TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Đại Lễ Chúa Giáng Sinh

“Hôm nay, Ðấng Cứu Thế đã giáng sinh cho chúng ta”. (Lc 2, 1-14)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Phải có sự tương thân tương ái…

Thứ sáu - 08/09/2023 01:58 | Tác giả bài viết: Petrus.tran |   723
“Nếu Hội Thánh mà nó cũng chẳng nghe”! Vâng, Đức Giê-su nói: “thì hãy kể nó như một người ngoại” (x Mt 18, 17).

Chúa Nhật XXIII – TN – A
Phải có sự tương thân tương ái…

tbd 090923a

 

Trong bài kinh mười bốn mối, phần “thương linh hồn bảy mối”, chúng ta được dạy rằng: “Thứ nhất, lấy lời lành mà khuyên người. Thứ bốn, răn bảo kẻ có tội.”

Vâng, con người với bản chất là yếu đuối, thế nên dù ít hay nhiều đều có những điều chưa hoàn hảo. Trong cái gọi là “chưa hoàn hảo” đó, khi phải đối diện với thế giới của những thói hư tật xấu, con người rất dễ bị sa ngã.

Thật vậy, suốt một đời người, có ai mà không hơn một lần mắc phải sai lầm. Và, đó là lý do lời truyền dạy của Giáo Hội, qua bài kinh nêu trên, là điều mỗi chúng ta cần phải thực thi.

Tuy nhiên, lấy lời lành mà khuyên người, hoặc răn bảo kẻ có tội, đó là một vấn đề rất nan giải. Rất nan giải là bởi, chúng ta không biết phải bắt đầu làm sao, và kết thúc thế nào.

Bắt đầu làm sao! Kết thúc thế nào! Vâng, Đức Giê-su có lời giải cho nan đề này. Lời giải cho nan đề này được ghi lại trong Tin Mừng thánh Mát-thêu. (Mt, 18, 15-20).

**
Theo Tin Mừng thánh Mát-thêu ghi lại: Đức Giê-su, trong một dịp tâm tình riêng tư với các môn đệ, Ngài có lời truyền dạy rằng: “Nếu người anh em của anh trót phạm tội, thì anh hãy đi sửa lỗi nó, một mình anh với nó mà thôi.”

Tại sao chỉ là “một mình anh với nó”? Thưa, rất dễ hiểu, vì khi chỉ có hai người, nó tạo ra khung cảnh “kín đáo”, và hơn nữa nó “giữ thể diện” cho người “trót phạm tội”.

Với khung cảnh như thế, không khó để chúng ta “lấy lời lành mà khuyên người (cũng như) răn bảo kẻ có tội”.

Thế nào là lấy-lời-lành-mà-khuyên-người! Thưa, câu chuyện dưới đây cho chúng ta câu trả lời. Có một vị linh mục người Mỹ, vị linh mục này rất buồn vì một số giáo dân cứ rước lễ xong là bỏ ra về. Nói thẳng thì sợ mất lòng. Ngài linh mục bèn đem câu chuyện bữa tiệc Vượt Qua giữa Đức Giê-su và các tông đồ kể cho giáo dân nghe, như một cách lấy-lời-lành-khuyên-người.

Chuyện chúng ta biết rồi. “Đức Giê-su chấm một miếng bánh, trao cho Giu-đa, con ông Si-môn Ít-ca-ri-ốt… Sau khi ăn miếng bánh, Giu-đa liền đi ra. Lúc đó, trời đã tối.” Kể tới đây, vị linh mục giải thích: bóng tối đồng nghĩa với tội lỗi.

Chúa Nhật tuần kế tiếp. Rước lễ xong, không một ai bỏ ra về. Câu chuyện này, được đăng tải trên trang mạng Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ.

Còn việc “răn bảo”, răn bảo như thế nào để kẻ trót-phạm-tội nhận ra tội của mình? Thưa, theo Dale Carnegie, tác giả cuốn Đắc Nhân Tâm, thì hãy “dùng cách đặt câu hỏi để răn bảo người ta”.

Phương cách “đặt câu hỏi để răn bảo người ta” có thành công? Thưa có. Câu chuyện ngôn sứ Na-than “một mình” đến “sửa lỗi vua Đa-vít” như một điển hình.

Chuyện kể rằng: vào một ngày nọ “Vua Đa-vít từ trên giường trỗi dậy và đi bách bộ trên sân thượng đền vua. Từ sân thượng, vua thấy một người đàn bà đang tắm. Nàng nhan sắc tuyệt vời” (x. 2Sm 11, 2).

Được mệnh danh là “người công chính”, nhưng chỉ một cái nhìn, ông ta trở thành con người “bất chính”. Đây, chúng ta cùng nghe tác giả sách Samuel tường thuật: “Vua Đa-vít sai người đi điều tra về người đàn bà, và người ta nói: đó chính là bà Bát Se-va, con gái ông Ê-li-am, vợ ông U-ri-gia người Khết”.

Mặc cho người đàn bà đã có chồng, vua Đa-vít vẫn không buông tha. Rồi chuyện gì đến cũng đã đến. “Vua Đa-vít sai lính đến đón nàng. Nàng đến với vua và vua nằm với nàng”. Và kết quả là: “Nàng thụ thai”…

Kể từ khi để cho “hồn lỡ sa vào đôi mắt Bát Se-va”, vua Đa-vít ngày càng “sa lầy” vào vòng vây của tội lụy. Cao điểm của hành vi tội lụy, đó là, nhà vua đã gián tiếp gây ra cái chết của ông U-ri-gia – chồng nàng Bát Se-va.

Mọi hành vi của Đa-vít không qua khỏi đôi mắt của ngôn sứ Na-than. Ngôn sứ Na-than đã “một mình” đến “sửa lỗi” vua Đa-vít. Ngôn sứ Na-than đã có một “cuộc nói chuyện riêng tư, không hạ nhục người có lỗi nhưng là giúp người ấy nhận ra lỗi lầm của mình”. Ngôn sứ Na-than đã “dùng cách đặt câu hỏi”, và ông ta đã thành công trong việc “chinh phục được người anh em”. Hôm đó, vua Đa-vít, sau khi nghe Na-than kể một câu chuyện ví von đầy bi ai, ông ta đã thốt lên rằng: “Tôi đã đắc tội với ĐỨC CHÚA”. (x. 2Sm 12, 1-13).

***
Giả sử vua Đa-vít không nghe lời sửa lỗi của ngôn sứ Na-than và “lôi cổ” ông ra chém đầu, thì sao? Rất may là đã không có sự “giả sử” đó.

Nhưng, nếu điều đó xảy ra đối với chúng ta hôm nay! “Nếu nó không chịu nghe”? Thưa, Đức Giê-su dạy: “Nếu nó không chịu nghe, thì đem theo một hay hai người nữa, để mọi công việc được giải quyết, căn cứ vào lời hai hoặc ba nhân chứng” (x Mt 18, 16).

“Đây không phải là gây áp lực. Sự hiện diện của các chứng nhân bảo đảm cho tính khách quan và cộng đoàn. Vâng, Lm. Nguyễn Hữu An có lời chia sẻ như thế.

Chưa hết, ngài Lm. còn có lời tiếp rằng: “Luật Môsê dạy: ‘Một nhân chứng duy nhất không thể đứng lên buộc tội một người về bất cứ tội lỗi nào, phải căn cứ vào lời của hai hay ba nhân chứng, sự việc mới được cứu xét’ (Đnl 19,15). Tuy nhiên, chỉ thị của Chúa Giêsu nói đây không phải là nhân chứng buộc tội nhưng là những người trợ lực có uy tín để giúp tội nhân dễ dàng sữa lỗi. Cần kiên nhẫn đối vơi người cố chấp”.

“Đem theo một hay hai người nữa” tông đồ Phao-lô có lời nhận định, đó là cách thể hiện tinh thần “tương thân tương ái” (x. Rm 13, 8).

Trở lại với lời truyền dạy của Đức Giê-su. Hôm đó, Ngài còn đưa ra một nguyên tắc nữa, đó là: Nếu một hay hai người đến “sửa lỗi” với tinh thần tương thân tương ái mà người phạm lỗi không nghe, thì: “Hãy đi thưa Hội Thánh”.

“Thưa Hội Thánh sao!”. Đúng vậy. Ở một vài thời điểm, một ai đó có thể từng bước, từng bước “trót phạm tội”, những tội vi phạm đến giới luật “một vợ một chồng”, hoặc những tội vi phạm đến giới luật “độc thân” trong đời tu, chẳng hạn… Thưa ra Hội Thánh, Lm Nguyễn Hữu An nói: “không phải để bị xét xử nhưng để tỏ lòng sám hối và sẽ được ân xá”.

Cuối cùng, “Nếu Hội Thánh mà nó cũng chẳng nghe”! Vâng, Đức Giê-su nói: “thì hãy kể nó như một người ngoại” (x Mt 18, 17).

Thật ra, suốt chiều dài lịch sử Hội Thánh, với trường hợp kể-nó-như-người-ngoại, nếu có thực thi thì cũng chỉ là “giọt nước tràn ly”, là một sự bất khả kháng, mà thôi.

****
Sửa lỗi cho nhau, sửa lỗi một ai đó đang “sa lầy” vào một vũng lầy tội lỗi, không phải là một chuyện dễ dàng. Thế nhưng, đó là việc chúng ta phải làm. Và, cách làm hay nhất, đó là “đưa ra những lời cảnh báo”.

Nếu “nhiệm vụ của đài khí tượng là cảnh báo trước cho dân biết các hiện tượng thời tiết sắp xảy ra có thể gây nguy hiểm, như bão và lũ quét, để dân có biện pháp đề phòng hay tránh né” thì những-lời-cảnh-báo của chúng ta cũng “có thể chế ngự một số cơn bão trong đời tư của một ai đó, nhất là sớm đưa ra lời cảnh báo”.

Lm.Charles E.Miller đã có lời khuyên như thế. Và, ngài Lm. còn có lời tiếp rằng: “Anh chị em phải chấp nhận một thực tế là Thiên Chúa đã đặt chúng ta là người canh gác cho nhau như Người đã từng làm như vậy với ngôn sứ Ê-dê-ki-en.”

Xưa, Thiên Chúa phán với Ê-dê-ki-en, rằng: “Phần ngươi, hỡi con người, Ta đã đặt ngươi làm người canh gác cho nhà Ít-ra-en. Ngươi hãy nghe lời từ miệng Ta phán ra, rồi thay Ta báo cho chúng biết.”

Nay, có phần chắc, Chúa cũng sẽ nói với chúng ta như vậy. Thiên Chúa sẽ nói với chúng ta rằng: “Nếu Ta phán với kẻ gian ác rằng: Hỡi tên gian ác, chắc chắn ngươi phải chết, mà ngươi không chịu nói để cảnh cáo nó từ bỏ con đường xấu xa, thì chính kẻ gian ác ấy sẽ phải chết vì tội của nó, nhưng Ta sẽ đòi ngươi đền nợ máu nó.”

Nghe có hãi hùng không? Thưa không. Không là bởi, Thiên Chúa còn phán tiếp rằng: “Ngược lại, nếu ngươi đã báo cho kẻ gian ác phải từ bỏ con đường của nó mà trở lại, nhưng nó không trở lại, thì nó sẽ phải chết vì tội của nó; còn ngươi, ngươi sẽ cứu được mạng sống mình.” (x.Gr 33, 9).

Thiên Chúa phán với chúng ta là thế đó. Và, chúng ta phải là người canh gác cho nhau. Ít nhất, ít nhất là canh gác cho chính gia đình mình.

Đừng để “nước tới chân mới nhảy”. Nói rõ hơn, đừng để những “cơn bão”, đại loại như bão-nghiện-game, bão-nghiện-ma-túy, bão-nghiện-sex, bão-phá-thai, bão-hôn-nhân-đồng-tính v.v… tàn phá gia đình chúng ta, tàn phá mảnh đất tâm hồn con em chúng ta.

Hãy là người đưa ra những lời cảnh báo sớm, để mà phòng tránh, để mà chế ngự nó. Hãy lớn tiếng nói với người thân của chúng ta, con em của chúng ta, rằng: Phá thai là phạm điều răn thứ năm: “chớ giết người”. Nghiện-sex có nguy cơ phạm điều răn thứ bảy: “chớ phạm tội tà dâm.” Hôn nhân đồng tính vi phạm luật hôn nhân Công Giáo v.v…

Không thể viện dẫn lý do, chẳng hạn như: “Ồ! Đã có nhà trường lo, đã có nhà thờ lo v.v…” Không thể viện dẫn lý do rằng: nước đổ là khoai, rằng, chúng nó có thèm nghe đâu!

Sửa lỗi cho nhau, hay cảnh báo cho nhau, không phải là chuyện dễ dàng. Và đó là lý do ngài Lm. Charles có lời nhắn nhủ: “Giống như ngôn sứ Ê-dê-ki-en, chúng ta được đặt làm người sửa lỗi và canh gác cho nhau. Món nợ tương thân tương ái mà ta chưa trả hết, bao hàm nghĩa vụ phải cánh báo nhau về các hiểm họa thiêng liêng trong cuộc sống. Các lý do này khác không bãi miễn trách nhiệm của chúng ta. Ta cũng không thể trốn tránh bằng cách cho rằng người trong cuộc dẫu sao cũng chẳng thèm nghe, hoặc sẽ bực mình và tức giận, hay đơn giản vì mình không thạo lắm với công việc này.”

Sửa lỗi cho nhau, Đức Giê-su đã dạy chúng ta phương cách thực hiện. Canh gác cho nhau, đó là điều Thiên Chúa đã đặt để chúng ta. Để chúng ta có thể thực hiện một cách tuyệt hảo phần việc này, hãy luôn tham dự thánh lễ.

Trong thánh lễ, chúng ta cầu nguyện cho nhau. Trong thánh lễ, chúng ta “cùng ăn một tấm bánh cùng uống một chén thánh”, những điều này giúp chúng ta ý thức rằng: phải chu toàn trách nhiệm với nhau.

Vâng, nói cách khác, chúng ta phải có sự tương thân tương ái.

Petrus.tran

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây