TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Đại Lễ Chúa Giáng Sinh

“Hôm nay, Ðấng Cứu Thế đã giáng sinh cho chúng ta”. (Lc 2, 1-14)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Đến với bà con M’nông - Mạ

Thứ hai - 10/01/2022 04:46 | Tác giả bài viết: Đa Minh Trần Văn Tân, SJ |   852
Ngay tại Kiến Đức, nếu rẽ phải, sau khi vượt qua quãng rừng chừng 10 cây số, sẽ gặp một làng người M’nông - Mạ là Bù Ji-rah.
Đến với bà con M’nông - Mạ

Đến với bà con M’nông - Mạ, những nẻo đường của tình yêu và ân sủng

Ngay tại Kiến Đức, nếu rẽ phải, sau khi vượt qua quãng rừng chừng 10 cây số, sẽ gặp một làng người M’nông - Mạ là Bù Ji-rah. Tại Kiến Đức nếu cứ đi thẳng sẽ tới Nhân Cơ gặp 2 làng người M’nông - Mạ nữa là Phi Nao và Bù Đốp, đây là những làng có đông người công giáo. Về tiếng nói thì gần gũi tiếng K’hor, do đó suốt thời gian chưa có kinh riêng thì bà con đọc sách thánh và đọc kinh bằng tiếng K’hor, tiếng của vùng Fi-ăng, Đà-lạt, do các cha thừa sai, trong khi loan báo Tin Mừng cho bà con, thì cũng tập cho bà con đọc và hát kinh bằng thứ tiếng này.

Lần đầu tiên chúng tôi đặt chân tới Bù-Ji-rah trời đã xế chiều, mọi người già trẻ lớn bé trai gái đều vui mừng lắm. Sau khi tham dự giờ kinh tối với bà con tại nhà của già làng, chúng tôi kéo tới một khoảng sân rộng, mấy thanh niên cho nổ hai xe gắn máy để có ánh sáng làm đèn sân khấu. Có thể đây là lần đầu tiên các diễn viên múa không chuyên được dịp trổ tài uốn lượn, nhảy nhót, hát lại những bài ca chứa chan ân tình của cái thuở còn được tập trung tham dự thánh lễ cách đây gần 20 năm.

Bù Ji-rah có 1 thầy giảng là băp Nghĩa, một giáo lý viên chịu trách nhiệm chung là Điểu Nhiên, 3 cô gái lo các giờ kinh, tập hát và giúp các em thiếu nhi tập ca múa. Nhờ vậy mà suốt 20 năm không có linh mục, không có nhà thờ, các giờ kinh mỗi tối vẫn đều đặn và giòn giã. Chúng tôi tham dự chỉ nghe thôi đã thấy lòng mình bay bổng. Sau một buổi chiều ở với bà con và ngủ nghỉ, thêm một buổi sáng thăm viếng, cơm trưa xong, chúng tôi rời làng.

2 giờ chiều, chúng tôi tới thôn tư Bù Đốp, đó là một làng gần xã Nhân Cơ và cũng gần đường lộ. Mới đêm qua trong Bù Ji-rah ồn ào, giờ này còn ồn ào hơn nữa. Theo lẽ khôn ngoan thường tình thì không nên nán lại đây đêm nay, nhưng vì là lần đầu gặp gỡ, bà con không muốn chúng tôi rời đi ngay. Làm gì có cái thứ khôn ngoan chạy trốn bao giờ. Anh Điểu On, một giáo lý viên nói thẳng với chúng tôi: “bố cứ ở lại, có chuyện gì xảy ra, chúng con không bảo đảm, nhưng nếu có bề gì thì cũng không ngoài ý Chúa”. Câu nói chắc nịch với lòng tín thác, phó dâng tất cả trong quyền năng của Chúa quan phòng. Chúng tôi không thể biện minh cách nào khác, hơn nữa, khi được sai đến giữa bà con, chúng tôi đang từng ngày bước những bước đầu tiên của màu nhiệm nhập thể, hòa nhập với Con Thiên Chúa làm người, “sinh ra cho bà con”, như thế chúng tôi đâu còn thuộc về mình nữa.

Khi chiêm ngắm màu nhiệm nhập thể, chúng tôi đã ngỡ ngàng trước tình thương của Thiên Chúa dành cho người nghèo, đến nỗi đã cho Con của mình sinh ra ngay trong cảnh đời của người nghèo. Và dĩ nhiên, Thiên Chúa cũng có kế hoạch để bảo vệ Con của Người khỏi các thế lực ngược với Nước Thiên Chúa. Vì thế, trong những bước đi đầu tiên của hành trình đời môn đệ, chúng tôi đã xác tín ngay được rằng, Thiên Chúa yêu thương người nghèo lắm. Và lúc này đây, khi cảm nhận ánh mắt trìu mến của Thiên Chúa đang ôm trọn dân người, chúng tôi là ai mà lại bỏ đi trong hoàn cảnh phải ở lại để bầy tỏ tình thương ấy.

Và thế là sau một buổi chiều và một buổi sáng, lần lượt chúng tôi đi thăm hỏi và cầu nguyện từng nhà, đi thâu đêm suốt sáng. Đêm nay, đêm của gặp gỡ, đêm để nhà nhà bầy tỏ ước nguyện của mình trước tôn nhan Thiên Chúa, đêm đem đặt tất cả nơi lòng thương xót của Người, đêm ngập tràn tiếng reo vui.

Rời làng, chúng tôi đi tiếp tới Fi-nao, một ngôi làng nằm ngay sát đường lộ, và cũng xa ủy ban xã nữa. Hình như mọi người đã đoán trước là thế nào chúng tôi cũng sẽ ghé thăm, vì thế có rất đông người ở nhà, chứ ngày thường nếu có đến cũng chẳng gặp được ai vì bà con đi rẫy hết.

Vào làng đã xế chiều, cơm nước xong xuôi, cùng dắt nhau vào một nhà cầu nguyện.

Bon Finao cũng có 1 thầy giảng là băp Linh, cùng với 2 giáo lý viên là băp Ly và băp Đức chăm sóc đời sống đạo cho bà con. Đúng vào dịp này có một con heo rừng dính bẫy mới chết một ngày, thịt vẫn còn thơm ngon. Tuy nhiên, khi chúng tôi hỏi các em bé là ăn thịt heo rừng tươi với thịt heo rừng chết, thịt nào ngon hơn, mấy bé trả lời rằng thịt nào cũng ngon, câu trả lời lẹ làng không cần suy nghĩ làm chúng tôi ngạc nhiên không ít.

Đêm nay đúng là mở hội, có cả các bạn trẻ bên thôn tư cũng qua tham gia. Giữa một khoảng sân trống, bà con cắm 4 cây đuốc 4 góc đủ ánh sáng để nhận mặt nhau, chúng tôi ngồi dự hàng trên cùng với mọi người trong làng. Tuy nhiên, vì là lần đầu tiên tới đây, chẳng biết sẽ có ai làm khó dễ gì không? Mới đầu thỉnh thoảng tôi còn vểnh tai lên nghe ngóng động tĩnh, sau dần vui quá rồi cũng quên luôn, tới đâu thì tới chứ biết sao bây giờ.

Văn nghệ bỏ túi mà mãi tận khuya lắc khuya lơ mới xong, các mục nối tiếp nhau hết ca rồi múa, hết múa rồi lại ca, lâu lâu mới có một lần là vậy. Lời của bài ca hầu hết cũng là lời kinh bằng tiếng K’hor bà con đã thuộc trước kia.

Kết thúc phần văn nghệ, các em thiếu nhi nhà nào về nhà nấy, còn người lớn lại quây quần bên ché rượu cần cho tới sáng. Rượu đế càng uống càng say chứ rượu cần càng uống thì ân nghĩa càng thêm mặn nồng. Hết ché này thay ché khác, nhưng nếu một nhóm 30 người như đêm nay thì cũng phải cả tiếng đồng hồ mới tới lượt. Uống rượu là để trò truyện chứ đâu phải chuyện say sưa chè chén. Từ chuyện cuộc sống đến chuyện truyền thống, thôi thì đủ thứ trên đời. Cũng nhờ vậy mà chúng tôi trong khi lắng nghe, đã tròn xoe cặp mắt ngỡ ngàng vì như nhìn thấy Thiên Chúa vô hình với bàn tay thương yêu và ánh mắt trìu mến, lúc nào cũng ấp ủ những con người bao đời lầm lũi giữa núi rừng. Quả thật, bây giờ thì tôi biết rõ “Thiên Chúa có mặt nơi đây”. Lên tiếng dạy dỗ bà con ngay trong cảnh sống hằng ngày, và tôi ngạc nhiên trước tình cảnh của những con người như thể lang thang vô định, đói nghèo và cơ cực, nhưng đôi chân vẫn đang tiến thẳng vào nước Thiên Chúa.

Bước đi giữa người nghèo và bước vào trong cảnh đời của người nghèo, từng bước chúng tôi học để biết buông mình trong một vòng tay, và nhận chung một vòng tay, đôi môi luôn bật ra hai tiếng “Chúa ơi”, cùng với 2 chữ “Chúa lo”. Dọc theo những nẻo đường, người ta hay nói may mắn hoặc rủi ro, còn chúng tôi thì lại luôn thấy Chúa lo liệu tất cả. Đứng trước những chuyện đòi tính toán, có tính đến mấy rồi cũng lại nhắc bảo nhau “Trời tính vẫn hơn người tính chứ”, nhờ vậy mà chúng tôi dám tiến thẳng về phía trước, tiến vào những vùng biên cương mới, không cần biết chuyện gì sẽ xảy ra, đơn giản là vì:

Khi Chúa sai người môn đệ đi, Chúa bảo đừng đem theo gì cả, nghĩa là không cần ôm đồm mọi thứ, nhưng tính thiếu để cho Đấng sai chúng tôi lên đường tính đủ và lo liệu mọi chuyện cho người môn đệ của người.

Khi được đặt trên đường cũng là lúc được trao phó cho ân sủng Chúa, để người môn đệ có thể vượt quá chính mình, chứ có đâu phải lúng túng trong những tính toán phàm trần.

Kinh nghiệm trên đường cho chúng tôi thấy Chúa thương người nghèo lắm, một tình thương cụ thể là lo liệu cho họ trong mọi chuyện.

Cứ xem những buôn làng bao năm không có nhà thờ, cũng không có linh mục, cũng chẳng có được chỗ để thờ phượng, vậy mà Thiên Chúa vẫn có thể gìn giữ và ôm ấp họ trong vòng tay của Người.

Càng bước đi, càng ngỡ ngàng, vì quyền năng Chúa vượt ngàn mây thẳm.

Đa Minh Trần Văn Tân, SJ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây