TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Đại Lễ Chúa Giáng Sinh

“Hôm nay, Ðấng Cứu Thế đã giáng sinh cho chúng ta”. (Lc 2, 1-14)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Tình Yêu Thương

Thứ ba - 12/04/2022 20:47 | Tác giả bài viết: Jos Lưu Hành, SDB |   1354
“Quan trọng không phải chúng ta cho đi bao nhiêu, mà là chúng ta dành bao nhiêu sự yêu thương để cho đi.”
Tình Yêu Thương

 TÌNH YÊU THƯƠNG
Suy niệm Thứ Năm Tuần Thánh

“Quan trọng không phải chúng ta cho đi bao nhiêu, mà là chúng ta dành bao nhiêu sự yêu thương để cho đi.” Mẹ Têrêsa Calcutta đã khẳng định thật hay và hợp lý, bởi lẽ cả cuộc đời của Mẹ dành trọn cho sự phục vụ, tình yêu thương nơi Mẹ được thể hiện rõ nét qua cách Mẹ cho đi, qua cách Mẹ phục vụ và qua cách Mẹ quên bản thân để lo cho những người bất hạnh. Nhưng quan trọng hơn hết, tình yêu ấy được khơi nguồn từ chính lời gọi mời của Chúa Giêsu trên thập giá: “Ta khát”.

Thương yêu nhau là giúp đỡ lẫn nhau, là chịu đau khổ cho nhau, là muốn sống cùng nhau, và cũng là sẵn sàng chịu chết cho nhau. Chúa Giêsu của chúng ta cũng đã và đang tiếp tục thể hiện một tình yêu như thế. Chính trong những lúc sau hết của cuộc đời, Chúa Giêsu muốn để lại tình yêu thương ấy cho tất cả chúng ta qua lời trăn trối đầy thân tình: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em.” Đó không chỉ là ánh sáng soi đường cho chúng ta, mà còn là ngọn lửa thiêu cháy lòng ích kỷ vốn ngăn cản sự thánh thiện lẽ ra phải hiện hữu trong con người chúng ta. Tình yêu mà Thiên Chúa muốn ở chúng ta phải phát xuất từ nội tâm, từ sự hòa hợp của chúng ta với Người. Tình yêu thương để tồn tại được, phải được nuôi dưỡng bằng sự hy sinh, đặc biệt là hy sinh bản thân mình. Hy sinh có nghĩa là đem cho đi ước nguyện của chúng ta, lý trí của chúng ta, cuộc sống của chúng ta với một niềm tin bất diệt. Hy sinh cũng có nghĩa là tình yêu. Càng hy sinh nhiều, chúng ta càng yêu mến Thiên Chúa và yêu thương đồng loại nhiều hơn.

Không chỉ là bằng lời nói, mà tình yêu thương của Chúa còn được cụ thể mạnh mẽ qua hành động quỳ xuống rửa chân cho các môn đệ. Chính trong bữa ăn sau cùng trước khi chịu chết trên thập giá, Chúa Giêsu đã quỳ xuống rửa chân cho các môn đệ, một hành động được xem như chỉ dành cho thân phận tôi tớ, mà thật sự đúng như thế, chính Chúa Giêsu đã đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ hết thảy mọi người. Chúa Giêsu đã yêu thương các môn đệ đến cùng, yêu đến cùng có thể được hiểu là yêu thương đến giây phút cuối cùng của cuộc đời trần thế của Người, chúng ta cũng có thể hiểu là Chúa đã yêu thương đến mức không còn có thể yêu thương hơn được nữa. Khi bắt gặp hành động rửa chân của Chúa Giêsu, Phêrô đã lập tức lên tiếng: “Thưa Thầy! Thầy mà lại rửa chân cho con sao?” (Ga 13, 6) Rất có thể chúng ta cũng đang suy nghĩ và nói với Chúa như thế khi chỉ coi đây là một hành động của việc giữ vệ sinh. Chính hành động của Chúa Giêsu cũng minh chứng cho một tình yêu với những việc làm cụ thể, một hành động đi đúng với những gì mà Chúa đã rao giảng trước đó. Hành động ấy của Chúa giúp chúng ta nhận ra, chỉ khi nào chúng ta thực sự yêu thương và sẵn sàng trao ban cho tha nhân, khi ấy chúng ta mới yêu thương bản thân mình; chỉ khi nào chúng ta ở dưới tận cùng mọi sự, khi ấy chúng ta mới thực sự lớn lên.

Trên hết mọi sự, Chúa dùng chính thân thể mầu nhiệm của Chúa để làm của ăn nuôi dưỡng chúng ta, chính Mình Máu Thánh Chúa là minh chứng cụ thể và rõ nét nhất cho tình yêu và sự trao ban của Chúa. “Anh em hãy cầm lấy mà ăn, đây là mình Thầy. Rồi Người cầm lấy chén, dâng lời tạ ơn, trao cho các môn đệ và nói: Tất cả anh em hãy uống chén này, vì đây là máu Thầy, máu Giao Ước, đổ ra cho muôn người được tha tội.” (Mt 26, 26 – 28) Chúa đã trao ban tất cả để rồi chẳng còn gì, chúng ta cố gắng tìm kiếm tất cả đề rồi chẳng có chi. Chúa dùng chính thân thể của Chúa để nuôi dưỡng linh hồn chúng ta, còn chúng ta lại dùng chính thân xác mình mà phục tùng cho quyền lực tử thần trong chính những đam mê tội lỗi và bóng tối sự dữ. Vì một Người mà cả nhân loại được ơn Cứu độ, nhưng liệu rằng chúng ta có chấp nhận để được hưởng ơn Cứu độ ấy, hay chính chúng ta đang là con chiên thứ 100 lạc xa đàn (x. Mt 18, 12 – 14), đang rong ruổi đêm ngày với những thú vui trần thế.

Đặt mình trước lòng trắc ẩn của Chúa, hẳn chúng ta sẽ được soi rọi kỹ lưỡng và có thể thấy rõ hình bóng của chúng ta cụ thể ra sao. Rất có thể đó là hình ảnh mờ nhạt của một con người đang quay mặt lại với Chúa, cũng có thể đó là hình dáng của một đôi tay lem luốc bả vinh hoa phú quý, của vật chất tiền tài. Hoặc phảng phất đâu đó là thấp thoáng dáng người ù lì, mê lầm trong lười biếng. Giờ phút này, ánh sáng của Chúa đang rất gần, chúng ta hãy để cho ánh sáng của Chúa xuyên qua tâm hồn mỗi người chúng ta, để gột rửa những gì còn nhơ bẩn, không phù hợp và sai lệnh nơi từng người chúng ta. Để rồi qua ngày yêu thương này, dù có một thứ sáu đau buồn, một thứ bảy lặng lẽ; thì chúng ta sẽ có một Chúa nhật vui mừng với vẻ huy hoàng rực rỡ của ánh sáng Phục sinh. Chúng ta hãy xin ơn lành của Chúa gìn giữ để chúng ta chiến thắng những cám dỗ xấu xa của ma quỷ, và sống xứng đáng với những gì chúng ta đã và đang được lãnh nhận từ Chúa. Amen.

Lưu Hành, SDB

  

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây