TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật III Thường Niên -Năm C

“Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh này”. (Lc 1, 1-4; 4, 14-21)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Y phục lễ cưới

Thứ bảy - 14/10/2023 20:46 | Tác giả bài viết: Jos. Nguyễn Văn Thiện |   569
Và trong bài viết này, chúng ta cùng nhau dừng lại ở chi tiết ‘y phục lễ cưới’.

Y PHỤC LỄ CƯỚI

tbd 151023a

 

Tôi còn nhớ một hình ảnh Đức cha cố Phêrô Nguyễn Huy Mai đã nói với các chủng sinh: “Khi nghe giảng hoặc khi đọc Bài Tin Mừng, giống như con chó dưới gầm bàn sung sướng gặm cục xương nó ưa thích, chúng ta chỉ cần nghiền ngẫm một vài tư tưởng nào đó đem lại vị ngọt cho tâm hồn là tốt rồi, đừng quá bận tâm đến những tư tưởng khác”. Và trong bài viết này, chúng ta cùng nhau dừng lại ở chi tiết ‘y phục lễ cưới’.

Khi ông chủ đi vào phòng tiệc của con mình, các bàn tiệc đầy người nhưng có một người không mặc y phục lễ cưới và y đã bị trừng phạt vì anh ta lạc điệu với mọi người: dù anh có thiện chí là đáp ứng lời mời của ông chủ, nhưng y phục không phù hợp chứng tỏ anh coi thường ông chủ. Chúa Giêsu đã dùng nhiều dụ ngôn để diễn tả về nước trời, mỗi dụ ngôn dường như nói lên vài chi tiết. Những ai biết suy đi nghĩ lại và đem áp dụng vào cuộc sống sẽ dần nếm cảm được những hương vị của kho tàng mạc khải của trời cao: “Ai có thì được cho thêm, còn kẻ không có thì ngay cả điều nó tưởng là có cũng sẽ bị lấy đi”. Chúa muốn nói gì với 4 từ ‘y phục lễ cưới’? - Thưa, là đời sống mới trong Thánh Thần. Một nhà tu đức đã ví von: “Mỗi chúa nhật, một đám thợ đến nhà kho chuẩn bị dụng cụ ra đồng làm việc, họ tra dầu mỡ và mài sắc các dụng cụ, rồi ra về; tuần sau họ lại tới và chăm sóc các công cụ sản xuất rất kỹ lưỡng và ra về, dần dần họ quên mất việc ra đồng làm việc”. Hình ảnh trên làm chúng ta phải suy nghĩ lại: chúng ta tụ họp để đọc kinh cầu nguyện, để ôn luyện giáo lý, để củng cố niềm tin cậy mến, xong rồi ra về, quên mất việc sống đạo và quên mất việc truyền giáo. Bản chất của Giáo hội là truyền giáo, không phải chỉ có bộ truyền giáo, các giám mục và các vị tu trì mới lo truyền giáo, mỗi Kitô hữu vì là một chi thể của Giáo hội - có bổn phận truyền giáo trong khả năng và trong môi trường sống của mình.

Bậc đáng kính Fulton Sheen nói: “Khi tiến về thiên đàng, có 3 điều ngạc nhiên lớn xảy ra; điều ngạc nhiên thứ nhất là những người mà ta không ngờ lại hiện diện ở đó; điều ngạc nhiên thứ hai là những người ta mong chờ lại không ở đó; và điều ngạc nhiên lớn nhất – do lòng thương xót Chúa- tôi có mặt ở đó”. Chúa Giêsu đã nhiều lần đề cao những người ngoại giáo vì lòng mạnh tin và vì họ hối cải, họ là những người không được mời trước nhưng lại lấp đầy bữa tiệc cưới nước trời.

Khi nào thì chúng ta không mặc y phục lễ cưới? - Chúng ta vào đạo nhưng không thường xuyên cải sửa tâm hồn để sống đẹp lòng Đức Chúa trời. Nhiều khi chúng ta tự hào mình là người có đạo và dĩ nhiên là khôn hơn và tốt hơn kẻ ngoài đạo, nhiều khi chúng ta cũng thường xuyên cắp vặt mà chẳng chút áy náy khi rước Thánh Thể, nhiều khi chúng ta phục vụ và làm việc nhà Chúa vì muốn được trọng vọng và chứng tỏ bản thân mình, phục vụ với lòng ghen tị kiêu căng và chia rẽ, nhiều khi chúng ta là Kitô hữu hạng hai – cứ lai rai tà tà thôi... và đủ thứ tội khác không tiện kể ra, làm mờ tối khuôn mặt tốt lành của Thiên Chúa.

Xin cho mỗi ngày sống của con tiến gần thiên đàng hơn. Xin cho con nên tinh sạch hơn qua từng ngày sống: giữ gìn đôi mắt, đóng bớt cái miệng, mở rộng hơn đôi tai, nới rộng tấm lòng để nghĩ đến anh em… Có vậy con mới bớt lạc điệu trong Giáo hội của Chúa, nơi mọi người đang cùng nhau vươn tới đời sống thánh thiện như Chúa Giêsu.

Jos Nguyễn Văn Thiện

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây