ĐỂ TRỞ NÊN TRỌN LÀNH
Hôm nay ngày 13/10, các bài đọc trong Chúa nhật 28 Thường niên B, xác định lại thái độ của mỗi người đối với của cải vật chất. Chắc là các cha đã hướng dẫn cặn kẽ về điều này. Tất cả có trên toà giảng và trên mạng. Chúng ta có thể lắng nghe và tham khảo nếu Muốn Nên Trọn Lành giống như anh thanh niên trong bài Tin Mừng.
Nhân mong muốn cao đẹp được nhắc tới trong bài Phúc Âm này, xin kể một câu chuyện giữa hai anh em tôi. Tôi và người em Linh Mục trong nhà. Ông Cha nhà vốn là người khá nổi tiếng trong môi trường Cha đang phục vụ. Nhưng trước khi nói về chuyện Nhà mình, xin quay lại cái mong muốn tốt lành của anh thanh niên giàu có trong bài Phúc Âm. Theo cái nhìn của tôi, quả anh ta là một con người thành đạt trong xã hội. Phải chăng, cái ý định muốn nên trọn lành của anh ấy là cái mà anh muốn thêm vào để hoàn thành sự thành đạt của mình? Đời đẹp rồi giờ chỉ cần Tốt Đạo nữa là OK?
Phải chăng, theo luồng suy nghĩ này của tôi, đối với anh ta, sự trọn lành mà anh muốn đạt tới phải chăng chỉ là một món đồ trang sức cho cuộc đời mình. Cho sự thành đạt của mình hoàn hảo hơn? Yêu cầu Muốn Trọn Lành phải đánh đổi chứ không phải một món trang sức thêm vào của Chúa đối với anh đã làm cho anh thất vọng, hơn là tiếc của. Theo suy nghĩ của tôi là vậy.
Quay lại câu chuyện giữa anh em tôi. Sự nổi tiếng của Ông Cha em tôi là một điều hãnh diện trong nhà. Nhưng qua câu chuyện, cả hai đều hiểu rằng, sự nổi tiếng do lòng yêu quý của mọi người đối với sự cống hiến là một phần thưởng để Tạ Ơn, chứ không nên coi đó là thành công để tránh đi cái tâm lý thành đạt. Anh em đều đồng ý với nhau về quan điểm- khái niệm linh mục thành đạt là không thể tồn tại trên đời, nhất là trong suy nghĩ của mình... rồi nhắc lại cái biến cố qua đời của Ba. Một con người cũng khá nổi tiếng trong môi trường cụ đã sống. Việc con trai của mình được làm linh mục không phải là cái thêm vào cho sự nổi tiếng của ông cụ, cái chức Linh mục đó chỉ là hệ quả của một đời sống đạo đức, lương thiện của ông mà thôi. Ông Cụ đã không có mặt trong ngày “vinh quang” của con đã như một lời nhắc nhở cả nhà về quan điểm này.
Với bản tính con người, đôi khi, chúng ta có xu hướng đánh đồng những chuyện tốt lành Trời ban cho, thành những món đồ trang sức hơn là để Tạ ơn khi mình được yêu mến, qua trách nhiệm mà mình được giao phó như một Ơn Gọi.
Ngày 13 hôm nay cũng đánh dấu một kỷ niệm lớn của Giáo phận Ban Mê thuột. Buổi chiều ngày 13 cách đây 3 tháng, những tiếng chuông rộn rã của Toà Giám mục đã chấm dứt những lời cầu hằng ngày trong thánh lễ Cầu cho Giáo phận thôi “Trống Toà”. Nhưng không vì thế mà việc cầu nguyện cho giáo phận bị lãng quên.
Và ngày 13/10 hôm nay, cũng là ngày kỷ niệm trọng đại cho sự kiện Đức Mẹ Fatima hiện ra. Giáo phận thường tổ chức mừng sự kiện ngày 13 này một cách long trọng ở Đài Đức Mẹ Thánh Linh, đường Lương Thế Vinh. Nhớ lại biến cố này ngày xưa, một lời mời gọi Năng Lần Hạt Mân Côi để xin Chúa đừng để Chủ Nghĩa Vô Thần làm thế giới đảo điên. Và điều này cũng đã thành hiện thực. Chủ thuyết Vô Thần đã không còn đất dung thân sau hơn 70 năm được hậu thuẫn. Nhưng ma quỷ đã biến cái vô thần này tồn tại một cách tinh vi hơn trong suy nghĩ của chúng con khi tục hóa tất cả những điều tốt lành Chúa ban cho mình, như đôi ba ví dụ trên.
Qua các Thánh lễ ngày 13 hằng tháng tại Đài Đức Mẹ và qua những tràng Chuỗi Mân Côi, xin Đức Mẹ cầu cho những mong muốn trở nên trọn lành của mỗi người chúng con thật sự là một mong muốn lương thiện chứ không bị tục hóa khi coi đó là một món đồ trang sức để thêm vào cuộc sống như cái xu thế “Vô Thần đời mới” mà ma quỷ đã gieo vào lòng mỗi chúng con...
Lê Văn La Vâng
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn