TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật III Thường Niên -Năm C

“Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh này”. (Lc 1, 1-4; 4, 14-21)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Đáng trách – Đáng tiếc

Chủ nhật - 10/04/2022 04:40 | Tác giả bài viết: Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa |   1643
Người tuyên bố: “Thật, Thầy bảo thật anh em: có một người trong anh em sẽ nộp Thầy” (Ga 13,21).
Đáng trách – Đáng tiếc

ĐÁNG TRÁCH – ĐÁNG TIẾC
(Thứ Ba Tuần Thánh – Ga 13,21-33.36-38)

Đêm Tiệc Ly, sau khi rửa chân cho các môn đệ, Chúa Giêsu cảm thấy xao xuyến. Người tuyên bố: “Thật, Thầy bảo thật anh em: có một người trong anh em sẽ nộp Thầy” (Ga 13,21). Với kiểu nói “Thật, Thầy bảo thật…” thì người nói có ý nhấn mạnh điều muốn nói với người nghe. Khi nói về sự phản bội của môn đệ Giuđa thì Chúa Giêsu đã xao xuyến. Rất có thể Giuđa hiểu lầm rằng nếu mình trao nộp Thầy cho các Thượng Tế thì với quyền năng của Thầy, Thầy sẽ không hề hấn gì, vì mới đây dân chúng lấy đá ném Thầy mà Thầy vẫn yên hàn vô sự (x.Ga 8,59). Tuy nhiên dù với nhiều lý lẽ biện minh thì hành vi vì lợi ích nào đó của mình mà phản bội người đáng kính trọng, người hết lòng yêu mình thì không thể chấp nhận được. Sự đáng ghét của hành vi phản bội là ở động thái có chủ tâm, cố tình và được thực hiện với chương trình hành động cụ thể. Tin Mừng tường thuật rằng trước đó Giuđa đã đến gặp các Thượng Tế để bàn kế hoạch trao nộp Thầy với giá 30 đồng bạc (x.Mt 26,14-16).

Chúa Giêsu sau đó cũng tiên báo về sự phản bội của ông Phêrô: “Thật, Thầy bảo thật cho anh biết: gà chưa gáy, anh đã chối Thầy ba lần”. Dẫu cho con số ba diễn tả sự chối Thầy của Phêrô như là “chối phăng”, “chối sạch sành sanh”, thế nhưng đây không thực là sự phản bội mà là sự bất trung. Sự bất trung quả là đáng trách nhưng nhiều khi cũng có thể là đáng tiếc hay đáng thương. Trường hợp bất trung của Phêrô có nét đáng tiếc khi ông quá tin vào khả năng của mình. “Sao con lại không thể đi theo Thầy ngay bây giờ được? Con sẽ thí mạng con vì Thầy!” (Ga 13,37). Sự nhiệt thành của Phêrô thì có đó vì trong vườn cây dầu khi quân lính đến bắt Chúa Giêsu, chính ông là người đã rút gươm ra để chống trả (x.Ga 18,10). Tuy nhiên lửa nhiệt thành có thể thành leo lét thậm chí bị dập tắt khi khó khăn chồng chất và nghịch cảnh quá lớn ập đến. Phêrô đã rơi vào trường hợp này. Dù trước mặt một nữ đầy tớ, ông đã bộc lộ sự yếu hèn, nhát đảm của mình.

Sự hèn nhát của Phêrô là sự bất trung nhất thời vì yếu đuối. Hành vi này quả là đáng tiếc hơn là đáng trách. Sự bất trung đáng tiếc của Phêrô còn phảng phất nét đáng thương vì nó khởi đi từ tấm lòng của ông dành cho Thầy. Trong khi các bạn đồng môn đều trốn chạy thoát thân khi Thầy bị bắt thì một mình Phêrô lại lò dò quanh dinh vị Thượng Tế và tìm cách vào trong dinh để biết cho được cảnh tình Thầy đang phải chịu. Chính Chúa Giêsu sau khi phục sinh hiện ra trên bờ hồ Tibêria đã khẳng định cái tình của ông dành cho mình vượt trên các bạn (x.Ga 21,15-19). Sự nhiệt thành và tình yêu dù lớn và sâu đậm đến đâu cũng không thể loại bỏ hết sự mỏng dòn, yếu đuối của phận người vừa hữu hạn vừa mong manh và bất toàn. Tuy nhiên, chúng là những nhân tố giúp chúng ta biết trở về và lại bắt đầu sau những lần sa ngã.

Hãy cẩn trọng với những hành vi phản bội trong tương quan giữa người với người và giữa chúng ta với Thiên Chúa. Chúng thật là đáng trách vì những hành vi xấu xa này được thực hiện bằng sự chủ ý và có chương trình, kế hoạch lập sẵn. Hãy biết khoan dung với những hành vi bất trung, lỡ lầm của nhau vì “tinh thần thì hăng say mà xác thịt thì yếu hèn” (Mt 26,41). Thái độ sống biết cảm thông như cái nhìn của Chúa Giêsu với Phêrô sẽ là động lực giúp nhau biết ăn năn sám hối và can đảm chỗi dậy (x.Lc 22,61).

Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây