TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Đại Lễ Chúa Giáng Sinh

“Hôm nay, Ðấng Cứu Thế đã giáng sinh cho chúng ta”. (Lc 2, 1-14)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Này con, con muốn sao sẽ được vậy

Thứ năm - 17/08/2023 04:35 | Tác giả bài viết: Petrus.tran |   533
“Này bà, lòng tin của bà mạnh thật. Bà muốn sao thì sẽ được vậy”.

Chúa Nhật XX – TN – A
Này con, con muốn sao sẽ được vậy

tbd 170823a


Một ngày nọ, Đức Giê-su có lời phán truyền rằng: “Anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở cho.” Tiếp sau đó, Ngài khẳng định: “Vì hễ ai xin thì sẽ được, ai tìm thì sẽ thấy, ai gõ cửa thì sẽ mở ra cho.” (x.Mt 7, 7-8).

Vâng, là một Ki-tô hữu, chắc hẳn ai trong chúng ta cũng đều tin vào lời Chúa phán truyền nêu trên. Chúng ta tin và vẫn luôn cầu xin Chúa rất nhiều điều. Có những lúc Chúa đáp lời cầu xin của chúng ta. Nhưng, không phải lúc nào lời cầu xin của chúng ta cũng đều được đáp ứng. Thế rồi, chúng ta đặt câu hỏi tại sao?

Tại sao ư! Thưa, có rất nhiều câu trả lời cho chúng ta. Rất có thể “…là vì anh em xin với tà ý, để lãng phí trong việc hưởng lạc” (x.Gc 4, 3). Cũng rất có thể là do chúng ta thiếu sự nhẫn nại và lòng kiên trì trong cầu nguyện.

Thomas Edison, người đã có hơn 1.500 phát minh, cho rằng, để thành công trong công việc, thì do 10% thiên tài, phần còn lại là do 90% sự nhẫn nại và lòng kiên trì.

Còn với Đức Thánh Cha Phanxicô! Vâng, “trong bài giáo lý tại buổi tiếp kiến chung sáng thứ Tư 19/05/2021 diễn ra tại sân Damaso ở nội thành Vatican, ngài đã nói đến ba khó khăn chúng ta thường gặp phải khi cầu nguyện; đó là chia trí, sự khô khan thiêng liêng và thờ ơ lười biếng.

Đức Thánh Cha nhận xét rằng, chính các thánh cũng gặp phải những khó khăn này trong lúc cầu nguyện và các ngài dạy rằng chúng ta đạt được tiến triển thật sự trong đời sống thiêng liêng qua việc kiên trì cầu nguyện, như ông Gióp, người vẫn không thay đổi ngay cả giữa nhiều hoạn nạn.” (nguồn: vaticannews).

Kiên trì cầu nguyện “như ông Gióp” ư! Thưa, đúng là vậy. Vì đó là điều làm cho Thiên Chúa “phải siêu lòng”. Sự kiện “Đức Giê-su chữa con gái người đàn bà Ca-na-an” được ghi trong Tin Mừng thánh Mát-thêu, như một minh chứng điển hình. (x.Mt 15, 21-28).

**
Chuyện được kể rằng: Một ngày nọ “Đức Giêsu lui về miền Tia và Xi-đôn”. Theo các nhà nghiên cứu Kinh Thánh, thì “Tia và Xi-đôn” ngày nay thuộc miền nam Liban, và được biết đến như là miền giáp ranh với đất của dân ngoại.

Vì là vùng đất của dân ngoại, thế nên, không có gì ngạc nhiên khi “có một người đàn bà Ca-na-an ở vùng ấy” tìm đến để gặp Đức Giê-su.

Khi gặp Đức Giê-su, bà ta kêu lên rằng: “Lạy Ngài là Con vua Đa-vít, xin rủ lòng thương tôi! Đứa con gái tôi bị quỷ ám khổ sở lắm.”

Quỷ ám! Quỷ ám nghĩa là sao! Thưa, đó là “Một cá nhân bị một thực thể siêu nhiên ác độc nhập hồn, thường gọi là ác quỷ. Các biểu hiện của quỷ ám thường bao gồm mất trí nhớ hoặc nhân cách, ngất lịm như thể người đang hấp hối. Người bị quỷ ám có nhiều thay đổi rõ rệt trong ngữ điệu và khuôn mặt, xuất hiện những vết thương bất thường (vết cào, cắn), có sức mạnh siêu phàm. Không giống như trong mượn xác, chủ thể không thể kiểm soát được thực thể nhập vào mình và nó chỉ ra khỏi khi bị trục xuất, thường là bằng một hình thức trừ tà. Đây là một vấn đề tâm linh chứ không phải là vấn đề mà khoa học thông thường có thể giải thích được”. (nguồn: internet).

Đúng, khoa học không giải thích được và y học cũng không chữa được. Đức Giê-su chữa được. Thánh Mát-thêu đã cho chúng ta biết: tại Ga-li-lê “Thiên hạ đem đến cho Người mọi kẻ ốm đau, mắc đủ thứ bệnh hoạn, tật nguyền: những kẻ bị quỷ ám, kinh phong bại liệt, và Người đã chữa họ.” (x.Mt 4, 24). Nhưng hôm nay, trước lời cầu xin của người đàn bà Ca-na-an, chuyện kể tiếp rằng: “Người không đáp một lời.”

Thế có buồn không! Thưa, rất buồn… thật là buồn-hiu-hắt-buồn về sự lặng thinh của Đức Giê-su. Và, khi nỗi buồn đang gặm nhấm con tim, thì tai bà nghe các môn đệ xin với Đức Giê-su, rằng: “Xin Thầy bảo bà ấy về đi, vì bà ấy cứ theo sau chúng ta mà kêu mãi!”.

Về đi ư! Lý do? Đây, câu trả lời của Đức Giê-su cho các môn đệ chính là lý do: “Thầy chỉ được sai đến với những con chiên lạc nhà Israel mà thôi.”

Vâng, Đức Giê-su nói như thế đấy! Nếu là chúng ta, chúng ta sẽ phản ứng thế nào! Phải chăng là chúng ta sẽ phàn nàn rằng: “Thôi thế là thôi, là thế đó! Thôi thế là thôi, là thế rồi!” v.v...

Với người đàn bà Ca-na-an, hôm ấy, bà ta không phàn nàn. Bà đã “bái lạy và thưa Người rằng: Lạy Ngài! Xin cứu giúp tôi!”

Jean Jacques Rousseau có nói: “Sự nhẫn nại và lòng kiên trì đắng chát…”. Điều này thật đúng cho người đàn bà Ca-na-an.

Vâng, thật đắng chát làm sao khi Đức Giê-su đáp lời bà ta rằng: “Không nên lấy bánh dành cho con cái mà ném cho lũ chó con”.

Thế nhưng, dù bị xếp vào thành phần “chó con”, một thứ ngôn từ mà người Do Thái thời đó dùng để nói tới “dân ngoại”, không phải dân riêng của Thiên Chúa, bà ta vẫn kiên trì khẩn khoản nài xin. Bà nghẹn ngào nài xin rằng: “Thưa Ngài, đúng thế, nhưng mà lũ chó con cũng được ăn những mảnh vụn trên bàn chủ rơi xuống.”

Cũng là ông Rousseau có nói: “Sự nhẫn nại và lòng kiên trì đắng chát nhưng quả của nó lại ngọt”. Ông Rousseau ơi! Ông nói đúng quá! Hôm ấy, với sự nhẫn nại và lòng kiên trì, người đàn bà Ca-na-an đã nhận được “quả ngọt” từ lòng thương xót của “Con vua Đa-vít”.

Hôm ấy, sau khi nghe bà ta nói như thế, Đức Giê-su đáp lời: “Này bà, lòng tin của bà mạnh thật. Bà muốn sao thì sẽ được vậy”.

Vâng, một kết quả thật ngọt ngào cho bà ta. Mô tả những “quả ngọt” mà bà ta nhận được, thánh sử Mát-thêu tóm tắt bằng tám chữ: “Từ giờ đó, con gái bà được khỏi”.

***
Câu chuyện “Đức Giê-su chữa con gái người đàn bà Ca-na-an” kết thúc, nói theo cách nói bình-dân-học-vụ, thì đó là một kết thúc “có hậu”.

Và, khi đã nghe qua câu chuyện, chúng ta không thể phủ nhận rằng, tính nhẫn nại và lòng kiên trì của người đàn bà Ca-na-an, chính là nhân tố tác động đến lòng thương xót của Đức Giê-su.

Vì đã không thể phủ nhận, thế nên, chúng ta cũng rất cần xem những đức tính này như là hành trang cho đời sống đức tin của mình.

Tại sao? Thưa, là bởi, những đức tính này có thể được coi là “cầu nối” dẫn đến các nhân đức khác; nó như là chất xúc tác góp phần tăng trưởng đức tin, hy vọng trong đức cậy và mạnh mẽ trong đức ái.

Thật vậy, Kinh Thánh cho chúng ta biết đến một nhân vật, nhờ có tính nhẫn nại và lòng kiên trì nên đã tăng trưởng đức tin, hy vọng trong đức cậy và mạnh mẽ trong đức ái, người đó chính là Gióp.

Ông Gióp, cho dù bị rơi vào thảm cảnh mất mát tài sản, con cái chết chóc, ông ta vẫn đón nhận trong một tinh thần nhẫn nại chịu đựng, kiên trì nguyện cầu, không chút oán trách thở than.

Nhờ vào tinh thần nhẫn nại chịu đựng, kiên trì nguyện cầu, ông Gióp đã không để cho những lời trách cứ điên rồ của bà vợ, rằng “Ông còn kiên vững trong đường lối vẹn toàn của ông nữa hay thôi? Hãy nguyền rủa và chết đi cho rồi.”, ảnh hưởng đến đức tin, đức cậy và đức ái của ông ta.

Nhờ tinh thần nhẫn nại chịu đựng, kiên trì nguyện cầu, ông Gióp đã có thể thốt lên rằng: “Chúng ta đón nhận điều lành từ Thiên Chúa, còn điều dữ, lại không biết đón nhận sao?” (x.G 2, 9-10).

****
Thiên Chúa là tình yêu. Chúng ta biết rồi. Người không loại bỏ ai. Những lời “hà khắc và nhẫn tâm” mà chúng ta nghe trong câu chuyện, thật ra là để nhấn mạnh đến tính cách của người Ki-tô hữu gốc Do Thái vẫn muốn giữ luật Mô-sê (luật cắt bì).

Tưởng chúng ta cũng nên biết “Phúc âm Mát-thêu chủ yếu viết cho các Kitô hữu người Do Thái nói tiếng Hy Lạp và người ngoại quốc, là những người tuân giữ một ít kinh Torah của Do Thái giáo.” (nguồn: internet).

“Thánh Mát-thêu, tác giả câu chuyện này”, theo lời chia sẻ của Lm. Charles, “hy vọng những lời hà khắc và tàn nhẫn này thốt ra từ miệng Đức Giê-su sẽ khiến cho người đọc khó chịu, để nhận ra loại bỏ ‘dân ngoại’ là điều xiết bao sai trái.”

Cuối cùng, ngài Lm. kết luận “Nhờ lòng tin, người đàn bà ấy được Đức Giê-su gia ân cho toại nguyện.”

Vâng, bất cứ ai đến và cầu xin Đức Giê-su, đều được Ngài gia ân cho toại nguyện. Do vậy, hãy đem đến Đức Giê-su những “nan đề” mà chúng ta không thể giải quyết.

Có lẽ, và chắc chắn rằng, cuộc sống của con em chúng ta là những nan đề lớn mà chúng ta đang phải “điên đầu” đối phó. Ai trong chúng ta dám tin chắc rằng, con em chúng ta sẽ không bị “satan ám”!

Hãy nhớ rằng “Satan never sleeps – Quỷ địa ngục không bao giờ ngủ”. Quỷ… không bao giờ ngủ. Nó luôn rình rập nơi cửa sổ tâm hồn con em chúng ta.

Chẳng phải là chúng ta đang phải chứng kiến một xã hội đầy dẫy những “sản phẩm của satan”, những sản phẩm đại loại như: những game giải trí bạo lực, những phim ảnh khiêu dâm, những game show ‘sô’ những nội dung phản giáo dục, đó sao!

Ai sẽ cứu con em mình, nếu không phải là chúng ta! Vâng, chúng ta phải hành động. Hành động như người đàn bà Ca-na-an đã hành động. Chúng ta phải kêu lên với Đức Giê-su như người đàn bà Ca-na-an đã kêu lên: “Lạy Ngài, xin cứu giúp tôi.”

Hãy đến nhà thờ, vì nơi đây chính là nơi để chúng ta đến kêu lên với Chúa Giê-su. “Nơi đây, Chúa Giê-su ban cho chúng ta, không phải những mảnh vụn rơi vãi từ bàn ăn, mà là Mình và Máu báu trọng của Người. Đấng đến với ta trong Bí Tích Thánh Thể là Chúa muôn loài.” Vâng, Lm. Charles E.Miller đã có lời khuyên như thế.

Chưa hết, nơi đây, Chúa Giê-su còn ban cho chúng ta Lời Hằng Sống, qua phần Phụng Vụ Lời Chúa. Lời Hằng Sống sẽ “là ngọn đèn soi ta bước, là ánh sáng chỉ được ta đi.” Còn nữa, “Nhờ huấn lệnh Người ban, (ta) thành người sáng suốt, nên (ta) ghét mọi đường nẻo gian tà” (x.Tv 119, 104). Khi đã ghét mọi điều gian tà, ma quỷ nào có thể ám chúng ta!

Cuối cùng, nơi đây, Chúa Giê-su cũng sẽ cho chúng ta toại nguyện, như xưa kia Ngài đã cho người đàn bà Ca-na-an được toại nguyện: “Này con, con muốn sao thì sẽ được vậy.”

Petrus.tran

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây