Hãy Học Cùng Ta (Mt 11, 29)
“Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng.30 Vì ách tôi êm ái, và gánh tôi nhẹ nhàng.” (Mt 11, 29 - 30). Cũng là cái ách, nhưng đây là cái ách êm ái, vì vậy hãy học cùng Chúa Giêsu để có được sự cần thiết cho bình an.
Cái ách: Tính kỷ luật.
Cái ách theo nghĩa tích cực đó là đời sống kỷ luật. Kỷ luật cần thiết cho một đời sống thăng tiến, đó là phương cách rèn luyện tối thiểu để bắt đầu đi trên đường hoàn thiện. Tìm hiểu bất cứ lãnh vực nào, con người cũng thấy rất cần đời sống kỷ luật. Tổ chức một xã hội thành công, như người ta vẫn thường ca ngợi đất nước Nhật Bản, trong bất kỳ trường hợp nào tính kỷ luật luôn nghiêm minh và tuân giữ. Trong đời sống tâm linh, kỷ luật là chiếc khiên che để con người chống đỡ, chiến thắng cám dỗ và tội lỗi.
Trong giai đoạn huấn luyện, người ta còn áp dụng kỷ luật thép với những hình thức áp chế, lăng nhục, xem thường các cá nhân học viên. Mục đích, dẹp bỏ tính tự ái của thành viên, trưởng thành tính trong lý trí và ý chí. Trong cuốn “Thiền luận” tác giả Suzuki cho biết tại các thiền viện, kỷ luật đề cao nhằm huấn luyện: Khiêm hạ, thanh bần và tịnh tâm. Ba đặc điểm này được thực hành bằng nhiều phương thế hà khắc để tự mỗi thành viên khi chịu áp lực sẽ tự biết chiến thắng được chính mình.
Có thể gọi kỷ luật thép, không chỉ là phương thế cứng ngắc, nhưng cũng không phải là dễ dàng. Trong tu luyện, phần lớn các nhà giáo dục không thích dùng phương pháp dạy – dỗ mà thường dùng phương pháp khắt khe, để tự bản thân mỗi người được huấn luyện, cần ý thức tự chiến thắng chính mình. Chúa Giêsu cũng nhắc các môn đệ và những người theo Chúa như Thánh Matthêu trình thuật: “Nước Trời từ thời Gioan Tẩy Giả đến nay phải dùng sức mạnh mà chiếm lấy” (Mt 11, 12). Trong tu tập thiền người ta cũng dạy: “Chân lý phải giật lấy từ tay thiền sư”.
Bao lâu còn tính kiêu căng, còn ích kỷ thì vẫn còn gánh nặng của oán thù, giận ghét, thù oán. Học sống kỷ luật để thắng chính mình là dẹp được cái tôi ích kỷ để sống với nhiều người, dẹp bớt tham muốn để sống đời thanh thoát, dẹp bớt kiêu căng để sống khiêm nhường, dẹp bớt âu lo để sống bình an. Học không ở đâu khác ngoài chính Thầy Giêsu.
Cái ách: Tính chuộc tội.
La mã thời cổ xưa, người ta có một địa điểm gọi là sororium tigillu (cái xà của người anh chị em), người ta đặt cái xà hình rui, buộc kẻ giết người phải chui qua cái xà đó. Cái ách trong luật hình sự phải chui qua đó là hình phạt của trại giam hoặc tù treo. Phải chui qua ách, là cách nhìn nhận tội lỗi của mình để từ đó giao hòa lại với anh chị em và hòa nhập lại với cộng đồng.
Theo cách nhìn nhận chung, tội lỗi của một người không những ảnh hưởng trên cá nhân người phạm tội mà còn liên đới với người anh chị em khác trong cộng đồng xã hội. Thế nên, việc đền tội không chỉ cho mình mà còn vì người anh chị em chung quanh.
Cái ách chính Chúa Giêsu mang thay cho toàn thể nhân loại chính là cây thập giá, Người là Đấng vô tội đã tự mang lấy đi đến địa điểm hành hình. Người đã chịu đóng đinh vào thập giá, để chết thay cho kẻ có tội. Hình ảnh người mang lấy ách tội thay cho nhân loại là chính Đấng Gioan Tẩy Giả giới thiệu: “Đây Đấng gánh tội trần gian” (Ga 1, 29). Một mặt khác người ta cũng thấy, viên đại đội trưởng của đội hành hình Chúa, nhận ra tội lỗi của mình đã đóng đinh người vô tội và nhiều người khác cũng đấm ngực hối lỗi và trở về (xem Ga 23, 47 – 48), đó là cái ách đau lòng hối lỗi khi trót phạm vì yếu đuối.
Mang lấy ách của Chúa và gánh của Người, vì Người đã mang thay cho nhân loại chúng ta, như kinh Tin Kính vẫn đọc: “Vì loài người chúng ta và để cứu độ chúng ta…”. Xin cho chúng con học bài học khiêm nhường và hiền lành, để sống với nhau, cho nhau và vì nhau.
Lm Giuse Hoàng Kim Toan
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn