TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật XXXII Thường Niên – Năm B

“Bà góa nghèo này đã bỏ nhiều hơn hết”. (Mc 12, 38-44)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Ta sẽ được cứu – khi ở trong thuyền

Thứ năm - 10/08/2023 18:58 | Tác giả bài viết: Petrus.tran |   1393
“Cứ yên tâm, chính Thầy đây, đừng sợ”.

Chúa Nhật XIX – TN – A
Ta sẽ được cứu – khi ở trong thuyền

 

tbd 110823a

 

“Một niềm phó thác đời con trong tay Ngài. Dù là đêm dài, dù là tương lai. Một niềm phó thác đời con cho Ngài. Đừng bỏ con mồ côi gục ngã trên nẻo đời.” Những dòng chữ trên đây là trích đoạn bài thánh ca “Một Niềm Phó Thác” – tác giả: Lm. Nguyễn Mộng Huỳnh.

Vâng, là một Ki-tô hữu, chắc hẳn không ai trong chúng ta lại không nhìn nhận rằng: phó thác đời ta cho Chúa là điều không thể thiếu trong đời sống đức tin của mình.

Không có sự phó thác vào Chúa, đức tin của chúng ta rất dễ bị chao đảo, lung lay mỗi khi cuộc đời mình gặp một vấn đề nan giải nào đó, để rồi cuối cùng là có nguy cơ sói mòn niềm tin.

Thế nào là niềm tin phó thác? Thưa, “Đó là lòng tín thác của con người đối với Thiên Chúa như người con đối với cha của mình.”

Đức Giê-su, trong những ngày ra đi rao giảng Tin Mừng, mỗi một bài truyền giảng, Ngài luôn hướng lòng mọi người hãy có một niềm tin phó thác. Một sự phó thác như “(những con) chim trời: chúng không gieo, không gặt, không thu tích vào kho, thế mà (Chúa) trên trời vẫn nuôi chúng”. Còn với mỗi bệnh nhân được chữa lành ư! Vâng, Ngài luôn nói với họ, rằng: “lòng tin của con đã cứu chữa con.”

Thế còn niềm tin phó thác của các môn đệ? Thưa, ba năm theo Thầy Giêsu. Ba năm cùng ăn, cùng ở với Ngài. Dù đã chứng kiến biết bao điều kỳ diệu Đức Giêsu đã làm, như “chữa nhiều kẻ ốm đau mắc đủ thứ bệnh tật” kể cả những kẻ “bị quỷ ám”, v.v… Và dù đã thấy rõ Ngài đã “chữa một người đàn bà băng huyết đã mười hai năm” chỉ nhờ vào “lòng tin phó thác” của bà ta, thế nhưng, các môn đệ dường như vẫn thiếu niềm tin tưởng phó thác nơi Thầy Giêsu! Sự thiếu niềm tin phó thác nơi các ông đã bộc lộ không dưới một lần.

Lần thứ nhất xảy ra trong dịp các ông và Đức Giêsu có một cuộc hải trình băng qua biển hồ Tiberia. Chuyện được kể rằng: “Một trận cuồng phong nổi lên, sóng ập vào thuyền, đến nỗi thuyền đầy nước”. Vâng, thuyền đầy nước đến độ các ông tưởng rằng Thầy và trò “chết đến nơi rồi…”. Chỉ đến khi Đức Giêsu “ngăm đe gió và truyền cho biển: Im đi. Câm đi”. Lúc đó các ông mới cảm thấy “tẽn tò” trước lời trách cứ của Thầy mình: “Sao nhát thế, hỡi những người kém lòng tin” (Mt 8,26).

Còn lần thứ hai? Thưa, lần này xảy ra sau biến cố Đức Giê-su làm phép lạ “hóa bánh ra nhiều” cho hơn năm ngàn người ăn. Sự kiện này được ghi lại trong Tin Mừng thánh Mát-thêu. (x.Mt 14, 22-33).

**
Câu chuyện được thánh Mát-thêu ghi lại như sau: Hôm ấy, sau biến cố làm phép lạ hóa bánh ra nhiều cho hơn năm ngàn người ăn, Đức Giê-su “liền bắt các môn đệ xuống thuyền qua bờ bên kia trước, trong lúc Người giải tán dân chúng”.

Vâng, vẫn là một chuyến hải trình như mọi chuyến hải trình trước kia. Tuy nhiên, chuyến hải trình lần này có chút khác biệt, đó là, lần này không có Đức Giêsu cùng đi theo.

Đức Giê-su đâu? Thưa, hôm đó, sau khi giải tán đám đông “Người lên núi một mình và cầu nguyện”. Rồi, khi trời đã sụp tối và “Người vẫn ở đó một mình. Còn chiếc thuyền thì đã ra xa bờ đến cả mấy cây số”, thì bất ngờ, “thuyền bị sóng đánh vì ngược gió”.

Bị-sóng-đánh-vì-ngược-gió, chứ không phải sóng-ập-vào-thuyền-đến-nỗi-thuyền-đầy-nước, như chuyến hải trình lần trước. Thế nên, không thấy các môn đệ hoảng hốt sợ hãi.

Thế nhưng, “vào khoảng canh tư”, một sự kiện kỳ lạ xảy ra và đã làm cho các ông hoảng hốt. Vâng, chuyện kể rằng: Đức Giê-su – “Người đi trên mặt biển mà đến với các môn đệ.”

Người đời thường nói: “Tâm ma mới gặp ma”. Tâm chứa điều gì, cuộc đời sẽ kết duyên với điều đó. Tâm chứa ma thì luôn nghĩ đến ma. Luôn nghĩ đến ma thì sẽ nhìn thấy ma. Luôn nhìn thấy ma thì sẽ dễ sống trong tâm trạng có ma bên mình.

Có vẻ như lời nhận định trên là đúng! Hãy nhìn xem mười hai môn đệ đang hiện diện trên con thuyền. Họ đã dám bỏ hết mọi sự để theo Đức Giê-su. Đã cùng ăn, cùng ở và cùng làm việc với Ngài. Hàng ngày luôn kề cận bên Ngài. Thế mà, than ôi! Thân các ông bên Chúa nhưng tâm của các ông lại là “tâm ma”… Phải chăng, chính vì thế nên các ông đã không nhận ra Chúa!

Hôm ấy, theo lời thánh Mát-thêu kể lại: “Thấy Người đi trên mặt biển, các ông hoảng hốt bảo nhau: Ma đấy!”. Vâng, các ông đã “sợ hãi la lên”, như thế!

Đức Giê-su có trách các ông, như lần trước! Thưa không. Không khiển trách như lần trước. Lần này, Đức Giêsu có vẻ như thấu hiểu nỗi lòng của các ông. Nỗi lòng của những con người đang phải sống trong một xứ sở, ra ngõ là phải đụng mặt những tên “ma đầu giáo chủ”. Đó là những “ông kẹ” Phariseu, Sa- đốc, v.v… luôn rình rập, chực chờ hãm hại Ngài cũng như các môn đệ của Ngài.

“Cứ yên tâm, chính Thầy đây, đừng sợ”. Vâng, lời phán truyền của Thầy Giê-su đã làm cho các ông định hướng lại sự suy nghĩ của mình.

Phê-rô, ông Phê-rô ngay lập tức, nói lên suy nghĩ của mình, rằng: “Thưa Ngài, nếu là Ngài, thì xin truyền cho con đi trên mặt nước mà đến với Ngài.”

“Thưa Ngài, nếu là Ngài…” Ông Phê-rô nói như thế. Thế mà, thật ngạc nhiên, Đức Giê-su không một lời khiển trách về sự “nghi ngờ” của Phê-rô. Ngài đã bảo ông: “Cứ đến”. Nghe Đức Giê-su nói thế, chuyện kể tiếp rằng: “Ông Phê-rô từ thuyền bước xuống, đi trên mặt nước, và đến với Đức Giê-su.”

Mọi việc tưởng chừng suôn sẻ. Thế nhưng, “nhưng thấy gió thổi thì ông đâm sợ”. Rồi khi cảm thấy “bắt đầu chìm, ông la lên: Thưa Ngài, xin cứu con với!”

Thánh Vịnh (118, 5-6) có lời chép rằng “Giữa cảnh gian truân, tôi đã kêu cầu Chúa. Chúa đáp lời và giải thoát tôi. Có Chúa ở cùng tôi, tôi chẳng sợ gì”.

Mà thật vậy, hôm ấy, ông Phê-rô đã kêu cầu và Đức Giê-su đã đáp lời. Ngài đáp lời Phê-rô bằng cách “đưa tay nắm lấy ông.”

Tiếp sau đó, Đức Giê-su có lời trách: “Người đâu mà kém tin vậy. Sao lại hoài nghi?” Vâng, chỉ là một lời trách cứ nhẹ nhàng nhưng cần thiết. Cần thiết cho ông Phê-rô (và cũng là cho chúng ta hôm nay.)

Cứ ở trên thuyền, rồi Thầy Giê-su sẽ đến, thì đã sao!

Vâng, chia sẻ về sự kiện này, Lm.Charles E.Miller có lời rằng: “Có lẽ Đức Giê-su chấp thuận lời yêu cầu khó đáp ứng này vì muốn dạy Phê-rô và hết thảy chúng ta một bài học: Hãy hài lòng về cách hành động của Chúa, chứ đừng đòi hỏi Người làm theo cách chúng ta.”

“Anh chị em phải ở lại trên thuyền, vì chiếc thuyền tượng trưng cho Giáo Hội” – ngài Charles có lời tiếp rằng: “Chiếc thuyền này sẽ không bao giờ chìm, thậm chí giữa cơn sóng ba đào vốn tạo ra những gương mù gương xấu nghiêm trọng trong lòng Giáo Hội khiến ta mất phương hướng. Con thuyền Giáo Hội sẽ không lật úp cho dù bị tròng trành bởi những cơn bão lớn đe dọa khiến ta mất lòng tin và đâm ra xao xuyến. Mặc cho phương pháp người khác chọn là gì, (chúng) ta biết mình luôn sẽ tìm thấy Thiên Chúa ở đâu.”

Thiên Chúa ở đâu? Đức Giê-su ở đâu? Thưa, “ở trên thuyền”. Chúng ta sẽ thấy Thiên Chúa ở trên thuyền. Chúng ta sẽ thấy Đức Giê-su ở trên thuyền.

Hôm ấy, “Khi Thầy trò đã lên thuyền, thì gió lặng ngay.” Hôm nay, khi chúng ta và Chúa cùng ở trong con thuyền Hội Thánh, thì dù con thuyền Hội Thánh có phải gặp “những cơn ba đào nhiều phen nguy biến”, Ngài cũng sẽ làm cho lặng ngay. Quý vị có tin thế không? Hãy tin, vì Chúa Giê-su đã tuyên phán: “…Trên đá này Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và cửa địa ngục sẽ không thắng được”. (Mt 16, 18).

Chúng ta hãy tin và hãy ở lại trong thuyền, như xưa kia, các môn đệ, là “những kẻ (đã) ở trong thuyền.” (x.Mt 14, 33).

***
Như các môn đệ xưa đi trên con thuyền “bị sóng đánh và ngược gió”, hôm nay, con-thuyền-cuộc-đời của mỗi chúng ta cũng không thoát khỏi những cơn sóng hung hãn của thế gian dưới sự điều khiển của Satan.

Đó chính là những “làn sóng chủ thuyết” những loại chủ thuyết cho rằng thì-là-mà làm gì có Chúa, mà nếu có thì “Chúa đã chết rồi!” Nói cho đúng hơn, những làn sóng chủ nghĩa này cho rằng “… khi nghe tin rằng ‘vị thần cũ đã chết’, chúng ta các nhà triết học và ‘các tinh thần tự do’ cảm thấy được một bình minh mới chiếu rọi.” (Friedrich Nietzsche).

Một-bình-minh-mới-chiếu-rọi, nghe rất quyến rũ, nhỉ! Có, có không ít người, bị ảnh hưởng bởi những loại chủ thuyết này, đã rời bỏ con thuyền Giáo Hội. Họ, như các môn đệ xưa nhìn thấy Đức Giê-su, nhưng tưởng Ngài là ma. Trái lại, khi nhìn thấy những con-ma-chủ-thuyết, họ tưởng lầm là đấng đáng kính phục.

Có một số Ki-tô hữu đã lấy số tử vi, xem sách phong thủy, đọc sách xem bói, thấy những dị đoan lại tưởng là có quyền năng nên tin tưởng và vâng phục.

Coi chừng! Chúa cấm đó: “Vì... lũ thầy bói chỉ thị kiến điều gian trá; chúng công bố những giấc chiêm bao nhảm nhí, nói những lời an ủi vu vơ.” (x.Dcr 10, 2).

Đừng chọc giận Gia-vê bằng những tin tưởng bói toán hoặc dị đoan. Vì chỉ có Thiên Chúa toàn năng, là Ðấng có quyền năng “làm ra sự bình an và dựng nên sự tai vạ”, mà thôi. (Is 45, 7).

Còn, còn một cơn sóng cũng rất hung hãn đang đe dọa chúng ta và con cháu chúng ta. Đó chính là những làn sóng cổ vũ cho một nền “văn hóa sự chết”, một nền văn hóa “sống chung – sống thử”, một nền “văn hóa phá thai”, một nền văn hóa, như lời Lm. Đỗ Trung Thành, OP nói: “làm cho con người đang dần dần đánh mất phẩm giá cao quí mà Thượng Đế ban tặng, biến con người trở nên ‘thú dữ’ giết hại lẫn nhau, thậm chí đó là những người thân yêu nhất của mình, ngay cả ‘giọt máu’ khi còn ‘trứng nước’…”

****
Chúng ta sẽ làm gì để đương đầu với những làn sóng hung hãn (nêu trên)? Thưa, hãy theo gương ngài Phê-rô “la lên” với Đức Giê-su, rằng: “Lạy Chúa! Xin cứu Giáo Hội chúng con. Xin cứu chúng con và con cháu chúng con”.

Đức Giê-su sẽ đến cứu. Thế nhưng, hôm nay, Ngài không “đi trên mặt biển mà đến” với chúng ta “vào khoảng canh tư”, như ngày xưa. Mà này, Ngài đã đến rồi! Ngài đã đến và đang hiện diện 24/24 trong nhà thờ.

Trong nhà thờ, “Người nói với chúng ta bằng những lời trong Sách Thánh, không phải qua tiếng thét gầm của dông bão, mà qua âm giọng bình thường của con người (đó là những vị linh mục). Chúa Giê-su đến với chúng ta, không phải qua những tiếng động kinh hồn của cơn địa chấn, mà dưới hình ‘bánh và rượu’ đơn sơ.”

Đó, đó là những lời chia sẻ của Lm. Charles. Chưa hết, ngài Lm. còn có lời khuyên: “Trong mọi hoàn cảnh và trước mọi nhu cầu của cuộc sống, ta sẽ tìm thấy Chúa với điều kiện là phải ở trên thuyền, làm môn đệ trung tín của Người trong Hội Thánh duy nhất, thánh thiện, Công Giáo và tông truyền.”

Vâng, nói tắt một lời, “ta sẽ được cứu – khi ở trong thuyền”.

Petrus.tran

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây