi điều trị hormone. Kết quả của nhóm nghiên cứu công bố vào năm 2013, cho thấy ngay cả trước khi điều trị, cấu trúc não bộ của người chuyển giới tương tự với cấu trúc não của giới tính mà họ cảm thấy họ là, hơn là cấu trúc não của giới tính sinh học bẩm sinh của họ.[14]

Tuy nhiên, cũng chính nhóm nghiên cứu gia này lưu ý rằng đối tượng nghiên cứu của họ chỉ là một nhóm nhỏ, chưa đủ rộng để có thể rút ra kết luận chính xác. Vì thế, trong tương lai vấn đề chuyển giới vẫn cần được nghiên cứu sâu rộng hơn để đưa ra bằng chứng và kết luận xác đáng.[15]

4. Tiến trình y học để chuyển giới

Việc chuyển đổi giới tính là cả một quá trình lâu dài và phức tạp. Có thể tóm tắt như sau:

- Khám lâm sàng, làm tất cả các xét nghiệm cần thiết. Tiến hành tư vấn tâm lý.

- Dùng thuốc nội tiết liên tục trong một thời gian nhằm giúp một số bộ phận cơ thể người chuyển giới thay đổi. Ở MTFs- sự thay đổi ấy là lông, râu giảm bớt, giọng nói trở nên trong trẻo, các cơ bắp tay, chân nhỏ lại nhưng vú, mông thì to ra, tinh hoàn teo nhỏ. Ở FTMs- cơ bắp to ra, giọng nói trở nên trầm, kinh nguyệt hết, lông, râu mọc nhiều hơn. Thuốc nội tiết có một số tác dụng phụ như chóng mặt, cao huyết áp, thay đổi tính tình, tăng cân, trầm cảm… .

- Tiến hành phẫu thuật. Sau điều trị bằng thuốc nội tiết, một số bộ phận trong cơ thể đã thay đổi hết mức, người chuyển giới sẽ được làm phẫu thuật. Không có một loại phẫu thuật nhất định nào, mà tùy theo yêu cầu bệnh nhân.[16] Thông thường bao gồm cắt bỏ cơ quan sinh dục trong, phẫu thuật bộ phận sinh dục ngoài để tạo hình bộ phận sinh dục mới, nâng ngực cho to lên (nếu muốn thành đàn bà) hoặc thu nhỏ bộ ngực (nếu muốn là đàn ông). Phải trải qua vài lần phẫu thuật mới có thể hoàn chỉnh.[17]

Về việc phẫu thuật, một số bác sĩ cho rằng cuộc giải phẫu sẽ đem lại hậu quả tích cực cho tâm lý của đương sự. Nhưng sâu xa, vẫn là một sự thay đổi giả tạo và vì thế đương sự vẫn không cảm thấy thanh thản bình an. Do đó, một cách khách quan giải phẫu không phải là thần dược như một số người nghĩ.[18]

- Sau khi phẫu thuật xong, cả người nam lẫn người nữ đều không còn khả năng sinh sản. Hơn nữa, phải sử dụng thuốc nội tiết hầu như suốt đời nên ắt hẳn ảnh hưởng đến sức khỏe như sốc thuốc, tai biến nghẽn mạch, ung thư, giảm tuổi thọ...

- Theo một vài báo cáo, chi phí tốn cho các ca giải phẫu chuyển giới ở nước ngoài khoảng 7.000 – 24.000 USD, nếu MTFs, và khoảng 50.000 USD nếu FTMs.[19] Thêm vào đó, chi phí chích nội tiết tố từ 120.000- 200.000 đồng/2 ống/tuần. Một số người chuyển giới tự mua và chích nội tiết tố, không có sự tư vấn của chuyên gia y tế đã dẫn đến những hệ lụy khó lường.

5. Tỉ lệ tai biến và tử vong

Cuộc phẫu thuật chuyển giới có các nguy cơ của bất cứ cuộc phẫu thuật nào như nhiễm trùng, đau hậu phẫu, kết quả không thỏa mãn, thậm chí tử vong. Ngoài ra, phẫu thuật chuyển giới còn các tai biến đặc thù riêng như hẹp âm đạo mới tạo hình (MTFs), kỹ thuật lắp ráp dương vật nhân tạo khá khó khăn và kết quả khó dự đoán, sự kém chức năng của dương vật nhân tạo (FTMs). Tỉ lệ tử vong ở người MTFs cao hơn gấp 5 lần con số người ta dự đoán, phần lớn là tự tử hoặc không rõ nguyên nhân. Do đó, người chuyển giới cần được theo dõi, nâng đỡ trong nhiều năm về mặt thể trạng, tâm lý và quá trình hội nhập cộng đồng.[20]      

III. LUẬT PHÁP VIỆT NAM VỀ CHUYỂN ĐỔI GIỚI TÍNH

Theo Nghị định 88 và Thông tư số 29 của nhà nước Việt Nam về xác định lại giới tính thì chỉ những bệnh viện có đủ điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, đặc biệt là đội ngũ chuyên gia về các lãnh vực liên quan đến xác định lại giới tính, được Bộ Y tế hoặc Sở Y tế cho phép thì mới có thẩm quyền xác định lại giới tính. Trong Nghị định 88 cũng giải thích rõ về trường hợp được phẫu thuật xác định lại giới tính: 1/lưỡng tính thật; 2/ lưỡng tính giả hay các bệnh lý loạn tuyến sinh dục làm cho bộ phận sinh dục ngoài không rõ ràng.[21] Vì thế trước đây, một số người Việt Nam bình thường về mặt sinh học nhưng ước muốn chuyển giới đã phải sang Thái Lan để thực hiện phẫu thuật.

Ngày 24 /11/2015, Quốc hội Việt Nam đã thông qua luật mới, có hiệu lực thi hành từ đầu năm 2017,[22]hợp pháp hóa phẫu thuật chuyển đổi giới tính và cấp quyền được đăng ký lại giới tính trên các hồ sơ nhân thân cho những người chuyển giới đã trải qua phẫu thuật nói trên.

Tuy nhiên, cần lưu ý rằng quy định phải qua phẫu thuật chuyển đổi giới là điều kiện tiên quyết để được công nhận giới tính mới hợp pháp. Nhiều người ước muốn chuyển giới ở Việt Nam chọn lựa không thực hiện phẫu thuật trên cơ thể, và theo quy định của luật mới thì họ vẫn không thể thay đổi thông tin giới tính trên hồ sơ nhân thân.

Một số nước hiện nay chưa cho phép hợp thức hóa giới tính mới ở những người vốn bình thường mà chuyển giới, dù họ đã nhờ phẫu thuật tạo hình tạo cho mình một cơ thể hoàn toàn mới. Như thế, người chuyển giới gần như bị mất quyền nhân thân vì giới tính trong giấy tờ khác với giới tính hiện có và ngoại hình của họ. Chính điều ấy đã khiến những người đã chuyển giới lâm vào cảnh “mình chẳng phải mình”.

Theo các Nguyên tắc Yogyakarta – một tài liệu tổng hợp các điều luật quốc tế hiện hành liên quan đến quyền của LGBT (Lesbian, Gay, Bisexual, Transgender) – các nước cần xem xét các biện pháp cho phép mọi người được xác định giới tính theo ước vọng của riêng mình. Luật về công nhận giới tính của Argentina, được thông qua năm 2012, và các quốc gia khác như Colombia, Đan Mạch, Ireland và Malta... cũng hủy bỏ các quy định chính đối với việc công nhận giới tính hợp pháp, như phẫu thuật, triệt sản bắt buộc, và điều trị bằng hormone.Trong một thông báo về chính sách tháng 1/2015, Hiệp hội Chuyên môn Quốc tế về Sức khỏe Người Chuyển giới (The World Professional Association for Transgender Health,WPATH) kêu gọi chính phủ các nước loại bỏ các yêu cầu mà họ cho là rào cản không cần thiết như phẫu thuật, liệu pháp hormone, áp dụng các thủ tục hành chính đơn giản và thuận lợi đối với người chuyển giới và người ước muốn chuyển giới để họ được đăng ký và công nhận chính thức về giới tính, phù hợp với ước nguyện bản thân.[23]

IV. QUAN ĐIỂM NHÂN HỌC KITÔ GIÁO

Tính bổ túc nam nữ

Cốt lõi nền nhân học Kitô giáo là niềm tin cho rằng điều đã “được ban” cho ta trong trật tự tự nhiên- là một trật tự do Thiên Chúa sáng tạo. Đó là nền nhân học dẫn ta tới việc hiểu được con người nhân bản dựa trên các sự thật khách quan mà con người phải tôn trọng, không thể tự ý thay đổi cách tùy tiện.

Năm 1995, với bối cảnh Hội Nghị Thế Giới Lần Thứ Tư về Phụ Nữ do Liên Hiệp Quốc tổ chức tại Bắc Kinh, trong Thư Gửi Phụ Nữ,Đức Gioan Phaolô II nói về tính bổ túc nam nữ.Ngài lý luận rằng: “Tính nam và tính nữ bổ túc cho nhau không chỉ theo quan điểm thể lý và tâm lý, mà còn theo quan điểm hữu thể học nữa”. Như thế, có thể hiểu là chỉ khi tính nam và tính nữ bổ sung hỗ tương với nhau thì con người mới mang hình ảnh con người trọn vẹn.

Tại Hội luận Liên tôn về Tính bổ túc nam nữ tại Vatican trong các ngày 17-19 /11/2014, trong diễn văn trước sự hiện diện của 350 nhà lãnh đạo liên tôn, Đức Phanxicô dạy rằng tính bổ túc nam nữ là một ý niệm phong phú về ý nghĩa liên quan tới các vai trò tự nhiên, liên kết với nhau và rất cần thiết của vợ và chồng trong việc xây dựng gia đình hạnh phúc và lành mạnh. Theo Ngài, tính bổ túc “không là gì khác ngoài việc cân nhắc các hòa hợp đầy năng động tại tâm điểm của Tạo Dựng”.

Peter Kreeft, một giáo sư triết học tại Cao Đẳng Boston, cho rằng mọi xã hội và vũ trụ đều tồn tại sự bổ túc và cân bằng âm và dương, đực và cái, không phải chỉ con vật hay con người mới có. Ngay trong ngôn ngữ, trừ tiếng Anh, đều có danh từ giống đực giống cái. Ông nhận định: “Thiên Chúa, Đấng sáng tạo ra tính dục con người cũng đã sáng tạo ra vũ trụ. Hai giống (đực và cái) rất thích đáng. Nó là một triết lý hạnh phúc hơn nhiều. Ta thích ứng với bản nhiên sự vật”.

Trong y học phương Đông, khái niệm cân bằng âm dương trong vũ trụ và trong thân xác là nền tảng cho việc tìm hiểu nguyên nhân bệnh và từ đó rút ra phương thế trị liệu.Trong các nền văn hóa xưa nay, người ta vẫn thường quan niệm nam hay nữ, chỉ là một nửa: “ta chỉ là một nửa. Ta phải mở cửa chào đón một nửa khác nếu ta muốn trở nên toàn bộ”.[24]Tương tự, Đức Hồng Y Gerhard Müller, tổng trưởng Bộ Giáo Lý Đức Tin cho rằng điều hết sức tự nhiên là “mỗi người chúng ta đều cảm thấy thiếu thốn và thiếu sót cần được hoàn tất. Sự kiện không thể nào xóa nhòa khỏi bản nhiên con người này cho thấy sự lệ thuộc căn bản của ta: ta không tự hoàn tất được mình bằng chính bản ngã mình, ta hoàn toàn không tự mình đầy đủ được”.[25]

Lập trường ủng hộ chuyển giới xem ra chủ trương rằng bản chất con người, trong yếu tính, vốn “co dãn”: theo nghĩa ta xác định ta là ai dựa trên các cảm xúc của mình và một ý chí quyết loại bỏ các chân lý khách quan không những của mạc khải mà của cả lý trí tự nhiên nữa.[26]Điều này thật nguy hiểm, vì cảm xúc thì không có gì chắc chắn, có thể thay đổi. Thử hỏi giới tính mà thay đổi, lúc thì nam, lúc thì nữ, tự chuyện đó đã làm xáo trộn không chỉ cá nhân người ấy, mà còn kéo theo xáo trộn gia đình và xã hội. Một ví dụ nhỏ sau đây cũng cho thấy hậu quả rối loạn của việc chuyển giới. Báo chí thỉnh thoảng đăng tin “giật gân”: một người đàn ông sinh con! Đọc kỹ lại, à thì ra đó là một FTMs phẫu thuật chuyển giới chưa trọn vẹn, còn chừa tử cung. Sau khi trở thành một “người đàn ông” và lấy vợ, vợ không thể sinh con, “ông” ấy bèn xin thụ thai nhân tạo và cấy vào tử cung của mình!

Quan điểm ủng hộ chuyển giới tương đối hóa ý nghĩa tính thể lý của con người và tính bổ túc nam nữ. Hơn nữa nó còn bác bỏ cả “tính được ban cho” như là nam hoặc nữ, một ân ban bắt nguồn từ chính trật tự tạo dựng, vốn được phác thảo cách sâu sắc trong Kinh Thánh và được chính Chúa Giêsu xác nhận.

“Phái tính là một yếu tố cơ bản làm nên nhân cách, là cách thế hiện hữu giúp con người thể hiện bản thân và liên lạc với tha nhân, là cách thế cảm nhận, bày tỏ và sống tình yêu nhân loại… Phái tính không chỉ làm nên người nam hay người nữ trên bình diện thể lý, nhưng còn trên bình diện tâm lý và thiêng liêng, tạo cho mỗi người có một dấu ấn riêng. Phái tính làm nên vị thế siêu hình của con người trong hiện hữu, làm nên ơn gọi độc đáo của mỗi nhân vị qua cách thức thể hiện chính mình và liên lạc với tha nhân. Và tất cả những cách thức thể hiện trên đây đều được thực hiện qua cơ cấu thể lý đặt nền trên phái tính của mỗi người”[27]

Ngày nay, một trong các thách đố lớn của Giáo hội Công Giáo về đời sống gia đình là tái khẳng định cái hiểu chung về bản chất hôn nhân, đó là sự kết hợp và hòa hợp, trợ giúp hỗ tương giữa một người nam và một người nữ.

V. QUAN ĐIỂM THẦN HỌC LUÂN LÝ CÔNG GIÁO

1. Quan Điểm Kinh Thánh về phái tính[28]

a. Phái tính là ân ban của Thiên Chúa

“Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa. Thiên Chúa sáng tạo con người có nam có nữ.” (St 1, 27; Mt 19,4). Kinh Thánh dạy rằng chính Thiên Chúa ban cho con người có phái tính, và chỉ có hai phái: nam và nữ.[29]

Phái tính là một thực tại thuộc cơ cấu hiện hữu của con người. Truyền thống Kinh Thánh cho thấy nét đẹp độc đáo của phái tính. Tạo dựng con người có phái tính,Thiên Chúa chúc phúc cho con người sinh sản phong nhiêu (x.St 1,28), phái tính góp phần việc lưu truyền sự sống. Sự khác biệt về phái tính cho con người cảm nhận sự khác biệt chính mình với tha nhân và sự khác biệt giữa con người với Thiên Chúa[30]: “Con người không phải là nguyên ủy của chính mình, và phái tính không là cơ hội để khẳng định tham vọng hay ước mơ toàn năng của mình, ngược lại đó là cơ hội để chấp nhận giới hạn và bất toàn của mình...cũng như nhận ra dấu vết của một tình yêu đi trước làm nền tảng cho nó. Phái tính còn được hướng dẫn vào cuộc chiến lớn lao mà Kinh Thánh chỉ cho để chống lại ngẫu thần. Bởi vì Thiên Chúa là Đấng sáng tạo trời đất. Ngài là Đấng Khác, hoàn toàn khác biệt, phái tính nói lên nhân tính của chúng ta.”[31] .

Sự khác biệt giữa người nam và người nữ không làm cho họ trở nên xa lạ, đối kháng hay thống trị, nhưng là được mời gọi sống kết hợp với nhau: “Người đàn ông sẽ lìa bỏ cha mẹ mà sống với vợ mình, cả hai sẽ trở nên một xương một thịt” (St 2,24). Sự kết hợp ấy được gắn kết bằng tình yêu chung thuỷ đến cuối đời. Tình yêu vợ chồng cao quý đến mức được Đức Kitô ví như tình yêu của Ngài đối với Giáo Hội. Chính tình yêu này đem lại cho phái tính con người một ý nghĩa. Người nam và người nữ trở thành cho nhau dấu chỉ và yếu tố mang lại Lời, Lời của yêu thương, của tương giao hai chiều, mở ra và đón nhận. Ở đỉnh cao tình yêu của tình vợ chồng, sự dâng hiến trọn vẹn xác hồn của chồng và vợ, đã phát sinh sự sống, là kết quả trao ban của tình yêu Thiên Chúa. Đó cũng chính là năng lực phát sinh sự sống. Đôi vợ chồng cộng tác với Thiên Chúa trong công trình tạo dựng mà họ cảm nghiệm được khi họ sống triệt để sự khác biệt và bổ sung phái tính của mình trong mối tương quan hôn nhân.[32]

Sự khác biệt nam nữ bổ túc và hỗ trợ cho nhau. Có lẽ đó là lý do mà thánh Phaolô đã nói đàn ông ở một mình không tốt. Sự tốt lành của việc kết hợp nam nữ phải quy về sự tốt lành của công trình tạo dựng, vì phái tính là dấu chỉ của sự khác biệt của con người với tha nhân, qua đó Thiên Chúa mạc khải sự khác biệt của Ngài với các tạo thành. Vì thế, trong St 2,23, việc người đàn ông “ngỏ lời”, chứ không phải gọi tên như đối với các thụ tạo khác (2,20), được trình bày như hệ quả của cuộc gặp gỡ với người đàn bà. Khi ước muốn thân xác đưa đến sự nhìn nhận người khác, kinh nghiệm về cái giới hạn, bởi vì nhờ người khác mà tôi hiện hữu, thì ước muốn thân xác có hiệu quả tích cực. Sự hiện hữu của tôi chính là ân ban lớn lao nhất Thiên Chúa trao cho tôi.

b. Phái tính thiết lập mối tương quan

Trong công trình tạo dựng, từ hư không, Thiên Chúa sáng tạo vũ trụ với những sự khác biệt, nhưng trong trật tự: Ánh sáng- bóng tối, ngày- đêm, đất- nước... với sinh vật thì “loài nào theo giống nấy” (St 1,11.12.21.24.25). Thụ tạo cuối cùng là con người, mang hình ảnh Thiên Chúa, được dựng nên có nam có nữ, ghi dấu trong thân xác của mình sự khác biệt (x St 1, 27; 5,2).

Con người cảm nghiệm được sự khác biệt nam nữ ngay trong chính hữu thể mình, qua sự cảm nghiệm khác biệt này con người lại thấy mình càng khác biệt hơn mọi thụ tạo khác. Dù rằng con người được Thiên Chúa tạo dựng giống hình ảnh Ngài, nhưng con người vẫn cảm nhận được sự khác biệt sâu xa giữa mình và Thiên Chúa như cách xa đất với Trời.

Khi ký kết giao ước với con người, Thiên Chúa đã dùng sự riêng biệt trong chính thân xác của họ để ký kết với Ngài: “giao ước cắt bì” (x St 17,10-14). Trong giao ước ấy, nghi thức cắt bì là một hành vi thuộc phái nam, thuộc tính riêng biệt của mỗi phái. Thiên Chúa đã dùng sự khác biệt phái tính giữa nam và nữ để diễn tả sự khác biệt giữa con người với Thiên Chúa. Khác biệt phái tính nói lên thân phận thụ tạo của con người. Con người đi vào tương quan tình yêu với Thiên Chúa trong sự khác biệt giữa thụ tạo và Đấng Tạo Hóa. Xuất phát từ tình yêu đối với con người,Thiên Chúa ký kết giao ước với con người. Bởi đó, tình yêu là đón nhận sự khác biệt trong sự hoà hợp.

Khi phái tính được nhìn nhận trọn vẹn, con người sẽ đón nhận tha nhân như đối tác của một giao ước- trong đó mỗi người được nhìn nhận và yêu thương. Trong giao ước hôn nhân, con người hòa hợp nhưng không hòa tan, không ai bị giản lược và đánh mất chính mình[33]dù cho “cả hai nên một xương một thịt” (Mt 19,5). Nền tảng sự gặp gỡ của con người là sự gặp gỡ của sự khác biệt phái tính. Ước muốn thân xác phải đưa đến cuộc gặp gỡ này, cuộc gặp gỡ qua kết hợp thân xác biểu tượng và cho phép kết hợp hai hữu thể trên bình diện tâm linh. Trong hôn nhân, tương quan vợ chồng luôn gắn liền với tương quan với Thiên Chúa: “sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly” (Mt 19,6). Như thế phái tính là dấu chỉ ơn gọi con người đi vào tương quan với Thiên Chúa, và đời sống tình dục trong cuộc sống đôi bạn được mời gọi diễn tả trong tình yêu tác tạo của Thiên Chúa.

c. Phái tính là con đường qua đó con người trưởng thành

Đoạn Tin Mừng: “Lúc khởi đầu công trình tạo dựng, Thiên Chúa đã làm nên con người có nam có nữ ; vì thế, người đàn ông lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai thành một xương một thịt” (Mc 10,6-7 ; x. Mt 19,4-5 ; St 1,27 ; 2,24) cho thấy con người trưởng thành phải ngang qua phái tính. Từ một chàng thanh niên trở thành một người đàn ông, từ một cô thiếu nữ tăng trưởng thành một người đàn bà là một quá trình phức tạp nhưng diệu kỳ. Con người cần vượt qua tình trạng trẻ con trước kia thì phái tính mới có thể cho phép thiết lập mối tương quan đích thực. Đó là điều truyền thống Kinh Thánh muốn nhấn mạnh khi diễn tả vợ chồng kết liên qua việc họ chia sẻ hoàn toàn và thực sự đời sống của nhau. Người nam và người nữ buộc rời khỏi sự an toàn của khung cảnh gia đình xưa với tư cách người con, để lập một gia đình mới với tư cách người chủ gia đình cùng những nguy cơ và thử thách của nó. Tiến trình trưởng thành đòi hỏi một cuộc dứt bỏ rất đau đớn và không hề dễ dàng. Phái tính là một khả năng, và là một kết quả của việc từ bỏ tình trạng trẻ con, như con đường dẫn đến trưởng thành: “Phái tính đòi hỏi rất nhiều, họ chia sẻ cuộc sống của nhau, … mọi giây phút của một ngày, khi cùng nhau đối diện với trách nhiệm và giúp nhau đạt tới trọn vẹn niềm vui sống”[34] .

Việc sống trung thành với nhau trọn đời giữa vợ và chồng mở ra một chiều kích mới là tương quan giữa họ và Đấng Tạo Hóa. Đây là điểm hình thành nên nhân cách trưởng thành của con người. Con người sống tương quan với Đấng Tạo Hóa mà Ngài là Đấng đi bước trước.

2. Quan điểm Kinh Thánh về chuyển giới

Trước hết, một điều cơ bản nhưng cũng nên nhắc lại, là Kinh Thánh chắc chắn không phải là một sách khoa học và cũng không có giải đáp sẵn cho mọi vấn đề luân lý. Cách riêng là các vấn nạn trong luân lý y sinh học và tính dục hiện nay, lãnh vực mà khoa học ngày càng có những bước tiến bộ to lớn và cùng lúc đặt ra các vấn nạn mới mẻ.

Kinh Thánh không có đoạn nào minh nhiên nói về chuyển giới hay mô tả về người có cảm xúc giới tính mơ hồ, rối loạn giới tính. Tuy nhiên, Kinh Thánh nói tương đối nhiều về tính dục con người. Điều cơ bản nhất cho hiểu biết về phái tính là Thiên Chúa tạo dựng hai (và chỉ hai) phái tính: “ Thiên Chúa sáng tạo con người có nam có nữ” (St 1,27). Tất cả các khái niệm ngày nay con người nói về đa giới tính hay phái tính thay đổi, đều xa lạ với Kinh Thánh.[35]

Đoạn Kinh Thánh dường như có ý nghĩa gần nhất với chuyển giới là sự lên án đồng tính luyến ái (Rm 1, 18-32; 1 Cr 6, 9-10) và việc mặc quần áo của giới khác (Đnl 22,5). Từ Hy Lạp thường được dịch là người phạm tội đồng tính (homosexual offenders) hay “mại dâm nam” (male prostitutes) trong 1Cr 6,9 một cách từ chương có nghĩa là “người đàn ông ẻo lả như đàn bà” (effeminate men). Do đó, trong khi Kinh Thánh không trực tiếp nói đến chuyển giới, nhưng khi đề cập đến các ví dụ khác của “sự nhầm lẫn” phái tính, Kinh Thánh rõ ràng và minh nhiên xem chúng là tội lỗi.[36]Có lẽ hữu ích khi nhắc lại chúng ta cần thận trọng trong phân định tính luân lý của các hành vi. Một điều về mặt khách quan có thể rối loạn nghiêm trọng luân lý nhưng để hình thành tội trọng thì phải tham chiếu thêm về ý muốn tự do và sự hiểu biết đầy đủ của chủ thể làm hành vi.

3. Quan điểm Huấn Quyền

a. Truyền thống

Phần này, tôi trình bày lại theo vài suy tư của nhà thần học luân lý Xavier Thévenot, mà tôi thấy thích đáng.[37]

Phải nhìn nhận ước muốn chuyển giới tính chưa phải là một điều xấu luân lý (vì chính đương sự không chọn lựa cho mình ước muốn này), nhưng như một khiếm khuyết khách quan rất nghiêm trọng làm đảo lộn cuộc sống đương sự cách sâu xa và lâu dài. Thực tế, người muốn chuyển giới và người chuyển giới gặp nhiều thách thức trong cuộc sống: sự lên án, ghét bỏ, thậm chí tẩy chay, xa lánh của gia đình bạn bè, xã hội, khó khăn tìm việc làm, sức khỏe giảm sút... Tuy nhiên, những người này vẫn có khả năng đảm nhận trách nhiệm về bản thân mình. Chúng ta cần khuyến khích nâng đỡ họ sống thử thách ấy cách tích cực. Chúng ta có thể đồng hành về mặt tâm lý, giúp tìm công việc thích hợp và ổn định, tìm bạn bè tốt, thấu hiểu, lắng nghe...

Dựa trên truyền thống luân lý, ta có thể nhận định rằng Huấn Quyền dứt khoát bác bỏ việc giải phẫu chuyển giới. Giáo hội Công giáo luôn khẳng định con người không phải “làm chủ” thân xác mình, mà là người đón nhận ơn ban Thiên Chúa, là nam, là nữ, và phải sống hòa hợp với quy luật tự nhiên ở nơi chính thân xác của mình. Con người không thể tự do thay đổi giới tính của mình chỉ vì mình “khát khao” được là giới tính ngược lại với giới tính tự nhiên khi mình sinh ra.

Đoạn trích trong huấn từ của Đức Pius XII với các bác sĩ ngày 13-9-1952 có thể làm sáng tỏ điều này: “Bệnh nhân không phải là chủ nhân trên hết của mình, của thân xác lẫn tinh thần. Vì thế, bệnh nhân không thể sử dụng mình một cách tùy tiện như mình muốn. Ngay cả lý do khiến bệnh nhân làm thế tự nó cũng không đủ và không thuyết phục. Bệnh nhân bị ràng buộc vào cứu cánh nội tại mà bản tính đã định. Bệnh nhân có quyền sử dụng- dù bị giới hạn bởi cứu cánh tự nhiên- các khả năng và sức lực của bản tính con người. Vì chỉ là người thừa hưởng chứ không phải là sở hữu chủ, nên bệnh nhân không có quyền vô hạn để làm những việc như hủy diệt hay cắt bỏ cơ quan vì lý do chức năng”.

Trích đoạn trên, cách nay 65 năm, không trực tiếp đề cập đến việc cắt bỏ bộ phận sinh dục, cũng như việc chích nội tiết tố để chuyển giới. Tuy nhiên, ta có thể ngoại suy và áp dụng cho việc giải phẫu chuyển giới. Việc giải phẫu chuyển giới là một sự xấu khách quan nghiêm trọng, vì nó cắt bỏ vĩnh viễn các bộ phận căn bản và lành mạnh của con người.

b. Huấn Quyền hiện tại

Đức Thánh Cha Phanxicô cũng đã một cách hữu lý mạnh mẽ chỉ trích ý thức hệ chuyển giới. Trong cuộc gặp gỡ giữa Đức Thánh Cha Phanxicô và các giám mục Ba Lan diễn ra trong khuôn khổ chuyến tông du của Đức Thánh Cha nhân dịp Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới, giữa những thảo luận khác, Đức Thánh Cha Phanxicô đã mạnh mẽ chỉ trích việc giảng dạy ý thức hệ chuyển đổi giới tính cho trẻ em:

“Ở châu Âu, châu Mỹ, châu Mỹ Latinh, châu Phi và một số nước châu Á, chúng ta đang chứng kiến một số hình thái thực dân thực sự về ý thức hệ. Và một trong những điều, mà tôi thẳng thừng điểm mặt là vấn đề giới tính… Ngày nay, trẻ em đang được dạy ở trường là chúng có thể chọn giới tính của mình. Tại sao họ đã dạy điều này? Bởi vì những cuốn sách được cung cấp bởi những người và các tổ chức tài trợ cho họ. Đây là những hình thái thực dân về ý thức hệ được hỗ trợ bởi các nước giàu đang muốn tạo một ảnh hưởng lớn trên các nước nghèo. Và điều này thật là khủng khiếp.”[38]

Ngài nói thêm: “Khi tôi nói chuyện với Đức Bênêđíctô XVI, ngài rất mạnh khoẻ là sáng suốt, ngài bảo tôi tôi: ‘Đây là một thời đại tội lỗi chống lại Đấng Tạo Hóa’. Ngài thật là thông minh! Thiên Chúa tạo dựng con người có nam có nữ; Thiên Chúa tạo ra thế giới như thế, và con người đang làm ngược lại.”[39]

VI. NHẬN ĐỊNH CÁ NHÂN

Bên cạnh những gì đã trình bày và phản tỉnh ở phần Kinh Thánh và Huấn quyền, tôi suy tư thêm một chút về việc một số chuyên gia dựa vào kết quả vài nghiên cứu y khoa gần đây gợi ý khả thể về một nguyên nhân sinh học cho tình trạng ước muốn chuyển giới hay rối loạn cảm thức giới tính để biện minh (cho là) sự đúng đắn của lập trường ủng hộ việc chuyển giới.

Một cách khái quát, mỗi người sinh ra đều mang lấy phái tính là nam hay là nữ (trừ trường hợp bệnh lý như đã trình bày phần y học). Phái tính là một ban ân của Thiên Chúa. Khi con người sống trọn vẹn với căn tính ấy, thì sẽ thiết lập được mối tương quan tốt đẹp với chính mình, với tha nhân và với Thiên Chúa. Qua đó, mỗi ngày con người càng tiến tới sống trọn vẹn hơn nhân vị của mình. Đây chính là điều kỳ diệu mà phái tính mang lại. Nhưng, đặc tính ân ban từ Thiên Chúa không miễn trừ bi kịch mà phái tính có thể mang lại nếu con người không sống đúng với trật tự tự nhiên khác biệt phái tính của mình. Khi đó con người sẽ đánh mất đi mối tương quan liên vị tốt đẹp và sẽ gặp khủng hoảng trong chính nội tâm mình.[40]

Có thể nghĩ gì về khả năng rằng những người chịu đựng nỗi đau chuyển giới có bộ não hoạt động như một giới tính đối lại với giới tính tự nhiên về mặt sinh học của các phần còn lại của cơ thể? Kinh Thánh không hề ám chỉ gì về một khả năng như thế. Tuy nhiên, Kinh Thánh cũng không nói đến tình trạng lưỡng tính, là điều thực tế tuy rất hiếm nhưng vẫn có thật. Nên yếu tố Kinh Thánh không nói đến cũng không loại trừ sự tồn tại của nó. Và thực sự thì những con người chuyển giới đã và đang hiện hữu. Vậy có thể nói như thế nào, nếu thực sự sau này y khoa chứng minh được là một người chuyển giới là người nam hoàn toàn về mặt sinh học nhưng cấu trúc não bộ lại giống cấu trúc não bộ của người nữ (hay ngược lại)?

Trước hết, như thí dụ về người lưỡng tính đã nói trên, tuy Kinh Thánh không hề đề cập đến, căn bệnh này vẫn có thật. Vậy, cũng có thể là vẫn có tình trạng một người sinh ra với bộ não cấu trúc theo cách nào đó góp phần vào việc rối loạn cảm thức giới tính. Tuy nhiên, chỉ vì bởi vì một điều có một nguyên nhân sinh học gây ra không có nghĩa kéo theo hệ luận là điều này đúng đắn hoặc phải được chấp thuận. Chẳng hạn vài người có bản năng bị lôi kéo tình dục quá mức, điều này không biện minh cho việc họ thực hiện các điều vô luân về tình dục.[41]Hoặc con người có thể sinh ra vốn có, hoặc sau đó phát triển một số loại khiếm khuyết cấu trúc hay rối loạn chức năng một số cơ phận như bất thường đường niệu sinh dục, bệnh tim bẩm sinh...Những con người mang các rối loạn thể lý bẩm sinh ấy không chịu trách nhiệm về căn bệnh của chính mình, nhưng căn bệnh vẫn là căn bệnh, không thể xem chúng là “bình thường”.

Ngoài ra, chúng ta cần nắm chắc bề sâu rộng của tội lỗi và ảnh hưởng trên tâm thể lý-sinh lý của chúng. Sau sa ngã của nguyên tổ, chúng ta ít nhiều đều có những ước ao tội lỗi, đôi khi thật mạnh mẽ. Phần lớn các ước muốn xấu đều liên hệ cách này hay cách khác đến thân xác chúng ta. Và chúng ta không thể biện minh cho tội lỗi chúng ta bởi vì chúng ta có những ước ao tâm-sinh lý rối loạn mạnh mẽ như thế. Thí dụ 90 % các tội phạm bạo lực ở Mỹ đều bị phạm bởi một giới: giới nam. Tại sao? Đó là vì giới nam có lượng testosterone nhiều hơn gấp 10 lần nơi nữ giới! Điều này có biện minh cho tội bạo lực ở nam giới không? Câu trả lời minh nhiên: Không![42]

Tắt một lời, bất luận rối loạn cảm thức giới tính có thể có nguyên nhân di truyền, sinh học, hormone, sinh lý, tâm lý hay thiêng liêng, đây vẫn là một tình trạng bệnh lý và cần được chữa lành, nếu có thể. Đôi lúc y khoa tỏ ra bất lực, và thực tế vẫn xảy ra như thế, thì vẫn còn chiếc “phao” cuối cùng là tình thương, sự đồng cảm, lời cầu nguyện, phó thác cho sức mạnh chữa lành của Chúa Thánh Thần. Nhưng tình thương, sự đồng cảm không đồng nghĩa với sự đồng thuận với người chuyển giới.

VII. MỤC VỤ CHO NGƯỜI CHUYỂN GIỚI

Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng Chúa Giêsu chắc hẳn không bao giờ quay lưng lại với những tín hữu chuyển giới, và các linh mục ngày nay nên đồng hành thiêng liêng với họ, ngay cả khi họ đã trải qua phẫu thuật chuyển giới, tội lỗi và hối cải. Ngài phân biệt rõ giữa việc các linh mục cần thiết làm mục vụ, đồng hành đối với các tín hữu chuyển giới và điều mà Ngài gọi là khuynh hướng “khủng khiếp” của các trường phái đầu độc trẻ em với tư tưởng rằng phái tính của chúng là điều gì có thể chọn lựa và thay đổi.[43]

Mỗi người là một mầu nhiệm. Chúng ta cần tự hỏi: “Ta đã thật sự lắng nghe người chuyển giới một cách kiên trì để tìm ra ước muốn sâu xa của họ chưa?”; “Bệnh nhân đã được thông tin đầy đủ rõ ràng hậu quả của việc giải phẫu và việc dùng thuốc nội tiết tố chưa?” Gia đình của đương sự cũng cần được giúp đỡ để có thể thông cảm, nâng đỡ yêu thương đương sự đang cơn khủng hoảng tâm lý, tránh thái độ kết án, xa lánh.[44]

Đối với bản thân người chuyển giới, vài tác giả có kinh nghiệm cho vài lời khuyên như sau:[45]

1/ Cương quyết sống theo lời Chúa trong suốt cuộc đời.

2/ Ý thức rằng những ước muốn bạn đang có, cái cảm xúc ước ao được là phái tính ngược lại với phái tính tự nhiên bạn sinh ra , ước ao này là một phần kinh nghiệm phổ quát nhân loại về những ước ao rối loạn trật tự như là hậu quả sau sa ngã tội nguyên tổ. Và tất cả mọi người chúng ta đều ít nhiều mang trong mình những ước ao rối loạn trật tự tự nhiên cần phải được khắc phục.Thật ra các rối loạn này thật nhiều và thật khác nhau mà y khoa hay tâm lý cũng không thể định nghĩa. Công cuộc đào luyện nhân cách và lương tâm kéo dài suốt đời là cần thiết để đấu tranh với cái xấu tự trong chính thâm tâm mỗi người.

3/ Hãy tín thác bằng Máu châu báu Chúa Giêsu đã đổ ra để cứu chuộc nhân loại. Ngài đã hứa không bao giờ bỏ bạn, Ngài là Cứu Chúa của bạn. Thiên chúa biết rõ bạn làm nên bằng gì, bạn hãy yên tâm vì bạn không có lỗi trong rối loạn cảm thức giới tính, nhưng được mời gọi làm chủ cảm xúc và hãy cầu nguyện và chấp nhận giới tính tự nhiên bạn đang có.

4/ Hãy tìm sự giúp đỡ và đồng hành của giới chuyên môn y khoa, và đồng hành thiêng liêng. Xây dựng một nghề nghiệp ổn định và vui sống trong yêu thương phục vụ.

KẾT

Người ước muốn chuyển giới, cần có những anh chị em trên đường lữ thứ trần gian của họ. Chúng ta phải là chứng nhân tình yêu của Thiên Chúa, đón tiếp họ, và can đảm, khôn ngoan, thận trọng nói cho họ biết đòi hỏi của tình yêu Thiên Chúa, nhắc cho họ mục đích tối hậu của đời người là quê Trời. Mặt khác, có lẽ những người này cũng muốn chúng ta phải nhìn nhận họ là những anh chị em có thể làm chứng cho nhân loại về Thiên Chúa: Một Thiên Chúa đã dựng nên con người có nam, có nữ và biết rõ thân phận bụi đất của ta.[46]

BS Elizabeth Trần Như Ý Lan, CND
Trích Bản tin Hiệp Thông / HĐGMVN, Số 99 (Tháng 3 & 4 năm 2017)

WHĐ (03.5.2022)

 

 

[1] Tác giả chân thành cáo lỗi rằng do vài lý do khách quan, một vài tư tưởng của vài tác giả được sử dụng, nhưng tham chiếu trong bài viết này còn thiếu sót.

[3] Một phần bài viết này trích trong BS Trần Như Ý Lan, “Đồng tính luyến ái và Chuyển giới tính: Một nhận định trên phương diện khoa học và luân lý Công Giáo”, Hiệp Thông số 87 (tháng 3-4/ 2015) <https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/dong-tinh-luyen-ai-va-chuyen-gioi-tinh-mot-nhan-dinh-tren-phuong-dien-khoa-hoc-va-luan-ly-cong-giao-42125>

[4] “Chuyển đổi giới tính: Không thể một sớm một chiều”, <https://vietnamnet.vn/chuyen-doi-gioi-tinh-khong-the-mot-som-mot-chieu-92070.html>

[5] Phan Dương, “Ước phẫu thuật chuyển giới để được sống 1 giờ là mình”, <https://vnexpress.net/uoc-phau-thuat-chuyen-gioi-de-duoc-song-1-gio-la-minh-2307238.html>

[7] A Resource from the National Center for Transgender Equality, “Frequently asked questions about transgender People”, 5/2009, <https://static1.squarespace.com/static/2009-NCTE-Understanding-Transgender-FAQ-Factsheet.pdf>

[8] Thiên Chương, “Những ngộ nhận thường gặp về người đồng tính”,<https://vnexpress.net/nhung-ngo-nhan-thuong-gap-ve-nguoi-dong-tinh-2267217.html>

[9] Boston University Medical Center, “Transgender: Evidence on the biological nature of gender identity”, 13/2/2015,<https://www.sciencedaily.com/releases/2015/02/150213112317.htm>

[10] Boston University Medical Center, “Transgender: Evidence on the biological nature of gender identity”, 13/2/2015.

[11] A Resource from the National Center for Transgender Equality, “Frequently asked questions about transgender People”, 5/2009, <https://static1.squarespace.com/static/2009-NCTE-Understanding-Transgender-FAQ-Factsheet.pdf >

[12] Boston University Medical Center, “Transgender: Evidence on the biological nature of gender identity”, 13/2/2015.

[13] MRI là từ viết tắt của Magnetic Resonance Imaging, có nghĩa là ảnh cộng hưởng từ. Tên gọi đầy đủ phải là NMRI (Nuclear Magnetic Resonance Imaging) nghĩa là cộng hưởng từ hạt nhân. Tuy nhiên từ nuclear (hạt nhân) thường gây hiểu lầm trong dân chúng nên được giản lược đi .

[14] Francine Russo, “Is There Something Unique about the Transgender Brain?”, 1/1/2016

[15] Boston University Medical Center, “Transgender: Evidence on the biological nature of gender identity”, 13/2/2015.

[16] A Resource from the National Center for Transgender Equality, “Frequently asked questions about transgender People”, 5/2009.

[17] “Chuyển đổi giới tính: Không thể một sớm một chiều”, <https://vietnamnet.vn/chuyen-doi-gioi-tinh-khong-the-mot-som-mot-chieu-92070.html>

[18] Xavier Thévenot, Repères étiques pour un monde nouveau, 1991, Bản dịch Việt ngữ, Để xây dựng một nền luân lý cho thế giới mới, dịch giả Đặng Xuân Thành, (Nhà Xuất bản Tôn Giáo, 2008),142.

[20] “Sex reassignment surgery”.

[21] Phan Dương, “Thẩm định giới tính cô giáo Quỳnh Trâm, Bộ Y tế nói gì?”, <https://vnexpress.net/tham-dinh-lai-gioi-tinh-co-giao-quynh-tram-2420759.html>

[24] Trích trong Vũ Văn An, “Tổng kết hội luận liên tôn về tính bổ túc nam nữ”, 11/21/2014,

<http://vietcatholicnews.org/News/Html/131792.htm>

[25] Trích trong Vũ Văn An, “Tổng kết hội luận liên tôn về tính bổ túc nam nữ”, 11/21/2014.

[26] X. Vũ Văn An, “Tổng kết hội luận liên tôn về tính bổ túc nam nữ”, 11/21/2014.

[27] Dionigi Tettamanzi & Guy Durand, Tân đạo đức sinh học Kitô, dịch giả và biên soạn, Nguyễn Văn Tuyến, Đại chủng viện Huế 2003, tr. 221. Trích lại trong Nguyễn Văn Quý, “Phái Tính Điều Kì Diệu và Bi Kịch”, <http://daminhvn.net/suy-tu-nghien-cuu/phai-tinh-dieu-ky-dieu-va-bi-kich-6844.html>

[28] Phần này chủ yếu lấy lại tư tưởng của Nguyễn Văn Quý, “Phái Tính Điều Kì Diệu và Bi Kịch”.

[29] “What’s the Bible Say About Transgender, Transsexual, Gender-Queer? Is It a Sin to Change Sexes?” 15/7/2015, <http://www.revelation.co/2015/07/15/whats-the-bible-say-about-transgender-transsexual/>

[30] X. Nguyễn Văn Quý, “Phái Tính Điều Kì Diệu và Bi Kịch”.

[31] Ngô Sĩ Đình, “Phái tính: Trật tự của cái khác biệt, phái tính giữa cái sống và cái chết”, Tài liệu thần học về phái tính, Trung tâm học vấn Đa Minh, 2005-2006, tr.16.

[32] X. Nguyễn Văn Quý, “Phái Tính Điều Kì Diệu và Bi Kịch”.

[33] X. Felipe Gomez, Kitô học, tập 2, Manila, 2002, tr. 404, trích lại trong Nguyễn Văn Quý, “Phái Tính Điều Kì Diệu và Bi Kịch”.

[34] G. Crespy, OP. Trích lại của Ngô Sĩ Đình, “Phái tính: từ nguyên thủy và tha thể”,trong tài liệu môn Luân lý phái tính, Trung Tâm Học Vấn Đaminh, 2003-2004, tr. 20.

[35] “What does the Bible say about transsexualism / transgenderism? Is gender identity disorder / gender dysphoria the result of sin?”,<https://www.gotquestions.org/transsexualism-gender-identity-disorder.html>

[36] “What does the Bible say about transsexualism / transgenderism? Is gender identity disorder / gender dysphoria the result of sin?”.

[37] Xavier Thévenot, Để xây dựng một nền luân lý cho thế giới mới.

[38] Đặng Tự Do, “Đức Thánh Cha Phanxicô mạnh mẽ chỉ trích ý thức hệ chuyển giới”, <http://vietcatholicnews.org/News/Html/188346.htm>, 8/4/2016.

[39] Đặng Tự Do, “Đức Thánh Cha Phanxicô mạnh mẽ chỉ trích ý thức hệ chuyển giới”.

[40] X. Nguyễn Văn Quý, “Phái Tính Điều Kì Diệu và Bi Kịch”.

[41] “What does the Bible say about transsexualism / transgenderism? Is gender identity disorder / gender dysphoria the result of sin?”.

[42] Counsel for Those Considering Transgender (Episode 358) <http://www.desiringgod.org/interviews/counsel-for-those-considering-transgender>

[43] Nicole Winfield, “ Pope Francis urges pastoral care for transgender people, draws line between ministry and ‘indoctrination’”, <https://www.washingtonpost.com/news/acts-of-faith/wp/2016/10/02/pope-francis-urges-pastoral-care-for-gay-transgender-people-draws-line-between-ministry-and-indoctrination/ >, 2/10/ 2016 .

[44] Xavier Thévenot, Để xây dựng một nền luân lý cho thế giới mới, 141-144.

[45] Counsel for Those Considering Transgender (Episode 358)

[46] Xavier Thévenot, Để xây dựng một nền luân lý cho thế giới mới, 138.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây