TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật XXXII Thường Niên – Năm B

“Bà góa nghèo này đã bỏ nhiều hơn hết”. (Mc 12, 38-44)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Thằng Bờm

Thứ hai - 10/05/2021 08:54 | Tác giả bài viết: Lm Giuse Hoàng Kim Toan |   1195
Thằng Bờm

Thằng Bờm

Những câu chuyện đời thực được diễn tả qua nét bút hài hước: “Thằng Bờm”. Thằng bờm là khúc hát dành cho trẻ con, hát chơi với nhau. Hát chơi nhưng lại không chỉ là chơi nhưng lại ẩn sâu một triết lý “thằng bờm” đang ảnh hưởng một tầng lớp nghèo trong xã hội. Nguồn gốc ca dao vừa có tính bình dân lại vừa có tính cách bác học.

Ca dao phản ảnh tâm hồn của nhà nho sĩ, âm hưởng một cách sống mộc mạc dân quê, rung động cùng khóm trúc và dệt nên những vần thơ ví von.

“Thằng Bờm có cái quạt mo.

Phú ông xin đổi ba bò chín trâu.

Bờm rằng bờm chẳng lấy trâu.

Phú ông xin đổi ao sâu cá mè.

Bờm rằng bờm chẳng lấy mè.

Phú ông xin đổi một bè gỗ lim.

Bờm rằng bờm chẳng lấy lim

Phú ông xin đổi con chim đồi mồi.

Bờm rằng bờm chẳng lấy mồi

Phú ông xin đổi nắm xôi, bờm cười”.

Xuất xứ của “Thằng Bờm” qua lối thuật chuyện có lẽ vào thời phong kiến. Theo tác giả Trịnh Văn Thanh, giải nghĩa “phong kiến là chế độ phong tước và kiến địa. Chức tước đi liền với đất đai, quyền lợi sinh sống hơn dân. Nhà vua có quyền sinh sát và khen thưởng trong tay. Những người có tước vị phải cống nạp cho vua hàng năm những huê lợi của mình. Muốn có huê lợi nhiều, thì những người có tước phải ức hiếp lấy của dân. Như vậy, xã hội bị phân hoá, giai cấp trên và giai cấp dưới, nếu nói trong bối cảnh nông nghiệp thì có phân hoá: bần nông và phú nông, giai cấp chủ và thợ”.

Mầm mống chia rẽ là cái có. Phú ông có nhiều của cải, thì làng nước không thể xem thường, nên xưng hô là ông. Người nghèo chẳng có miếng đất cắm dùi, giống như kẻ không nhà không cửa, cả làng khinh ghét cho nó cái tên gọi tầm thường và khinh bỉ là thằng. Đã là thằng thì chẳng có gì hơn ai, cũng chẳng vai vế gì, và cũng chẳng ai trọng hắn, tệ hại hơn, đôi khi cái quyền làm người cũng bị tước mất, người ta gọi là “thằng ngợm”, chứ chẳng còn gọi là người cho ra người. Cho hay sự đời, xưa nay vẫn thế, có quyền, có tiền, có địa vị thì đuợc người tôn trọng, không quyền, không tước, chẳng có gì cả, thì bị xem khinh.

Quốc âm tự vị của Hùynh Tịnh Của, cho biết từ Bờm thờm: sơ sài, không gọn ghẽ; bưa bưa; còn bờm sờm: thường nói tóc không gỡ, không bới, không làm vén khéo để xụ xợp. Thường người sao tên vậy là cách thức diễn tả của người Việt Nam. Người để tóc tai quanh năm không chải, không bới, đầu u mặt tối, lo kiếm miếng ăn, đến nỗi hoá dại, có lẽ vì thế người ta gọi là thằng Bờm chăng? Cách diễn tả nào đi nữa cũng cho thấy một con người sống thua kém con người. Làm người mà chẳng được gọi tên người, bị người chê ghét, khinh khi gọi tắt thằng Bờm.

Ba bò chín trâu.

Thằng Bờm đại diện cho tầng lớp những người nghèo khổ. Ở xứ nông nghiệp, không có miếng đất cắm dùi, thì kể là những người khổ cực. Không có đất, chỉ có thể đi làm thuê cuốc mướn, những ngày vào vụ, còn có công việc làm là còn có cái để mà ăn. Ruộng mỗi người chẳng có bao nhiêu, thường thì nhà nào cũng tự làm nấy, không đủ ăn, phải làm thuê cuốc mướn. Cho nên, còn ai biết hơn họ về những phú ông.

Cái gia tài vỏn vẹn chiếc quạt mo như cuộc đời của nó. Có cái để mà phe phẩy khi trời nóng, có cái để mà xua đuổi ruồi muỗi bu chung quanh nó. Chiếc quạt mo như người bạn thân tình với nó, là cả gia tài mà nó có thể giữ lấy mà không sợ ai giành giật. Ba bò chín trâu mà làm gì? đất không, ruộng cũng không, ba bò chín trâu để vào đâu? Những người có của phải có chỗ giữ của chứ? Một cái triết lý bình thường của đời sống.

Con người được an toàn là nhờ của cải bảo vệ, bỏ chiếc áo bảo vệ ra con người mạo hiểm trong sự gian nan. Sự quyến luyến của cải nặng cái duyên dứt bỏ, càng có người ta muốn có nhiều hơn, tham vọng bình thường của con người là thế.

Hơn nữa, con người luôn xây dựng trên những gì thực tế, cụ thể “có thực mới vực được đạo”. Phú ông muốn đổi cái quạt mo của thằng bờm, căn cơ biểu lộ muốn có nhiều hơn, dù là có thêm một vật chẳng có nghĩa lý gì đối với ông. Điều đó không quan trọng, điều quan trọng là có cái hơn. Muốn có cái hơn nên dựa vào lòng tham mà đem mồi nhử nhau, người ta thường chết vì những món mồi bổ béo ấy mà đánh mất mình. Biết là thế, nhưng đâu dễ gì bỏ qua, nhiều người đã vấp phải đấy chứ?

Thằng Bờm có cái quạt mo, quạt mo là một vật dụng bé nhỏ của nó, làm sao đổi đến ba bò chín trâu. Bờm nhưng không Bờm khi nhận ra chỗ đứng thực của mình để tránh khỏi vòng của cải quyến rũ. Đâu dễ gì sáng mắt trước lời dụ ngọt ấy. Biết ai khôn ai dại, ba bò, chín trâu thay cho cái đời làm công của nó, tại sao nó không đổi. Đổi chiếc quạt mo lấy ba bò chín trâu là đổi đời, nó không còn làm công cho ai nữa mà trở thành ông chủ. Thằng Bờm không suy tính theo cách thế mộng tưởng ấy, nó sống hiện thực hơn, nó biết mình là ai, giá trị thực của chiếc quạt mo. Điều mà nó mong là trả đúng giá trị lao động của con người, nhờ lao động mà con người thăng tiến, ngày trở nên người hơn. Những người, do sự lười biếng và lòng tham thích dùng trò dụ dỗ lường gạt để lấy của người khác cái họ có là những người sống không ra người. Bờm ý thức về quyền sở hữu của mình.

“Nhờ lao động và nhờ tận dụng khả năng trí tuệ, người ta có khả năng thống trị trái đất và biến nó thành một nơi ở thích hợp: “Bằng cách đó, con người biến một phần trái đất thành của mình, chính xác hơn là biến phần trái đất mà mình đã thu được thông qua lao động; đây chính là nguồn gốc của tư hữu” (Tóm lược học thuyết xã hội Công Giáo, số 176)

Một ao sâu cá mè.

Một gia đình giàu có tại nông thôn là một gia đình có nhà cửa, ruộng, ao, vườn. Một ao sâu cá mè vượt xa tầm mơ ước của Bờm, thế nhưng Bờm không đổi. Giá trị của món hàng trao đổi không cân xứng, công không bằng của, thế nhưng, người đời lại cũng hay thích của được bồi nhiều hơn công được bỏ ra. Bất công và sự chênh lệch của người giàu với người nghèo cũng là chỗ ấy. Người nghèo nai lưng làm việc không đủ ăn, người giàu ngồi ung dung chờ tiền sinh lãi cũng dư sống. Cái khác biệt nhau là cái có nhiều hơn giữa người giàu và người nghèo. Người giàu thích ăn ngon mặc đẹp, người nghèo mong đủ mặc đủ ăn. Ước mơ người nghèo thường đơn giản như cuộc đời của họ, một ao sâu đổi lấy quạt mo là phi thực, vượt xa quá cái mong ước của bờm. Sánh cái công bẻ một chiếc mo cau mà đổi lấy được một ao sâu cá mè thì kể như là bất công. Cái bất công ở chỗ là không cân xứng giá trị.

Là bờm cho nên không thể chấp nhận cái của được nhiều hơn cái công bỏ ra, họ chỉ ước mơ trả lại cho sự công bằng mà thôi. Nghĩa là trả lại cho đúng giá trị công lao như Bờm bỏ ra. Như vậy, Bờm biết tôn trọng chính mình. Sống công bình là cuộc sống biết tôn trọng chính mình, không chịu hổ thẹn để nhận được nhiều ơn huệ hơn mình đáng được hưởng. Biết tôn trọng chính mình nên cũng biết sống đứng chứ không sống khòm lưng chịu luỵ một ai. Con người thường muốn người khác lệ thuộc vào mình, nên cũng đưa nhiều chiêu bài dụ dỗ. Một trong những cách thức dụ dỗ hiệu quả nhất là thông qua bao tử, làm giàu thêm cái có. Bờm ước muốn sự công bằng, ước muốn sống bằng những đồng lương chân chính của mình.

Giáo Lý Công Giáo dạy: “Người lao động có quyền hưởng đồng lương công bằng. Không trả hoặc giữ tiền lương lại, là một tội bất công nghiêm trọng. Để định giá tiền lương cho công bằng, phải lưu ý đến các nhu cầu và đóng góp của mỗi người. “tuỳ theo nhiệm vụ và năng suất của mỗi người, tình trạng của xí nghiệp và công ích, việc làm phải được trả lương sao cho con người có đủ khả năng xây dựng cho mình một đời sống xứng hợp về phương diện vật chất, văn hoá và tinh thần. Về phương diện luân lý, sự thoả thuận giữa chủ và thợ không đủ để định mức lương”. (Giáo lý Hội Thánh Công Giáo, 1997, số 2434)

Không thể lấy của phi nhân mà chia cho người nghèo được, như vậy là xúc phạm đến phẩm giá của người nghèo. Không phải tất cả những người giàu là phi nhân, nhưng ở đây chúng ta muốn nói tới sự chia sẻ cần tôn trọng những người lãnh nhận. Người Việt có câu “của cho không bằng cách cho”. Cách cho đúng nghĩa, không phải là miếng mồi như ao sâu cá mè mà là cho chiếc cần câu cơm.

“Tình yêu đối với người nghèo phải trở thành một trong những động lực thúc đẩy tín hữu hoạt động và "làm ăn, để có gì chia sẻ với người túng thiếu" (Ep 4,28). Điều này không phải chỉ giới hạn ở sự nghèo khó về vật chất nhưng còn hướng tới nhiều hình thức nghèo đói văn hóa và tôn giáo (GLHT, 1997, số 2444).

Cho con người có việc làm chính đáng hợp với phẩm giá là tạo cho con người có thể thi hành cái quyền cơ bản của mình:

“Mỗi người có quyền nhờ lao động mà có được các phương thế để nuôi sống bản thân và những người thân, cũng như phục vụ cộng đồng nhân loại” (GLHT, 1997, số 2428). “Mọi người phải được quyền làm việc và chọn nghề, không kì thị bất công, nam hay nữ, người khoẻ mạnh hay tàn tật, người địa phương hay người nơi khác. Tuỳ hoàn cảnh xã hội phải giúp đỡ để các công dân có công ăn việc làm” (GLHT, 1997, số 2433).

Như vậy, Bờm muốn ước muốn bình thường là được làm việc và sống với công lao của mình thôi chứ không mong cả sâu cá mè.

Một bè gỗ lim, con chim đồi mồi.

Lim là một loại gỗ quý, đồi mồi là chiếc mai của một loài rùa có vân hoa, một loài quý hiếm. Cả hai vật quý đổi lấy một vật mọn hèn, chiếc quạt mo. Ngày xưa những vật quý hiếm chỉ có người quyền cao chức trọng mới có, làm sao một người dân nghèo như bờm lại có thể là chủ nhân được.

Khi viết thành bài hát cho trẻ con, tác giả thường hay có lối viết trêu cợt hoặc thọc léc người lớn. Điều mà bài hát thằng bờm muốn nhắm tới là việc đòi hỏi bảo vệ thiên nhiên. Thiên nhiên không phải là một vật để đổi chác, nhưng nó là môi sinh cho con người. Con người làm chủ thiên nhiên không có nghĩa là con người có quyền tuyệt đối với thiên nhiên, tự do lạm dụng thiên nhiên cho mục đích lợi nhuận. Thiên nhiên phải được trả về đúng ý nghĩa của nó, là phục vụ sự sống toàn vẹn của con người hiện tại cũng như tương lai. Thiên nhiên có vẻ đẹp riêng của chúng, có những giá trị đích thực của chúng. Người ta càng ngày càng kinh nghiệm hơn về vấn đề bảo vệ thiên nhiên là môi sinh cho trái đất. Phá huỷ môi trường thiên nhiên, con người cũng phá vỡ môi trường nhân văn của mình. Những thoái hoá bất lợi về hệ thống cân bằng sinh thái, cũng đẩy con người ra khỏi nơi mình sinh sống.

Bờm không đổi bè gỗ lim hay chim đồi mồi, cũng có thể là bài học thiết thực cho người nay biết giữ gìn hệ sinh thái. Bảo vệ môi sinh là bảo đảm đất sống cho con người. Sự thăng tiến của con người gắn liền với quyền có một môi sinh lành mạnh. Người ta không thể sống nếu thiếu những lá phổi của trái đất. Tiếc rằng, thiên nhiên vẫn bị đổi chác theo lợi nhuận phục vụ ích kỷ của một số ít người. Đã có nhiều loài bị diệt chủng do sự săn bắt, khai thác cùng kiệt. Sức tàn phá ác liệt của các chất thải công nghiệp vào môi trường thiên nhiên cũng là một trong những nguyên nhân trầm trọng. Bờm không vì tham lợi nhuận mà mua rẻ thiên nhiên.

“Cần phải đầu tư nhiều để có thể hiểu việc gìn giữ hệ thống sinh thái tốt đẹp hơn và phân tích hiệu quả những thay đổi quan trọng của môi trường. Vì tất cả tạo vật đều liên kết với nhau, cần phải đánh giá chúng với tình yêu và thán phục, và tất cả như những hữu thể mà chúng ta đều cần đến. Mỗi mảnh đất đều có một tránh nhiệm phải chăm sóc cho gia đình này. Vậy cần phải lo lắng để gìn giữ các giống loài mà chúng đang cho trú ngụ, phải triển khai một chương trình và chiến thuật để chăm sóc đặc biệt các giống loài, đang trong tình trạng bị hủy hoại. (Laudato si, số 42)

Trả về giá trị đúng cho mọi công lao và tạo vật có lẽ là dụng ý của bài hát “Thằng Bờm”. Lao động với người khác và cho người khác. Thằng Bờm làm công cho phú ông và mong được trả công xứng đáng. Việc làm của Bờm không làm kém đi giá trị con người của Bờm, bởi vì lao động nhằm phát triển những khả năng mà con người có nhờ nỗ lực cần lao của mình.

Mọi chức nghiệp trong đời sống đều tốt đẹp, bởi vì mọi người đều chia sẻ qua việc làm theo chức năng của mình cho nhau và vì nhau. Nếu thực sự việc làm của con người đều nhằm làm thăng tiến giá trị con người, sống hòa hợp với thiên nhiên, chăm sóc ngôi nhà chung, thì thế giới cũng đang nhờ lao động được biến đổi theo đà hoàn tất mỗi ngày.

Lm Giuse Hoàng Kim Toan

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây