Tính độc quyền
Độc quyền trong việc bán buôn, một mình chiếm lĩnh thị trường. Khái niệm độc quyền chỉ đúng ở một phân khúc nào thôi chứ không thể hoàn toàn. Trong việc rao giảng Lời Chúa, các môn đệ của Gioan cũng băn khoăn với nhóm khác, người từng chịu phép rửa của Gioan, nay lại rao giảng, như thế là không thể được.
Độc quyền có thể do sợ quyền lợi bị xâm phạm, làm mất một phần lợi nhuận nào đó. Ban đầu các môn đệ Chúa cũng nghĩ đến quyền lợi mình theo Chúa, được gì và mất gì? Suy nghĩ như thế dẫn đến tranh giành quyền lợi, hơn thua và được mất. Ở đâu muốn độc quyền, ở đó có ăn thua đủ với nhau. Nhóm này với nhóm kia, phe này hoặc phe khác luôn kèn cựa với nhau, nhiều khi một mất một còn.
Độc quyền dẫn tới việc cao thấp, không chỉ với nhóm người khác mà còn ở trong cùng một nhóm với nhau. Các môn đệ của Chúa trên đường lên Giêrusalem, còn tranh nhau chỗ nhất, chỗ nhì. Là con người, ai cũng muốn hơn, không có ước vọng này con người vẫn ù lì trong chỗ đứng của mình, không muốn tiến thân chỉ muốn an nhàn hưởng thụ. Nhưng khi muốn gây ảnh hưởng với sếp, muốn lấy điểm với trên hoặc nhờ người dẫn mối xắp xếp chỗ. Chúa nói: "Chén của Thầy, các người sẽ uống; còn việc ngồi bên hữu hay bên tả Thầy, thì Thầy không có quyền cho, nhưng Cha Thầy đã chuẩn bị cho ai, thì kẻ ấy mới được." (Mt 20, 23).
Ước muốn làm lớn không sai, nhưng cần đi trên con đường đàng hoàng, tử tế, không phải cúi trên đạp dưới mà đi lên, cũng không phải nhờ quen biết hoặc ảnh hưởng để có. Đi lên bằng cố gắng học hỏi, kể cả rèn luyện nhân đức. Với Chúa còn chấp nhận “làm lớn trở nên người phục vụ” (Mt 20, 26)
Thánh Gioan Tẩy Giả nhận ra các học trò của mình ganh đua nhóm này với nhóm kia, muốn độc quyền, Ngài dạy các môn đệ của Ngài: “Người phải nổi bật lên, còn thầy phải lu mờ đi.” (Ga 3, 30).
Lm Giuse Hoàng Kim Toan