TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật III Thường Niên -Năm C

“Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh này”. (Lc 1, 1-4; 4, 14-21)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Đối Nghịch

Thứ bảy - 08/01/2022 18:39 | Tác giả bài viết: Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa |   1044
“Thế nghĩa là gì? Giáo lý thì mới mẻ, người dạy lại có uy quyền. Ông ấy ra lệnh cho cả các thần ô uế và chúng phải tuân lệnh!” (Mc 1,27).
Đối Nghịch

ĐỐI NGHỊCH
(Thứ Ba sau Chúa Nhật I TN – Mc 1,21-28)

Khái niệm nhơ uế hay ô uế xem ra khá phổ biến trong niềm tin các tôn giáo, cách riêng Do Thái giáo. Rất nhiều tình trạng về thể lý và tinh thần được liệt vào hàng ô uế mà đằng sau luôn có bóng dáng của thần dữ. Cũng có đó rất nhiều thứ thực phẩm bị cho là ô uế và cấm không được dùng, chẳng hạn thịt các con vật thuộc loài nhai lại mà chân không có móng chẻ hay loài có chân móng chẻ mà không nhai lại như loài heo. Một số loài dưới nước, trên trời cũng bị liệt vào hàng ô uế cũng như nhiều loài vật nhỏ khác như chuột chũi, chuột nhắt, thằn lằn, tắc kè, kỳ đà, cắc ké, kỳ nhông, thạch sùng… (x.Lv 11). Sự ô uế còn được quy định trong nhiều tình trạng của con người cách riêng với phụ nữ và người mắc các bệnh truyền nhiễm hay bệnh da liễu… (x.Lv 13-15).

Vấn đề đặt ra là khi đặt tình trạng ô uế đối nghịch với tình trạng thanh sạch thì nhiều vị tôn sư đã quá đề cao tầm ảnh hưởng của tình trạng ô uế và vô tình đề cao quyền lực của thần dữ đứng đằng sau. Đã từng nghe một kiểu giải thích rằng: Bỏ một chút chất bẩn vào một ly nước sạch thì cả ly nước thành nước bẩn. Còn nếu đổ thêm một chút nước sạch vào một một ly nước bẩn thì không làm cho ly nước thành sạch. Kiểu luận lý này rất dễ thuyết phục dân chúng và thế là người dân các tôn giáo thường mang mặc cảm tội lỗi, bị nhơ uế. Để được thanh sạch, được thứ tha tội lỗi thì cần đến nhiều lễ vật hiến dâng. Và thế là hàng “tư tế” trong các tập thể tôn giáo cách nào đó sẽ hưởng được “bổng lộc” cách hợp pháp!

Cùng với thánh Gioan trong thư của ngài, xin có một cái nhìn thay đổi các phạm trù đối lập “ô uế - thanh sạch” thành “bóng tối – ánh sáng”. Thánh nhân cho chúng ta thấy đằng sau “bóng tối” là thần dữ và dĩ nhiên phạm trù “ánh sáng” là thuộc về Thiên Chúa. “Thiên Chúa là ánh sáng, nơi Người không có một chút bóng tối nào. Nếu chúng ta nói là chúng ta hiệp thông với Người mà lại đi trong bóng tối, thì chúng ta nói dối và không hành động theo sự thật. Nhưng nếu chúng ta đi trong ánh sáng cũng như Thiên Chúa hằng ngự trong ánh sáng thì chúng ta được hiệp thông với nhau và máu Đức Giêsu, Con của Người, thanh tẩy chúng ta sạch hết mọi tội lỗi” (1Ga 1,5-7).

Nếu nhìn cuộc đời con người theo hai phạm trù “ánh sáng” và “bóng tối” thì chúng ta sẽ vững vàng hơn trong niềm hy vọng và dễ sống tích cực năng động hơn. Giữa một vùng rực sáng nếu có chút điểm tối thì cũng khó làm cho không gian hóa ra tối mờ. Và trái lại nếu giữa vùng trời tối nếu có một ngọn lửa bừng lên thì không gian sẽ tỏ sáng cách nào đó. Dữ kiện này giúp Kitô hữu chúng ta vững tin vào quyền năng và tình yêu của Thiên Chúa là Đấng mà mọi sự đều là có thể được (x.Mt 19,26).

Dân chúng đã kinh ngạc trước lời quyền năng của Chúa Giêsu: “Thế nghĩa là gì? Giáo lý thì mới mẻ, người dạy lại có uy quyền. Ông ấy ra lệnh cho cả các thần ô uế và chúng phải tuân lệnh!” (Mc 1,27). Theo sự thú nhận của thần ô uế lúc bấy giờ, chúng ta tin nhận Chúa Giêsu có lời quyền năng vì Người là “Đấng Thánh của Thiên Chúa” (Mc 1,24). Là người của Thiên Chúa thì luôn ở trong ánh sáng. Và ở đâu ánh sáng bừng lên thì ở đấy bóng tối bị đẩy lùi.

Chúa Giêsu đã từng nói: “Các con là ánh sáng cho trần gian” (Mt 5,14). Chúng ta có bổn phận xua tan bóng tối sự dữ, khử trừ những sự ô uế ra khỏi đời mình cũng như môi trường đang sống mà Chúa Giêsu đã từng kể ra đó là: “tà dâm, trộm cắp, giết người, ngoại tình, tham lam, độc ác, xảo trá, trác táng, ganh tị, phỉ báng, kiêu ngạo, ngông cuồng” (Mc 7,21). Tuy nhiên cần khiêm nhu nhìn nhận rằng ngọn lửa sáng nơi chúng ta cũng dễ bị tắt trước bao cơn gió bên trong lẫn bên ngoài. Không gì hơn hãy liên lỉ gắn bó với Chúa Giêsu Kitô, Đấng chính là sự sáng, là Ánh sáng bởi Ánh sáng, Thiên Chúa thật bởi Thiên Chúa thật. Chuyên chăm cầu nguyện và sống có tấm lòng với tha nhân là cách thế gắn bó với Chúa Kitô đúng đẹp ý Người.

Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột

 Tags: Đối Nghịch

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây