TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Đại Lễ Chúa Giáng Sinh

“Hôm nay, Ðấng Cứu Thế đã giáng sinh cho chúng ta”. (Lc 2, 1-14)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Về Với Mẹ Giang Sơn

Thứ tư - 26/05/2021 22:05 | Tác giả bài viết: Nguyễn Thái Hùng |   1169

Về Với Mẹ Giang Sơn


Tháng tám trời mưa. Trời mưa tầm tã.

Trời mưa tháng tám. Ngày Ngưu Lang – Chúc Nữ (ngày 7/7 âm lịch), trời mưa như trút. Mưa từ đêm cho tới sáng, từ sáng sớm cho đến chiều tối. Cơn mưa này đã gây cho vùng đất cao nguyên nhiều tổn thất. Tôi đã từng nghĩ, cao nguyên thì làm gì có lũ lụt! Ôi ! Ngây thơ và khờ khạo. Ngay tại trung tâm Tp Buôn Ma Thuột, đường Hồ Tùng Mậu, cơn mưa này đã đưa xe ô tô trôi tuột xuống Suối Đốc Học. Rất may, mọi người đã ra tay giúp đỡ trước khi tại nạn thương tâm xảy ra. Và cũng trong cơn mưa này, tại giáo xứ Hưng Đạo, thuộc giáo hạt Mẫu Tâm, nước lũ về, nhà thờ ngập sát mép bàn thờ, ngang tới ngực một người trưởng thành. Trong cơn lũ hung bạo, nhiều người không may mắn đã bị cướp đi sinh mạng. Xin cầu cho các anh chị được bình an trong tình thương của Thiên Chúa.

 

 

Chòm Sao Bắc Đẩu

Cùng với Đức Mẹ La Vang (1798) Tổng giáo phận Huế và Đức Mẹ Trà Kiệu (1898) giáo phận Đà Nẵng, nhân kỷ niệm 100 năm Đức Mẹ hiện ra tại Lộ Đức, 5 tượng đài Đức Mẹ đã được đặt thêm: Đức Mẹ Phượng Hoàng (1959) ở Pleiku, tỉnh Gia Lai, giáo phận Kon-Tum; Đức Mẹ Trinh Phong (1961) tại Eo gió, điểm cao nhất của Đèo Ngoạn Mục, ranh giới giữa 2 tỉnh Ninh Thuận và Lâm Đồng, giáo phận Nha Trang; Đức Mẹ Tà Pao (1959) ở xã Đồng Kho, huyện Tánh Linh, tỉnh Bình Thuận, giáo phận Phan Thiết; Đức Mẹ Thác Mơ (1959) tọa lạc trên một ngọn đồi dưới chân núi Bà Rá thuộc phường Thác Mơ, thị xã Phước Long, tỉnh Bình Phước, giáo phận Ban Mê Thuột và Đức Mẹ Giang Sơn (1960) nằm trên đồi Giang Sơn, cách thành phố Buôn Ma Thuột 30 km về phía đông nam theo Quốc lộ 27 đường đi Đà Lạt, giáo phận Ban Mê Thuột, tạo thành một Chòm Sao Bắc Đẩu, với ngôi sao sáng nhất là Đức Mẹ La Vang, với ước nguyện đặt mọi sự dưới bàn tay Mẹ dẫn dắt.

 


Chòm sao Bắc Đẩu là chòm sao sáng nhất trong chòm sao Đại Hùng (Ursa Major) và nó có vị trí rất đặc biệt. Với mọi hướng quan sát, chòm sao này luôn đứng yên và luôn sáng dù cho chu kỳ quay của trái đất có thay đổi liên tục. Vì vậy ngôi sao này dẫn lối thuyền bè lênh đênh trên biển cập bến an toàn và cũng ám chỉ luôn soi dẫn con người. Chòm sao này còn được gọi với cái tên thân thuộc là chòm sao phương Bắc.

Trong hệ thống các chòm sao Trung Quốc, sao Bắc Đẩu là bảy ngôi sao sắp xếp thành hình dáng như đấu (đẩu) và nằm ở hướng Bắc nên được gọi là Bắc Đẩu thất tinh. Bốn ngôi đầu tạo thành một tứ giác gọi là Đẩu khôi, ba ngôi sau tạo thành cái đuôi gọi là Đẩu thược.

Ở Việt Nam, sao Bắc Đẩu còn được gọi là sao Cái Gầu vì nó trông giống cái gầu tát nước của người nông dân. Chính vì hình ảnh giống một vật dụng thân thuộc với người nông dân và có thể dùng dự báo mùa vụ, thời tiết nên chòm sao Bắc Đẩu này rất được người dân tín ngưỡng, thờ tụng bằng các vị thần (https://shoptech.com.vn/tim-hieu-sao-bac-dau).
Tại Mỹ chòm Bắc Đẩu có tên gọi khác là Cái Muỗng Lớn (Big dipper).

Ở nước Anh, 7 ngôi sao này được gọi là “Cái Cày” (The Plough).

Mẹ Là Sao Bắc Đẩu

Trong kinh cầu Đức Bà, Hội Thánh tung hô Mẹ là: “Ðức Bà như Sao Mai sáng vậy” hay trong thánh thi kinh chiều lễ Đức Mẹ “Kính chào Mẹ là Sao Bắc Đẩu”. Thực ra trong nguyên bản La-tinh, đó là hai tước hiệu khác nhau: một bên là “sao mai” (stella matutina), nghĩa là ngôi sao lấp lánh trước khi mặt trời mọc (đối lại với “sao hôm”); bên kia là “sao biển” (stella maris). Mỗi tước hiệu có ý nghĩa khác nhau. Đó là những tước hiệu xuất hiện từ thời Trung cổ. Trong các bài giảng của thánh Bênađô (+1153), ta thấy nhiều lời giải thích thấm thía về ý nghĩa của “sao biển”, nổi tiếng nhất là bài giảng ca ngợi danh Maria như sau: ”Thực là chính xác khi ví Đức Maria với ngôi sao: cũng như ngôi sao chiếu tỏa tia sáng mà không mất mát thiệt thòi gì, thì Người trinh nữ cũng sinh Con mà không bị thương tổn gì... Đức Maria là ngôi sao rực rỡ và quý báu, được đặt ở trên biển rộng bao la; Người sáng rực vì công đức, lấp lánh vì gương lành. Khi bạn cảm thấy bị bão tố và làn sóng của thế gian lôi cuốn ra khỏi bờ đất liền, thì xin bạn đừng ngưng nhìn đến ánh sao này, nếu bạn không muốn bị chìm xuống dưới nước. Nếu sóng gió của cơn cám dỗ nổi lên, nếu bạn thấy mình vấp vào các tảng đá, thì bạn hãy nhìn lên ngôi sao, hãy kêu cầu Maria. Nếu bạn bị lung lay bởi cơn sóng kiêu ngạo, hám danh, lăng mạ, ghen tương, thì bạn hãy nhìn ngôi sao, hãy kêu cầu Maria. Nếu cơn giận dữ, tính tham lam, dâm dục ồ ạt làm lung lay chiếc thuyền của linh hồn bạn, thì bạn hãy ngước mắt về Maria. Nếu bạn khủng khiếp vì tội lỗi chồng chất, hổ thẹn vì lương tâm hoen ố, lo sợ vì sự phán xét công thẳng, nếu bạn thấy bị cuốn xoáy rơi xuống mồ của buồn sầu hoặc vực thẳm của thất vọng, thì bạn hãy nghĩ tới Maria. Lúc gặp hiểm nguy, âu lo, nghi nan, thì bạn hãy chạy tới Maria, hãy khẩn cầu Maria”. Thánh Bênađô không chỉ trình bày Đức Maria như là người mẹ sẵn sàng đến giúp đỡ những ai kêu cầu, nhưng Người còn là mẫu gương chiếu soi nữa. Người chiếu tỏa sáng ngời bởi các nhân đức. Vì thế nhìn Đức Maria như ngôi sao sáng cũng có nghĩa là bắt chước các nhân đức của Người (Lm. Giuse Phan Tấn Thành, http://conggiao.info/tai-sao-goi-duc-me-la-sao-mai-d-23011).
 
Đức Giáo hoàng Biển Đức XVI trong Thông điệp Spe Salvi (Được Cứu Rỗi Trong Niềm Hy Vọng) cũng nói: “Đời người là một cuộc lữ hành. Hướng đến đích điểm nào? Làm sao tìm được lối đi? Đời người như một hải trình trên đại dương của lịch sử, thường tối tăm và giông tố, một hành trình trong đó chúng ta tìm kiếm những ngôi sao dẫn đường... Nhưng muốn đến được với Chúa Giêsu, chúng ta cũng cần đến những ánh sáng gần bên – của những người đang phản chiếu ánh quang của Ngài và dẫn đường cho chúng ta. Còn ai hơn được Mẹ Maria, là ngôi sao hy vọng cho chúng ta?” (Spe Salvi 49). “Lạy Ngôi Sao Biển, xin chiếu sáng chúng con và dẫn đường cho chúng con!” (Spe Salvi 50).
 
Đức Mẹ Giang Sơn, Giáo phận Ban Mê Thuột

Giáo họ Ban Mê Thuột được thành lập ngày 15.08.1934, thuộc giáo phận Kon Tum. Ngày 30.3.1937 được nâng lên thành giáo xứ và bổ nhiệm Cha Phêrô Nguyễn Đắc Cẩn làm Cha sở tiên khởi.
 
Ngày 22.06.1967, Đức Giáo Hoàng Phaolô VI ra Sắc chỉ “Qui Dei Benignitate” thiết lập Giáo phận Ban Mê Thuột. Cùng ngày hôm ấy, Ngài bổ nhiệm Đức Cha Phêrô Nguyễn Huy Mai làm Giám mục tiên khởi Giáo phận Ban Mê Thuột. Bổn mạng Giáo phận Ban Mê Thuột: Các Thánh Tử Đạo Việt Nam và được mừng kính vào ngày 22.6 hằng năm. 
 
Giáo phận Ban Mê Thuột là nơi sinh sống của ba sắc tộc bản địa: Dân tộc Êđê (Đăk Lăk), dân tộc M’Nông (Quảng Đức, Đăk Nông) và S’Tiêng (Phước Long). Địa giới là tỉnh Đăk Lăk, tỉnh Đăk Nông và một phần của tỉnh Bình Phước. Diện tích là 24.474 km2.
 
Khi mới thành lập, Giáo phận Ban Mê Thuột gồm 3 Giáo Hạt, có 55 linh mục, 33 giáo xứ với 56.719 giáo dân. Những sắc tộc sống trong vùng gồm: Kinh, Êđê, S’Tiêng, M’Nông, Xơ Đăng, H’Mông... Số tín hữu tại Ban Mê Thuột tăng lên hằng năm. Vào thời điểm năm 2017, thống kê trong Giáo phận có 440.942 tín hữu, số linh mục là 185, trong đó triều: 134, dòng: 51. Giáo phận cũng có 4.141 Giáo lý viên, có 144 thầy Đại Chủng sinh và 39 ứng viên dự tu. Tổng dân số là 2.955.911 người. Giáo phận chia thành 8 Giáo hạt, có 106 Giáo xứ và 73 Giáo họ biệt lập, được phân bố như sau:
 
- Hạt Buôn Hô : Giáo xứ : 12; Giáo họ: 06; Tín hữu : 72.889
 
- Hạt Chính tòa : Giáo xứ : 08; Giáo họ : 12; Tín hữu : 42.562
 
- Hạt Mẫu Tâm : Giáo xứ : 12; Giáo họ : 08; Tín hữu : 44.675
 
- Hạt Giang Sơn : Giáo xứ : 10; Giáo họ : 09; Tín hữu : 51.145
 
- Hạt Dakmil : Giáo xứ : 14; Giáo họ : 07; Tín hữu : 72.466
 
- Hạt Gia Nghĩa : Giáo xứ : 17; Giáo họ : 13; Tín hữu : 49.012
 
- Hạt Phước Long : Giáo xứ : 18; Giáo họ : 11; Tín hữu : 35.552
 
- Hạt Đồng Xoài : Giáo xứ : 15; Giáo họ : 07; Tín hữu : 40.750 
 
Giám mục đương nhiệm là Đức Cha Vinh Sơn Nguyễn Văn Bản (2009 - ).
 
Giáo phận Ban Mê Thuột có 3 Trung Tâm Hành hương lớn:
 
 - Trung Tâm Hành hương Đức Mẹ Thác Mơ tại giáo xứ Phước Long, giáo hạt Phước Long, tỉnh Bình Phước.
 
 - Trung Tâm Hành hương Đồi Thánh Tâm tại giáo xứ Xã Đoài, giáo hạt Darmil, tỉnh Đăk Nông. 
 
 - Trung Tâm Hành hương Đức Mẹ Giang Sơn tại giáo xứ Giang Sơn, giáo hạt Giang Sơn, tỉnh Daklak
(http://www.hdgmvietnam.com/chi-tiet/gp-ban-me-thuot-31426)
 
Đến Hẹn Lại Lên

 

 
Tháng Tám trời mưa hay nắng. Người người lũ lượt về với Mẹ. Người kinh, người sắc tộc. Người già, người trẻ. Những gia đình, các thai phụ và cả những trẻ đang còn bế trên tay... về với Mẹ Giang Sơn.
 
Tượng đài Đức Mẹ Giang Sơn được linh mục Giuse Nguyễn Hữu Nghị khởi công năm 1961. Sau hai năm xây dựng, linh mục Gioan Baotixita Trần Thanh Ngoạn chủ sự làm phép và long trọng tổ chức lễ khánh thành trong 3 ngày (từ ngày 13 đến ngày 15 tháng 8 năm 1963).
 
Tượng Đức Mẹ cao 6,32 mét, do điêu khắc gia Đinh Văn Lượng ở giáo xứ Phát Diệm, thuộc Giáo phận Sài Gòn đảm trách, nét mặt Đức Mẹ hiền từ nhân hậu, trên đầu Đức Mẹ mang triều thiên 12 ngôi sao. Tượng đài xây dựng trên đồi đá xếp tự nhiên ở độ cao 823m so với mặt biển. Đường từ quốc lộ lên đến tượng đài dốc đứng, rộng hơn 3m, dài khoảng 1,5 km, lát đá hộc.
 
Năm 2000, linh mục Phêrô Bùi Văn Thục cho trùng tu, tôn tạo lại bệ tượng Đức Mẹ bằng đá hoa cương, mở rộng mặt bằng, gia cố bờ tường chung quanh lễ đài, xây dựng bốn gian nhà và hai phòng cơm dành cho khách hành hương. Tháng 11 năm 2002, xây dựng nhà Bát Phúc và hoàn thành công trình trùng tu vào ngày 31 tháng 12 năm 2002. Dọc bên đường có sẵn ghế đá để khách hành hương nghỉ chân.
 
Vào các ngày mồng 3 Tết Nguyên đán, các ngày thứ bảy đầu tháng, và nhất là 15.8 hàng năm, lễ Mẹ Mông Triệu, có rất đông khách hành hương từ khắp nơi về dự Thánh lễ tôn vinh Đức Mẹ (http://gpbanmethuot.com/diem-hanh-huong/doi-duc-me-giang-son-36481.html).
 
Đức Mẹ Giang Sơn, tôi cũng đã đến nhiều lần. Hành hương với gia đình, với người thân, với bạn bè, với các anh chị dự tòng hay đi một mình.
 
Ngày 15 tháng 8, lễ Đức Mẹ Mông Triệu, trời nắng cuối hạ vàng, tôi cũng là một người hành hương trong hàng ngàn người đến với Mẹ. Tôi đến đây để làm gì? Bạn đến đây để làm chi?
 
Tôi đến để cầu nguyện với Mẹ. Để dâng Mẹ bao lo âu cuộc sống. Để phó thác cho Mẹ cuộc đời con cũng như những người thân yêu. Để xin Mẹ chỉ lối dẫn đường trong cuộc sống đầy cạm bẫy chông gai. Để xin Mẹ an ủi... và cũng để an ủi Mẹ.
 
Trước khi đến với Mẹ ở đồi Giang Sơn, bao giờ tôi cũng ghé Đồi Thánh Giá. Tôi đi Đàng Thánh Giá. Cùng bước theo chân Con Mẹ vác thập giá, lên đỉnh đồi Golgotha, con đường thương khó mà Mẹ đã theo sát Con mình. Mỗi làn roi quất trên thân thể Thầy Giêsu, là một lưỡi gươm đâm nát trái tim Mẹ. Mỗi lần ngã quị là một lần trái tim Mẹ nát tan. Mỗi giọt máu Con Mẹ rơi xuống là vạn mũi kim đâm thấu tâm hồn Mẹ. Trên đỉnh đồi Golgotha, người ta đóng đinh Con Mẹ. Trong buổi chiều tà, Mẹ ôm xác Con mình, Con Thiên Chúa, Ngôi Lời Nhập Thể đã “cắm lều giữa chúng ta” (x. Ga 1, 14). Mẹ có sợ không? Lời thiên sứ lúc truyền tin “Maria, đừng sợ!” (x. Lc 1, 30) có theo Mẹ đến tận chân thập giá? Tuyệt đỉnh của đau khổ là gì? Thưa: Phục sinh. Có Qua Thập Giá Mới Đến Được Vinh Quang.
         
Bên cạnh đồi Thánh Giá là ngọn đồi Phục Sinh.
 
Trên ngọn đồi Đức Mẹ Giang Sơn, nhìn về Đồi Thánh Giá, Mẹ dõi theo bước chân của Con mình, người con mà 2000 năm trước, Mẹ đã theo sát đến tận đỉnh đồi Golgotha. Hôm nay, Mẹ đứng đây, Mẹ dõi theo bước chân ai?
 
Trên đỉnh đồi Golgotha, khi thấy dưới chân thập giá có Mẹ và người môn đệ yêu quý, Thầy Giêsu nói với Mẹ: “Đây là con Bà”, và nói với môn đệ mình yêu mến: “Đây là Mẹ anh” (x. Ga 19, 26-27). Từ giờ phút đó, người môn đệ nhận Mẹ về nhà mình.
 
Mẹ đã nhận chúng con là con của Mẹ. Tất cả mọi người. Chúng con đến với Mẹ để dâng lời cảm tạ, để được chở che giữa sóng gió cuộc đời... và cũng để bắt chước Mẹ sống đức tin mạnh mẽ, đức cậy vững vàng và đức mến trọn hảo.
 
Từ đỉnh đồi Đức Mẹ Giang Sơn, tôi nhìn về Đồi Thánh Giá với bao ưu tư trong cuộc sống! Con đường Chúa đi, có Mẹ cùng bước. Con đường tôi đi, có Mẹ chở che. Còn con đường của bạn? Của bao anh chị em chung quanh ta??
 
Trên đường trở xuống, tôi cũng gặp rất nhiều người lên viếng Mẹ. Nên chăng, ngoài Thánh lễ long trọng do Đức Giám mục chủ tọa, cũng còn có Thánh lễ vào những giờ khác để tất cả mọi người đến với Mẹ được hưởng nhờ những ơn lành mà Mẹ hứa ban một cách trọn vẹn?
 
Về lại giữa đời thường, tôi phải làm gì để bắt chước Mẹ sống đức tin mạnh mẽ, đức cậy vững vàng và đức mến trọn hảo?
 
Còn bạn, bạn phải làm chi?


 

Ngày lễ Mẹ Mông Triệu 15.8.2019
Gb. Nguyễn Thái Hùng

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây