TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Đại Lễ Chúa Giáng Sinh

“Hôm nay, Ðấng Cứu Thế đã giáng sinh cho chúng ta”. (Lc 2, 1-14)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Ánh mắt Chúa

Thứ hai - 11/04/2022 05:19 | Tác giả bài viết: Jos Lưu Hành, SDB |   1388
Ánh mắt Chúa trìu mến, hiền từ và sâu thẳm đi vào tâm tư mỗi người, để mỗi người trong chúng ta thấy được tội lỗi mình như gai nhọn, như mũi đinh đâm vào thân xác của Chúa.
Ánh mắt Chúa

Ánh mắt Chúa

Với mỗi người Kitô hữu, chúng ta ý thức thân phận con người được sinh ra và lớn lên trong sự quan phòng kỳ diệu của tình yêu Chúa. Bước vào tuần Thánh, chúng ta càng ý thức rõ hơn về tình yêu ấy, khi mà tình yêu lên tới đỉnh yêu thương bằng cái chết trên đồi Canvê. Chúng ta sẽ bước vào Tuần Thánh với khởi đầu là Chúa nhật Lễ Lá, Chúa Giêsu tiến vào thành thánh Giêrusalem trong tiếng reo hò và thái độ tung hô của mọi người, rồi ít ngày sau đó, cũng chính họ, nhưng là thái độ lên án và bắt bớ để rồi đóng đinh Chúa vào thập giá. Hành trình Mùa Chay năm nay đang dần khép lại, nhưng mỗi người chúng ta đã kịp nhìn lại cuộc sống của mình để thấy được lúc nào chúng ta đã tôn vinh Chúa và lúc nào chúng ta đã lên án và tìm cách bắt bớ Chúa hay chưa? Cho dù thế nào, thì tình thương của Chúa vẫn luôn phủ lấp chúng ta, dù đó là yếu đuối, tội lỗi hãy là gì, thì Chúa vẫn bao dung mà tha thứ lỗi tội nếu chúng ta thật lòng thống hối ăn năn.

Hành trình dương thế của Chúa Giêsu khép lại với đoạn đường lên đỉnh đồi Canvê, vai mang thập giá. Cùng đi với Chúa đến dưới chân thập giá, chiêm ngắm cuộc thương khó của Chúa, chúng ta có thể nhận ra ánh mắt yêu thương của Chúa luôn dõi theo từng người, kể cả kẻ đã trao nộp người cho quân dữ. Ánh mắt Chúa trìu mến, hiền từ và sâu thẳm đi vào tâm tư mỗi người, để mỗi người trong chúng ta thấy được tội lỗi mình như gai nhọn, như mũi đinh đâm vào thân xác của Chúa.

1. Ánh mắt của sự nhắc nhở.

Ánh mắt hiền từ của Chúa trong vườn cây dầu khi nói chuyện với Phêrô: Simon, con ngủ đấy à? Con không thức nổi với Thầy một giờ sao? Các con hãy tỉnh thức và cầu nguyện kẻo sa chước cám dỗ, vì tinh thần thì hăng hái, nhưng thể xác thì yếu đuối”. (Mc 14: 37-38). Đây không phải giờ phút Chúa chỉ muốn trách cứ các môn đệ, nhưng chính giờ phút quan trọng thì các ông lại không hiểu và không tỉnh thức để cầu nguyện. Các ông chưa hiểu hết được những lời Chúa Giêsu đã nói với các ông, ánh mắt Chúa cảm thông và thấu hiểu tận tâm tư các ông. Trong cuộc sống, hẳn đã nhiều lần chúng ta chẳng hiểu thánh ý Chúa, chẳng biết kiếm tìm và nuôi dưỡng đời sống cầu nguyện, nhưng Chúa yêu thương vẫn chờ đợi, dang rộng đôi tay để chờ chúng ta chạy đến với Người. Nhiều lần chúng ta ngủ quên trong thân xác thích hưởng thụ này, rồi đôi lúc chúng ta lười biếng trong thân xác nặng nề hay lo lắng, lắm khi đôi mắt chúng ta bị che lấp bởi những cám dỗ lợi lộc của cuộc sống hiện tại. Đôi chân và đôi tay chúng ta có khi bị tê liệt vì gánh nặng của cuộc đời, nhưng chúng ta lại không biết đến nương nhờ Chúa. Ánh mắt Chúa nhìn Phêrô khiến chúng ta nghĩ tới cũng đã có nhiều lúc chúng ta bắt gặp ánh mắt ấy trong cuộc đời mình, nhưng không nhận ra đó là ánh mắt Chúa và rồi chúng ta không thay đổi được cuộc đời mình. Nhưng Chúa vẫn dõi theo chúng con.

2. Ánh mắt của sự thứ tha.

Ánh mắt Chúa nhìn Giuđa khi Người bị đánh đập trong dinh thượng tế Caipha. Lúc ấy có lẽ chính kẻ nộp người cũng ray rứt, cũng dằn vặt; rồi ánh mắt Chúa nhìn hắn nhẹ nhàng và đi sâu vào con tim. Nhiều lần nơi cuộc sống của chúng ta, những sai lỗi và những vấp phạm là khó tránh khỏi, chính Chúa đến bên an ủi, trợ giúp, chính ánh mắt nhân từ của Chúa là động lực để chúng ta bước lên. Ánh mắt nhân từ của Chúa là sự tha thứ và mời gọi chúng ta biết ăn năn trở về. Dù chúng ta có bất xứng, nhưng chẳng khi nào Chúa bỏ rơi chúng ta bao giờ. Ánh mắt Chúa nhìn Phêrô khi ông vừa thốt lên tiếng khước từ lần thứ ba. Chính ánh mắt của Chúa đi xuyên qua tâm hồn ông, ông nhận ra và nhớ lại lời của Thầy mình,”Thầy nói thật cho con biết: nội ngay đêm nay, khi gà chưa gáy hai lần thì con đã chối Thầy ba lần!” (Mc 14:30) Trước lời khẳng định mạnh mẽ của Phêrô: “Dù có phải chết với Thầy, con đây cũng không bỏ Thầy!” (Mc 14:31) Ánh mắt ấy của Chúa có ơn nghĩa thầy trò, có lòng thương xót của Thiên Chúa đối với loài người khiến Phêrô không còn dám nhìn Chúa nữa, và ông thấy mình không còn xứng đáng với Chúa nữa. Hành động chạy vội ra ngoài khóc lóc thảm thiết của ông cho thấy ánh mắt Chúa đã thực sự đánh động cõi lòng để ông trở lại với Chúa. Trong sự thứ tha ấy, chúng ta có thể cảm nhận được cả sự đau đớn khi bao roi đòn, gai nhọn làm nên thương tích trên thân thể Chúa, và chính thương tích ấy nảy sinh hoa trái của tình yêu, mà Chúa đã khẳng định: “Không tình yêu nào lớn hơn tình yêu của kẻ hy sinh mạng sống vì bạn hữu mình” (Ga 15,13). Lúc mọi người sỉ vả và chế nhạo khi Chúa được giương lên cao, kể cả một tên trộm cướp bị đóng đinh chung với người; nhưng có một tên trộm bị đóng đinh cùng đã nhận ra tội mình và xin Chúa thứ tha. Lúc này, ánh mắt Chúa nhân từ nhìn hắn, rồi chính ánh mắt ấy khiến hắn được thông phần Thiên Đàng với Chúa. Sự thứ tha ấy còn nhiều lần được Chúa nói khi quân dữ đánh đập và đóng đinh Người, Chúa đã cầu nguyện cho họ rằng: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23,34). Chính lúc này, Chúa đang thực thi chính lời Người đã truyền dạy, ”hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em” (Mt 5,44).

3. Ánh mắt của sự an ủi.

Trong cuộc khổ nạn của Chúa và hành trình vác thập giá lên đồi Canvê, nhiều người sợ hãi không dám đến gần Chúa, nhưng cũng có nhiều người khóc lóc và theo Chúa đến cùng, trong đó có mẹ Người. Mẹ đến sát bên Chúa, ánh mắt mẹ đau xót và chấp nhận, ánh mắt an ủi và nâng đỡ, có thể nói ánh mắt mẹ Maria tiếp thêm sức mạnh để Chúa tiếp tục cuộc hành trình. Nhưng, ánh mắt Chúa cũng an ủi chính mẹ Người, có lẽ Chúa biết mẹ vất vả, khổ nhọc và buồn sầu khi quân lính bắt Người. Rồi ánh mắt Chúa yêu thương, an ủi dân thành Giêrusalem khi họ khóc than khi Chúa bị đem đi đóng đinh. Chúa biết thánh ý Chúa Cha phải được thực hiện, và việc Chúa chịu chết để thay cho dân, để đem lại sự sống mới cho con người. Rồi trước lúc lìa trần trên thập giá, ánh mắt Chúa trìu mến nhìn mẹ người và môn đệ người yêu thương. Chúa trao mẹ cho Gioan và trao Gioan cho mẹ mình. Sự trao ban ấy là một lời an ủi cuối cùng của Chúa nơi trần gian, Chúa lo lắng cho mẹ mình vì Người biết Mẹ đã chịu nhiều đau khổ khi nói tiếng xin vâng để công trình của Thiên Chúa được khi sự nơi trần gian này. Bên cạnh đó, môn đệ Chúa yêu thương như thay thế cho toàn thể nhận loại nhận lấy Mẹ để được mẹ yêu thương, dẫn dắt và chăm sóc. Trong cuộc sống trần gian này, chúng ta cũng bắt gặp ánh mắt an ủi của Chúa mỗi khi chúng ta gặp khó khăn và thử thách, mỗi lúc buồn sầu và khóc lóc; rồi những lúc chúng ta cô đơn, thất vọng Chúa cũng đồng hành và ủi an, Chúa mở ra con đường mới để chúng ta bước đi.

Lạy Chúa, đã nhiều lần chúng con xa lìa Chúa, đã nhiều lần chúng con phạm tội, đó là mỗi lần chúng con lại in hằn lên thân thể Chúa những vết roi, những gai nhn và những lỗ đinh xuyên qua thân thể Chúa. Mỗi lần tưởng nhớ Chúa chịu chết, cuộc khổ nạn của Chúa đi vào cuộc đời chúng con, nhưng đã được bao nhiêu lần chúng con thật lòng thống hối ăn năn, và thực sự gớm ghê tội lỗi. Dẫu biết rằng con người đầy những bất xứng, nhưng chẳng khi nào Chúa lìa bỏ chúng con, nhưng mỗi khi khó khăn, thử thách thì chính chúng con lại trách cứ và đổ lỗi cho Chúa. Với cuộc khổ nạn và mong chờ ánh sáng Phục sinh của Chúa, xin giúp chúng con cùng chết để được sống lại với Chúa. Xin cho chúng con chết đi cho tội lỗi, sự bất xứng và vấp phạm của chúng con, và những thứ dơ bẩn làm che lấp con mắt và tâm hồn chúng con, để mỗi người chúng con thấy được ánh sáng của Chúa phục sinh.

Lưu Hành

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây