TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật -Lễ Thánh Gia Thất -Năm C

Còn Chúa Giêsu thì tiến tới trong sự khôn ngoan (Lc 2, 41-52).
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Linh mục, người là ai? -kỳ 11

Thứ bảy - 23/04/2022 06:50 | Tác giả bài viết: Lm Lã Mộng Thường |   1325
Linh mục, người là ai? của tác giả Lm Lã Mộng Thường là tác phẩm kể lại cuộc đời một vị linh mục trẻ người Việt Nam, mục vụ tại Hoa Kỳ.
Linh mục, người là ai? -kỳ 11

LINH MỤC, NGƯỜI LÀ AI? I
(Kỳ 11)

Những ngày thường cha Lành không giảng vì chỉ có 20, cùng lắm là 23 phút dâng lễ. Hôm nào ông từ lần hạt chậm một phút là mất một phút vì thế cha Lành phải dâng lễ sao cho nhanh hơn một phút bởi nếu lâu hơn, một vài giáo dân không kịp giờ đến sở. Lẽ đương nhiên, dâng lễ đâu phải như chiếc máy cassette, ông cha đọc như cái máy, thi hành những cử điệu giơ tay giơ chân giống robot! Có một ông cụ kia hình như có điều gì tức với cha xứ; hôm đó, chẳng hiểu uống rượu đâu ngà ngà và bị ai nói khích thế nào, vô gặp cha xứ đối chất. Nói lung tung trời bể một hồi liên quan đến vấn đề làm ăn cực khổ, lễ lạy, ông cụ lè nhè thốt: “Cha chỉ quay ra quay vào mấy phút thì bằng chúng con làm cực khổ cả ngày...” Dâng lễ nào phải chỉ là quay ra quay vào; nếu quay ra quay vào thì ai quay chả được. Dâng lễ là sự thờ phượng cao siêu nhất của đạo Công Giáo. Hai mươi ba phút dâng lễ còn phải vội vàng phương chi thêm vài phút giảng. Cha Lành chỉ giảng vào những ngày chủ nhật, còn lễ trọng không nhằm ngày nghỉ việc, chỉ hai hoặc ba phút là nhiều nhất. Nói quá, không kịp giờ đi làm là mất việc, ai dám đi dự lễ! Hơn nữa, nhớ lại kỳ còn nơi chủng viện với môn học về giảng giải, hội đồng giám mục Hoa Kỳ có soạn một cuốn sách hướng dẫn về giảng khá hay, trong đó có một câu ngài cho là hay nhất thỉnh thoảng tự nhắc lại, đại khái, “Nếu bạn có gì nói thì nói ra đi, còn không, vì Chúa, xin im cái miệng lại...”

 

 

Người ta cứ nói, muốn nói ngoa làm cha mà nói. Cha phần đời nói ngoa, vợ con đâu chịu mà còn có khi ra tòa là đàng khác. Cha phần đạo nói ngoa coi chừng cũng ra tòa. Ngày xưa chữ giảng thường được kèm theo chữ dạy; ngày nay chữ giảng không mang nghĩa giảng dạy mà mang ý thức sâu rộng hơn: công bố tin mừng, công bố Lời Chúa hoặc rao giảng Phúc Âm... Ngày còn trong chủng viện, vào giờ học cuối cùng của môn giảng thuyết năm thứ tư, linh mục giáo sư nói một câu đơn sơ nhưng cha Lành còn nhớ mãi mỗi khi soạn giảng:

- Quý thày nhớ dùm mỗi khi giảng sau này: làm ơn để ý đến tâm tình của giáo dân.

 

Nói rằng giảng dạy chứ thực ra, chỉ có giảng mà không dạy; bởi giảng là chia sẻ Lời Chúa với người khác còn dạy thì đôi khi thường bị hiểu lầm. Có một lần mấy thày ngồi nói chuyện về giảng, một thày kể lại có một cha muốn quyên tiền làm nhà xứ tại Việt Nam mà giáo dân vì có một vài điều không đồng ý với ngài nên tỏ ý không chịu đóng góp. Vào một ngày chủ nhật ngài tuyên bố trong bài giảng:

- Trong Phúc Âm, Chúa dạy rằng “Ai không nghe ‘con’ là không nghe Ta;” - thày ấy nói tiếp - Nó không chịu làm điều mình muốn thì lại nói ai không nghe mình là không nghe Chúa!

 

Giảng Lời Chúa đâu phải là bảo người ta phải làm theo ý mình mà là giải thích Phúc Âm áp dụng vào đời sống hằng ngày để khuyến khích người ta sống Phúc Âm; sống Phúc Âm chứ không phải sống theo ý mình bởi mọi người có quyền tự do chọn lựa lối sống của họ. Mình đề nghị, giải thích mà không có quyền bắt buộc. Như thế linh mục là dung môi, là tiên tri theo nghĩa thức tỉnh, nói cho người khác nhận biết ơn cứu độ của Chúa đã được chuẩn bị sẵn nơi chính cuộc sống họ để họ mở rộng tâm hồn đón nhận và sống ơn cứu độ. Hơn nữa, những đề nghị linh mục đưa ra trong bài giảng, có thể nói, là đề nghị cho chính mình; giáo dân nghe giảng rồi thực hành theo hay không tùy sự lựa chọn và quyền tự do của họ. Thực tế hơn, họ sống theo lời linh mục giải thích, đề nghị hay không thực sự tùy thuộc vào cung cách đối xử, thái độ của linh mục với giáo dân chứ không phải bất cứ điều gì linh mục nói ra là “Lời Chúa phán” như quan niệm cổ xưa. Nhớ lại ngày còn đi học thần học tại Chicago, một hôm cha giám thị nhà kêu thày Lành vô chỉ trích một số vấn đề rồi đưa ra một mẫu làm việc thày nên theo...

- Thưa cha, những đề nghị của cha thật hay nhưng chỉ đúng cho chính cha và chỉ cha mới cần áp dụng. Con ăn cơm với nước mắm ngày ba bữa ngon lắm nhưng không thể nào ăn được loại cheese xay nhão. Con không đề nghị cha ăn nước mắm thì yêu cầu cha cũng đừng đề nghị con ăn loại cheese đó...

 

Vì thế thày bị kết án là bướng, là không biết vâng lời. Thày nghĩ, Chúa ban cho mình bộ óc mà không dùng để suy nghĩ tức là coi rẻ hồng ân của Ngài. Vâng lời một cách ngu xuẩn là khinh chê ơn Chúa đã ban bộ óc biết suy tư cho mình. Hơn nữa, vâng lời đâu phải bảo sao làm vậy! Mình là người, mình có sai lầm và bề trên cũng là người, đã chắc gì bề trên luôn luôn đúng. Nếu đã có ít nhất một lần sai thì có thể có lần thứ hai và rồi lần thứ ba... Thế nên vâng lời một cách máy móc vừa khinh chê ơn Chúa vừa từ chối sự tự do mà chính Chúa cũng tôn trọng nơi mình. Nghe những người xưa kể lại chuyện bề trên sai đệ tử trồng cây ngược để thử đức vâng lời, thày Lành cứ ngẫm nghĩ: cái nhà dòng ấy chỉ tuyển chọn những người đần. Ôi! “Ba năm ở với người đần, không bằng một chốc đứng gần người khôn.” Thế mà cứ cổ võ đức vâng lời một cách vô ý thức. Phải là mình, thày nghĩ tiếp, mình sẽ đuổi tất cả những đứa ngu si trồng cây ngược. Nếu trồng những cây bình thường ngược mà tin rằng có thể mọc thì người trồng tất nhiên phải là bất bình thường, càng nên tống cổ ra khỏi nhà dòng bởi sự ngu dốt, không biết dùng lý trí của một con người bình thường. Hơn nữa, người đã dốt như thế thì làm sao có thể chịu đựng sống chung cho được bởi tội lỗi do sự ngu dốt mà ra. Chấp nhận sự ngu dốt là chấp nhận sự tội; ôi, kỳ quái!

Kỳ cấm phòng chuẩn rị chịu chức phó tế, cha giảng phòng là một vị linh mục dòng Tên đã đưa ra một vấn đề thoạt nghe rất ngây ngô nhưng ý nghĩa lại rất sâu sắc:

- Qua Kinh Thánh, chúng ta thấy Chúa chỉ chọn những người thật tầm thường, yếu hèn làm tiên tri hoặc tông đồ hướng dẫn dân Chúa. Một Môi-sen lặp năm lặp bảy lãnh đạo dân Chúa chống lại vương quốc Ai Cập giải thoát dân Ngài. Một thánh Phêrô nhát gan chối Chúa làm đầu Hội Thánh. Quý thày nhớ cho, Chúa dùng những người yếu hèn để chứng tỏ quyền năng của Ngài. Những người tài giỏi làm chuyện đại sự; đó là điều dĩ nhiên. Tuy nhiên, dùng những người yếu hèn mà làm được những công việc cả thể; điều này minh chứng Chúa toàn năng biết bao. Thế cho nên, quý thày được Chúa chọn làm linh mục; xin nhớ rằng mình được chọn để làm việc của Chúa thì mình là người yếu hèn... Chẳng có gì vinh quang thuộc về mình đâu! Những vinh quang đều do Chúa; do đó đừng cướp công của Chúa kẻo mà khốn khổ...

 

Chúa cũng không thể biết được các đấng dòng Tên nghĩ gì, thày Lành nghĩ, thế ra dân dòng Tên đôi khi cũng nói lắm chuyện có lý...

 

Dĩ nhiên, giáo dân không nói lên những điều bất đồng ý kiến với linh mục khi ngài đứng trên tòa giảng, nhưng không phải họ không nói có nghĩa họ không biết. Đành rằng Chúa dùng những lời đơn sơ mộc mạc của linh mục để hướng dẫn dân Ngài nhưng Chúa chắc chắn không dùng những lời nói không nên không phải, đôi khi tới quá đa quá độ không để ý gì đến tâm tình người nghe. Dùng tòa giảng vì mục đích riêng tư, chắc chắn Chúa chẳng thể làm ngơ, và cũng chắc chắn rằng dùng tòa giảng với mục đích riêng tư thì cũng chẳng tin gì vào Chúa vì có tin chăng thì cũng đã tin rằng Chúa không chấp nhận cho bất cứ thần thánh nào hơn Ngài hoặc động chạm đến con dân của Ngài.

 

Hơn nữa, linh mục được học về thần học thì giới hạn hiểu biết thuộc về thần học. Chủng viện đâu dạy nghề buôn bán hay nghề điện tử; do đó có những vấn đề, những kiến thức chuyên môn mà một số giáo dân đang tham dự Thánh Lễ đáng bậc thày của mình. Nhảy ra khỏi vòng rào thần học và tu đức, thiên hạ thiếu gì kẻ tài giỏi hơn. Thật ra, các môn học chỉ giúp con người thêm kiến thức về các ngành riêng biệt nhưng nói chung đào luyện con người có khả năng suy luận sắc bén hơn khi áp dụng vào thực tế. Trong số giáo dân nghe giảng có những đầu óc thông minh sắc bén, không liệu bề giảng Lời Chúa, linh mục đã không giúp họ được gì mà đôi khi làm phiền họ... Và như thế coi chừng chủ chăn đuổi con chiên ra khỏi nhà thờ thay vì dẫn dắt con chiên qua sự vô ý của mình.

 

Rao giảng lời Chúa đâu phải là chuyện cứ muốn nói ngoa làm cha mà nói. Lời Chúa bao giờ không ngược với đời sống tham sân si thế tục. Linh mục cũng là con người; có linh mục nào không phải là người? Mà đã là người, ai tránh thoát tham sân si? Vì thế Lời Chúa đâu phải chỉ được dùng để “dạy” giáo dân mà linh mục bị dạy trước tiên khi suy gẫm hoặc soạn giảng. Dù cho bao nhiêu nhà thần học, bao nhiêu nhà chú giải Kinh Thánh làm việc, suy tư từ đời nọ qua đời kia thì Lời Chúa vẫn cứ còn như một màn bí mật chỉ mới được bắt đầu vén lên. Bao nhiêu thư viện chứa sách vở thần học, Lời Chúa vẫn còn đầy huyền nhiệm. Có chăng các nhà thần học, tu đức học, chú giải Thánh Kinh, chỉ mới làm sáng tỏ được một phần nào sự áp dụng Lời Chúa trải qua các thời đại. Giảng là áp dụng Lời Chúa vào cuộc sống tâm linh để rồi được thực hiện qua cách sống, thái độ, ý thức tùy thuộc từng hoàn cảnh môi trường, hoặc sự nhận thức hiểu biết cá nhân.

 

Năm giúp xứ tại Xuân Ninh, Cam Ranh, một buổi tối dạo mát nói chuyện với cha xứ, ngài nói:

- Lời Chúa lắm lúc không thể nào giải thích được vì rất ngược tai. Không thể hiểu Chúa muốn nói gì qua đoạn Thánh Kinh...

 

Mặc dầu đồng ý với cha xứ nhưng thày Lành ngày ấy còn ngây ngô, chưa biết gì về thần học nên không dám tán đồng ý kiến và cũng chẳng dám thêm thắt chi, chỉ nhận thấy nhiều vấn đề không “thuận tai” trong Kinh Thánh! Nhưng thày nghĩ, nếu Kinh Thánh chỉ viết những điều thuận với mình thì có chi phải học, có gì nên theo do đó đâu cần giảng, đâu cần phải suy nghĩ. Mình chỉ suy nghĩ, tìm hiểu những gì chưa hiểu, chưa biết chứ đâu ai tìm hiểu điều mình đã biết. Lời Chúa nếu thuận tai mình thì mình không phải là người mà là thánh bởi chỉ có thánh mới sống đúng theo lời Chúa.

 

Bao nhiêu lâu rồi người ta đọc Kinh Thánh, đọc Phúc Âm, nhưng được mấy ai nhận ra rằng Kinh Thánh được viết để minh chứng một cách ám chỉ về Thiên Chúa chứ không phải Kinh Thánh là một bộ sử của người trần thế; nói khác đi, Kinh Thánh không phải là bộ sử của dân Do Thái. Kinh Thánh viết lại kinh nghiệm về Chúa của dân Do Thái chứ cũng không phải sử của Chúa của dân Do Thái. Nếu Ađam và Evà là người đầu tiên vậy thì ai chứng kiến cảnh Chúa lấy xương sườn cụt của Ađam nặn thành Evà mà ghi chép lại. Nếu coi Kinh Thánh là bộ sử thì người mà Thiên Chúa dựng nên đầu tiên phải là người viết hay người kể lại Kinh Thánh chứ không phải Ađam hoặc ít ra Ađam phải là người thứ nhì và Evà là người thứ ba nếu người viết Kinh Thánh là người đàn ông. Nếu người viết Kinh Thánh là người đàn bà thì chắc chắn sẽ không thể nào có Evà từ xương sườn cụt theo nghĩa giấy trắng mực đen!

 

Quan niệm Lời Chúa trong Kinh Thánh được hiểu theo nghĩa đen như bộ sử ký đã gây nên không biết bao nhiêu tai hại, phân rẽ. Ngày xưa, gọi là xưa thôi, ông bà ta cấm con cháu đọc truyện Kiều cũng chỉ vì hiểu Kiều theo nghĩa đen. Nào có ai tên Thúy Kiều, Thúy Nga có cuộc đời giống như Nguyễn Du đã mô tả trong Đoạn Trường Tân Thanh; mà Thúy Kiều được dùng ám chỉ Nguyễn Du, tác giả “Truyện Kiều”. Nguyễn Du lại là đàn ông sao có thể bị bán vào lầu xanh; thế nên lầu xanh cũng chỉ là một biểu tượng được tác giả dùng để nói về cảnh khổ ải tâm tư của mình đối với thực tại của thân phận trong “hàng thần lơ láo.” Kinh Thánh cũng được viết ám chỉ, phải được hiểu theo nghĩa bóng tương tự như thế.

 

Hơn nữa Kinh Thánh được viết dựa theo phong tục tập quán người Do Thái cùng những ảnh hưởng của kiến thức thời đại 2000 năm về trước nên càng khó hiểu. Lời Chúa được diễn giải theo biểu tượng ám chỉ trong khi cứ tin theo nghĩa đen của Kinh Thánh để rồi tưởng rằng nắm được chân lý trong tay tha hồ vùng vẫy; có lẽ Chúa cũng phải nực cười; mà có nói ra sẽ bị cho là bướng, là không vâng lời, là rối đạo. Năm thứ nhất thần học tại C.T.U. (Catholic Theological Union), Chicago, tuần nào thày Lành cũng cố kiếm lấy một giờ gặp cha giám đốc nhà trường vì ngài dạy lớp nhập môn thần học. Một hôm thày băn khoăn hỏi cha:

- Thưa cha, con không hiểu trí khôn mình sẽ suy nghĩ đến đâu về thần học nhưng son e sợ trở thành rối đạo.

Cha giám đốc nhìn thày ngỡ ngàng, đoạn ngẫm nghĩ chút xíu, ngài trả lời:

- Tôi nói cho thày biết, những người rối đạo là những người tuyệt đối thông minh. Thày không thông minh đủ để có thể rối đạo. Cứ yên trí suy luận.

 

Câu trả lời đơn sơ nhưng thật tuyệt vời giúp thày Lành xóa bỏ được tất cả những tự ty mặc cảm e sợ đã chồng chất bao lâu nay, kể từ ngày mới lớn, biết đặt vấn đề suy tư về cuộc đời, hoặc những chuyện xảy ra trong cuộc sống liên hệ đến tâm tư nhất là về tôn giáo.

 

Nhớ lại kỳ còn nhỏ, hôm gia đình thày lợp lại mái nhà, nhờ ông bác ruột làm thợ. Gia đình ông tương đối kể cũng đề huề, 5 gái, 2 trai chỉ phải cái tội người con trai lớn bằng tuổi thày Lành hơi bị dở dở ương ương. Số là ngày xưa ông đi lính Tây, kiếm được ít thuốc Bévitine 1 cho con uống để ăn được cơm. Hơn nữa, thằng bé lại cứ như bị đẹt không chịu lớn. Bà mẹ không hiểu mô tê gì, mỗi ngày cho đứa nhỏ uống hai viên. Nghe người ta nói thuốc B1 có tính chất nóng và vì đứa nhỏ uống quá nhiều nên bị ảnh hưởng tâm tính trở thành bất bình thường. Trong lúc lợp nhà, không hiểu ông bác và những người giúp nói chuyện gì liên quan đến vấn đề các cha giảng dạy; đang ngồi trên mái nhà đóng đinh lợp tôn mà ông bác nổi sùng nói oang oang:

- Cha mẹ sinh người, trời sinh tính. Các cha giảng là nhìn cây biết quả đâu có được. Các cha đâu có đẻ con mà biết... Nếu nói rằng cha nào con nấy thì các cha có dạy người ta đi ăn cướp đâu sao vẫn có những kẻ cướp...

Ông bác kế trầm tĩnh hơn muốn cho êm chuyện, tránh nói đụng chạm đến các cha do đó nói chận anh mình:

- Thì cha chỉ lặp lại Phúc Âm chứ nói gì bác đâu. Phúc Âm chả nói xem cây biết quả là gì...

- Thì Lời Chúa nói mình phải chịu nhưng cũng có những câu nghe chịu không được.

Phúc Âm đối với những người bình dân, quê mùa mộc mạc mà còn như vậy, phỏng với cuộc đời rắc rối hơn, sự hiểu biết cao hơn Lời Chúa phải được hiểu thế nào!

 

 ***
 

Trong thời gian thực tập lớp tuyên úy bệnh viện, thân nhân một bệnh nhân nói với thày Lành bà ta không thể chấp nhận được những người không được rửa tội có thể vào nước thiên đàng vì họ không tin vào Đức Kitô và Kinh Thánh.

- Thưa bà là người Công Giáo?

- Không, tôi theo Tin Lành.

- Tôi nghĩ, có những người không theo Công Giáo, chẳng theo Tinh Lành, chẳng bao giờ được rửa tội, không được nghe dù chỉ tới tên Chúa Giêsu mà cuộc đời họ sống tốt lành, chân thật chẳng hạn như những nơi vùng quê hẻo lánh ở Trung Hoa hay Ấn Độ bởi đâu có người truyền giáo tới đó; nếu họ bị trầm luân chẳng lẽ Chúa cố chấp đến thế ư! Hơn nữa, trước khi Đức Kitô sinh ra, có ai được rửa tội đâu. Chẳng lẽ bao nhiêu người đã qua rồi muôn đời bị đày đọa mặc dầu sống tốt lành! Tôi không thể chấp nhận họ bị trầm luân bởi nếu chấp nhận như vậy thì sống tốt lành cũng không được cứu rỗi; sống lôi thôi bê tha cũng bị lên án phạt thì vô lý quá, lại khuyến khích cho người ta sống bê tha...

- Nhưng công tôi giữ đạo mà không được hơn họ à?

- Ồ! Bà nói như thế không thuộc về vấn đề rửa tội hay không mà là vấn đề mình sống như thế nào. Mình là con người có tự do lựa chọn và cuộc sống mình tùy thuộc sự chọn lựa mình muốn trở nên thế nào chứ không phải được rửa tội là tốt lành mà không được rửa tội đều là phường bất hảo. Cuộc sống mình chứng tỏ niềm tin của mình, cuộc đời mình có nói lên, có chứng tỏ ơn cứu độ của Đức Kitô đến với mình không. Nếu không, mình đang từ chối ơn cứu độ, mà lẽ dĩ nhiên, từ chối ơn cứu độ sao có thể được cứu rỗi. Còn những người không biết đến Đức Kitô nhưng có cuộc sống tốt lành, xứng đáng phải được cứu rỗi. Đọc trong Kinh Thánh, có đoạn nào viết về Abraham, Jacob, Môi Sen, Josuah, v.v... được rửa tội đâu. Có bao giờ họ được nghe đến tên Đức Kitô đâu; sao Abraham lại được gọi với danh hiệu “Cha ông của những người tin vào Thượng Đế?” Xét như vậy, nếu đặt vấn đề những nhà sáng lập các đạo là những tiên tri Chúa đặc biệt gửi đến cho từng đám dân như Abraham, Jacob, Môi Sen... thì ơn cứu độ của Chúa đã và đang ở nơi chính họ rồi đó chứ. Họ không dùng ngôn từ giống mình để nói lên niềm tin vào Đức Kitô vì họ chưa được nghe đến tên cũng như những người trước thời Ngài...

- Kinh Thánh đâu có nói thế!

- Bà hiểu Kinh Thánh ra sao?

- Thì Kinh Thánh là Lời Chúa nói với mọi người, mình phải tin theo…

- Tôi xin cắt lời bà. Xin lỗi, tôi muốn phân tích lời bà vừa nói. Tôi muốn nói rõ là chỉ phân tích chứ không bắt bẻ, bà hiểu dùm cho bởi tôi không muốn bị hiểu lầm.

- Ông cứ nói... tôi hiểu.

- Bà vừa nói mình phải tin theo... Tôi nghĩ, mình có tự do tin hay không tin và theo hay không theo. Hơn nữa, Kinh Thánh được gọi là Lời Chúa không có nghĩa bởi miệng Chúa nói ra... Kinh Thánh chỉ là cuốn sách gom góp lại kinh nghiệm về Chúa, kinh nghiệm tin vào Chúa của dân Do Thái được diễn tả qua những câu chuyện ám chỉ. Chúa dùng con người viết ra theo sự hiểu biết của con người về Chúa được gọi là linh ứng hay mặc khải. Lời Chúa ở nơi nghĩa bóng, ở mục đích đoạn văn, câu chuyện được viết ra chứ không phải Kinh Thánh chép lại y chang những gì Chúa nói. Chẳng hạn câu chuyện Môi Sen đưa dân Do Thái vượt biển đỏ và Chúa đã dùng nước để giết chết hết quân lính Ai Cập. Câu chuyện này nói lên bàn tay uy quyền của Chúa bảo vệ những kẻ tin vào Ngài chứ không phải thực sự Ngài giết đám người này để bảo vệ đám người kia. Đâu ai có bao giờ chấp nhận được cha mẹ đối xử với con cái theo kiểu này! Thế nên, tôi nghĩ mình cần biết thêm để hiểu về Kinh Thánh, những lý do tại sao Kinh Thánh được viết như thế, kinh nghiệm về Chúa của người Do Thái được hiểu và áp dụng ra sao trong sự liên hệ văn hóa thời bấy giờ để áp dụng trong cuộc đời mình bây giờ và ở nơi này trong cuộc sống tin vào Đức Kitô.

- Thì những gì Kinh Thánh viết là sự thật, và phải là sự thật vì các tiên tri được chọn để rao giảng về Ngài như Ezêkiel, Eliah, Isaiah...

- Tôi xin ngắt lời bà; bà vừa nhắc tới sự thật trong Kinh Thánh và các tiên tri. Thật ra, tên của các tiên tri đã cả là một vấn đề không đơn giản trong Kinh Thánh. Chẳng hạn Ezêkiel, chữ El có nghĩa là người thân thiết, người bỏ tiền ra chuộc mình khi mình mắc vòng lao tù. Nói theo kiểu bây giờ là người trả tiền “bond” lấy mình ra khỏi nhà tù chẳng may mình phạm luật bị giam giữ. Chữ El mang nghĩa đặc biệt được viết hoa chỉ về Chúa là đấng thân thiết với mình, đấng cứu chuộc, đưa mình thoát khỏi ách tội lỗi. Những chữ Eliah, Isaiah, Zeremiah bà thấy có 3 chữ cuối iah có nghĩa Yah- Vê, tên người Do Thái gọi Thiên Chúa; thế nên tên của tiên tri quanh đi quẩn lại đều mang ý nghĩa lời của Chúa. Hơn nữa, sự thật trong Kinh Thánh không mang tính chất lịch sử hoặc những diễn tiến xảy ra thường ngày như chúng ta quan niệm mà Sự Thật đây được viết hoa có nghĩa là Thượng Đế, là Chúa, là Chân Lý, là mục đích cuối cùng cho con người tiến tới. Kinh Thánh được viết chứng minh có Thiên Chúa toàn năng, Ngài đang hiện diện trong cuộc đời chúng ta chứ không phải một Thiên Chúa xa vời, ngây ngô, có thế giới riêng tách biệt. Vấn đề áp dụng sự tin tưởng vào Thiên Chúa qua Kinh Thánh lại càng không đơn giản. Không phải cứ Kinh Thánh viết thế nào thì áp dụng đúng như vậy là được cứu rỗi mà có thể lại chống ngược lại với niềm tin vào Thượng Đế, và cũng chống ngược lại chính quyền làm người được Thượng Đế ban cho mình.

- Ông nói chi, sao thực hành theo Kinh Thánh lại ngược với quyền làm người?

- Tôi đưa ra một thí dụ nơi Kinh Thánh: Trong Tân Ước có viết đoạn Đức Kitô nói nếu tay con gây ra sự tội, chặt nó đi, thà rằng vào nước trời cụt tay còn hơn mất phần rỗi đời đời. Bà nghĩ thế nào? Đã bao giờ tay bà gây sự tội chưa? Thế sao bà vẫn còn cả hai tay? Và nếu ai thực hành theo như vậy sẽ bị đưa ra tòa vì tội hủy hoại thân thể. Hơn nữa, xét theo niềm tin vào Thượng Đế, người đó từ chối và hủy hoại hồng ân Thượng Đế đã ban cho là cái tay. Tôi đề nghị kiểu khác để hiểu về đoạn Tân Ước này nói riêng và Kinh Thánh nói chung. Tuy nhiên kiểu này cần sự hiểu biết nhiều hơn.

- Ông nói kiểu nào...

- Bà có nhớ có đoạn Phúc Âm kể lại Đức Kitô đi trên mặt hồ không? Thánh Phêrô xin được đi trên nước và rồi rớt cái tủm, la toáng lên “Lạy thày cứu con.” Trong Phúc Âm cũng nói tiếp Đức Kitô hỏi tại sao Phêrô lại hoài nghi. Bà nghĩ thế nào về đoạn Phúc Âm này; bà có thể nghĩ rằng Thánh Phêrô rớt xuống nước vì thiếu đức tin không?

- Thì Phúc Âm viết vậy mình tin vậy, chẳng lẽ Phúc Âm viết sai!

- Tôi không nói sai hay đúng, và nói rằng mình tin vậy thì sự tin này lợi ích gì cho mình? Tôi muốn đặt vấn đề làm thế nào có thể áp dụng sự hiểu biết về Kinh Thánh trong cuộc sống chứ không phải chỉ tin suông rồi để đó. Tin suông theo kiểu đó đâu có ăn nhập chi đến cuộc đời, đâu có thể giúp mình sống sao minh chứng ơn cứu độ của Chúa đang hiện diện nơi chúng ta...

- Vậy chứ ông còn muốn bới vẽ gì về Phúc Âm. Công Giáo các ông đâu tin vào Kinh Thánh như chúng tôi!

- Tôi không muốn mình có cuộc bàn cãi tôn giáo, bà theo Tin Lành, tôi theo Công Giáo đó là quyền của mỗi người. Tôi chỉ muốn nói tới vấn đề mình là Kitô hữu, làm sao áp dụng Kinh Thánh trong cuộc sống một cách đúng đắn chứ không thực hiện móc mắt, chặt tay một cách thiếu hiểu biết hoặc nói về móc mắt, chặt tay mà chẳng bao giờ thực hiện.

- Ông muốn nói Tin Lành chúng tôi tin Kinh Thánh mà không làm theo?

- Đó là bà nói và bà đã hiểu lầm ý tôi muốn nói. Tôi đã nói với bà là không phân biệt Tin Lành hay Công Giáo mà nói về chúng ta là Kitô hữu. Bà tin vào Đức Kitô, tôi tin vào Đức Kitô nào có gì sai trật đâu. Tôi chỉ muốn nói lên điểm chung trong khi bà đặt vấn đề về Tin Lành hay Công Giáo. Vấn đề tôi đặt ra là làm sao áp dụng Kinh Thánh vào cuộc đời tôi, cuộc đời bà, cuộc đời của mỗi người Kitô hữu. Tôi nói rõ là Kitô hữu chứ không phải Tin Lành hay Công Giáo hoặc Anh Giáo.

- Vậy ông nói đi, ông bảo tại sao Thánh Phêrô rơi xuống nước.

- Bà có biết bơi không?

- Có chứ; đó là môn thể thao của tôi mà...

- Hèn chi cử điệu của bà có vẻ nhanh nhẹn khác thường...

- Bơi lội giúp cho cơ thể cân đối hơn và khỏe hơn. Bơi lội tốt hơn bất cứ môn thể thao nào...

- Bà bơi được lâu không?

- Mỗi ngày tôi bơi 1 mile trong vòng một giờ.

- Bà bơi giỏi đó, thế cỡ chừng 100 yards bà bơi chỉ mấy phút thôi.

- Cỡ ấy...

- Vậy giả sử bà đang ở trên ghe, bị rớt xuống nước bà sẽ phải thế nào?

- Tôi nín thở, bơi ngược lên...

- Bà không la hoảng lên à?

- Ông không biết bơi hay sao?

- Biết chứ nhưng không giỏi như bà vì ít khi đi bơi nhưng rớt xuống nước không chết chìm được.

- Vậy tại sao ông nói về la hoảng khi rớt xuống nước?

- Tôi muốn nói thánh Phêrô thôi!

- Ah há! Đúng rồi, thánh Phêrô không biết bơi nên la hoảng, ông khá thông minh.

- Sao Kinh Thánh nói thánh Phêrô thiếu đức tin.

- Nhưng lúc bấy giờ sóng to gió lớn...

- Ở trong hồ mà, lại gần thuyền, gần bờ. Nếu là bà, bà làm thế nào?

- Thì bơi về thuyền.

- Sao bà bảo sóng to?

- Sóng to đối với người không biết bơi!... Ông lại đưa tôi vào bẫy rồi!

- Không, chẳng bẫy rập chi hết. Vấn đề chỉ là nếu thánh Phêrô là dân chài mà không biết bơi để bảo vệ mạng sống thì mình là Kitô hữu đã không biết những gì để sống chứng tỏ ơn cứu độ của Chúa đang ở nơi mình cho mọi người biết. Đức tin mình phải được áp dụng trong cuộc đời mình ra sao!

- “Profound thought!” Ông lý luận hay; thế tại sao ông lại nghĩ được như vậy?

- Tôi không thích người khác bảo mình phải thế này, phải thế kia hoặc tin như vậy là đúng, như kia là sai mà tôi muốn biết tại sao Phúc Âm hay Kinh Thánh viết như vậy đồng thời cần phải hiểu như thế nào cho phù hợp với cuộc sống cùng suy tư của mình trong thời đại bây giờ để có thể chấp nhận được.

- Thế sao tôi nghe nói Công Giáo các ông không có quyền tin theo ý riêng mình?

- Chữ “công” đây có thêm nghĩa chung với nhau, toàn bộ dân Chúa. Dĩ nhiên, ý nghĩ, sự hiểu biết cá nhân có thể chỉ đúng với một người mà không hợp với những người khác. Chẳng hạn bà và tôi gọi Chúa là cha và có thể chấp nhận được, nhưng đối với những người không có kinh nghiệm gì về bố đẻ của mình hay bị những kinh nghiệm xấu, kinh hãi với bố đẻ của mình không thể chấp nhận được gọi Chúa là cha thì họ gọi Chúa là Thượng Đế đâu có gì cản trở. Tuy nhiên, không thể lấy kinh nghiệm riêng tư về Chúa của mình mà bảo rằng Chúa phải là như mình hiểu qua kinh nghiệm cuộc sống cá nhân để rồi không chấp nhận những kinh nghiệm về Chúa của người khác hay là cho rằng họ đã tin sai lạc. Chính vì những kinh nghiệm cá nhân về Chúa, nói cách khác, Chúa bày tỏ chính Ngài với mỗi người khác nhau nên cần có những điểm chung gom góp từ những kinh nghiệm giống nhau về Chúa của nhiều cá nhân hợp lại, đó là đức tin Công Giáo...

- Ông có ý kiến hay, thế những đoạn Kinh Thánh khác ông có tìm được điều gì “funny” không?

- Có một lần nghe giảng thuyết về đức yêu thương. Vị giảng thuyết nhắc đến đoạn Phúc Âm người Samaritanô tốt lành rồi lên án thày cả tế lễ và người luật sĩ đang trên đường đến Jerusalem như trong Phúc Âm kể. Tôi thấy dị kỳ nên về lục lọi tìm hiểu tại sao thày cả tế lễ và vị luật sĩ là hai lớp người gương mẫu tốt lành lại không thực hiện đức yêu thương trong khi họ nên làm gương để đến nỗi Phúc Âm đặt vào miệng Đức Kitô lời lên án đó...

- Phúc Âm viết rõ ràng như thế mà ông không hiểu hay sao mà phải lục lọi...

- Thế mới phiền! Tôi chỉ đặt vấn đề tại sao đoạn Phúc Âm được viết ra vì chuyện có gì đặc biệt đâu. Không giúp người là không biết thương xót, thế thôi, việc gì phải nhắc tới? Hơn nữa, đoạn Phúc Âm có vẻ đưa lên chuyện ngược đời với bất cứ ai. Thấy người khác chết đến nơi mà mình không thương xót, không giúp đỡ là điều chính ngay những người tàn ác nhất cũng không thể làm ngơ nếu họ có thể. Điều dị kỳ nhất là chính thày cả tế lễ đang giảng thuyết lên án người tế lễ; vậy thì bài giảng đó chỉ nên giảng cho những người có nhiệm vụ tế lễ chứ mắc mớ gì tới người khác. Chẳng lẽ nói rằng ấy người tế lễ được nhắc trong Phúc Âm xấu hơn mình...?”

- Ông nói cũng có lý, mình không nên kết án người khác và lại càng không nên so sánh để nói mình tốt lành hơn... Nhưng thế rồi ông có tìm ra được gì không, chuyên viên lục lọi?

- Tôi lục vừa vừa thôi chứ không phải chuyên viên lục lọi... Thế bà có hay cho người đón xe dọc xa lộ đi nhờ không?

- Không! Làm thế nguy hiểm lắm. Bao nhiêu trường hợp cướp bóc giết chết người đã xảy ra nên tôi phải đề phòng.

- Mấy lần tôi đón người “hit hike” dọc xa lộ; khi kể cho bạn bè nghe, họ nói tôi liều mạng và rồi tôi cảm thấy e sợ nên từ đó không bao giờ đón người dọc đường nữa.

- Ông không nên là đúng, lỡ ra thì sao, vừa mất xe vừa có thể bị chết người.

- Vậy nếu bà thấy người gặp tai nạn dọc xa lộ, bà có giúp họ không?

- Tôi kêu cảnh sát.

- Xe bà có CB không?

- Có chứ.

- Lỡ không có CB thì sao?

- Sẽ có người khác kêu, đó là điều dĩ nhiên.

- Sao bà không dừng lại giúp người ta?

- Luật không cho phép. Hơn nữa lỡ bị vạ lây, người ta sẽ kiện mình, có thể mất nhà cửa, và làm cả đời cũng không đủ tiền vạ! Ông có biết chuyện y tá và bác sĩ bị đền hai triệu dollars vì băng vết thương cho một em nhỏ hướng đạo sinh không? Có một em nhỏ hướng đạo sinh đi cắm trại; không hiểu thế nào, em bị đứt tay. Thiếu trưởng đưa em tới bác sĩ băng ngón tay bị thương và tiếp tục để em cắm trại với thiếu đoàn. Thế rồi không hiểu em bị chất độc gì thấm vào trong vùng cắm trại; khi về nhà bộc phát và chết. Gia đình em kiện bác sĩ và y tá đã băng bó cho em. Cuối cùng tòa kết án đền hai triệu; đó cũng là lý do tại sao nếu không có giấy của bố mẹ các em, bác sĩ và y tá không dám đụng tới các em dù trong trường hợp khẩn cấp...

- Thế bà có ý kiến gì về vụ thày cả tế lễ và vị luật sĩ làm ngơ khi gặp người bị nạn sắp chết dọc đường không?

- Ừ há! Cũng có thể có chuyện gì, nhưng ngày xưa khác, ngày nay khác... Ngày xưa đâu có xe, đâu có tai nạn bất ngờ, và đâu có cảnh sát...

- Thật ra tai nạn thì thời nào cũng có nhưng điều kiện cuộc sống khác nên tai nạn xảy ra dưới hình thức khác. Tôi còn nhớ không biết đọc được ở đâu về luật Do Thái; người Do Thái có luật nhơ uế. Con heo là thứ nhơ uế nên người theo đạo Do Thái không ăn thịt heo; họ cũng không bao giờ dám đụng đến con heo vì đụng vô thứ nhơ uế cũng bị nhơ uế và muốn được sạch phải thi hành luật thanh tẩy một cách nghiêm chỉnh và khó khăn. Có khi tới 7 ngày tắm gội, giặt giũ quần áo với nước pha phân bò đực còn tơ, rồi kiêng khem và cuối cùng lại phải tới gặp thày tế lễ trong nhiệm kỳ để được tuyên bố thanh sạch thì mới thực sự được sạch. Những con vật chết tự nhiên ngoài trời hoặc bị con vật khác giết chết cũng là nhơ uế. Người chết được coi là nhơ uế, và thày cả đang ở trong nhiệm kỳ tế lễ không được đụng đến xác chết dù là thi thể của cha mẹ mình. Người bị cướp đánh gần chết ngoài trời được coi như nhơ uế; thế nên...

- Thì giúp người mà nhơ uế à?

- Đó là luật Do Thái. Hơn nữa, thày cả tế lễ và vị luật sĩ đang trên đường tới Jerusalem tế lễ sao họ dám đụng vào người nhơ uế. Luật Do Thái rất khắt khe, người bị nhơ uế không được bước vào đền thờ trong khi mỗi năm chỉ có một lần người ta lên đền thờ tế lễ.

- Thế sao người Samaritanô dám đụng vào?

- Người Samaritanô đâu theo luật Do Thái, đâu biết chi về luật nhơ uế.

- Vậy câu chuyện đi đến đâu theo sự khám phá của ông?

- Bà còn nhớ đoạn Phúc Âm lên án người không biết thương xót không? Cứ theo thời điểm lúc bấy giờ thì đoạn Phúc Âm này lên án luật nhơ uế của người Do Thái. Đại khái, theo tôi hiểu, bất cứ lề luật nào ngăn cản mình thương xót kẻ khốn cùng cũng đều phản lại đức yêu thương, phản lại đức tin của mình. Những luật đó, những điều kiện đó là những cánh tay cần phải chặt bỏ, những con mắt cần phải móc đi vì chúng làm cho mình phạm luật yêu thương. Theo tôi, cánh tay, con mắt là những thói quen, những tập tục ăn rễ sâu nơi cuộc sống con người, xã hội khó lòng dứt bỏ; chúng là một phần của đời sống mình như cánh tay, con mắt...

- Ông nói có lý, thế sao tôi chưa bao giờ nghe ai nói như thế?

- Đó là lý do tại sao tôi thấy cần nhiều cố gắng tìm hiểu Kinh Thánh để áp dụng trong cuộc đời mình. Nói cách khác, người Do Thái kinh nghiệm về Chúa trong cuộc đời họ, viết ra cuốn Thánh Kinh thì mình cũng cần tìm hiểu về chính kinh nghiệm đối với Chúa qua đức tin trong cuộc sống của mình và đem so sánh với Kinh Thánh. Tôi nghĩ, cuộc đời mình là cuốn Kinh Thánh sống động; mình đang viết Kinh Thánh bằng chính cuộc sống. Theo nghĩa này, mình đang là chứng nhân của ơn cứu độ Chúa dành cho mọi người và nếu mình không giúp cho người khác quanh mình nhận ra ơn cứu độ của Chúa nơi họ, nơi cuộc sống, có lẽ mình đang rơi xuống nước như thánh Phêrô mà không kêu la chi hết, lại chấp nhận chìm cho qua...
 

(còn tiếp)

Lm Lã Mộng Thường

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây