TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

CN34TNb - Đức Giêsu Kitô, Vua Vũ Trụ

“Quan nói đúng: Tôi là Vua”. (Ga 18, 33b-37)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Thằng khờ

Thứ tư - 12/10/2022 03:42 | Tác giả bài viết: Lm Giuse Hoàng Kim Toan |   764
Nó được một cái hiền lành, lắm lúc người ta còn kêu nó “thằng khờ”. Kêu riết thành quen, ai cũng gọi chết tên nó “thằng khờ”
Thằng khờ

Thằng khờ

 
 
Người ta nói nó sinh ra dưới một ngôi sao xấu. Gia đình nó nhà nông chính gốc, ruộng đất không nhiều, vì bao đời nghèo khó làm thuê, có ít nào là hết ít ấy, chẳng dành dụm gì được. Nó được một cái hiền lành, lắm lúc người ta còn kêu nó “thằng khờ”. Kêu riết thành quen, ai cũng gọi chết tên nó “thằng khờ”.

Thằng khờ, chẳng biết tên khai sinh nó là gì, cha mẹ nó nghèo, quanh năm làm thuê mướn, hết ở chỗ này đến ở chỗ kia. Chỗ nào có việc nhà nông thì ở đó đến khi hết việc. Bôn ba, nhà cửa có đó vài vuông đất, chỉ mấy đứa con nheo nhóc ở, đứa lớn trông đứa bé. Ba mẹ gửi gạo, tiền nhờ hàng xóm mua giúp ít thịt, ít mỡ lòng thòng, chiên lấy mỡ cho chúng. Thằng khờ lớn nhất trong nhà, nó không được đi học, nó chỉ biết đọc, biết viết, cộng trừ nhân chia kể như không.
Nó trông các em nó, hai đứa em trai, đứa em gái. Nó dậy sớm, nấu nồi cơm chuẩn bị cho các em nó ăn sáng, cơm với nước mắm mỡ hành. Chỉ vậy thôi, rồi các em nó đi bộ đến trường, đến lớp. Nó thường đi câu cá bên sông, hôm nào nước ròng nó đi bắt cua, xúc tép, kiếm ít kho thêm nồi cá, tép. Cứ vậy ngày ngày nó lớn lên cho đến khi ba mẹ nó không đi làm thuê nữa vì sức yếu.
Nó thay ba mẹ nó, một chiếc xuồng con, một cái võng, một cái mền, vài ba bộ quần áo, một cái bếp nho nhỏ, một cái nồi. Hành trang lên đường làm thuê như ba mẹ nó hồi nào. Nó được cái khoẻ mạnh, nhanh nhẹn, hiền lành đến phát khờ, như đúng tên gọi của nó “thằng khờ”.
Hôm đầu tiên nó chèo xuồng rất xa về cuối mạn sông nơi đang có mùa gặt lúa. Người thuê nó gặt theo công ngày. Đúng ra, khôn ngoan như người khác làm theo sản lượng thì nó được nhiều tiền công hơn, nhưng nó chẳng đòi hỏi gì. Nó làm theo sức của nó, ngày công của nó làm nhiều hơn gấp rưỡi người khác, nhưng chỉ lãnh công như người khác. Vài người thấy nó khờ thường hay lợi dụng nó, làm cái này cái kia cho họ, họ được lương, được tiếng, nó chẳng được gì ngoài tiếng “khờ”. Nhiều lúc có những người ngay lành thấy cũng bảo nó: “Đừng làm thay cho người khác, người ta lợi dụng sức của mày đó”. Nó chỉ lặng yên rồi nó cũng làm như cũ.
Tính nó thật thà, thường hay gặp mấy thằng ba trợn. Nó bị đổ thừa làm hư, cái này cái kia phải đền. Có đứa còn chơi ác lấy tên nó ghi nợ ở chỗ tạp hoá, nó phải trả vài ba lần. Nó cũng đền, cũng trả chẳng phân bua một tiếng. Thấy nó nhiều người tội nghiệp nó, đứng ra bênh vực cho nó. Nó chỉ nói “Thôi chẳng có gì quan trọng”. Với nó chẳng có gì quan trọng thật, ăn cho có ăn, ngủ đâu cũng xong, ở đâu cũng ổn. Hết việc lại chèo thuyền đi sang nơi khác làm, khi thì xịt thuốc cỏ, bỏ phân, nhổ cỏ, cuốc đất, đào ao mướn. Việc gì mướn nó, nó cũng làm, công bao nhiêu cũng được, thậm chí không trả tiền cho nó, bữa cơm thôi cũng xong. Nó “khờ” là vậy, chỉ cần có việc, tiền có bao nhiêu gửi hết về nhà cho ba mẹ, giúp các em ăn học. Nó không cà phê, không thuốc lá, không rượu, nó sống khổ như một nhà tu.
Nó như vậy cũng có người thương nó. Cô ấy cũng nghèo như nó, đi làm thuê như nó. Hôm đầu tiên nó làm chung với cô ấy, hai đứa nhìn trộm nhau, nó muốn hỏi tên nhưng nó nhát quá chẳng dám mở lời. Đến bữa trưa, cô ấy nhìn qua nồi cơm của nó chỉ con cá khô vài cọng rau, cô ấy thương quá mang cho nó chén canh chua cá. Nó chỉ nói được câu “cám ơn” là lời đầu tiên nói với cô ấy. Nó chẳng biết nói gì với cô ấy, thường cô ấy gợi chuyện trước. Hôm bữa bất ngờ, cô ấy hỏi nó, cưới nhau không? Nó cũng gật đầu, ừ thì cưới. Cái chuyện tình yêu của nó đơn giản như đang giỡn vậy đó. Hai đứa cưới nhau, họ hàng chẳng có nhiều. Hôm sắp lễ cưới, nó còn hỏi mua mấy cái nhẫn cưới cho ngày hôn lễ? Người ta bảo nó: “Mua ba cái cho tao một cái”. Lễ xong, vài mâm cơm hai họ, rồi ai về nhà nấy, chiếc xuồng của nó bây giờ thêm một người. Lại long đong, có thêm một người, nó như vui hơn, nó và vợ nó bây giờ vừa lo cho ba mẹ hai bên, vài đứa em và cho gia đình nhỏ của nó, vất vả hơn.
Nó khờ, vợ nó cũng khờ, hai đứa khờ gặp nhau, lấy nhau rồi sinh ra thằng bé kháu khỉnh. Vợ nó đành ở nhà ngoại, nó tiếp tục cuộc sống lênh đênh mưu sinh. Hôm nước lớn về, đàn cá linh theo nhiều. Nó mới mua được chiếc chài lưới, chài lưới được vài ba hôm, kiếm được ít cá về làm mắm, phơi khô. Hôm đó nó đi chài, vợ nó đằng lái, vừa quăng chài, sợi dây chài bị đứt, nước chảy siết, nó nhảy vội xuống, nước cuốn mạnh, may nó bám vào được chân cầu, chiếc lưới bị mất. Trên xuồng vợ nó lo lắng, may quá của đi thay cho người, vợ chồng nó buồn tiếc cái chài mới mua. Vợ nó chẳng cằn nhằn gì chỉ nói tại mình xui quá thôi. Rồi cũng qua, cái nghèo hay gặp cái eo, cái eo làm thêm cái nghèo.
Khi đứa con lên bảy, lên tám. Cũng mùa nước lớn năm đó. Vợ chồng nó cũng trên chiếc xuồng đã cũ đi sau nhiều năm. Chèo chống thế nào, chiếc xuồng lạc vào dòng nước xoáy, cả hai hốt hoảng, chiếc xuồng chìm theo dòng nước, vợ chồng nó cũng không thoát khỏi dòng nước. Hai ba hôm sau, người ta vớt được xác vợ chồng nó, đem về treo giữa đồng, đợi mùa mước rút mới có thể đem chôn.
Một đám tang buồn như cuộc đời buồn tênh của nó. Nó chưa bao giờ ra phố chợ của huyện, chứ chua nói ra tỉnh hay ở đâu khác. Cả cuộc đời nó, như gắn chặt vào chiếc xuồng con, rồi cũng chết cùng chiếc xuồng cũ nát. Cuộc đời như không tên, như chẳng có gì nổi đình, nổi đám, người ta chỉ nhớ vợ chồng “thằng khờ” mất đi giũa lòng nước xoáy.
Joshkimt 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây