Chúa Nhật XXIX – TN – C
Phải cầu nguyện luôn, đừng nản chí…
Cầu nguyện là gì? Thưa: “Cầu nguyện là nâng tâm hồn lên cùng Thiên Chúa hay là dâng lời cầu lên Thiên Chúa để xin những ơn lành phù hợp với thánh ý của Ngài. Cầu nguyện luôn là một hồng ân của Thiên Chúa, Ðấng đến gặp gỡ con người. Cầu nguyện theo Kitô giáo là một liên hệ cá nhân và sống động của con cái với Cha là Thiên Chúa vô cùng nhân lành, với Con của Ngài là Ðức Giêsu Kitô và với Chúa Thánh Thần, Ðấng ngự trong tâm hồn họ.” (nguồn: tonggiaophanhanoi.org).
Cầu nguyện có từ khi nào? Thưa, như lời Kinh Thánh cho biết, đến thời ông Sết “người ta bắt đầu kêu cầu danh Đức Chúa.” (x.St 4, …26) Người Việt Nam ngay từ thời xa xưa cũng đã biết “Cầu Trời”. Vâng, thật chân thành khi họ cất tiếng kêu xin: “Lạy Trời mưa xuống. Lấy nước tôi uống. Lấy ruộng tôi cày. Lấy đầy bát cơm. Lấy rơm đun bếp”.
Tôn giáo nào cũng đều coi trọng sự cầu nguyện. Với Ki-tô giáo, cầu nguyện được ví như “hơi thở” của linh hồn. Còn Martin Luther thì nói: “Lời cầu nguyện là tường và thành trì vững chắc của nhà thờ, nó là vũ khí mạnh mẽ của người Ki-tô hữu.”
Đức Giêsu cũng rất coi trọng đến việc cầu nguyện. Kinh Thánh cho biết, Ngài vẫn thường xuyên “đi ra một nơi hoang vắng và cầu nguyện”.
Đã có lần Đức Giê-su dạy cho các môn đệ cầu nguyện. Và, Ngài có lời khuyên rằng, phải biết kiên trì “không được nản chí”. Để cho các môn đệ thấy sự kiên trì là điều cần thiết, Ngài đã kể cho các ông nghe một dụ ngôn. Dụ ngôn này được ghi lại trong Tin Mừng thánh Luca. (x.Lc 18, 1-8).
**
Thánh Luca đã ghi lại dụ ngôn như sau: “Trong thành kia có một ông quan tòa. Ông ta chẳng kính sợ Thiên Chúa, mà cũng chẳng coi ai ra gì”.
Mở đầu câu chuyện, với sự mô tả về một ông quan “coi trời bằng vung” như thế, quả là vô phước cho những ai được ông ta ra tay xử kiện. Tại sao? Thưa, bởi theo kinh nghiệm của cuộc sống dân gian, chưa thấy một ông quan “vô thần” nào được coi là “dân chi công bộc” cả. Loại quan này, không ăn hối lội thì cũng vòi vĩnh quà cáp.
Mà, thật vậy. Quan tòa thời đó được mô tả là: “Tất cả bọn chúng đều thích ăn hối lộ, và chạy theo quà cáp. Chúng không phân xử công minh cho cô nhi, cũng chẳng quan tâm đến quyền lợi quả phụ”? (Is 1, 23). Chưa hết, mấy ông kẹ này còn “đặt ra những luật lệ bất công… viết nên các chỉ thị áp bức… để biến bà góa thành mồi ngon cho chúng, và bóc lột kẻ mồ côi” (Is 10, 2).
Nghiệt ngã là thế đấy! Ấy thế mà lại có một bà góa đến xin ông xử kiện. Vâng, bà ta đã đến gặp ông quan này và thưa với ông: “Đối phương tôi hại tôi, xin ngài minh xét cho”.
“Đơn kiện” được quan nhận. Thế nhưng: “(cả) một thời gian khá lâu, ông (vẫn) không chịu (xét)”. Không chịu xét thì sao? Thưa, bà lại đến. Albert Eintein nói: “Không phải là tôi quá thông minh, chỉ là tôi chịu bỏ ra nhiều thời giờ hơn với rắc rối”.
Áp dụng lời khuyên của Eintein, bà góa lại đến cửa quan, và bà đã toại nguyện. Dụ ngôn kể rằng: “bà đã nhiều lần đến…” Và đó là lý do ông quan tòa thay đổi ý định của mình. Thật vậy, trước kế sách “lỳ đòn” của bà góa, ông quan tòa như ngồi trên đống lửa. Cuối cùng, ông ta nghĩ: “Dầu ta chẳng kính sợ Thiên Chúa, mà cũng chẳng coi ai ra gì, nhưng mụ góa này quấy rầy mãi, thì ta xét xử cho rồi, kẻo mụ ấy cứ đến hoài, làm ta nhức đầu nhức óc”.
Cứ-đến-hoài… Vâng, chính hành động này đã chứng tỏ rằng, bà góa, quả là đã chịu-bỏ-ra-nhiều-thời-giờ-hơn cho rắc rối của mình. Nói cách khác, bà góa là một người đầy lòng nhẫn nại, bền chí khẩn nài cho ước nguyện của mình.
Qua dụ ngôn này, không cần giải thích nhiều, chúng ta cũng có thể hiểu, thông điệp của Đức Giê-su gửi đến cho các môn đệ (và bây giờ là chúng ta), đó là: phải kiên trì “phải cầu nguyện luôn, không được nản chí”.
Hôm ấy, Đức Giê-su còn có lời bảo rằng: “Anh em nghe quan tòa bất chính nói đó! Vậy chẳng lẽ Thiên Chúa lại không mình xét cho những kẻ Người đã tuyển chọn, ngày đêm hằng kêu cứu với người sao? Lẽ nào Người bắt họ chờ đợi mãi?” Cuối cùng Đức Giê-su khẳng định: “Thầy nói cho anh em biết, Người sẽ mau chóng minh xét cho họ”.
***
Lời khẳng định (nêu trên) của Đức Giê-su, không phải là lời “nói cho có”. Lịch sử Do Thái, dân Thiên Chúa tuyển chọn, đã cho mọi người nhìn rõ sự thật. Lịch sử Do Thái, dân Thiên Chúa tuyển chọn, đã cho chúng ta biết rằng: Thiên Chúa “đã minh xét” cho những kẻ có lòng nhẫn nại, “ngày đêm hằng kêu cứu với người”.
Kinh Thánh kể rằng: hồi đó, khi dân Israel đang trên đường đến miền đất hứa. Bất ngờ họ bị người Amalech chận đánh tại Rophidim. (x.Xh 17, 8).
Xét về tương quan lực lượng hai bên. Amalech là một đạo quân tinh nhuệ. Trong khi đó, người Israel chẳng khác nào một đám quân ô hợp. Nếu đụng trận, nhắm mắt chúng ta cũng có thể nói: Israel sẽ thua Amalech.
Là một đạo quân quá kinh nghiệm trong những trận địa chiến, quân đội Amalech đủ sức xóa sổ quân đội Israel. Thế mà, chuyện lại không xảy ra như chúng ta nghĩ. Trái lại, chuyện đã xảy ra đúng như câu tục ngữ xưa của Việt Nam: “Nực cười châu chấu đá xe. Tưởng rằng chấu ngã nào ngờ xe nghiêng”.
Con “châu chấu Israel” đã xô ngã cả một “đoàn xe” chở đầy quân binh tinh nhuệ Amalech. Quân sử Israel đã ghi lại chiến tích vang dội này, rằng: “Giôsuê đã đánh bại Amalech… xóa hẳn tên tuổi Amalech, khiến cho thiên hạ không còn nhớ đến nó nữa” (Xh 17, 13…14).
Nhờ đâu Israel có được chiến tích này? Thưa, do bởi chính lời cầu nguyện của Môsê. Mô-sê nói: “Tôi, tôi sẽ đứng trên đỉnh đồi, tay cầm gậy của Thiên Chúa”. Kinh Thánh ghi rằng: Trên đỉnh đồi, “khi nào ông Mô-sê giơ tay lên, thì dân Israel thắng thế, còn khi ông hạ tay xuống, thì Amalech thắng thế”.
Mô-sê không có sức để “giơ tay lên” mãi. May thay, Aharon và Khua đã “đỡ tay ông, mỗi người một bên.” Nhờ đó Mô-sê đã đủ sức giơ tay-lên “cho đến khi mặt trời lặn”. Nói cách khác, Mô-sê đã liên lỉ “kêu cứu với Người…” Thiên Chúa đã không “bắt họ phải chờ đợi mãi”. Và Người đã “mau chóng” cho Israel cất tiếng hát khúc khải hoàn ca.
****
“Phải cầu nguyện luôn…” Tại sao “phải cầu nguyện luôn?” Thưa, bởi đó là lời truyền dạy của Đức Giê-su. Một lần nọ, Ngài đã nói với các môn đệ rằng: “Anh em cứ xin thì sẽ được” (Lc 11, 9). Đúng, xin Chúa sẽ cho. Nhưng có trường hợp phải xin nhiều lần. Truyền các môn đệ “cứ xin” chính là Đức Giê-su muốn nói với các ông rằng, không chỉ xin một lần mà là “cứ” phải xin luôn luôn.
“Không được nản chí” Tại sao “không được nản chí?” Thưa, bởi đó chính là “thước đo” sự nhẫn nại cho niềm tin của mình. Ông Gia-cóp, một nhân vật thời Cựu Ước, chính là mẫu mực của một con người nhẫn nại, không nản chí.
Trước khi được “chúc phúc”, Gia-cóp đã kiên trì chiến đấu, đã phải “vật lộn” với Thiên Chúa suốt cả đêm. Kinh Thánh thuật lại rằng : “Có một người vật lộn với ông cho tới lúc rạng đông” (Stk 32, …25).
Cuộc sống Kitô hữu của chúng ta chẳng phải là cũng luôn “vật lộn” với những cơn-đau-tinh-thần, cơn đau của sự thất vọng và bội phản, cơn đau của sự bất trung; bất tín! Rồi còn đó là những cơn-đau-của-thể-xác, cơn đau của bệnh tật, của chết chóc, v.v… đó sao!
Giacop đã chiến thằng bằng sự nhẫn nại. Giacop biết rằng người vật lộn với mình không ai khác chính là Thiên Chúa. Vì thế, dù “khớp xương hông của ông bị trật đang khi ông vật lộn với người đó”, nhưng Giacop vẫn kiên trì chiến đấu. Sự kiên trì chiến đấu của ông không ngoài mục đích là “đòi” cho được lời chúc phúc từ nơi Thiên Chúa. Ông đã lớn tiếng nói rằng: “Tôi sẽ không buông ngài ra, nếu ngài không chúc phúc cho tôi… Và người đó đã chúc phúc cho ông…” (Stk 32,…37-30).
Chúng ta cũng sẽ như Giacop “không buông Chúa ra” khi đứng trước những nan đề nêu trên! Chúng ta sẽ “liên lỉ cầu nguyện, không nản chí!” Chúng ta sẽ cất tiếng nói với Chúa rằng: “Con sẽ không buông Ngài ra, nếu Ngài không cứu giúp con!” Đừng “buông Chúa ra”. Đừng buông bỏ lời cầu nguyện. Chúa sẽ chúc lành cho chúng ta, như Người đã chúc phúc cho Gia-cóp.
“Phải cầu nguyện luôn, không được nản chí.” Đừng nản chí. Đừng nản chí, dẫu cho khi lời cầu nguyện của chúng ta không có sự hồi âm.
Phải nhìn nhận rằng, một trong những điều ảnh hưởng lớn nhất cho việc “không được nản chí” của chúng ta, đó là sự “hồi âm”. Chính sự chậm trễ trong việc hồi âm khiến chúng ta sinh ra nản lòng.
Thế nhưng, có bao giờ chúng ta tự hỏi, tại sao chúng ta không được Chúa hồi âm?
Phải chăng “…là vì (ta) xin với tà ý, để lãng phí trong việc hưởng lạc!” (Gc 4, 3). (Xin trúng số… số đề, chẳng hạn!).
Phải chăng là vì chúng ta do dự! “Do dự”, thánh Gia-cô-bê nói: “thì giống như sóng biển bị gió đẩy lên vật xuống. Người ấy đừng tưởng mình sẽ nhận được cái gì của Chúa, họ là kẻ hai lòng, hay thay đổi trong việc họ làm” (x.Gc 1, …6-7). “Hai lòng” đó là điều chẳng ai thích, phải không, thưa quý vị?
Với việc chậm trễ hồi âm, hãy xem đó như là một phước hạnh, phước hạnh để ta có cơ hội “cầu nguyện khẩn thiết” hơn, phước hạnh để chúng ta đến gần hơn với cuộc tương giao giữa Chúa với chúng ta.
Một người có đức tin mạnh mẽ, vấn đề hồi âm trở thành thứ yếu. Điều quan trọng, lúc đó, chính là mối tương giao mật thiết giữa ta và Chúa. Chính mối tương giao này khơi dậy trong ta sự tín thác trọn vẹn, và điều tất yếu đó là ta sẽ cầu nguyện liên lỉ không thôi.
Về điều này, thánh Augustin có lời khuyên, rằng: “Niềm tin làm phát sinh cầu nguyện, và cầu nguyện một khi đã phát sinh sẽ đem lại chắc chắn trong niềm tin”. Còn thánh Phao-lô ư! Vâng, ngài có lời chia sẻ: “Hãy cầu nguyện không ngừng”.
Có rất nhiều tấm gương về những con người chuyên tâm cầu nguyện, liên lỉ cầu nguyện không thôi, trong suốt chiều dài lịch sử Giáo Hội. Nếu liệt kê ra e rằng đọc hết cả tuần. Mà, có cần liệt kê ra không, nhỉ! Liệt kê để xem đó như là “những dẫn chứng thực tế” ư! Ấy chết, nếu thế thì, có khác gì mấy ộng kẹ Pha-ri-sêu xưa, thay vì vâng nghe lời Đức Giê-su truyền dạy, họ lại đòi Ngài cho xem “dấu lạ!”
Vâng, có lẽ điều cần thiết hơn, đó là, hãy “ghi khắc trong con tim mình” về lời truyền dạy của Đức Giê-su, lời chia sẻ của tông đồ Phao-lô, và cả lời khuyên của thánh Augustin (nêu trên), và xem đó chính là hành trang cho đời sống cầu nguyện của mình.
*****
“Phải cầu nguyện luôn, không được nản chí”. Lời truyền dạy này chưa bao giờ Giáo Hội hủy bỏ. Không thể hủy bỏ, bởi vì chúng ta không thể đến gần Chúa, nếu chúng ta không cầu nguyện. Không thể hủy bỏ, bởi vì tất cả mọi ý nghĩ, lời nói, cũng như việc làm của chúng ta, sẽ là “tốt hay xấu”, đó là do chúng ta có “cầu nguyện luôn”, hay không!
Qua việc cầu nguyện luôn, Chúa sẽ hướng dẫn chúng ta tránh khỏi những mưu ma chuớc quỷ của thế gian, cũng như những gian dối, lừa bịp, bất tín tràn lan trong xã hội. Qua việc cầu nguyện luôn, Chúa sẽ che chở chúng ta khỏi những kẻ thù của mình.
Nên cầu nguyện luôn, vì đó là sức mạnh để chúng ta chống lại những cơn cám dỗ của Satan và con cái chúng. Chúng ta cần cầu nguyện luôn, vì mỗi lần cầu nguyện chúng ta có cơ hội “Thú nhận cùng Thiên Chúa” về những tội mình đã phạm “trong tư tưởng, lời nói lẫn việc làm”, để xin Người tha thứ chúng ta.
Chúng ta cần cầu nguyện luôn, vì mỗi lần cầu nguyện, Thiên Chúa sẽ ban cho chúng ta sức mạnh của Thần Khí, nhờ đó chúng ta đủ sức mạnh để để sống theo những lời dạy của Phúc Âm.
Sống theo những lời dạy của Phúc Âm, đó chính là phương cách tốt nhất để chúng ta được hưởng sự sống vĩnh cửu mà Đức Giê-su đã hứa ban. Thật thế đấy! Một lần nọ, Đức Giê-su đã có lời khuyến cáo: “Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: ‘Lạy Chúa! Lạy Chúa!’ là được vào Nước Trời cả đâu! Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi.”
Cuối cùng, ngoài cầu nguyện riêng, chúng ta cũng cần cầu nguyện chung. Chung với gia đình, chung với bạn bè, chung với hàng xóm láng giềng. Chính những buổi cầu nguyện như thế, có phần chắc, chúng ta sẽ tạo ra một khung cảnh: “láng giềng thân thiết, anh em hòa thuận, vợ chồng ý hợp tâm đầu”.
Cầu nguyện chung, Lm. Charles E.Miller có lời khuyên dạy: “Là người Công Giáo, là thành viên của gia đình Giáo Hội, chúng ta có trách nhiệm với nhau. Aharon và Khua đã không bỏ rơi Mô-sê lúc ông này có dấu hiệu mỏi tay. Hai ông đã không nghĩ là Mô-sê phải cầu nguyện một mình và các ông chỉ nên chú tâm vào kinh nguyện riêng của các ông.”
Ngày nay, Thánh Lễ còn là nơi chúng ta “cầu nguyện chung”. Về điều này, ngài Charles nói: “Linh mục không chỉ cầu nguyện cho bản thân. Là chủ tế, ngài cầu nguyện cho lợi ích của cộng đoàn. Có lúc giáo dân và linh mục đọc (hoặc) hát chung với nhau như kinh Vinh Danh và các lời tung hô trong thánh lễ. Có lúc giáo dân đáp lại những lời kinh do linh mục xướng lên nhân danh cộng đoàn. Có lúc giáo dân chăm chú lắng nghe và (đôi khi) đọc thầm theo chủ tế, nhất là phần kinh nguyện Thánh Thể.”
Cuối cùng, cũng là điều quan trọng chúng ta nên nghe. Vâng, ngài Lm. Charles kết luận: “Thiên Chúa đẹp lòng với loại mô hình cầu nguyện đầy sức mạnh, bởi lẽ chúng ta đều cầu nguyện không phải như những cá nhân riêng lẻ, mà cùng chung với nhau như người Công Giáo, như những thành viên của Giáo Hội, hiệp nhất bởi Thần Khí trong thân thể duy nhất của Đức Ki-tô”.
Những lời chia sẻ của ngài Lm. Charles thật là chính đáng để chúng ta đem ra thực hành, phải không, thưa quý vị! Vâng, chúng ta nên thực hành. Và, dù chúng ta cầu nguyện riêng hay chúng ta cầu nguyện chung, đừng quên lời truyền dạy của Thầy Giê-su: “phải cầu nguyện luôn, không được nản chí.”
Hãy nhớ: “Phải cầu nguyện luôn, đừng nản chí.”
Petrus.tran
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn