TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật IV Phục Sinh -Năm B

“Mục tử tốt lành thí mạng sống vì chiên”. (Ga 10, 11-18)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Tưởng niệm Chúa Kitô

Thứ tư - 13/04/2022 08:01 | Tác giả bài viết: Lm Giuse Hoàng Kim Toan |   940
Bữa tiệc ly của Chúa khi cầm chén, Chúa nói với các môn đệ: “Anh em hãy làm việc này mà tưởng niệm đến Thầy” (Lc 22, 19).
BTL 01
BTL 01

Tưởng niệm Chúa Kitô


 Có lẽ bữa tiệc buồn nhất là bữa tiệc đâu ngờ là biệt ly. Một bữa tiệc chia tay với người thân yêu, rồi bất ngờ người ra đi mãi mãi không trở lại. Bữa tiệc ly của Chúa lại khác, khi cầm chén, Chúa nói với các môn đệ: “Anh em hãy làm việc này mà tưởng niệm đến Thầy” (Lc 22, 19). Lời Chúa nói gắn liền với Lễ Vượt Qua của chính Người, chúng ta đang được tham dự trong hiện tại.

Có những kỷ niệm khó phai mờ, nhớ về quá khứ những việc đã qua với người thân yêu đã mất không còn nữa. Những kỷ niệm sau nhiều năm tháng vần cứ như hôm qua, ở đấy cười nói, buồn đau. Khắc khoải những đêm về lặng lẽ nhớ thương, nước mắt cứ tuôn chảy tiếc một thời sống trong vòng tay cha mẹ, nghe những tiếng nói thân thương. Nỗi niềm thương nhớ chợt hôm nào đó trên đường đi đông người, bóng người nào đó hao hao giống người mình yêu mến, rồi cũng hiện về những kỷ niệm yêu thương không thể kéo về.

Quá khứ muốn sống lại nhưng chẳng thể được chỉ đong đầy bằng những tiếc thương. Những kỷ niệm êm đềm, ngọt bùi đến đâu chăng nữa cũng chẳng bao giờ trở lại với người mình thương. Buồn của đời người lại đong đầy, bao giờ mới được sống lại ngày yên vui, hạnh phúc êm đềm.

Tưởng niệm trong Thánh Kinh không giống như kỷ niệm buồn vui đời người đã qua và không còn trở lại. Tưởng niệm Đấng Cứu Thế là chuyển ngược thời gian từ hiện tại về quá khứ, đó là công trình của Chúa Thánh Thần. Không để nhớ mà để sống giây phút hiện tại với Đấng nói: “Anh em hãy làm việc này tưởng niệm đến Thầy”. Không chỉ để ngược thời gian, mà còn là chính Chúa nói với chúng ta những người đang dự chung quanh bàn tiệc Thánh Thể: "Anh em cầm lấy mà ăn, đây là mình Thầy."Rồi Người cầm lấy chén, dâng lời tạ ơn, trao cho môn đệ và nói: "Tất cả anh em hãy uống chén này, vì đây là máu Thầy, máu Giao Ước, đổ ra cho muôn người được tha tội.” (Mt 26, 27 – 28).

Tưởng niệm là sống giây phút hiện tại, Chúa vẫn ở đó, hiện diện bằng bí tích, qua vị chủ tế. Chúa nói với chúng ta trong tâm tình của Người sẵn sàng phó nộp vì chúng ta, Đấng trở nên Bánh Hằng Sống cho chúng ta sống và sống dồi dào trong Chúa.

Trong hy tế của Chúa Giêsu, chúng ta cũng được mời gọi tháp nhập đời sống chúng ta vào hy lễ đó nhờ sứ vụ tư tế cộng đồng của mình. Chúng ta không như người ngoài cuộc như khán giả xem buổi lễ. Chúng ta được mời gọi tham dự vào cử hành Bí Tích Thánh Thể, là một thành phần trong hy lễ của Chúa Giêsu Kitô. Chúng ta dâng bánh rượu tượng trưng những hy sinh, khó nhọc nuôi dưỡng gia đình, những lao nhọc của công việc hằng ngày, những lo buồn, nỗi nhọc nhằn cuộc sống, bác ái, yêu thương. Dâng trong hy tế của Chúa Kitô, để được biến đổi trong thân mình Chúa Kitô, Người đang sống, đang chia sẻ phận người với chúng ta. Pierre Olivaint (1816-1871), từng nói: “Vào buổi sáng, trong Thánh lễ, tôi là tư tế và Chúa Giêsu là của lễ; suốt ngày, Chúa Giêsu là tư tế và tôi là của lễ”.

Tưởng niệm Chúa Kitô, Người đang sống và thật sự Người vẫn hiện diện giữa cuộc đời và trong Lễ Vượt Qua của Người vẫn muôn đời mới. Chúng ta được sống với Người và Người cùng sống với chúng ta được tròn đầy. Nỗi nhớ về người thân yêu của chúng ta cũng đang được tham dự vào Thánh lễ đang cử hành, chúng ta cầu nguyện cho các ngài.
Lm Giuse Hoàng Kim Toan

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây