TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật III Thường Niên -Năm C

“Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh này”. (Lc 1, 1-4; 4, 14-21)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Con tạ ơn Ngài…

Thứ bảy - 08/10/2022 08:26 | Tác giả bài viết: Petrus.tran |   806
“Đang khi đi thì họ được sạch.” (Lc 17, 14).
Con tạ ơn Ngài…

Chúa Nhật XXVIII – TN – C

Con tạ ơn Ngài…

“Con hủi… đồ hủi” là một từ ngữ thể hiện hàm ý khinh miệt, ghê sợ với những người bị bệnh hủi. Bệnh hủi hay còn gọi là phong hủi, nói theo cách nói ngày xưa, thuộc loại “tứ chứng nan y… thầy thuốc bỏ đi, trống kèn kéo tới”.

Mà, đúng vậy. Đối với người xưa, căn bịnh này gây chết chóc, không thể chữa trị và vô vọng. Do vậy, người thời xưa rất sợ căn bịnh này. Sợ đến nỗi bất kỳ ai bị nghi nhiễm đều bị trục xuất ra khỏi cộng đồng. Người Do-thái xưa nói rằng, trong các tác phẩm của các thầy Rabbi có ghi chép những phương cách cứu chữa cho nhiều căn bịnh khác nhau. Thế nhưng, về căn bịnh phong hủi, thì không ghi chép gì cả. Các Rabbi nói rằng, chữa trị bịnh phong giống như làm cho kẻ chết sống lại.

Ngày nay, bịnh phong được gọi là bịnh Hansen, sau khi vị bác sĩ người Na-uy tên là Armauer Hansen, vào năm 1873 đã khám phá ra vi khuẫn gây bệnh. Có vài loại bịnh phong, và hầu như người bịnh đều có triệu chứng giống nhau như: “da thịt thường phát nhọt và lở loét. Khi chuyển nặng vết thương lỏm vào da thịt. Trên khuôn mặt, lông mày rụng kèm theo là mắt lộ ra, thanh quản bị lở nên giọng nói trở nên khàn khàn. Tình trạng mất cảm giác xuất hiện ở một vài bộ phận trên cơ thể do dây thần kinh bị nhiễm trùng. Các bắp thịt tiêu dần đi, gân cốt co làm cho hai bàn tay co lại. Ở mức độ nặng ngón tay và ngón chân rụng.” (nguồn: internet).

Xã hội thời xa xưa thường xa lánh và kỳ thị những người mắc bệnh phong hủi. Đã có thời người bệnh phong phải chịu nhiều luật lệ khắt khe như thả trôi sông, chôn sống, bỏ vào rừng cho thú dữ ăn thịt. Vì thế khi một ai đó mắc bệnh, người đó thường là bỏ làng ra đi, ở lại cũng không ai chứa chấp, không ai liên hệ.

Israel thời Cựu Ước xem bịnh phong là một căn bệnh nguy hiểm cho cộng đồng. Có luật lệ riêng cho những người bệnh phong hủi. Những luật lệ đó không kém phần khắc nghiệt. Khắc nghiệt ngay từ “khâu chẩn bệnh”. Nếu một người bị nhọt, lác, đốm, ung, phỏng, lang ben, sói đầu, v.v… mà các vết thương đó “cứ loang ra” trên cơ thể, “Tư tế sẽ tuyên bố người ấy là ô uế: đó là bệnh phong” (Lêvi 13, 7).

“Người mắc bệnh phong hủi phải mặc áo rách, xõa tóc, che râu và kêu lên: Ô uế! Ô uế!. Bao lâu còn mắc bệnh, thì nó ô uế; nó ô uế: nó phải ở riêng ra, chỗ ở của nó là một nơi bên ngoài trại.” (Lêvi 13, 45-46).

Nói chung, đối với xã hội thời xa xưa, cả ở phương Tây lẫn phương Đông, người bệnh phong hủi bị ghẻ lạnh, kỳ thị và xa lánh. Ấy vậy mà! Vậy mà… có một người đã làm thay đổi một định kiến thâm căn cố đế như thế. Người đó chính là Đức Giêsu Kitô. Sự kiện này được ghi lại trong Tin Mừng thánh Luca.

**
Câu chuyện được thánh Luca ghi lại như sau: Hôm ấy, Đức Giê-su cùng với các môn đệ “lên Giê-ru-sa-lem.” Lên Giê-ru-sa-lem với lộ trình “đi qua biên giới giữa hai miền Samari và Galilê.” Và, Lúc Người vào một làng kia, thì có mười người phong hủi đón gặp Người”.

Mười-người-phong-hủi-đón-gặp-Người! Chẳng phải đây là điều cấm kỵ! Đúng, mười người phong hủi đã phạm luật. Mười người phong hủi đã không lớn tiếng kêu “Ô uế! Ô uế!” để mọi người tránh xa. Trái lại, tiếng kêu của mười vị này lại là một tiếng kêu khẩn thiết, một sự khẩn thiết hầu gây cho người nghe chú ý đến mình.

Vâng, giữa hai miền Samari và Galilê, nơi mà tinh thần thù nghịch của người Do-thái và người Samari luôn sôi sục, họ còn biết kêu cầu ai, nếu không là Thầy Giê-su!

Phải… Phải là Thầy Giê-su! Không có gì để nghi ngờ nữa. Mười người phong đã nghe, nghe tiếng đồn đại “ngày càng lan rộng” rằng, Ngài đã chữa một người cũng mắc bịnh phong như họ, bằng cách: “Giơ tay đụng vào anh ta… Lập tức, chứng phong hủi biến khỏi” (x.Lc 5, 13). Chắc chắn mười người phong này đã bàn bạc sự kiện ấy. Và, hôm nay… hôm nay… Thầy Giê-su kìa!

Thầy Giê-su kìa! Dừng lại… dừng lại đừng đến gần. Họ đã “dừng lại đằng xa.” Mười người phong, nếu được phép, chúng ta nên gọi đây là một ca đoàn với mười “ca viên”. Mười ca viên rách rưới nhất thế giới đồng loạt cất tiếng ca: “Xin thương xót Chúa ơi! Xin thương xót chúng con. Chúa ơi! Xin nhìn đến đoàn con… (quá đớn đau, quá khổ đau) Chúng con van nài.”

Hôm ấy, từ đàng xa, tiếng khẩn cầu của mười người phong thoát ra từ những môi miệng nhúm nhó đớn đau. Họ đã đớn đau cất tiếng van xin: “Lạy Thầy Giê-su, xin rủ lòng thương chúng tôi”. Vâng, mười người phong với những đôi mắt và đôi tai đã nhìn thấy “quá ít lòng thương xót”, nhưng lại phải nghe “quá nhiều lời xét đoán”, sao lại không thương họ, nhỉ!

Thầy Giê-su sẽ làm gì chứ! Thầy sẽ chữa họ ngay lập tức chăng! Chắc chắn, vì đó là quyền phép của Ngài và đó cũng là ước mong của mười người phong.

Thế nhưng, thật khó hiểu khi Thầy Giê-su nói: “Hãy đi trình diện với các tư tế”. Vâng, thật khó hiểu khi mà lệnh truyền của Đức Giê-su có vẻ như một lệnh truyền mâu thuẫn! Một lệnh truyền chỉ thích hợp cho những người đã “khỏi bệnh phong”, là những người cần các thầy tư tế “tái khám”, hầu để được tuyên bố là đã thanh sạch. Còn đây, mười người phong hủi đã thấy khỏi bệnh đâu!

Tuy vậy, dù chưa khỏi, nhưng họ vẫn lên đường. Ngạc nhiên thay! Chuyện kể tiếp rằng: “Đang khi đi thì họ được sạch.” (Lc 17, 14).

***
“Đang khi đi thì họ được sạch.” Thật không? Thật. Họ đã được sạch khi họ ra đi. Không phải trước khi đi. Không phải sau khi đi. Nhưng là “đang khi đi”. Họ đã được sạch khi họ chịu bước đi. Trong hành động bước đi, họ đã được chữa lành. Tại sao chứ? Thưa, vì hành động bước đi chính là hành động của đức tin.

Đó là bài học, một bài học “nằm lòng” mà chúng ta luôn phải nhớ đến. Khi Đức Giê-su phán truyền: “Hãy đi trình diện với các tư tế”, thì thực sự Ngài đang phán truyền rằng: “Hãy đi như thể các ngươi đã được chữa lành”. Đúng là một lời phán truyền long trọng. Và, lời phán truyền này chỉ có đức tin mới có thể thực hiện.

Vâng, không thể nghi ngờ gì nữa, hành động bước đi của mười người phong, chính là cử động của đức tin. Thiên Chúa đã nhìn thấy đức tin của họ qua việc họ bước đi, dù phải bước đi bằng một đôi chân đau đớn.

Điều này (việc mười người phong cùng bước đi) có cảm động được lòng tin của chúng ta? Đi vào thực tế của cuộc sống, khi chúng ta cầu xin Chúa cho mình khỏi một căn bệnh nào đó, chúng ta có chịu “bước đi”, dù là phải đi trong một cơ thể đớn đau, để đến một nhà thương nào đó không?

“Tin tưởng vào Thiên Chúa không tương xứng với chỗ không làm gì hết. Hãy nhớ, mười người phong đã được chữa lành khi họ bước đi. Đức tin của chúng ta dời núi khi đức tin cảm động chúng ta bước đi.” (nguồn: internet).

****
Đức tin không chỉ thúc đẩy chúng ta bước đi. Đức tin còn mời gọi chúng ta trở về với tâm tình tạ ơn. Đó là điều chúng ta cần ghi nhớ.

Mười người phong đã được chữa lành. Đây là một phép lạ, nhưng chưa phải là trọng tâm của câu chuyện. Trọng tâm câu chuyện là đây: “Một người trong bọn, thấy mình được khỏi, liền quay trở lại và lớn tiếng tôn vinh Thiên Chúa”. Anh ta còn “sấp mình dưới chân Đức Giêsu mà tạ ơn. Anh ta lại là người Sa-ma-ri”.

Khi nói đến người Samari này, một nhà truyền giáo có lời chia sẻ: “Đức Giê-su là người Do-thái và người Do-thái nghĩ người Samari là những kẻ phản bội, dân tạp. Để làm cho vấn đề ra tệ hại hơn, người ấy là một người phong Samari. Đối với người Do-thái, không nên nhìn vào một sự kết hợp gớm ghiếc. Ông ta xuất thân từ một dòng giống sai trật, ông ta có thứ tôn giáo không đúng, và ông ta mắc phải một chứng bịnh tệ hại nhất khả thi.

Trong các vấn đề tôn giáo, người Samari này hầu như chẳng biết gì hết và thứ ông ta biết đều là sai trật cả đấy thôi! Nhưng ông ta đã nhìn biết Đức Giê-su chữa lành cho ông ta và ông ta vốn biết đủ để dâng lời cảm tạ Thiên Chúa. Câu nói ấy là lý do cho thấy tại sao câu chuyện này lại hiện hữu trong Kinh Thánh.” (nguồn: internet).

Vâng, câu chuyện này đã hiện hữu trong Kinh Thánh. Và, câu chuyện này cũng cần hiện hữu trong tâm hồn mỗi chúng ta. Thật phải đạo khi hôm nay chúng ta hãy tự hỏi mình câu hỏi mà Đức Giê-su đã hỏi người phong Samari: “Không phải cả mười người đều được sạch sao? Thế chín người kia đâu?”

“Thế thì chín người kia đâu? Sao không thấy họ trở lại tôn vinh Thiên Chúa, mà chỉ có người ngoại bang này?” Giờ này quý ông đang ở đâu? Quý ông không khỏi bệnh chăng? Nếu khỏi, sao quý ông không quay lại “Tạ ơn Ngài?” Thật kinh ngạc, đắng cay, buồn rầu.

Có rất nhiều lý lẽ để biện minh cho hành động của chín quý ông không trở lại gặp Đức Giê-su. Tuy nhiên, những lý lẽ đó không có sức thuyết phục. Không thuyết phục là bởi, đối với quan niệm Do-thái, chữa lành khỏi bệnh phong được coi như là Phục-Sinh-từ-cõi-chết. Mà ai đã chữa lành các ông? Ai là người có thể Phục-Sinh-từ-cõi-chết nếu không là Thiên Chúa? Giữa Đức Giêsu, người trực tiếp “chữa bịnh phong’’ cho quý ông, và các thầy tư tế – người chỉ có thẩm quyền “chứng nhận sạch bịnh phong’’, ai quan trọng hơn ai?

Nếu… nếu “chín người kia” hiểu được điều đó và quay lại gặp Đức Giêsu, trước khi gặp tư tế để “tái thẩm định” căn bệnh phong của mình… Vâng, họ đã không “mắc nợ” Ngài “một lời tạ ơn” và đã không “mắc cỡ” trước anh chàng được cho là “người ngoại bang” nhưng lại nhận ra Thiên Chúa, qua hình ảnh Đức Giêsu, chính là người cần phải trình diện để “sấp mình tạ ơn” và hơn nữa để “Tôn vinh Người”.

Tất cả mười người đều mắc bịnh phong. Tất cả mười người đều bị xã hội ruồng bỏ. Tất cả mười người đều nghe nói đến Thầy Giê-su. Và, tất cả mười người đều tin Ngài sẽ chữa lành mình.

Bề ngoài, tất cả đều “giống nhau”. Thế nhưng, bên trong, trong tâm hồn, thì có một người khác biệt. Một người quay lại, chín người bỏ đi. Một người biết tạ ơn, chín người thì qua cầu rút ván. Một người được ơn tha thứ, chín người kia không. Đây… đây chính là lý do Đức Giê-su nói với người “quay trở lại”, rằng: “Đứng dậy về đi. Lòng tin của anh đã cứu chữa anh”.

Kinh Thánh có lời chép: “Chớ khá quên mọi ân huệ của Người” (Tv 103, 2). Còn Abbert Schweitzer có lời nói: “Đôi lúc ánh sáng trong cuộc đời ta lịm tắt, và được nhen nhóm lại bởi tia lửa của một ai đó. Mỗi chúng ta phải nghĩ tới những người đã đốt lên ngọn lửa trong ta với lòng biết ơn sâu sắc”.

Tham dự Thánh Lễ chính là phương cách “tạ ơn” tốt nhất. Sau một ngày, hay một tuần làm việc chúng ta đến nhà thờ, một hành động “bước đi”, đi “trở lại tôn vinh Thiên Chúa”. Và đây, chúng ta hãy nghe lời chia sẻ của ngài Lm Charles E. Miller: “Hết thảy chúng ta đều có những lý do riêng để tạ ơn Thiên Chúa trong thánh lễ. Ngày hôm nay, ta có thể cảm tạ Thiên Chúa vì món quà sự sống qua hình ảnh một đứa trẻ sơ sinh, hoặc ơn phục hồi sức khỏe cho một người cao tuổi. Ta có thể muốn cảm tạ Thiên Chúa vì vừa tìm được việc làm sau một thời gian dài thất nghiệp… Mỗi Chúa Nhật ta cần ngẫm lại các lý do riêng tư để tạ ơn, và phải nhớ rằng thật là chính đáng để tạ ơn Thiên Chúa”. 

Thật ra, “Chúa không cần chúng ta ca tụng, nhưng được tạ ơn Chúa lại là một hồng ân cao cả, vì những lời ca tụng của chúng ta chẳng thêm gì cho Chúa, nhưng đem lại cho chúng ta ơn cứu độ muôn đời”. (Kinh Tiền Tụng số IV trong Sách Lễ Rôma).

Ngày xưa, người ngoại bang đã trở lại tôn vinh Thiên Chúa, và vị này đã được Đức Giê-su nói: “Lòng tin của anh đã cứu anh”. Thì, hôm nay, nếu chúng ta đến nhà thờ tôn vinh Thiên Chúa, há lẽ Thiên Chúa lại không “đem lại ơn cứu độ cho chúng ta” sao!

Tất cả chúng ta đều là “bệnh nhân” của Chúa. Tất cả chúng ta đều biết Đức Giê-su. Tất cả chúng ta đều tin Ngài có thể cứu chữa mình. Tất cả chúng ta đều lãnh nhận ơn huệ Chúa ban. Thế nên, đừng vì một lý do nào đó mà chúng ta không đến nhà thờ “sấp mình dưới chân Đức Giê-su mà tạ ơn”.

Một ai đó có nói: “vô ơn là căn bịnh phong của tâm hồn”. Tất nhiên, không ai trong chúng ta muốn mình mắc căn bịnh này. Thế nên, mỗi Chúa Nhật, đừng quên đến nhà thờ để mà Tạ ơn Chúa.

Một tấm lòng tạ ơn là phẩm hạnh tốt của người tin Chúa. Thế nên, đừng quên, sau một ngày được sống, hãy sấp mình dưới thánh giá Đức Ki-tô và thưa rằng: Con tạ ơn Ngài.

Petrus.tran

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây