TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

CN34TNb - Đức Giêsu Kitô, Vua Vũ Trụ

“Quan nói đúng: Tôi là Vua”. (Ga 18, 33b-37)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Phục vụ hay Dịch vụ?

Thứ ba - 12/04/2022 19:52 | Tác giả bài viết: Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa |   1086
“Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy” (Lc 22,19); “Vậy nếu Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau” (Ga 13,14).
Phục vụ hay Dịch vụ?

PHỤC VỤ HAY DỊCH VỤ?

(Thứ Năm Tuần Thánh)

Thứ Năm Tuần Thánh lại đến, Giáo hội kính nhớ việc Chúa Giêsu lập Bí tích Thánh Thể và chức Tư Tế thừa tác. Trong Thánh lễ hôm nay, Thánh Lễ Tiệc Ly thì có cử hành lại việc Chúa Giêsu rửa chân cho các môn đệ. Chắc chắn có mối liên hệ mật thiết, thậm chí có mối tương quan biện chứng giữa ba việc Chúa Giêsu làm ở trên ngay trong cái đêm mà Người biết đã đến giờ Người sắp từ bỏ thế gian mà về cùng Chúa Cha (x.Ga 13,1). Xin có một cái nhìn về việc Chúa Giêsu rửa chân cho các môn đệ, đặc biệt với lời dạy của Người sau khi lập Bí tích Thánh Thể và sau khi cúi xuống rửa chân cho các môn sinh: “Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy” (Lc 22,19); “Vậy nếu Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau” (Ga 13,14).

Rửa chân cho ai đó là làm công việc phục dịch trong tư cách của một người tôi tớ, một người nô lệ. Đây đích thực là sự phục vụ. Người ta đã dùng động từ phục vụ để chỉ người nô lệ, người tôi tớ, người hầu bàn… (servus). Chúa Giêsu đã từng nói rằng Người đến thế gian này không phải để được phục vụ mà để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc cho nhiều người (x.Mt 20,28). Đêm Tiệc Ly, chính Người cũng khẳng định với các môn đệ rằng “bấy lâu nay Người ở giữa họ như kẻ hầu bàn (x.Lc 22,27). Đã là người phục vụ thì luôn lấy sự sống và hạnh phúc của người mình phục vụ làm mục đích nhắm. Không chỉ làm người tôi tớ cách vô vị lợi, người phục vụ còn xác tín việc phục vụ chính là lẽ sống của mình đến độ sẵn sàng hiến dâng mạng sống vì người mình phục vụ. Hình ảnh một vài cung nữ hay quan thái giám tận tụy trong cung đình thời quân chủ chuyên chế xưa qua các thước phim ảnh cho chúng ta hình dung động thái phục vụ cách khá rõ nét.

Tuy nhiên trong thực tiễn xưa lẫn nay vẫn có đó sự nhập nhằng giữa việc làm phục vụ và việc làm dịch vụ. Xét về hình thức bên ngoài thì cả hai đều làm những việc làm phục dịch, hầu hạ tha nhân cách tận tụy vì lợi ích hay ý thích của người được hầu hạ, phục dịch. Xem xét mục đích nhắm cũng như cái giá đắt phải trả thì chúng ta có thể phân biệt chúng. Mục đích của người làm dịch vụ có thể có nhiều nhưng luôn có đó sự thật không thể phủ nhận đó là vì lợi nhuận và người làm dịch vụ không bao giờ chấp nhận bị thiệt đến mạng sống của mình.

“Này là Mình Thầy sẽ bị nộp vì anh em”. Khi ban Thánh Thể là Chúa Giêsu quyết định dứt khoát hiến dâng mạng sống mình để gánh lấy hậu quả tội lỗi nhân gian. “Này là Máu Thầy, Máu giáo ước mới đổ ra cho anh em và nhiều người được tha tội”. Khi hiệp thông với Máu châu báu Người tặng ban, chúng ta được giao hòa với Thiên Chúa và qua đó tội lỗi được thứ tha. Cũng đêm Tiệc ly, Chúa Giêsu đã cụ thể hóa tình yêu dâng hiến đến cùng này vì người mình yêu bằng việc phục vụ các môn đồ như là người tôi tớ qua việc rửa chân cho các vị.

Lời truyền dạy: “Hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy” không dừng lại ở việc cử hành bí tích nhưng là sống nội hàm của bí tích tình yêu. Khi thông hiệp với Thánh Thể Chúa Kitô, ước gì chúng ta hãy dùng chính máu thịt của mình để sống tình liên đới với nhau cho đến cùng. Bí tích Thánh Thể thôi thúc chúng ta không chỉ nỗ lực gánh lấy hậu quả tội lỗi của nhau mà còn giúp nhau ngày càng nên thanh sạch, ngày càng được sống và sống dồi dào.

Lời truyền dạy: “Các con phải rửa chân cho nhau” là mệnh lệnh. Đã là môn đệ Chúa Kitô thì phải cụ thể hóa đạo yêu thương bằng hành vi phục vụ. Để có thể tuân giữ mệnh lệnh này thiết tưởng không gì hơn hãy noi gương Chúa Giêsu “cởi áo ra” và “cúi xuống”. Không thể nói là phục vụ nếu chúng ta còn quá bám víu vào vai vị hay chức tước của mình. Để rửa chân cho các môn đệ, Chúa Giêsu đã tự hủy vai vị là Chúa và là Thầy của mình. Cũng không thể nói là phục vụ nếu chúng ta cứ còn mãi đứng hay ngồi bệ vệ trên ngai hay ghế cao. Đứng hay ngồi trên ghế cao thì chỉ có thể rửa tay hay đầu mà không thể rửa chân cho nhau.

Tin Mừng thứ tư ghi rằng động cơ của việc Chúa Giêsu rửa chân cho các môn đệ là vì “Người vốn yêu thương những kẻ thuộc về Người và Người muốn yêu thương họ đến cùng” (x.Ga 13,1). Như thế có thể nói rằng khi phục vụ nhau là chúng ta sống nội hàm mầu nhiệm Thánh Thể Chúa Kitô. Rất có thể nhiều khi chúng ta những lầm tưởng rằng mình đã và đang phục vụ nhau nhưng thực ra mình chỉ làm dịch vụ không hơn không kém. Ngoài ra xin đừng quên rằng đối tượng của sự phục vụ là con người mà nhiều khi chúng ta chỉ phục vụ chương trình, kế hoạch hay công trình nào đó của chúng ta mà không phải là con người. Đây là điều mà chính Hồng Y Raniero Cantalamessa đã nhắc nhủ giáo triều Rôma trong bài giảng thứ năm dịp tĩnh tâm mùa chay năm 2022 này.

Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây