Hài hoà
Nghệ thuật bao giờ cũng đặt trên nền tảng hài hoà. Thiên nhiên vốn dĩ hài hoà, thuận theo tự nhiên. Điều dễ ưa, dễ nhìn, thường làm dịu mát tâm hồn con người khi chiêm ngắm, khi giao tiếp. Hài hoà giữa tâm hồn và thể xác, giữa tinh thần và vật chất.
Hài hoà là trạng thái giữa tĩnh và động. Trạng thái tĩnh được sánh ví như gạn đục khơi trong, thanh tẩy tâm hồn. Lặng quan trọng như nhịp thở sâu trong đời sống, nó cần đi sâu vào cuộc sống ý nghĩa với sự tròn đầy. Ta có thể quan sát biển để thấy cách hài hoà giữa sóng và nước. Nếu biển ở cạn nước lúc nào cũng động, nếu biển ở nước sâu lúc nào cũng lặng, mặc dù trên bề mặt biển nổi sóng. Điều làm cho sóng nước hài hoà khi biển êm là nền nước sâu điều tiết nước mặt, tĩnh kèm động để yên. Nếu ta có tâm tĩnh lặng ta cũng sẽ điều tiết được hành động hài hoà, dễ chịu, dễ thương.
Hài hoà giữa tâm và hành. Tâm bất an hành động cũng bất an. Hành động là nguyên do hay là hậu quả của tâm bất an. Thông thường như Chúa dạy: “Cái bên trong làm cho người ta nên vẩn đục, chứ không phải cái bên ngoài vào” (Mc 7, 23).
Tâm tĩnh lặng cần có không gian tĩnh lặng. Chúa Giêsu thường lên núi cầu nguyện khi trời còn mờ sáng, hay chiều tối. Đời sống con người gắn liền với thiên nhiên từ bao thuở. Thiên nhiên có thể mang cho con người sức mạnh của tinh thần, giúp chữa lành tâm hồn, hay như mang bình an cho tâm hồn.
Con người thành thị thường có nhiều bất an hơn những người ở thôn quê, quen sống với thiên nhiên, lao động chân tay. Người ở thành thị thường có dịp là chạy ngay về quê hay đi du lịch vùng sông núi. Ở đó họ tìm thấy thanh bình, nghỉ dưỡng cho tâm hồn tươi trẻ sau những ngày mệt nhọc phố thị.
Trong đời sống cầu nguyện hay nơi Thánh Đường cũng nên có những mảnh vườn nhỏ, vài chỗ thư giãn, tĩnh lại tâm hồn trước khi vào tham dự Thánh lễ.
Một chút nhẹ nhàng của cây xanh, một chút lành mạnh cũng có thể làm nên một chút hài hoà trong cuộc sống.
L.m Giuse Hoàng Kim Toan