TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật IV Phục Sinh -Năm B

“Mục tử tốt lành thí mạng sống vì chiên”. (Ga 10, 11-18)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Khao khát đi tìm lẽ sống

Thứ ba - 11/05/2021 06:40 | Tác giả bài viết: Petrus.tran |   613
Khao khát đi tìm lẽ sống

Khao khát đi tìm lẽ sống

Cuộc sống của con người là một chuỗi dài của những khao khát. Có những khao khát rất bình dị, chỉ cần “Ngày ba bữa, vỗ bụng rau bình bịch, người quân tử ăn chẳng cầu no. Đêm năm canh, an giấc ngáy kho kho, đời thái bình cửa thường bỏ ngỏ”(*). Có những khao khát rất thực tế, đó là, khao khát có được nhiều tiền bạc, có danh vọng và địa vị trong xã hội. Và đứng trước quy luật cuộc đời “sinh lão bệnh tử” con người lại khao khát có được sự sống đời đời.

Khát khao có được sự sống đời đời là điều tự nhiên của cuộc sống nhân sinh. Không chỉ có vua chúa, quan quyền hoặc những vị chân tu Ấn Độ hay những đạo sĩ Trung Hoa thời xưa, mà còn cả thứ dân, ai ai cũng khao khát mong sao mình không phải về chầu “diêm vương”.

Tin Mừng thánh Máccô trong phần Phụng Vụ Lời Chúa của Chúa nhật hôm nay, một lần nữa, cho chúng ta chứng kiến cái khát khao cháy bỏng này của một chàng thanh niên đầy sinh lực.

*
Câu chuyện được thuật lại rằng: Từ khi Đức Giêsu bắt đầu công khai sứ vụ loan báo Tin Mừng, bất cứ nơi đâu có sự hiện diện của Ngài, ở Galilê hay vùng thập tỉnh, tại Giêrusalem hay vùng bên kia sông Giodan, lập tức nơi đó “dân chúng lũ lượt kéo đến đi theo Ngài” (Mt 4, 25). Có những lúc, số lượng người đến với Đức Giêsu lên tới hơn năm ngàn người.

Một lần nọ, sau khi đã xong phần giảng dạy cho dân chúng ở vùng bên kia sông Giodan, Đức Giêsu vừa lên đường chuẩn bị cho một sứ vụ mới thì có người tìm đến xin gặp Ngài. Không như những lần trước là cả đám đông, lần này, chỉ là một chàng thanh niên tìm đến.

Hầu hết những người tìm gặp Đức Giêsu đều có chủ đích, hoặc là xin chữa bịnh, hoặc là xin trừ quỷ cho thân nhân của họ. Nhưng hôm nay, người thanh niên muốn gặp Đức Giêsu, không xin chữa bịnh. Trái lại, anh ta khỏe nữa là đằng khác… anh ta hồng hộc “chạy đến”, một động thái chứng tỏ rằng anh ta khỏe-như-voi.

Khi gặp được Đức Giêsu, anh ta liền “quỳ xuống”. Không thấy thánh sử Máccô nói gì; nhưng chắc hẳn khuôn mặt của anh ta không khỏi không vui mừng. Trong niềm vui đó, anh ta rụt rè cất tiếng thưa “Thưa Thầy nhân lành…”
Có lẽ đây là lần đầu tiên anh ta nhìn thấy khuôn mặt nhân lành của con người từng “khiến một cậu bé ở thành Na-in đã chết, nay được sống lại” (Lc 7, 11) và chắc hẳn anh ta tin rằng, một người có thể “cải tử hoàn sinh” há lẽ lại không có thể có “bí quyết trường sinh bất tử!”

Vâng, cuộc sống vật chất của anh ta có quá “nhiều của cải”, khổ nỗi chỉ có bí quyết trường sinh bất tử là chưa thủ đắc và đó chính là nỗi khao khát của anh ta.

Rất thành khẩn, anh ta nói lên nỗi khao khát đó với Đức Giêsu, “tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp?” (Mc 10, …17).

**
“Tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp?” (Mc 10, …17). Tất nhiên, Đức Giêsu không từ chối lời cầu xin của anh ta. Ngài còn: “đưa mắt nhìn anh ta và đem lòng yêu mến” khi biết rằng, anh ta đã thông thuộc mười điều răn của Môse và cũng đã “tuân giữ từ thuở nhỏ”.

Bài thi “vấn đáp” của anh ta đạt điểm mười. Nhưng than ôi! Anh ta chỉ “tuân giữ” chứ không “tuân hành”. Anh ta thuộc “mười điều răn Đức Chúa Trời” nhưng lại không thuộc “Kinh Thánh - Lời Đức Chúa”.

Kinh Thánh đã dạy rằng “Kẻ tuân hành mệnh lệnh sẽ không gặp phải việc chẳng lành và lòng người khôn ngoan biết được thời được buổi” (Gv 8, 5)

“Thời và buổi” hôm nay, đáng tiếc, không còn là “thời và buổi” của Môsê, chỉ biết yêu-đồng-loại mà ghét-kẻ-thù… Thời và buổi hôm nay là thời và buổi mà Đức Giêsu đã tuyên phán “Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó… Phúc thay ai xót thương người… v.v…”

Chính vì thế, Đức Giêsu đã không ngần ngại mời gọi anh ta thực hiện thêm một điều nữa, rằng anh “hãy đi bán những gì anh có mà cho người nghèo…”

Tiếc rằng, anh ta lại cho đó là một công việc “chẳng lành” nên đã “sa sầm nét mặt”. Có lẽ ba chữ “cho người nghèo” đã làm ù đôi tai anh ta nên anh ta không nghe rõ đoạn cuối là một lời hứa của Đức Giêsu, rằng “anh sẽ được một kho tàng trên trời” (Mc 10, …21).

Vâng, câu chuyện kết thúc bằng hình ảnh anh ta “buồn rầu bỏ đi”.

***
Đối với anh ta, đúng là mọi sự đã kết thúc. Nhưng, đối với chúng ta, là một Kitô hữu, thì đây mới chỉ là bắt đầu cho câu chuyện của chúng ta.

Vâng, hãy tự hỏi lòng mình rằng “mỗi khi cầu nguyện, tôi đã xin Chúa điều gì?”

Phải chăng là chúng ta cầu xin Chúa ban cho sự giàu sang, có sức khỏe, có danh phận và những gì liên quan để cuộc sống thường nhật? Xin thưa, chẳng có gì sai, bởi đó cũng là điều Thiên Chúa luôn ban cho con người ở bất cứ thời đại nào.

Thật vậy, sách sáng thế ký đã kể rằng, “ông I-xa-ác đã gieo vãi trong đất ấy, và năm đó ông thu hoạch gấp trăm lần, ĐỨC CHÚA đã chúc phúc cho ông, và ông trở nên giàu có, mỗi ngày một giàu thêm, giàu vô kể… khiến cho người Phi-li-tinh phải ghen tị”. Và còn Gióp nữa, ông ta được mệnh danh là người giàu có số một trong số các con cái Phương Đông (x.G 1, 2)

Tuy nhiên, nếu giàu sang mà cư xử như ông nhà giàu trong dụ ngôn “ông nhà giàu và anh Lazaro” thì quả thật, đừng trách Đức Giêsu đã nặng lời khi nói “con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giầu vào nước Thiên Chúa!” (Mc 10, 25)

Cho nên, trong những lúc cầu nguyện, thật tốt đẹp biết bao, nếu chúng ta cùng tâm niệm rằng “Tôi không coi của cải là gì so với Đức Khôn Ngoan. Đối với tôi, trân châu ngọc bảo chẳng sánh được với Đức Khôn Ngoan, vì vàng trên cả thế giới, so với Đức Khôn Ngoan, cũng chỉ là cát bụi” (Kn 7, 9)

Và một khi những lời tâm niệm trên được chúng ta “tuân hành” triệt để, vâng, hãy tin, lời phán hứa của Đức Giêsu rằng, “Chẳng hề có ai bỏ nhà cửa, anh em, chị em, mẹ cha, con cái hay ruộng đất, vì Thầy và Tin Mừng, mà ngay bây giờ, ở đời này, lại không nhận được… gấp trăm… và sự sống vĩnh cửu đời sau” (Mc 10, 29-30) sẽ trở thành hiện thực.

Bạn có tin không? Nếu có, vui mừng thay! Chúng ta đã đi đúng con đường tìm lẽ sống.

Petrus.tran

…………
(*) thơ Nguyễn Công Trứ.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây