Quyến luyến và dứt bỏ
Thù ghét thế gian hay yêu mến thế gian. Có hai cách hiểu yêu và ghét: Qua thế gian này chúng ta yêu mến Thiên Chúa, và cũng qua thế gian tội lỗi này, ta ghét bỏ nó.
Con đường yêu thế gian để yêu mến Thiên Chúa, xem ra lại khó, vì xưa nay ta thường được dạy thù ghét thế gian. Con đường của linh mục Teilhard de Chardin đi tìm học biết những diều kỳ bí của địa chất học, theo thời của ngài là không được ủng hộ. Thời các cha già cố ngày xưa cũng hay dạy các ứng sinh linh mục không nên đọc những tác phẩm đời, mà hãy đọc nhiều hạnh các thánh. Thời ấy dạy theo sát từ ngữ Thánh Kinh: “Anh em đừng yêu thế gian và những gì ở trong thế gian. Kẻ nào yêu thế gian thì nơi kẻ ấy không có lòng mến Chúa Cha” nhưng lại quên mất ngay câu theo Thánh Gioan thế gian là những gì như ngài viết: “Vì mọi sự trong thế gian: như dục vọng của tính xác thịt, dục vọng của đôi mắt và thói cậy mình có của, tất cả những cái đó không phát xuất từ Chúa Cha, nhưng phát xuất từ thế gian” (1Ga 2, 15 – 16)
Vậy quyến luyến thế gian theo cách qua nó yêu mến Thiên Chúa là đòi hỏi học hỏi về nó như một hy sinh, tu đức như một bổn phận thiêng liêng. Càng hiểu biết sâu về thiên nhiên, muốn dứt bỏ nó không dễ dàng. Nếu không có hiểu biết, nếu không có thì làm sao nói dứt bỏ cái mình không có. Cái ta dứt bỏ như một bổn phận thiêng liêng, theo Thomas á Kempis: “Học để để dứt bỏ tình yêu với sự vật hữu hình và biến đổi nó thành tình yêu với sự vật vô hình”. Từ yêu mến thế gian bước qua cửa yêu mến thiên đường vĩnh cửu.
Trong văn kiện công đồng Vat II với tài liệu “Gaudium et spes” nhấn mạnh đến vai trò người tín hữu cần làm sáng tỏ Thiên Chúa trong lãnh vực trần thế của mình với tinh thần khiêm hạ và đúng đắn. Con người có trách nhiệm với hoàn vũ này với tư cách của một công dân thế giới.
Bắt tay làm việc, thao thức về trần thế này với ơn cứu độ của Thiên Chúa. Đó là cách thức dứt bỏ của quyến luyến thế gian mà giữ lấy niềm vui Nước Trời.
L,m Giuse Hoàng Kim Toan