TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

CN34TNb - Đức Giêsu Kitô, Vua Vũ Trụ

“Quan nói đúng: Tôi là Vua”. (Ga 18, 33b-37)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Giê-su Nazaret – CHÚA ĐÓ

Thứ bảy - 30/04/2022 08:24 | Tác giả bài viết: Petrus.tran |   1338
Chuyện kể rằng: “các ông thả lưới xuống, nhưng không sao kéo lên nổi, vì lưới đầy những cá”.
Giê-su Nazaret – CHÚA ĐÓ

Chúa Nhật III – PS – C

Giê-su Nazaret – CHÚA ĐÓ

Ước mong được gặp Thầy Giê-su “ngày thứ ba sẽ sống lại”, là ước mong chung của các vị tông đồ. Và, sau bốn mươi tám tiếng đồng hồ, tính từ ngày thứ sáu, ngày Thầy Giê-su bị bắt và bị giết chết trên thập giá, ước mong đó đã thành sự thật. Đó là vào “chiều… ngày thứ nhất trong tuần”. Chiều ngày ấy, Thầy Giê-su đã “đến, đứng giữa các ông và nói: Bình an cho anh em”.

Thầy Giê-su không chỉ đến-đứng-giữa-các-ông một lần, mà là những hai lần. Hai lần đến, Thầy Giê-su chỉ để lại “Bình An” cho các ông.

Hai lần đến… đến rồi lại đi. Thế nên, mọi sinh hoạt thường nhật của nhóm, vào những ngày Thầy Giê-su còn sống, bây giờ như bị “đóng băng”. 

Thầy Giê-su sẽ lại là người dẫn dắt các ông? Hay người dẫn dắt các ông sẽ là một ai đó trong Nhóm Mười Một! Đó là một câu hỏi, một câu hỏi chỉ có Thầy Giê-su mới có thể trả lời.

Mang tâm trạng đó, Phê-rô và các bạn đồng môn chắc hẳn rất mong muốn, mong muốn làm thế nào để có thể gặp Thầy mình. Trở về Ga-li-lê chăng! Nên chăng là trở về Ga-li-lê như lời bà Maria Mác-đa-la nói hôm trước rằng, bà và mấy người bạn của bà có ra mộ, và đã gặp Thầy Giê-su. Thầy Giê-su nói với bà rằng: “Về báo cho anh em của Thầy để họ đến Ga-li-lê. Họ sẽ được thấy Thầy ở đó.” (x.Mt 28, 10).

Thầy Giê-su đã nói như thế. Thế nên, ông Phê-rô và một số người môn đệ đã lên đường đi Ga-li-lê. Sự kiện này đã được ghi lại trong Tin mừng Thánh Gio-an. (x.Ga 21, 1-19).

**

Vâng, chuyện được kể rằng: Sau sự kiện Đức Giê-su hiện ra để chứng thực cho sự Phục Sinh của Ngài với tông đồ Tô-ma. Một số các môn đệ cùng nhau trở về Ga-li-lê. Nhóm môn đệ đó gồm có: “ông Simon Phê-rô, ông Tô-ma gọi là Đi-dy-mô, ông Na-tha-na-en người Cana miền Ga-li-lê, các người con ông Dê-bê-đê và hai môn đệ khác nữa…”

Về đến Ga-li-lê, tất cả các ông quây quần bên nhau tại Biển Hồ Ti-bê-ri-a. Thầy Giê-su đâu! Các ông vẫn chưa thấy. Có thấy, có chăng là các ông chỉ thấy: “Đá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt. Nước còn cau mặt với tang thương. Ngàn năm gương cũ soi kim cổ. Cảnh đấy người đây luống đoạn trường” (Thơ: Bà Huyện Thanh Quan).

Và để xua tan hình ảnh “nước còn cau mặt với tang thương”, ông Si-mon Phê-rô nói với các bạn đồng môn: “Tôi đi đánh cá đây.” Đánh cá ư! Những người môn đệ còn lại nghe thế, họ đồng thanh nói: “Chúng tôi cùng đi với anh.”

Thế là con thuyền lướt sóng ra khơi. Hơn bán tiểu đội, kẻ lái người chèo, người thả lưới… Nhưng, hỡi ơi! quả đúng là một đêm dài đầy tang thương và đoạn trường. Các ông “không bắt được gì cả”. (Ga 21,…3).

Không thấy thánh sử Gio-an, là người cũng hiện diện trong chuyến hải hành, nói gì. Nhưng chúng ta có thể nghĩ rằng, có lẽ… có lẽ đêm đó, đứng trước nỗi thất vọng của mọi người, anh cả Phê-rô nhìn bầu trời đầy sao cất tiếng thở than não nề, rằng: “Ai đã từng đêm thức đêm mới biết đêm dài. Mới nghe lòng mình chợt buồn vì thương nhớ ai”.

Anh cả Phê-rô buồn vì thương nhớ Thầy Giê-su chăng! Ừ! Phải chi Thầy Giêsu đến-và-đứng-trên-thuyền các ông, nhỉ! Biết đâu… biết đâu sự hiện diện của Thầy sẽ đem lại cho các ông “một chiếc thuyền đầy cá đến gần chìm”, như trước kia!

Trở lại Biển Hồ Ti-bê-ri-a. Đức Giê-su có đến, nhưng không đứng trên thuyền. Thánh sử Gio-an cho biết: “Khi trời đã sáng, Đức Giê-su đứng trên bãi biển…”

Thế nhưng, “các môn đệ không nhận ra đó chính là Đức Giê-su”. Khi Ngài hỏi: “Này các chú, không có gì ăn ư!” Các ông đã trả lời như thể trả lời với một vị khách lạ không quen: “Thưa không”. Một đêm thức trắng không bắt được một con cá lấy đâu để “có gì ăn”.

Không có gì ăn ư! Đức Giê-su Phục Sinh đã làm cho các ông “có cá ăn”. Hôm ấy, cũng giống như lần trước, Đức Giê-su khuyên các ông tiếp tục ra khơi với lời dặn dò: “Cứ thả lưới bên phải mạn thuyền đi, thì sẽ bắt được cá”.

Cứ-thả-lưới-bên-phải… Vâng, các vị môn đệ đã làm đúng như vị “khách lạ” truyền bảo. Chuyện kể rằng: “các ông thả lưới xuống, nhưng không sao kéo lên nổi, vì lưới đầy những cá”.

Thấy chưa! Dạ thấy… Các ông không chỉ thấy mẻ-lưới-đầy-những-cá, nhưng còn “thấy Chúa”. Và người đầu tiên thấy, chính là: “người môn đệ được Chúa thương mến”. Người này nói với Phê-rô: “Chúa đó!”.

Chúa đó ư! Bằng động tác thuần thục của một ngư phủ, ông Phê-rô “vội khoác áo vào, vì đang ở trần, rồi nhảy xuống biển”. Kình ngư Phê-rô sải hai cánh tay rắn chắc bơi vào bờ. Còn các môn đệ khác thì, “chèo thuyền vào bờ, kéo theo lưới đầy cá”.

Thật kinh ngạc, “lưới đầy những cá lớn đếm được một trăm năm mươi ba con. Cá nhiều như vậy mà lưới không rách”. Hôm ấy, Thầy Giê-su đã “cầm lấy bánh trao cho các ông; rồi cá, Người cũng làm như vậy.”

***

Vâng, tại Bờ Hồ Ti-bê-ri-a, các môn đệ đã gặp Thầy Giê-su Phục Sinh. Lần gặp gỡ này, Đức Giê-su không đơn thuần chỉ là để “tỏ mình ra cho các môn đệ, sau khi trỗi dậy từ cõi chết”, nhưng Ngài còn “bàn giao” đoàn chiên của mình cho các vị tông đồ và người thủ lĩnh chính là ông Phê-rô.

Bằng những lời gửi gắm đầy trách nhiệm, Đức Giê-su đã nói với ông Phê-rô, rằng: “Hãy chăm sóc chiên con của Thầy… Hãy chăn dắt chiên của Thầy… Hãy chăm sóc chiên của Thầy”.

Ba lần nhắn nhủ như ba lần khẳng định, là anh… là anh và chỉ là anh Phê-rô. Anh Phê-rô, anh phải như là một thủ lãnh của các thủ lãnh, để tiếp tục lèo lái con thuyền, không phải con thuyền mà anh đang sở hữu để lưới cá, nhưng là “Con Thuyền Giáo Hội”, để “lưới người”.

Hôm đó, mặc dù có sự hiện diện hai anh em nhà Dê-bê-đê (là hai người muốn được ngồi bên tả và bên hữu Thầy”, nhưng không thấy họ phản đối điều gì cả. (Vậy mà hôm nay, thật đáng buồn khi có một số “hậu duệ của Nhóm Mười Một” phản đối).

Mà, có gì để phản đối kia chứ! Hãy nhìn xem! một tông đồ Phê-rô, sau khi đã lãnh nhận trách nhiệm, người ta phải kinh ngạc vì ông đã “làm cho Giêrusalem ngập đầy giáo lý của các ông” (x.Cv 5, 28).

****

Xưa, Vua David đã tự hỏi: “Tôi ngước mắt nhìn lên rặng núi, ơn phù hộ tôi đến từ nơi nao?” Và, ông ta đã cho chúng ta câu trả lời, rằng: “Ơn phù hộ tôi đến từ ĐỨC CHÚA, là Đấng dựng nên cả đất trời”.

Rồi, đến các vị môn đệ. Các ông đã “ngước mắt” nhìn về một Giê-su đang đứng nơi bãi biển. Và các ông đã nhận được “ơn phù hộ” từ một Đức Giê-su Phục Sinh.

Hôm nay, Đức Giê-su Phục Sinh vẫn đứng đó. Tất nhiên, chỗ đứng của Ngài không phải ở một bờ biển xa xăm nào đó trên thế giới này, nhưng là trong những ngôi nhà thờ, những ngôi nhà thờ nằm giữa lòng “Con Thuyền Giáo Hội” và được tông đồ Phê-rô, mà hôm nay, đại diện là ngài đương kim Giáo Hoàng Phan-xi-cô, lèo lái.

Thế nên, để có thể “ngước mắt nhìn Đức Giê-su Phục Sinh”, không có phương cách nào tốt hơn là hãy bước lên “Con Thuyền Giáo Hội”.

Trên Con Thuyền Giáo Hội, Đức Giê-su Phục Sinh vẫn đứng đó. Ngài đứng trong thánh lễ, qua các vị linh mục, Ngài tiếp tục nói với chúng ta: “Bình An của Chúa ở cùng anh chị em”.

Trên Con Thuyền Giáo Hội, Đức Giê-su Phục Sinh vẫn đứng đó, Ngài đứng đó trong thánh lễ, qua các vị linh mục, Ngài tiếp tục: “Cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, rồi bẻ ra, trao cho (chúng ta) và nói: Anh em cầm lấy mà ăn, đây là mình Thầy”.

Đức Giê-su Phục Sinh vẫn đứng đó, vẫn đứng nơi tâm hồn mỗi chúng ta, và nói với chúng ta, rằng: “Này con, con có yêu mến Thầy hơn những cám dỗ của thế gian, những cám dỗ của một nền văn hóa sự chết, của một nền văn hóa phá thai, của một nền văn hóa đồng tính luyến ái, của những nền văn hóa hỗn độn v.v…”, hay không?

Cuối cùng, trên Con Thuyền Giáo Hội, Đức Giê-su Phục Sinh vẫn luôn đứng đó, đứng nơi tòa “Hòa Giải” (Bí Tích Giải Tội), và chờ chúng ta “ngước nhìn”.

Xưa, các môn đệ không nhận ra người đứng trên bãi biển là Đức Giê-su. Nhưng, sau khi được Đức Giê-su gọi “anh em đến mà ăn”… Vâng, sau lời mời gọi đó, các môn đệ “không ai trong các ông dám hỏi ‘Đức Giê-su là ai’ vì các ông biết rằng đó là Chúa”.

Hôm nay, cũng vậy đối với chúng ta. Đức Giê-su cũng đang “gọi” mỗi chúng ta. Ngài đang “đứng trước cửa (tâm hồn) chúng ta và gõ. Ai nghe tiếng Ngài và mở cửa, thì Ngài sẽ vào nhà người ấy, sẽ dùng bữa với người ấy và người ấy sẽ dùng bữa với với Ngài” (x.Kh 3, 20).

Tại sao phải cần “dùng bữa với Ngài”? Thưa, vì nhờ đó, chúng ta sẽ nhận ra Ngài chính là Chúa, như xưa kia hai môn đệ trên làng Emmau đã nhận ra vị khách cùng đồng hành với mình chính là “Đức Giê-su”, sau khi cùng đồng bàn với Ngài.

Chúng ta tuyên xưng Chúa Giê-su đã Phục Sinh. Thế thì đừng bao giờ vắng mặt vào Thánh Lễ Chúa Nhật. Bởi vì trong Thánh Lễ chúng ta được “dùng bữa với Ngài”. Được dùng bữa với Ngài, chúng ta mới có thể nhận ra Ngài chính là Chúa.

Nói cách khác, đừng rời bỏ Con Thuyền Giáo Hội, bởi vì nơi đây chúng ta được chăm sóc bởi một tông đồ Phê-rô và bây giờ là một Giáo Hoàng Phan-xi-cô. Hơn thế nữa, chúng ta nhận ra được một Giê-su Nazaret chính là Chúa đó.

Vâng, Giê-su Nazaret – CHÚA ĐÓ.

Petrus.tran

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây