TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật -Lễ Thánh Gia Thất -Năm C

Còn Chúa Giêsu thì tiến tới trong sự khôn ngoan (Lc 2, 41-52).
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Loan Báo Tin Mừng (Mc 16, 15-20)

Thứ ba - 17/10/2023 19:36 | Tác giả bài viết: Lm. Thái Nguyên |   1066
“Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo…”.

Loan Báo Tin Mừng
Chúa Nhật truyền giáo: Mc 16, 15-20

LmTN 181023a


Suy niệm

Truyền giáo là một từ ngữ đã gây nhiều vấp váp và hiểu lầm trong quá khứ, cũng không phải là từ ngữ dễ nghe đối với thế giới ngày nay, một thế giới đa nguyên, đa tôn giáo. Chúng ta dùng từ “truyền giáo” dịch từ tiếng Latinh là “missio”. Đúng hơn đây là một “sứ mạng” của toàn thể Giáo hội phát xuất từ một mệnh lệnh và là một ước mơ của Đức Kitô Phục Sinh: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo…. Không lạ gì mà ngay sau Công Đồng Vatican II năm 1967, Đức Phaolô VI đã quyết định chính thức đổi Bộ Truyền Giáo thành Bộ Loan Báo Tin Mừng Cho Các Dân Tộc. Tuy nhiên, ở Việt Nam thì từ “truyền giáo” vẫn còn tiếp tục được dùng một cách rất tự nhiên và nhiều khi ngay cả trong các bản văn chính thức.

Vì thế, truyền giáo mà chúng ta muốn nói đến ở đây là “sứ mạng” hay “làm chứng”, hoặc hình tượng hơn là “làm muối,” “làm men,” “làm ánh sáng”… Đó là những hình ảnh chính Chúa Giêsu đã dùng khi trao sứ mạng cho các môn đệ. Muối, men, ánh sáng thì không ồn ào áp chế – công việc của nó là âm thầm hiện diện, và chỉ cần hiện diện đúng như bản chất của mình, tự khắc môi trường xung quanh nó sẽ thấm mặn, sẽ dậy men, và sẽ đầy ánh sáng. Đó phải là bản chất của mỗi Kitô hữu, nói lên sứ mạng mà chúng ta đã lãnh nhận từ khi chịu phép Rửa tội, nhất là khi chịu phép Thêm sức. Trong ý nghĩa đó mà thánh Phaolô đã khẳng định: “Khốn cho tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng”.

Truyền giáo hay loan báo Tin Mừng thuộc về bản chất của Giáo hội. Không truyền giáo, Giáo Hội không còn là Giáo Hội. Giáo xứ mà không truyền giáo thì không còn là giáo xứ. Gia đình hay bản thân chúng ta cũng thế, không truyền giáo là không tin Chúa, bởi vì đức tin không có hành động là đức tin chết. Hành động của đức tin là đức ái, mà đức ái cao cả nhất là ban tặng chính Chúa cho người khác.

Hằng ngày chúng ta vẫn cầu nguyện cho Nước Cha trị đến. Cầu mà không làm là giả dối. Làm mà không nhiệt tình là coi nhẹ Lời Chúa. Tuy nhiên, làm việc truyền giáo không phải là chiêu dụ hay mua chuộc người khác, mà là sự hấp dẫn họ bằng chính đời sống mình, một đời sống chân thật, hiền lành, khiêm tốn và yêu thương phục vụ; một đời sống cho thấy Thiên Chúa là Đấng Tạo Thành, và là Cha nhân lành của toàn thể nhân loại, nên mọi người đều là anh em với nhau.

Sứ vụ truyền giáo của Giáo hội thời nào và ở đâu cũng bắt đầu từ mẫu gương Chúa Giêsu. Ngài đi đến với mọi người, nhất là những người nghèo hèn, bệnh tật, tội lỗi. Ngài yêu quí họ, sống gần gũi với họ, cứu giúp và nâng đỡ họ, đem lại an vui và sự sống dồi dào cho họ. Ngài sống nghèo nàn, đơn giản, khiêm nhu phục vụ, đón nhận mọi đau khổ do chính sự gian ác của con người, và cuối cùng hy sinh mạng sống mình làm giá cứu chuộc, nói lên tình yêu cực độ của Thiên Chúa đối với mọi người. Nếu ta thực sự yêu mến Chúa thì hãy làm như Chúa đã làm, sống như Chúa đã sống, nghĩa dám ra khỏi mình để đến với mọi người.

Người tín hữu Việt Nam hình như đang “nhốt Chúa” trong nhà thờ, trong nhà mình, trong cộng đoàn giáo xứ mình. Hay một số giáo sĩ, tu sĩ cũng vậy, thay vì đi ra đến với mọi người, thì lại thích bám trụ trong cơ sở và vị thế của mình để sống an toàn. Vì lý do này mà Đức Thánh Cha Phanxicô phải nhấn mạnh rằng:”Giáo hội phải như Thiên Chúa: luôn đi ra; và khi Giáo hội không đi ra, Giáo hội bị bệnh. Tại sao trong Giáo hội có nhiều bệnh? Vì Giáo hội không đi ra ngoài. Đúng là khi một người đi ra ngoài sẽ có thể gặp nguy hiểm, tai nạn. Nhưng một Giáo hội gặp tai nạn do ra đi loan báo Tin Mừng thì tốt hơn là một Giáo hội ốm yếu do đóng kín. Thiên Chúa luôn ra đi, vì Ngài là Cha, vì Ngài yêu thương. Giáo hội phải làm như vậy: luôn đi ra ngoài”[1].

Riêng ngày Thế Giới Truyền Giáo năm nay 2023, Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi chúng ta tập trung vào chủ đề ”Lòng bừng cháy, chân tiến bước”, được gợi hứng từ câu chuyện Chúa Giêsu Phục Sinh hiện ra với hai môn đệ trên đường Emmau. Từ đó, Đức Thánh Cha mời gọi chúng ta đổi mới lòng nhiệt thành truyền giáo dựa trên 3 hình ảnh:

(1)Lòng các ông bừng cháy khi nghe Đức Giêsu giải thích Kinh Thánh.
(2) Mắt các ông mở ra khi Người bẻ bánh.
(3) Chân các ông rảo bước lên đường, hân hoan kể cho người khác biết về Chúa Kitô Phục Sinh.

- Trước hết, Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh tầm quan trọng của Kinh Thánh. Theo ngài, việc biết Kinh Thánh rất quan trọng đối với đời sống Kitô hữu, và ‘thậm chí còn quan trọng hơn việc rao giảng Chúa Kitô và Tin Mừng của Người”.

- Ngài cũng nhắc lại với chúng ta về tầm quan trọng của Bí Tích Thánh Thể: ”Chúa Giêsu trong Bí Tích Thánh Thể là nguồn mạch và tột đỉnh của sứ mạng”. Vì vậy, để việc truyền giáo có kết quả, chúng ta cần kết hiệp với Chúa Kitô qua kinh nguyện hằng ngày, đặc biệt là bằng việc tôn thờ Thánh Thể.

- Và việc vội vã lên đường để chia sẻ với người khác niềm vui gặp gỡ ChúaNgười ta không thể gặp gỡ Chúa Giêsu Phục Sinh mà lòng không bừng cháy nhiệt tình để nói cho mọi người về Đấng Phục Sinh.

Đoạn cuối của Sứ Điệp, Đức Thánh Cha nói rằng: “Tất cả các thành viên của Giáo Hội đều được ủy thác sứ vụ loan báo Tin Mừng của Chúa Kitô. Và chúng ta có thể đóng góp cho phong trào truyền giáo này: bằng những lời cầu nguyện và hoạt động của chúng ta, bằng những của lễ vật chất và dâng những đau khổ của chúng ta và bằng chứng tá cá nhân của chúng ta”.

Mỗi Kitô hữu và các cộng đoàn giáo xứ có rất nhiều cách thức khác nhau để sống sứ vụ loan báo Tin Mừng theo lời mời gọi của Đức Thánh Cha, bằng những việc cụ thể sau đây: Đọc Lời Chúa hằng ngày trong gia đình; Tổ chức giờ chia sẻ Lời Chúa cho các lớp Giáo lý và các Hội đoàn trong giáo xứ; Trung thành tham dự các giờ Chầu Thánh Thể tại giáo xứ; Giúp các em giáo lý có thói quen viếng Chúa Giêsu Thánh Thể; Thăm viếng, an ủi, nâng đỡ những người yếu lòng tin; Gần gũi, thân thiện và chân thành với mọi người, đặc biệt những người không cùng tôn giáo; Tập cho các em giáo lý biết chia sẻ và giúp đỡ nhau.

Xin cho mỗi kitô hữu luôn cảm nhận niềm vui gặp gỡ Chúa và hân hoan lên đường loan báo niềm vui Tin Mừng ấy đến cho mọi người.

Cầu nguyện

Lạy Chúa Giêsu!
Loan Tin Mừng là nhiệm vụ cấp thiết,
là sứ vụ cuộc đời Ki-tô hữu,
để Chúa đến và làm chủ nhân gian,

mang lại ơn cứu độ cho con người.


Có biết bao người đang tìm Chúa,
đang khao khát được gặp Chúa,
đang mong nghe được Lời Chúa,
đang muốn thấy Chúa qua chúng con.


Trước tiên cho con biết nguyện cầu,
để tình yêu Chúa được thấm sâu,
để có nhiều tâm hồn quảng đại,
không ngại dấn thân phụng sự Chúa.


Cho con biết hăm hở và niềm nở,
trong tương quan gặp gỡ với mọi người,
với thái độ chân thành và thương mến,
tạo an vui và liên kết vững bền.


Nhưng đến với mọi người thật không dễ,
vì trong xã hội vô thần và duy vật,
có nhiều điều cách biệt trong tâm tưởng,
với quan niệm và lối sống trái ngược.


Xin cho con cứ nỗ lực dấn thân,
dám đi đến với tất cả mọi người,
cứ nhiệt tâm ân cần với sứ vụ,
đừng nghi ngờ sợ lo hay phòng thủ,
chỉ sợ con không yêu đủ mà thôi.


Con cảm thấy như Chúa đang than thở:
“Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít...”
và con biết Chúa đang kiếm tìm người,
Này con mạo muội chân tình xin thưa:
Con đây lạy Chúa hãy đưa con vào. Amen

Lm. Thái Nguyên

 

 


[1]https://www.vaticannews.va/vi/pope/news/2020-09/dtc-phanxico-tc-luon-ra-di-tim-kiem.
 

 

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây