TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật III Thường Niên -Năm C

“Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh này”. (Lc 1, 1-4; 4, 14-21)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Đức Giê-su - Ngài là kho tàng của ta

Thứ sáu - 28/07/2023 21:49 | Tác giả bài viết: Petrus.tran |   954
“Nước Trời giống như chuyện kho báu chôn giấu trong ruộng. Có người kia gặp được thì liền chôn giấu lại, rồi vui mừng đi bán tất cả những gì mình có mà mua thửa ruộng đó.”

Chúa Nhật XVII – TN – A
Đức Giê-su - Ngài là kho tàng của ta

 

tbd 290723a

 

Theo Tin Mừng thánh Mát-thêu ghi lại, chúng ta được biết: “Đức Giê-su (đã) gọi mười hai môn đệ lại, để ban cho các ông quyền trên các thần ô uế, để các ông trừ chúng và chữa hết các bệnh hoạn tật nguyền.” Sau đó, “Người sai mười hai ông ấy đi và chỉ thị rằng: Anh em đừng đi về phía các dân ngoại, cũng đừng vào thành nào của dân Samari. Tốt hơn là hãy đến với các con chiên lạc nhà Israel. Dọc đường hãy rao giảng rằng: Nước Trời đã đến gần.” (x.Mt 10, 1-7).

Lệnh truyền này gợi cho chúng ta nhớ, chính Đức Giê-su, khi khởi sự cho sứ vụ loan báo Tin Mừng, Ngài cũng đã có lời kêu gọi: “Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần.” (x.Mt 4, 17).

Nói về Nước Trời, theo quan điểm của Đức Giê-su, phải coi đó là ưu tiên số một cho việc “tìm kiếm”. Một ngày nọ, Ngài đã nói: “Trước hết, hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho.”

Không chỉ coi việc tìm kiếm Nước Trời là ưu tiên số một, Đức Giê-su, qua hai dụ ngôn, Ngài có thêm lời dạy rằng, phải dồn hết n lực cho công việc tìm kiếm đó. Hai dụ ngôn này được ghi lại trong Tin Mừng thánh Mát-thêu với tiêu đề: “Dụ ngôn kho báu và ngọc quý” (x.Mt 13, 44-52).

**
Hai dụ ngôn đã được Đức Giê-su kể rằng: “Nước Trời giống như chuyện kho báu chôn giấu trong ruộng. Có người kia gặp được thì liền chôn giấu lại, rồi vui mừng đi bán tất cả những gì mình có mà mua thửa ruộng đó.”

Sau đó, Ngài kể tiếp: “Nước Trời lại cũng giống như chuyện một thương gia đi tìm ngọc đẹp. Tìm được một viên ngọc quý, ông ta ra đi, bán tất cả những gì mình có mà mua viên ngọc ấy.”

Vâng, đó là những gì hai nhân vật trong hai dụ ngôn đã thực hiện. Và, nếu có lời bình luận nào cho hai nhân vật này, nên chăng gọi họ là những con người đã hết sức nỗ lực cho việc sở hữu điều mà họ xem là “giá trị” trong cuộc sống!

Thưa, đúng vậy. Hai nhân vật trong dụ ngôn tỏ ra đã khôn ngoan, khôn ngoan “nhận biết điều gì đúng, điều gì sai, điều hay, điều dở, điều gì tạm thời, và điều gì bền vững lâu dài.”

Đức Giêsu, qua việc kể hai dụ ngôn (nêu trên), Ngài muốn gửi đến mọi người một thông điệp, thông điệp rằng: phải khôn ngoan biết nhận ra cái gì là giá-trị-thật-cho-cuộc-sống.

Và, giá trị thật cho cuộc sống, mà Đức Giê-su nói đến (qua dụ ngôn) chính là “Nước Trời”. Giá trị thật cho cuộc sống là sự vĩnh cửu trong Nước Trời, nơi có thể “tích trữ cho mình những kho tàng, mối mọt không làm hư nát và kẻ trộm không khoét vách lấy đi.” (x.Mt 6, 20).

***
Nước Trời có một giá trị tuyệt hảo như thế đó. Là một Ki-tô hữu, không có lý do gì chúng ta lại không nỗ lực sở hữu Nước Trời.
Xưa kia, sau khi kể xong dụ ngôn, Đức Giê-su hỏi các môn đệ: “Anh em có hiểu tất cả những điều ấy không?” Hôm ấy, các môn đệ đáp: “Thưa hiểu”.

Còn hôm nay, khi nghe câu hỏi này, chúng ta sẽ trả lời như thế nào? Phải chăng là “Tôi cũng hiểu?”

Vâng, hãy để tâm hồn mình một phút trong thinh lặng và suy tư, chúng ta “sẽ hiểu”. Chúng ta sẽ hiểu rằng, tôi đang sống trên một đám ruộng “ruộng thế gian”. Trên đám ruộng này cũng đã có một “kho báu”. Kho báu đó chính là “Đức Giê-su Ki-tô”. Ngài chính là “viên ngọc quý” Thiên Chúa ban cho thế gian này.

Sự hiểu biết (rất cần thiết) này sẽ là động lực giúp chúng ta vận dụng sự khôn ngoan của mình, n lực sở hữu kho báu và viên ngọc quý là Đức Giê-su Ki-tô.

Đừng có ý nghĩ tiêu cực rằng tôi không đủ khôn ngoan để “phân biệt” Đức Giê-su Ki-tô chính là kho báu và viên ngọc quý Thiên Chúa ban cho.

Không! “Thiên Chúa…” Kinh Thánh chép rằng, “…yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời.” (Ga 3, 16).

Mà, nếu chúng ta không đủ khôn ngoan! Chẳng sao cả! Hãy noi gương vua Sa-lô-môn. Xưa, vua Sa-lô-môn không cầu xin ĐỨC CHÚA điều gì ngoài lời cầu xin cho mình “một tâm hồn biết lắng nghe… và phân biệt phải trái”.

Kinh Thánh chép rằng: “Chúa hài lòng vì vua Sa-lô-môn xin điều đó.” Và rồi, “Thiên Chúa phán với vua: Bởi vì ngươi đã xin điều đó, ngươi đã không xin cho được sống lâu, hay được của cải… nhưng đã xin cho được tài phân biệt để xét xử, thì này, Ta làm theo như lời ngươi, Ta ban cho người một tâm hồn khôn ngoan minh mẫn.” (1V 3, 9-12).

Một tâm hồn khôn ngoan minh mẫn, chẳng phải là ơn khôn ngoan, sao! Mà, ơn khôn ngoan chẳng phải là chúng ta đã được lãnh nhận qua Bí Tích Thêm Sức, một món quà tặng của Chúa Thánh Thần!! Thế nên, hôm nay, nếu có xin, chúng ta hãy xin “ban thêm”.

Rất, rất cần xin “ban thêm ơn khôn ngoan”. Bởi vì, nhờ đó chúng ta được thêm soi sáng hầu nhận ra giá trị của “bác ái, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hòa, tiết độ”, là những giá trị không thể thiếu trong đời sống của một Ki-tô hữu.

Những giá trị này có thể ví như “tài sản”, một thứ tài sản mà chúng ta sẽ “bán tất cả” để mua thửa ruộng có kho báu và mua viên ngọc quý mà chúng ta “tìm và gặp”.

****
Sẽ là thiếu sót nếu chúng ta không nói đến “Dụ ngôn chiếc lưới”. Đây là dụ ngôn được mô tả về những ai sẽ không được thừa hưởng Nước Trời.

Hôm ấy, Đức Giê-su kể rằng: “Nước Trời lại còn giống như chiếc lưới thả xuống biển, gom được đủ thứ cá. Khi lưới đầy, người ta kéo lên bãi, rồi ngồi nhặt cá tốt cho vào giỏ, còn cá xấu thì vứt ra ngoài.”

Vâng, đây là công việc không một ngư phủ nào mà không hơn một lần thực hiện. Tôi (người viết) cũng đã từng chứng kiến công việc này ở Bến Đá – Vũng Tàu, hồi trước năm 1975. Cá xấu các ngư phủ vất bỏ, không tiếc nuối.

Tiếp tục câu chuyện dụ ngôn, Đức Giê-su cho biết: “Đến ngày tận thế, cũng sẽ xảy ra như vậy.”

Xảy ra như vậy là xảy ra như thế nào? Thưa, Đức Giê-su nói: “Các thiên thần sẽ xuất hiện và tách biệt kẻ xấu ra khỏi hàng ngũ người công chính, rồi quăng chúng vào lò lửa. Ở đó chúng sẽ phải khóc lóc nghiến răng.”

À! Hóa ra, hóa ra “cá xấu” tượng trưng “kẻ xấu”. Còn “cá tốt”! Không thấy dụ ngôn nói gì. Chúng ta có thể xem đó như là tượng trưng cho “người công chính”!

Vâng, ở đâu cũng có người xấu, người tốt lẫn lộn. Trong lòng Giáo Hội cũng không là loại trừ. Nhóm Phiên Dịch CÁC GIỜ KINH PHỤNG VỤ đã có lời chia sẻ về đoạn dụ ngôn này như sau: “Những ai gia nhập Giáo Hội thì họ được hưởng phần phúc Nước Trời, nhưng họ đâu nắm chắc rằng, họ sẽ không có nguy cơ đánh mất… Sẽ có nhiều người đến rồi sẽ bỏ đi.”

Chúng ta sẽ bỏ đi, vì giá trị kho tàng Nước Trời không bằng giá trị kho tàng trần thế? Câu trả lời là của mỗi chúng ta. Thế nhưng đừng quên, Đức Giê-su có nói: “Được lời lãi cả thế gian mà mất linh hồn nào được ích gì”.

Thánh Phaolô trải nghiệm được điều này, do vậy, ngài đã có lời chia sẻ: “tôi coi tất cả mọi sự là thiệt thòi, so với mối lợi tuyệt vời, là được biết Đức Kitô Giê-su, Chúa của tôi” (Pl 3,8).

Lời Chúa, qua những dụ ngôn trên, chúng ta đã rõ. Việc còn lại, không gì tốt hơn là chúng ta hãy có một tâm tình cầu nguyện, như tâm tình vua Sa-lô-môn, mà cất tiếng nguyện rằng: Lạy Chúa… “xin cho tôi tớ Chúa đây, một tâm hồn biết lắng nghe… và biết phân biệt phải trái” (1V 3, 9).

Với việc lắng nghe Lời Chúa, chúng ta sẽ biết-phân-biệt-phải-trái, và cuối cùng, chúng ta sẽ khám phá ra, rằng: “Đức Giê-su là viên ngọc quý”.

Vâng, Đức Giê-su là viên ngọc quý. Và, chúng ta còn có thể nói thêm, rằng: “Ngài là kho tàng của ta.”

Petrus.tran

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây