TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật XXXII Thường Niên – Năm B

“Bà góa nghèo này đã bỏ nhiều hơn hết”. (Mc 12, 38-44)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Đồng Xu Đánh Mất

Thứ hai - 10/05/2021 07:08 | Tác giả bài viết: Lm Giuse Hoàng Kim Toan |   717
nghèo
nghèo

Đồng Xu Đánh Mất

Giá trị kinh tế của đồng xu đánh mất chẳng là gì so với những gì còn trong tay con người nắm giữ.

Dụ ngôn bắt đầu nói đến bà goá, nghĩa là tài sản của những người nghèo đang có. Tài sản của người nghèo ít ỏi nhưng lại hay đánh mất hoặc bị cướp mất. Người nghèo thường không có tiền gửi ngân hàng, không có bảo hiểm xã hội, không có nhà… Tài sản trên trái đất không được chia cho mọi người nên đồng tiền người nghèo có thêm thì khó, mất đi thì dễ. Đã nghèo lại lắm cái eo.

Tìm được đồng bạc đánh mất là niềm vui của bà goá nghèo. Đồng xu chẳng có ý nghĩa gì với người giàu, bởi vì đồng xu ấy bỏ ra thu lại những bạc tỷ khác, trong khi những người nghèo như người ta thường nói: “Tiền vào nhà khó, như gió vào nhà trống”.

Tìm lại được đồng xu đánh mất là tìm lại được sự công bình trong khoảng chật hẹp của người nghèo khó. Bằng lao động chân chính, thắp đèn, quét nhà để đi tìm đồng xu, họ thuộc về những người lao động. Ở một đất nước nghèo nàn về kinh tế thường đồng xu tìm được quá ít ỏi với công lao bỏ ra tìm kiếm. Người lao động với mức lương rẻ mạt, bán sức cho chủ để đổi lấy đồng lương. Tại một số doanh nghiệp tư nhân, người lao động ngoài nhiệm vụ với công việc lao động còn chịu một hình thức sỉ nhục khác của các chủ nhân ông... Đồng xu của bà goá tìm được thường rất nhiêu khê, bao nỗi khó nhọc, bao nỗi ô nhục phải gánh.

Có công bằng không khi người ta chỉ dựa trên sự thoả thuận về mức lương giữa chủ và thợ. Người chủ thì cố đạt mức lương tối thiểu, người nghèo thì được đồng nào hay đồng ấy, còn hơn nằm nhà chết đói. Như vậy làm nên một sự thoả thuận chấp nhận bất công để khỏi chết đói. Trong hàng loạt những đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, người ta nhắm tới việc giá nhân công rẻ mạt. Một loại giá nhân công thu lợi nhuận nhiều nhất cho chủ đầu tư. Những người có trách nhiệm trong quốc gia họ cũng nghi ngại vấn đề đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, để không biến những con người Việt Nam trở thành những nô lệ thời mới, cho nên thường quan tâm vấn đề đầu tư nước ngoài vào Việt Nam bằng những công nghệ cao, chứ không chỉ bằng những loại gia công giá rẻ cho một nước xuất khẩu khác.

Vấn đề tiền lương cho lao động thường là vấn đề thiếu công bằng, nên Giáo Hội cũng mời gọi trả lại đồng xu của bà goá đánh mất bằng những thông điệp:

“Trước tiên, người thợ phải được trả một mức lương đủ nuôi sống mình và gia đình mình. Dĩ nhiên, các thành viên khác của gia đình, tuỳ theo khả năng mỗi người, cũng phải góp phần vào việc sinh sống chung, như có thể thấy không những trong các gia đình nông dân mà cả trong nhiều gia đình thợ thủ công và tiểu thương. Nhưng không được lạm dụng tuổi thơ của trẻ em và sức yếu đuối của phụ nữ. Các bà mẹ gánh vác công việc trong nhà, phải làm việc trước hết trong gia đình mình hoặc trong những nơi kế cận. Có một sai lầm không thể chấp nhận và cần phải loại trừ với bất cứ giá nào, đó là những người mẹ gia đình, vì tiền lương của người cha ít ỏi nên bị bó buộc phải làm việc kiếm tiền ngoài gia đình, bỏ bê những bổn phận riêng của họ, đặc biệt là việc giáo dục con cái. Vậy cần phải gắng hết sức để các người cha gia đình nhận được đồng lương đủ để đáp ứng những nhu cầu bình thường của gia đình một cách phù hợp. Song nếu điều này không thể bao giờ cũng làm được trong hoàn cảnh hiện nay, thì công bằng xã hội đòi hỏi phải tiến hành càng sớm càng tốt những cải cách, khả dĩ đảm bảo cho mỗi người lao động trưởng thành một mức tiền lương thích hợp như thế. Về điểm này, chúng ta nên khen ngợi tất cả những ai, với một mục đích khôn ngoan và hữu ích, đã đưa ra áp dụng nhiều công thức để điều chỉnh tiền lương phù hợp với các gánh nặng gia đình, thế nào cho khi các gánh nặng gia tăng thì tiền lương cũng có thể tăng theo và dĩ nhiên, khi hoàn cảnh xảy ra, thì vẫn đủ để đáp ứng những nhu cầu ngoại thường”[1].

Thực chất có được như vậy quả là một thế giới công bình dành cho mọi người, đồng tiền bà goá tìm được là một đồng tiền tương ứng với công sức mình bỏ ra. Nhưng vấn đề ở đây chỉ là một dụ ngôn, một thông điệp còn nằm trong văn phòng mà chưa là một thực tế. Thực tế đồng tiền bà goá vẫn bị giữ lại vì nhiều mục đích khác của chủ nhân ông. Cho nên vấn đề vẫn còn bức xúc với bà goá tìm kiếm và Giáo Hội đứng về phía họ để kêu gọi:

“Người lao động có quyền hường đồng lương công bằng. Không trả hoặc giữ tiền lương lại có thể là một sự bất công nghiêm trọng. Để xác định tiền lương cho công bằng, phải lưu ý đến các nhu cầu và đóng góp của mỗi người. Tuỳ theo phận vụ và năng suất của mỗi người cũng như tình trạng của xí nghiệp và công ích, việc làm cần phải được trả lương sao cho người lao động có đủ phương tiện xây dựng cho mình và gia đình một đời sống xứng đáng về phương diện vật chất, xã hội, văn hoá và tinh thần” [2]

Bà goá quả là nhiều vấn đề cần suy nghĩ, từ đồng lương hưởng theo công bằng còn là trả lại cho bà goá về các nhu cầu ngày nghỉ, bảo hiểm, tuổi già, về hưu… Không giống như người ta hay bị đối xử cách bất công theo kiểu: Vắt chanh bỏ vỏ”. Giáo Hội mời gọi:

“Tuỳ theo phận vụ và năng suất của mỗi người cũng như tình trạng của xí nghiệp và công ích, việc làm cần phải được trả lương sao cho người lao động có đủ phương tiện xây dựng cho mình và gia đình một đời sống xứng đáng cả về phương diện vật chất, xã hội, văn hoá và tinh thần. Lãnh vực trợ cấp khác là lãnh vực liên quan tới quyền được nghỉ ngơi. Trước hết là việc nghỉ hàng tuần một cách đều đặn, gồm ít ra là ngày Chủ nhật và ngoài ra là một kỳ nghỉ dài hơn, thường được gọi là kỳ nghỉ phép mỗi năm một lần, hoặc chia ra làm nhiều kỳ nghỉ ngắn trong năm. Cuối cùng là quyền được hưởng lương hưu trí, được bảo hiểm tuổi già và bảo hiểm tai nạn lao động. Trong lãnh vực những quyền lợi chính này, đã phát triển cả một hệ thống các quyền lợi đặc biệt. Cùng với tiền lương, chúng xác định mối quan hệ đúng đắn giữa người lao động và chủ thuê. Trong số các quyền lợi ấy, không bao giờ được quên quyền được hưởng một môi trường lao động và những phương pháp sản xuất không tác hại cho sức khoẻ thể xác của công nhân hoặc cho sự toàn vẹn tinh thần của họ”[3].

Đòi hỏi sự công bằng cho bà goá thật ra vẫn là vấn đề thắp đèn, quét nhà đi tìm kiếm. Dụ ngôn vẫn có tính thời sự một cách gần gũi và bao lâu chưa tìm thấy được, chưa có thể mời bạn bè về chung vui, vì đồng bạc mất nay chưa tìm thấy được.

Lm. Giuse Hoàng Kim Toan

 

[1] Thông điệp Tứ Thập niên, số 71

[2] Hiến chế vui mừng và hy vọng, số 67.

[3] Thông điệp Lao động của con người, số 19.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây