TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Đại Lễ Chúa Giáng Sinh

“Hôm nay, Ðấng Cứu Thế đã giáng sinh cho chúng ta”. (Lc 2, 1-14)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Sám Hối Và Lòng Thương Xót

Thứ hai - 10/05/2021 07:13 | Tác giả bài viết: Lm Giuse Hoàng Kim Toan |   886
samhoi&LTX
samhoi&LTX

Sám Hối Và Lòng Thương Xót

Người được thương xót là người được Thiên Chúa tha nợ cho. Trong Thánh Kinh, Thiên Chúa tha thứ là Ngài quên hết tội lỗi của người được tha thứ, tội lỗi được xem như vất ra sau lưng Ngài (Is 38, 17).

Ý thức về tội trong các nền văn hoá rất khác biệt nhau. Thường ý thức ấy bắt đầu từ việc làm cho thần linh của mình giận dữ. Muốn làm nguôi cơn giận ấy họ dâng lễ vật để cầu xin lòng thương xót.

Tội chỉ thể hiện rõ ràng khi có cặp đối lập sự thiện và sự ác. Kẻ đứng về phía sự ác là kẻ chống lại điều thiện. Họ không ý thức mình là tội nhân vì sự ác bao chiếm làm thoái hoá lương tri, làm tê liệt hành động làm việc lành, gây rối loạn, làm mờ ám.

Thông thường nó biểu trưng bằng hình ảnh con quỷ, đại diện cho kẻ ác. Nó mang thân súc vật đội lốt người, thân hình gớm ghê biểu tượng sự tha hoá về mặt tinh thần. Quỷ cũng được mệnh danh là Tên Đao Phủ, Kẻ Cám Dỗ. Đó là danh xưng bao hàm về kẻ thoái hoá toàn bộ nhân cách. Quỷ dữ và những kẻ theo nó là nguyên nhân của mọi chia rẽ, nó chia rẽ nội tâm, nó chia cắt tình bạn, nó phân xẻ tình yêu, trái với tất cả những gì là quy tụ hợp nhất.

Điều khó khăn nhất đối với con người là sự dữ đã đi vào thế gian. Sức mạnh của quỷ dữ đã ăn sâu vào xác thịt, theo từ ngữ của nó là đối lập với tinh thần. Xác thịt không những khó tiếp nhận giá trị tinh thần mà còn dễ rơi vào tội lỗi.

Theo quan niệm người Hy Lạp thường phân biệt linh hồn và thể xác là hai cực đối lập bên trong thanh sạch và nhơ bẩn theo nghĩa bên ngoài. Thánh Phaolô đã mượn phạm trù ấy diễn tả một cách có hệ thống về xác thịt và Thần Khí. Thánh Phaolô diễn tả xác thịt theo nghĩa làm tôi cho tội lỗi, nạp mình cho nó có nghĩa là chấp nhận mầm mống hủ bại. Bản tính của con người đã bị tội lỗi bào mòn như thế, thật đáng thương, nên cần nhờ đến lòng thương xót của Thiên Chúa. Lòng thương xót đến kẻ phàm nhân vì ý chí đã bị suy nhược “Muốn làm điều lành nhưng lại không làm, điều xấu không muốn lại làm”[1].

Từ nay xác thịt mang theo một ý nghĩa khác với trước đây, nó không chỉ nhân tính hay thân thể mà mang một ý nghĩa về luân lý: Con người đã bị suy thoái vì tội lỗi, đánh mất sự ngay thẳng và đoan chính. Xác thịt lôi kéo con người xuống dưới vực thẳm mà lúc nào con người cũng cố gắng để vươn lên.

Theo các giáo phụ, ý nghĩa của từ ngữ xác thịt ảnh hưởng theo hai hướng tuỳ theo cách thức nhìn về tội lỗi.

Hướng thứ nhất bao gồm Jêrome và Tertullien, nhóm thứ hai là Ambroise và Augustin. Nếu xác thịt được xem là địch thủ của tinh thần, thì nó được xác định là kẻ thù, không khống chế nổi hoặc chưa được chế ngự và luôn luôn gây rối loạn.

Phái ngộ đạo thuyết, Montanus, Manes thì quá cường điệu vấn đề xác thịt và tinh thần, khiến ngạt thở trong vấn đề xác thịt và tội lỗi để rồi dập tắt luôn nguồn ơn cứu rỗi.

Phân biệt giữa tội và tội nhân. Tội là thuộc về ma quỷ luôn luôn bị lên án, tội nhân thì cần nhờ đến lòng thương xót của Thiên Chúa.

Con người ở trong thân xác mang tính trung lập, có thể bị lôi kéo về sự dữ và có thể nghiêng về điều lành. Dù nghiêng về sự lành hay có khuynh hướng chiều theo sự dữ thì con người cũng đều cần đến lòng thương xót của Chúa. Bởi vì không có điều lành nào mà không phải là hoa trái của Chúa Thánh Thần. Chúng ta cần nhờ đến ân sủng kì diệu của Thiên Chúa là ân sủng của Chúa Thánh Thần để chiến thắng sự dữ.

Dù sao đi nữa, chúng ta đều là tội nhân, đều cần đến lòng thương xót của Thiên Chúa. Nhờ sự chiến thắng của Đức Kitô đánh bại quyền lực sự dữ đến tận gốc và nhờ Đức Kitô đã mang lấy nhục thể là thân xác này mà đóng đinh nó vào Thập Giá, kết án tội lỗi ngay chính trong xác thịt mà chúng ta cần nhờ đến ơn cứu độ của Ngài. Nhờ Ngài mà chiến thắng của chúng ta được bảo đảm.

Sám hối để nhận được lòng thương xót của Chúa, đó là cộng tác vào công trình cứu rỗi Chúa thực hiện.

Lm. Giuse Hoàng Kim Toan

 

________________________________________
[1] Rm 7, 14; 8, 8; Gl 5, 13; 6, 8

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây