Chúa bảo: “Chiên Ta thì nghe tiếng Ta” (Ga 10, 27). Cuộc sống của mỗi người nghe nhiều chuyện. Nghe trên truyền thông, tivi, báo đài, điện thoại, tiếng người ta, tiếng ồn chung quanh...Nhưng những chuyện ấy không mang niềm vui, hoặc dẫn dắt vào những mê lầm, hoặc chỉ thỏa mãn những cảm xúc nhất thời. Chúa dạy: “Hãy cẩn thận điều anh em nghe” (Mc 4, 24)
Nghe tiếng Chúa, tại sao quan trọng? Tiếng Chúa mang lại niềm vui, không như thế gian ban tặng. Tiếng của ngày đầu tạo dựng “Hãy có và liền có”. Tiếng của Thiên Chúa đi tìm con chiên lạc, tiếng của Chúa “Hãy cầm lấy mà ăn”. Bao nhiêu tiếng Chúa dạy bảo khôn ngoan đích thật, tiếng nói trong lương tâm, tiếng nói trong việc làm: “Hãy ra khơi thả lưới”... rất nhiều tiếng Chúa hướng dẫn và nuôi dưỡng con người.
Nhận ra tiếng Chúa giữa nhiều thứ tiếng pha trộn. Chúng ta có thể nhận ra tiếng của ai đó mà đã từng nghe đến quen thuộc. Tiếng Chúa cũng vậy, nếu đã từng nghe, sẽ nhận ra ngay tiếng Chúa. Nghe và biết lắng nghe tiếng Chúa cũng là nghe và lắng nghe tiếng lòng mình khắc khoải và thấy được niềm vui. Điều thánh Augustine đã nhận ra: “Chúa ở trong con mà con đi tìm Chúa bên ngoài con” .
Nỗi khắc khoải của nội tâm không thể lấy thanh âm bên ngoài làm xoa dịu được. Khi ta nghe một bản nhạc êm dịu, sưởi ấm lòng ta, nhưng nó chỉ có thời hạn nhất định. Sau đó nghe lại ở dịp khác, ta chẳng còn thấy hay, thấy thấm như trước. “Không ai tắm hai lần trên một dòng sông” là câu nói của triết gia Hy Lạp cổ đại Heraclitus. Tự nhiên nó là như vậy, nỗi khắc khoải ai cũng có, chỉ có “Đấng sâu thẳm hơn sự sâu thẳm của ta” (Augustine) mới làm cho ta dịu êm nỗi khắc khoải nội tâm.
Xin cho con biết lắng nghe tiếng Chúa đến quen thuộc. Chúa là niềm vui của con, là sự sống của con, cho con thuộc về Chúa. “Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi; tôi biết chúng và chúng theo tôi. Tôi ban cho chúng sự sống đời đời; không bao giờ chúng phải diệt vong và không ai cướp được chúng khỏi tay tôi” (Ga 10, 27 – 28).
Lm Giuse Hoàng Kim Toan
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn